Gia đình là mái ấm, cái nôi ươm mầm nhân cách chứ đừng biến thành nhà tù Một đại biểu QH vừa đề nghị giảm tải nhà tù bằng cách áp dụng chế đ...
Gia đình là mái ấm, cái nôi ươm mầm nhân cách chứ đừng biến thành nhà tù
Một đại biểu QH vừa đề nghị giảm tải nhà tù bằng cách áp dụng chế định tù tại gia.
Đề xuất này vốn được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu ra chiều 12-11 tại phiên họp tổ thảo luận dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi). Ông Phớc (đại biểu Nghệ An) đề nghị cơ quan soạn thảo luận "nghiên cứu hình thức tù tại gia".
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng hình phạt này có thể áp dụng đối với người phạm những tội ít nghiêm trọng như cố ý gây thương tích hoặc các hành vi đối xử trong gia đình…, chứ không thể áp dụng đối với các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, ma túy, tham nhũng…
"Hình thức thi hành án tại gia đình sẽ giảm áp lực cho các nhà tù, giảm ngân sách, có tác dụng giáo dục vì nó khiến cho người vi phạm phải xấu hổ trước cộng đồng, trước người thân", ông Phớc nói.
Để thực hiện hình thức phạt này, đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng các cơ quan có trách nhiệm nên nghiên cứu cơ sở vật chất phù hợp, ví dụ như các buồng sắt giam giữ, khi thi hành án thì đem buồng sắt đấy đến nhà phạm nhân, giám thị cầm chìa khóa buồng sắt, còn lại để gia đình phạm nhân chăm sóc, cùng giám sát, chịu trách nhiệm.
Cũng có ý kiến không đồng tình. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp - cho biết trong quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự và thi hành án hình, hình thức "tù tại gia" từng được đặt ra một số lần, căn cứ là trên thế giới cũng có một số quốc gia áp dụng.
"Nhưng cá nhân tôi cho rằng nếu thực hiện tù tại gia, mà lại thiết kế buồng giam sắt hoặc gỗ đặt tại nhà của người bị án tù, nhốt họ vào đó, rồi hằng ngày cha mẹ, vợ chồng, con cái người ta nhìn thấy, phải chăm sóc thì rất đau lòng và cũng không phải là nhân văn", bà Thủy bày tỏ.
Cũng như đại biểu Nguyễn Thị Thủy tôi không đồng tình với hình thức tù tại gia .
Gia đình, cái nhà là mái ấm là vườn ươm công dân, là vườn nhân cách không ai được phép biến sự riêng tư thiêng liêng, bất khả xâm phạm bằng hiến định đó thành những nhà tù mini và ở đó người thân của họ bị giam trong lồng sắt như đối với vật nuôi hung dữ.
Cách ly tù nhân ra khỏi xã hội là biện pháp hạn chế sự nguy hiểm có thể do hành vi họ gây ra chỉ là một biện pháp trong rất nhiều biện pháp thay đổi nhân cách con người khi họ bị án phạt.
Nhà tù là một xã hội thứ hai, là một trường học rèn lại những nhân cách đã bị méo mó.
Theo báo Tuổi Trẻ Tại một số nước, việc giam giữ tại nhà được thực thi bằng cách sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ. Một phương pháp thường dùng là còng điện tử gắn vào mắt cá chân phạm nhân. Thiết bị này có một cảm biến điện tử sẽ truyền tín hiệu định vị GPS về nơi quản lý, có thể là sở cảnh sát hoặc một công ty quản lý dịch vụ giám sát.
Theo đó khi phạm nhân đi quá xa khỏi ngôi nhà, vi phạm của họ lập tức được ghi lại và thông báo tới cảnh sát. Để ngăn ngừa ý đồ "tháo còng", nhiều thiết bị còng điện tử còn có tính năng phát hiện và thông báo khi phạm nhân thử tìm cách tháo còng.
Dịch vụ theo dõi này thường được các sở cảnh sát ký hợp đồng với một đối tác cung cấp công nghệ theo dõi điện tử. Công ty này sẽ có các nhân viên theo dõi đồng thời nhiều phạm nhân cùng lúc.
Khi có vi phạm, thiết bị điện tử lập tức phát tín hiệu tới cảnh sát, và tùy theo mức độ vi phạm, người tù ở xa sẽ bị kết án theo cấp độ tương ứng.
Ngoài ra nhà chức trách còn một phương pháp khác để đảm bảo tù nhân tuân thủ hình phạt giam giữ tại nhà của họ là dùng dịch vụ gọi thoại tự động.
Theo đó, các cuộc gọi thoại ngẫu nhiên sẽ gọi tới nơi ở của tù nhân bị giam tại nhà. Câu trả lời của họ sẽ được hệ thống ghi âm lại, và sau đó tự động đối chiếu với mẫu giọng nói của phạm nhân.
Nếu không ai trả lời cuộc gọi tự động, hoặc nếu câu trả lời không khớp với mẫu giọng nói của phạm nhân, thông tin này lập tức cảnh báo tới nhà chức trách.
Như vậy vấn đề tù tại gia sẽ còn là vấn đề nên gác lại, việc này cần được chuẩn bị bài bản hơn nhưng dứt khoát không thể chấp nhận chuyện hàn lồng sắt đặt tại nhà để biến mái ấm gia đình thành ngục tù.
Tôi đồng tình với sự cẩn trọng của bộ trưởng Tô Lâm, Khi phóng viên đề cập đến đề xuất áp dụng hình thức "tù tại gia", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ trả lời ngắn gọn: “Đây là vấn đề mới, chúng tôi ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu”.
Hoang Linh
Không có nhận xét nào