CÁI NÔI CỦA BẤT ỔN CHÍNH TRỊ Bất ổn chính trị từ đâu mà ra, nếu không phải phát xuất từ ngay chính cái thể chế đang cai trị trong lòng một q...
CÁI NÔI CỦA BẤT ỔN CHÍNH TRỊ
Bất ổn chính trị từ đâu mà ra, nếu không phải phát xuất từ ngay chính cái thể chế đang cai trị trong lòng một quốc gia mà nên? Với hai kiểu lý do chính yếu nhất: một là do chính sự tha hoá nội tại của nó, vì không thể kiểm soát được quyền lực của chính hệ thống; hai là do bản thân nó đã thực thi các chính sách sai lầm, không những vậy, nó còn tiến tới việc trừng phạt hà khắc người dân khi đứng ra phản đối nó.
Hành vi chính trị của người dân, được hiểu là những con người dân sự nằm ngoài hệ thống công quyền, thông thường chỉ là đơn lẻ và có tính cá thể. Nó chỉ trở thành một hành vi và ý chí có tính tập thể là bởi nó được coi như là một hệ quả bắt đầu từ hành vi chính trị của chính quyền trước đó làm nguồn cơn.
Người dân thiết lập nên chính quyền là để đảm bảo rằng họ sẽ được sống an toàn về tính mạng, sức khoẻ, về quyền tài sản và các quyền mưu cầu hạnh phúc của mình. Cho nên, bất cứ hành vi quản lý nào của chính quyền cũng đều sẽ tác động hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt cuộc sống của từng cá nhân trong xã hội.
Người dân, về mặt nguồn gốc và bản chất, là chủ nhân các quyền lực của chính thể, nhưng mọi hành vi điều quản quốc gia của nhà nước lại mới là thứ tác động thường xuyên nhưng lại có tính đơn phương hướng tới người dân.
Chính bởi điều đó mà bản thân bất ổn chính trị chỉ có thể khởi sinh từ trong chính thể chế chính trị. Và vì vậy, một thể chế mà chỉ lo chống đỡ với chính sự tha hoá quyền lực của mình thì không những sẽ chỉ tạo nên sự bất ổn về mặt chính trị, mà nó còn đem tới hậu quả là nhân dân không những mất đi sự bảo vệ có tính pháp lý từ nhà nước, đồng thời quốc gia cũng sẽ không thể phát triển bởi những sự hỗn loạn và từ đó là không thể tập trung vào công việc của mình từ chính những thiết chế có quyền thiết lập và thực thi chính sách lên toàn bộ xã hội.
Lúc này, chính quyền không chỉ bị suy thoái và trở nên rối loạn, bị mất kiểm soát, mà nó còn tạo ra vô số các bất công đè lên đầu người dân, nó tạo ta các loại tội phạm nằm trong lòng chính tổ chức quyền lực, nó cũng bỏ mặc tội phạm ngoài xã hội hoành hành, chưa chỉ dừng lại ở đó, nó còn tìm cách dồn đẩy nhân dân vào “khi vực trật tự và an toàn” để coi như chính người dân mới là nguyên nhân của mọi sự bất ổn.
Nhưng nên nhớ một nguyên lý rằng, nhân dân sẽ không bao giờ phản kháng bằng việc thực thi một quyền năng chính trị một khi nhà nước đã đảm bảo rằng chính nó đã nghiêm túc thực hiện hợp pháp những hành vi chính trị của kình trong việc điều hành quốc gia. Nếu hành vi quản trị đất nước đúng đắn và tốt đẹp, hẳn nhiên rằng nhân dân không có ý do và cũng không có tâm trí để dùng đến sự phản kháng, vì không có sự sai trái, người dân sẽ không tự vệ.
Do vậy, mọi bất ổn chính trị, không phải do người dân là những người quyết định, mà hoặc là do nhà nước trực tiếp là nguồn cơn hoặc do chính nó đã dung dưỡng (ngấm ngầm bảo kê hoặc giật dây) những hành vi bất ổn chính trị để có lý do đàn áp những người phản kháng chính đáng nhằm đổ lỗi cho nhân dân là những kẻ bất trị mà quên đi rằng chính nó, tức chính quyền, mới là cái nôi của những bất ổn.
Một nhà nước trong sạch và vững mạnh, bản thân nó không tạo ra những bất công, nó cũng vì thế không nương tay với những hành động sai trái của chính quyền cũng như của người dân trong cuộc sống. Như vậy thì, xã hội đã trở nên tốt đẹp và an toàn, bản thân nó là một trạng thái trật tự và ổn định, sẽ không có cớ lý gì để người dân tìm đến các hành độnd chính trị của mình, chỉ trừ khi chính quyền đã xâm hại vào nó, một cách trực tiếp và thường xuyên.
Nghĩa là, mọi bất ổn chính trị bắt nguồn từ việc chính quyền đặt mục tiêu ổn định trật tự xã hội bằng mọi giá và bằng mọi phương cách, nghĩa là, nó tự coi mình là ngoại lệ của luật pháp trong hầu hết các trường hợp và hoàn cảnh.
Lê Luân
Không có nhận xét nào