CÁNH CỬA CỦA GIÁO DỤC Chúng ta ngay từ nhỏ đã giáo dục cho những đứa trẻ quá nhiều bài học bạo lực qua những trang sách lịch sử chiến tranh ...
CÁNH CỬA CỦA GIÁO DỤC
Chúng ta ngay từ nhỏ đã giáo dục cho những đứa trẻ quá nhiều bài học bạo lực qua những trang sách lịch sử chiến tranh và cả các câu chuyện cổ tích, dân gian có tính khôn vặt, lưu manh, thủ đoạn, xảo trá để coi là trí tuệ tinh khôn. Chúng ta cũng giáo dục và gieo rắc vào đầu chúng những tư tưởng giai cấp, tôn sùng lãnh tụ và đảng, và không dạy chúng những quyền cơ bản của con người hay các giá trị luật pháp để có thể sống trong một môi trường an toàn và lành mạnh.
Chúng ta đã ca ngợi quá nhiều về chủ nghĩa lý tưởng mà ngay người lớn còn chưa hiểu nổi và định hình được. Chúng ta đã làm cho chúng tôn thờ đảng, lãnh tụ và coi đó là tổ chức bất khả xâm phạm, nằm ngoài mọi sự phán xét và tính đúng sai của nhận thức, chân lý. Chúng ta không dạy chúng quyền phản kháng mà nhồi vào đầu chúng rất nhiều những hình ảnh bạo lực và những người dạy học cũng chẳng khác gì về một lề thói bạo lực trong cả tâm thức lẫn hành xử. Vì những người đứng trên bục giảng cũng đã được hưởng một nền giáo dục trống rỗng về quyền con người và luật pháp cơ bản nhất, ngay cả khi họ đã đi đến bước cuối cùng trước cánh cửa của đời người.
Chúng ta đã dạy chúng những tư tưởng về giai cấp, về lý thuyết chủ nghĩa, về các hình tượng giải quyết vấn đề bằng bạo lực, bằng chuyên chế và thủ thuật, gian xảo. Chúng ta coi mục đích của giáo dục là để hình thành nên những tầng lớp sao cho thoả cái tiêu chuẩn và điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, và coi chủ nghĩa Marx Lenin là nền tảng và bao trùm của nhận thức. Trong khi chủ nghĩa ấy đề cao sự độc tôn của tổ chức nắm quyền, lấy sự đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng làm cơ sở của học thuyết.
Vì vậy, khi mà con người trở nên bế tắc về tư duy và nhận thức, người ta sẽ tìm đến các phương cách và những hành động bạo lực để giải quyết vấn đề một cách triệt để và mau lẹ.
Chính chúng ta đang biến các ngôi trường ngày càng trở nên là một cuộc tranh đấu cho sự sinh tồn mà mỗi ngày trở nên khắc nghiệt và tàn khốc hơn. Trường học là cái nôi của các cuộc cách mạng về ý thức giai cấp và chủ nghĩa.
Xuất phát điểm của chúng ta chính là vấn đề giai cấp và lấy mục đích chính trị làm trung tâm, nó đã vì thế xâm chiếm và chi phối toàn bộ nền giáo dục. Mỗi giai đoạn là một bước đào tạo về nhận thức giai cấp ngày càng rõ nét hơn. Một chủ nghĩa tiến tới không còn nhà nước và không còn luật pháp tồn tại nữa, thì mục tiêu đó sẽ khiến cho chúng ta tìm đến mọi phương tiện để hiện thực và làm hiển hiện chúng ngay từ trong các hành động và trong mọi thời khắc của hiện tại. Mục đích lúc này trở thành phương tiện toàn diện để đạt tới cái trạng thái mà nó đã được đặt ra.
Cái mâu thuẫn và xung đột kinh điển của thứ chủ nghĩa này là: giáo dục nhận thức về giai cấp để thực hiện các biện pháp và tiến tới xoá bỏ giai cấp; tuyên truyền về lòng bao dung và lẽ công bằng nhưng thực hiện chúng bằng cách tạo ra những khoảng cách của lợi ích và dùng các hành xử bất công, bạo lực để chế áp; huấn thị vai trò của luật pháp rằng chúng mang bản chất của giai cấp thống trị để tiến tới xoá bỏ luật pháp khỏi đời sống xã hội; tuyên bố về quyền lực nhân dân nhưng chỉ có duy nhất đảng mới có toàn quyền lãnh đạo và tuyệt đối; nó chia đều quyền sở hữu đất đai bằng khái niệm sở hữu toàn dân (công hữu tư liệu sản xuất) nhưng lại tập trung đặc định hoàn toàn vào nhà nước mà người dân chỉ có quyền hưởng dụng (sử dụng và chuyển nhượng quyền này).
Chúng ta đã để chính trị là mục đích của giáo dục, và nó cũng bỗng chốc trở thành phương tiện để thực hiện các phương cách giáo dục lên các thế hệ. Họ đã luôn muốn và luôn nghĩ rằng chính trị là cứu cánh của giáo dục và coi giáo dục là một phương tiện, chứ không phải là điều ngược lại, giáo dục mới là cứu cánh thực chất của chính trị và vì vậy nó phải nằm ngoài địa phận và lãnh giới của (các mục đích) chính trị.
Lê Luân
Không có nhận xét nào