Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HÃY BẮT ĐẦU BẰNG VIỆC GỌI “ĐÚNG TÊN”

Hãy bắt đầu bằng việc gọi ĐÚNG TÊN… Hồi đầu tháng 3 năm nay, có tin cho hay rằng một bác sĩ giải phẫu ở Kenya đã mỗ não nhầm bệnh nhân ở bệ...

Hãy bắt đầu bằng việc gọi ĐÚNG TÊN…

Hồi đầu tháng 3 năm nay, có tin cho hay rằng một bác sĩ giải phẫu ở Kenya đã mỗ não nhầm bệnh nhân ở bệnh viện Nairobi. Lúc đó có 2 bệnh nhân có liên quan đến phần đầu, một bệnh nhân bị cục máu đông trong não (blood clot) cần được mỗ để lấy ra, một bệnh nhân khác chỉ cần điều trị sưng (swelling) nhưng không cần mỗ. Tuy nhiên, vì một lý do gì đó mà miếng thẻ ghi danh tính (identification tag) của hai bệnh nhân này bị đổi cho nhau và dẫn đến kết quả đáng tiếc như trên! Rồi sang đến tháng 4 năm nay, một bác sĩ phẫu thuật khác ở Ấn Độ của bệnh viện New Delhi cũng đã phạm một sai lầm tương tự khi đáng ra phải khoan vào chân một người bị gãy xương để đặt một chốt cố định xương (insert a pin) thì anh ta lại khoan vào chân một người bị thương ở đầu do tai nạn giao thông. Các trường hợp như vậy xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau (do sơ xuất, do bất cẩn,…) tuy nhiên có thể quy kết chung đó là do người bác sĩ “không xác định đúng đối tượng” cần được điều trị.

Để nói thêm sự quan trọng của việc “nhìn nhận đúng đối tượng” thì mình lấy một ví dụ khác đó là tế bào ung thư. Chắc các bạn còn nhớ cách đây không lâu giải Nobel Y Học được trao cho hai nhà khoa học có công lớn phát hiện ra một cơ chế “tinh vi” của tế bào ung thư trốn tránh hệ thống kiểm soát của hệ miễn dịch. Trong cơ chế đó, các tế bào ung thư thay vì bị các tế bào miễn dịch phát hiện và tiêu diệt (như công an bắt cướp) thì tế bào ung thư tự gắn một bảng hiệu lên màng tế bào của nó có tên là PD-L1 để các tế bào miễn dịch nhầm tưởng chúng là các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Sự nhầm tưởng này đã làm cho các tế bào miễn dịch bỏ qua chúng và để chúng vẫn phát triển! Được ví như trộm cướp vẫn tiếp tục hoành hành giữa lòng công an, bộ đội… Nói chung đó là do tế bào miễn dịch “không xác định đúng đối tượng” cần được tiêu diệt. 

Tóm lại, việc xác định đúng đối tượng là quan trọng trong rất nhiều trường hợp, trong khoa học cũng như trong xã hội! Việc gọi sai tên, xác nhận sai đối tượng, tránh tráo khái niệm nếu bị xem nhẹ thì vô tình nó có thể gây nên những hậu quả khôn lường. 

Hồi nhỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình thường được dạy là “Sài Gòn” gắn liền với “bọn Mỹ Ngụy” để ám chỉ sự xấu xa của chế độ trước 1975 (lúc ấy mình không biết đó là một nhà nước độc lập hẳn hoi như Nam Hàn bây giờ đâu nhé). Cuộc “giải phóng” năm 1975 với mục đích đưa người dân “thoát khỏi cái chế độ ngụy quyền đen tối” ấy để toàn dân hân hoan đi lên thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa với điểm nhấn là sự đổi tên thành phố Sài Gòn thành Hồ Chí Minh. Do vậy, những sự kiện xảy ra trên thành phố này (dù tốt hay xấu) từ sau 1975 nên được gắn liền với tên gọi đúng của nó là Tp Hồ Chí Minh thay vì gọi là Sài Gòn để tránh gây hiểu nhầm! 

Sau cơn bão số 9, mấy ngày hôm nay mình thấy tràn ngập trên báo giấy cũng như báo mạng là “Sài Gòn” ngập lụt, “Sài Gòn” thất thủ, “Sài Gòn” ngập đường, tê liệt… Tôi thấy ở đây có một điểm sai về “nhận định đối tượng”! Đó không phải là “Sài Gòn”, mà đó là thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh ngập nước của thành phố này đã trở nên khá nghiêm trọng dù là mưa nhỏ hay bão lớn có vẻ như không phải nguyên nhân sâu xa từ trước 1975 mà từ sau này do các nguyên nhân có thể kể ra như việc đô thị hóa không có kế hoạch, lấn chiếm cống thoát nước, cửa xả, kênh rạch, triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, v.v… (đọc thêm phần tài liệu tham khảo phía dưới). Việc gắn liền tên gọi đúng của thành phố trong trường hợp này giúp chúng ta nhìn nhận đúng hiện tượng và nguyên nhân xảy ra hơn! 

Một số bạn lấy lý do là gọi “Sài Gòn” cho ngắn gọn thì mình cũng góp ý là các bạn có thể dùng từ “Thành Hồ” cho Thành Phố Hồ Chí Minh thì vẫn phù hợp hơn và đúng nghĩa hơn. 

Nói chung, qua bài viết ngắn này mình kêu gọi các bạn hãy góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn bắt đầu bằng cách gọi ĐÚNG TÊN. 

California, ngày 25 tháng 11 năm 2018,
TS. Nguyễn Hồng Vũ 
Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA

Tài liệu tham khảo:
https://www.bbc.com/news/world-africa-43255648
https://medicalxpress.com/news/2018-04-indian-doctor-patients-wrong-surgery.html
https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bac-si-lien-tuc-cat-mo-nham-2016080222391629.htm

Vì sao Tp. Hồ Chí Minh bị bệnh “ngập nước”
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/tp-hcm-ngap-vi-sao-3475244.html
https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vi-sao-tp-hcm-khong-bot-ngap-3752084.html
https://thanhnien.vn/thoi-su/vi-sao-tphcm-thuong-xuyen-ngap-ung-sau-mua-lon-971343.html
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44187462




Không có nhận xét nào