CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THÂN HỮU LÀ CÁI GÌ VẬY? Hình như cum từ "Chủ nghĩa tư bản thân hữu" là do nguyên Phó ban tuyên giáo TW Vũ Ngọc Ho...
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THÂN HỮU LÀ CÁI GÌ VẬY?
Hình như cum từ "Chủ nghĩa tư bản thân hữu" là do nguyên Phó ban tuyên giáo TW Vũ Ngọc Hoàng lần đầu tiên nói đến trong một bài viết đăng trên Tạp chí Tuyên giáo. Cùng với cụm từ này là "các nhóm lợi ích" hay "lợi ích nhóm" cũng được tung ra với tinh thần đấu tranh trên mặt trận chống tham nhũng.
Nhiều người hả hê dùng đi dùng lại những cụm từ này như một kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của mình. Đám dân chúng cũng tin sái cổ, như là tin thần ngôn (logos) vậy.
Thực chất, không có chủ nghĩa tư bản nào, dù là hoang dã hay hiện đại, không có thân hữu hay lợi ích nhóm. Theo Wikipedia, "Chủ nghĩa tư bản là một hình thái kinh tế – xã hội của xã hội loài người, xuất hiện đầu tiên tại châu Âu, phôi thai và phát triển từ trong lòng xã hội phong kiến châu Âu và chính thức được xác lập như một hình thái xã hội tại Hà Lan và Anh ở thế kỷ XVII. Sau cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII, hình thái chính trị của "nhà nước tư bản chủ nghĩa" dần dần chiếm ưu thế hoàn toàn tại châu Âu và loại bỏ dần hình thái nhà nước của chế độ phong kiến, quý tộc. Và sau này hình thái chính trị – kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa lan ra khắp châu Âu và thế giới". Sự hình thành chủ nghĩa tư bản hiển nhiên dựa vào quan hệ thân hữu và lợi ích nhóm trong quá trình tích lũy tư bản. Ngay từ lúc phôi thai, giới tư bản đã cấu kết với nhà nước phong kiến, đúng hơn nhà nước phong kiến đã tạo ra đủ loại sân trước sân sau để làm giàu, lấy tiền tư bản để bảo vệ quyền lực của mình. Ngay cả khi chế độ phong kiến bị lật đổ để hình thành nhà nước tư bản, từ tư bản công nghiệp sang tư bản ngân hàng, nhà nước tư bản vẫn là nhà nước của các nhóm lợi ích thân hữu. Cho đến nay, không có nhà nước nào không hình thành các tập đoàn lợi ích thân hữu. Chỉ khác là các nhà nước tư bản văn minh đã tạo ra một thị trường cạnh tranh tự do chứ không định hướng cho nhóm lợi ích nào.
Bản thân khái niệm "tư bản" đã mang nghĩa là "thân hữu" và "lợi ích nhóm". Chẳng nhẽ có loại "chủ nghĩa tư bản bất vị thân" và "phi lợi ích" hay "chủ nghĩa tự bản xã hội chủ nghĩa"? Tôi thấy ông Vũ Ngọc Hoàng đã thiếu hiểu biết triết học lại còn dốt tiếng Việt nên mới dùng tùy tiện như vậy. Và tiếc là lại có vô số trí thức ăn theo nói leo ông.
Marx từng vạch ra, lợi ích tư bản là động lực cạnh tranh và phát triển tư bản. Trong hình thái cấu kết giữa chính quyền và giới tư bản ắt sẽ gây ra hậu quả "cá lớn nuốt cá bé" và sinh ra chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Vậy lý luận chống "chủ nghĩa tư bản thân hữu" hay "nhóm lợi ích" là chống như thế nào và có chống được không khi ông Thủ tướng vừa nói rằng, Thủ tướng "biết chắc mỗi đồng chí có đến 14, 15 cái sân sau" mà không làm được gì?
Dân ta tin cuộc đấu tranh trên mặt trận chống "chủ nghĩa tư bản thân hữu" và "lợi ích nhóm" là còn tin vào chủ nghĩa xã hội lắm lắm. Nhưng đồng chí Đỗ Mười, người từng thẳng tay làm cách mạng cải tạo tư sản thì đã mất rồi, ai còn đủ khả năng chống quyết liệt để tiến nhanh tiến mạnh về chủ nghĩa xã hội của những năm trước 1986?
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào