Bàn về bài viết chữ Cần của thầy Cao Tự Thanh Trong bài viết Tìm hiểu chữ Cần trong địa danh Cần Đước (xem >> https://tunguyenhoc.word...
Bàn về bài viết chữ Cần của thầy Cao Tự Thanh
Trong bài viết Tìm hiểu chữ Cần trong địa danh Cần Đước (xem >> https://tunguyenhoc.wordpress.com/2012/11/09/tim-hieu-chu-can-trong-dia-danh-can-duoc-cao-tu-thanh/), thầy Cao Tự Thanh đã đưa ra suy luận rằng chữ Cần (thảo đầu + cân 芹) trong địa danh Cần Đước nên được hiểu là con đường (road). Theo thầy, từ việc chữ Mạt trong địa danh Mạt Cần Dưng bị "rụng" thành Cần Dưng, nên thầy suy luận rằng do đó "Hệ thống các địa danh Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Thơ ... vì vậy rất có thể vốn là Mạt Cần Giờ – đường “Giờ”, Mạt Cần Giuộc – đường “Giuộc”, Mạt Cần Đước – đường “Đước”, Mạt Cần Thơ – đường “Thơ”…, những đường sông ở các thế kỷ trước vẫn là tuyến giao thông chủ yếu của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và tất nhiên phải được ghi lại trước tiên bằng ngôn ngữ của người Khmer với tư cách là cư dân bản địa.".
Mình có đọc lại các bản dịch + Hán ngữ Gia Định Thành Thông Chí và bản dịch Đại Nam Nhất Thống Chí của NXB Thuận Hóa năm 2006, và xin thưa với bạn, là thầy Cao Tự Thanh nên xem lại thuyết này của thầy.
Bởi vì rất đơn giản:
****
1. Về hai chữ Quốc Ngữ "Cần Dưng" mà thầy Cao Tự Thanh đưa ra
a. Bản dịch Đại Nam Nhất Thống Chí tập 5 tỉnh An Giang phần Núi Sông trang 209 KHÔNG HỀ DỊCH Cần Dưng, mà là Cần Đăng, tức đoạn "Sông Thụy Hà: ở bờ phía tây sông Hậu Giang, ... đến ngã ba hợp với sông Cần Đăng ..."
b. Bản dịch Gia Định Thành Thông Chí Nguyễn Tạo năm 1972 tập II Vĩnh Thanh Trấn phần Thụy Hà trang 91 KHÔNG HỀ DỊCH Cần Dưng, mà là Cần Đăng, tức đoạn "Trực danh Ba-lạch ... hiệp cùng sông Cần-đăng ..."
c. Bản dịch Gia Định Thành Thông Chí Viện Sử Học Quyển II Sơn Xuyên Chí phần Vĩnh Thanh Trấn sông Thụy Hà trang 91 KHÔNG HỀ DỊCH Cần Dưng, mà là Cần Đăng, tức đoạn "Trực danh Ba-lạch ... hiệp cùng sông Cần-đăng ..."
d. Bản dịch Gia Định Thành Thông Chí Lý Việt Dũng Quyển II Sơn Xuyên Chí phần Vĩnh Thanh Trấn Thoại Hà KHÔNG HỀ DỊCH Cần Dưng, mà là Cần Đăng, tức đoạn "... Tục gọi là Ba Rách, ... đến ngã ba sông, hợp với sông Cần Đăng; qua tây nam 59 dặm ..."
****
2. Về hai chữ Hán Nôm "Cần Dưng" mà thầy Cao Tự Thanh đưa ra
a. Theo thầy, bản Đại Nam viết là Cần thảo đầu + cân 芹. Mình không có bản Hán ngữ này nên không biết có đúng là vậy không ?
b. Nhưng toàn bộ các bản Hán ngữ Gia Định (bản Nguyễn Tạo + Viện Sử Học + Lý Việt Dũng) ở tập 2 Sơn Xuyên Chí phần Vĩnh Thanh Trấn đoạn sông Thoại Hà CHƯA BAO GIỜ VIẾT Cần Dưng cả, mà là Cần Đăng 勤登
****
3. Và đáng ngờ nhất, là chữ Cần thảo đầu + cân 芹 mà thầy Cao Tự Thanh đưa ra để làm cứ liệu rằng đây chính là chữ Cần trong các địa danh khác như Cần Giờ / Cần Thơ / Cần Giuộc, lại HOÀN TOÀN không liên quan gì đến chữ Cần 勤 bộ lực 力 trong địa danh Cần Đăng trong bộ Gia Định phần Thoại Hà này cả. Nghĩa là, trong bộ Gia Định quyển 2 Sơn Xuyên Chí phần Vĩnh Thanh trấn đoạn Thoại Hà, địa danh Mạt Cần Đăng có chữ Hán Cần 勤 bộ lực 力, vậy chữ Cần 勤 bộ lực 力 trong địa danh Mạt Cần Đăng này chưa bao giờ là chữ Hán Cần thảo đầu + cân 芹 trong các địa danh Cần Giuộc / Cần Giờ / Cần Thơ để mà thầy Cao Tự Thanh nêu ra và nối kéo chúng lại với nhau cả.
4. Mà có địa danh Mạt Cần Dưng với chữ Hán Cần thảo đầu + cân 芹 không ? Có chứ. Mình tìm thấy nó trong bộ Hoàng Việt Nhất Thống Chí Dư Địa Chí, NXB Thuận Hóa năm 2005 trang 330 bản Quốc Ngữ hay trang 1006 (76b) bản Hán ngữ. Nhưng thầy Cao Tự Thanh chưa bao giờ nhắc gì về bộ Hoàng Việt lẫn cái tên địa danh Mạc Cần Dưng này cả. Bạn lưu ý là trong bộ Hán ngữ Hoàng Việt, tên địa danh Mạt Cần Dưng được viết là 末芹𤼸 với chữ Hán Cần thảo đầu + cân 芹.
Như vậy, với những điều này, chúng ta thật sự cần xem lại nhận định của thầy Cao Tự Thanh rằng thành tố "Cần" nghĩa là con đường theo tiếng Khmer. Bởi vì chúng ta hoàn toàn không biết thầy Cao Tự Thanh đã bao giờ thật sự so sánh chữ Cần trong các bản Hán ngữ Gia Định Thành Thông Chí tập 2 Sơn Xuyên Chí phần Vĩnh Thanh Trấn đoạn sông Thụy Hà chưa ? Bởi vì nếu thầy có tra, thì chắc là thầy không thể nào viết là có con sông Cần Dưng nào đấy với chữ Hán Cần thảo đầu + cân 芹 trong phần Thoại Hà thuộc bộ sách Gia Định Thành Thông Chí. Và chúng ta cũng có quyền nghi ngờ là làm thế nào mà trong bản dịch Đại Nam Nhất Thống Chí phần tỉnh An Giang, tên con sông được dịch Quốc Ngữ là Cần Đăng, mà thầy Cao Tự Thanh lại đọc bản Hán ngữ nào đấy là Cần Dưng ?
Bài viết này của thầy hình như là đã từ năm 1987 (theo nguồn tin này >> https://sites.google.com/site/huongnangthom/di-tich/can-duoc/can). Như vậy đã là hơn 20 năm trôi qua (năm nay là năm 2018), không biết đã có nhà nghiên cứu nào đã lên tiếng phản luận chưa ?
Mà theo mình được đọc, thì thường thầy Cao Tự Thanh rất cẩn trọng trong việc nghiên cứu, nên không hiểu tại sao ở đây thầy lại có thể nào KHÔNG SO SÁNH / NGHIÊN CỨU các bản Hán ngữ bộ Gia Định Thành Thông Chí trước khi viết ? Là học trò của thầy viết rồi để tên thầy lên chăng ? Là thầy có các bản Hán ngữ Gia Định Thành Thông Chí nào đó mà chúng ta chưa có hoặc biết chăng ? Vậy thì nếu bạn biết thầy Cao Tự Thanh ở đâu, xin bạn gởi luôn bài này đến thầy Cao Tự Thanh hỏi để chúng ta được hiểu thêm về từ những nguồn cứ liệu / văn bản Hán Nôm Gia Định Thành Thông Chí nào thầy đã dựa vào mà viết bài viết này từ hơn 20 năm trước.
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào