Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HÃY DẠY TRẺ EM PHÒNG VỆ VÀ PHẢN KHÁNG

HÃY DẠY TRẺ EM PHÒNG VỆ VÀ PHẢN KHÁNG  Chắc chắn không ít trẻ em từng bị các thầy cô giáo bạo hành chỉ vì những sơ suất đơn giản: đi trễ vài...

HÃY DẠY TRẺ EM PHÒNG VỆ VÀ PHẢN KHÁNG 

Chắc chắn không ít trẻ em từng bị các thầy cô giáo bạo hành chỉ vì những sơ suất đơn giản: đi trễ vài ba phút, chuẩn bị bài không hết, nói chuyện trong giờ học... Đơn giản nhưng bị trừng phạt nặng nề vì những sơ suất ấy ảnh hưởng đến thành tích thi đua của các thầy cô giáo.
Các sự vụ báo chí và dư luận phanh phui chỉ là bề nổi của tảng băng bởi đâu đâu cũng chạy theo thành tích một cách dối trá. Nhiều sự vụ trẻ em bị hạ nhục hoặc bị bạo hành nhưng được giấu kín do trẻ em bị đe dọa hoặc gia đình nể nang hoặc được dàn xếp cho qua. 
Không ở đâu trên thế giới mà chỉ có ở Việt Nam. Học sinh Việt Nam học chính khóa rồi học thêm cả ngày đêm, lại mới 6h30 hay 12h30 phải vào lớp, chúng không kịp ăn, không kịp ngủ, thỉnh thoảng không trễ mới là chuyện lạ. Còn bài vở thì môn nào cũng soạn trước khi học bài mới, bài tập chồng chất, có thánh cũng không thể chuẩn bị kịp, trừ phi lên mạng chép như cái máy.
Tôi dạy tại chức, rồi lớp nâng hạng ngạch toàn thầy cô giáo. Thời gian vào lớp 7h30 mà nhiều thầy cô 8h, 8h30 vẫn còn lục tục đến lớp. Buổi chiều mặc dù quy định là 13h30 mà lại có nhiều thầy cô 14h, 15h mới đến với lý do ngủ quên?! Còn nói chuyện trong giờ học thì không thầy cô nào không nói chuyện. Tởm nhất là học xong học phần thường đề nghị "thầy ra đề trong tài liệu để chúng em chép".
Những lúc như thế, tôi thường dẫn lời cụ Khổng: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" - điều mình không muốn không nên bắt kẻ khác làm - cũng đồng nghĩa với điều thầy cô không làm được thì đừng bắt học sinh phải làm. Nhưng tôi biết nước đổ lá khoai. Về trường, các thầy cô vẫn phạt học sinh đi trễ, phạt không chuẩn bị bài, phạt học sinh nói chuyện, phạt học sinh xem tài liệu... để lấy thành tích. Mà toàn là hình phạt nghiêm khắc như bắt úp mặt vào tường, quỳ cả buổi, uống nước giẻ lau... kể cả cho ăn tát!
Thầy cô giáo như vậy thuộc đầu óc khốn nạn của một môi trường giáo dục khốn nạn!
Ngay từ vài chục năm trước, khi con tôi bị bạo hành, tôi đã dạy cho chúng cách phòng vệ và phản kháng quyết liệt:
1) Nếu con phạm lỗi con hãy cúi đầu xin lỗi thầy cô, hứa khắc phục và xin được tha thứ. Và hãy nói "danh dự, thân thể của con là bất khả xâm phạm" nếu thầy cô có ý hạ nhục và sử dụng vũ lực. Đó là cách phòng vệ để không bị bạo hành.
2) Nếu thầy cô vẫn không tha thứ mà một mực hạ nhục và sử dụng vũ lực, con hãy bỏ chạy ra sân trường hoặc thậm chí ra đường kêu cứu. Nếu gặp hoàn cảnh bất khả kháng và đã xảy ra sự vụ thì không được giấu diếm mà hãy nói cho bố mẹ biết để can thiệp kịp thời.
Nhà trường phương Tây dạy trẻ em cách phòng vệ như vậy. Thậm chí một người lạ cũng không được nắm tay hay chạm vào thân thể của đứa bé nếu bé chưa cho phép. Trường hợp có dấu hiệu bị xâm phạm, đứa bé có quyền gọi cảnh sát can thiệp. Cách phòng tránh đó không chỉ chống kẻ xâm phạm bằng bạo lực mà còn chống tệ nạn ấu dâm, bắt cóc.
Luật Giáo dục Việt Nam không cho phép làm nhục và bạo hành trẻ em, nhưng không có nội dung dạy trẻ em phòng vệ và phản kháng nếu có nguy cơ bị xâm phạm. Người ta đã không dạy cách phòng vệ và phản kháng mà lại bịa ra những trò chơi mất dạy như nắc (bong bóng) đít, cắn (dưa leo, táo) vú, bướm... kể cả mạo hiểm đi trên mẻ chai để gọi là kỹ năng sống.
Luật cấm nhưng lãnh đạo vẫn tạo điều kiện cho các bạo chúa học đường ngồi chễm chệ trên ngôi "cao quý" để hạ nhục, bạo hành trẻ em. Đã thế thì các phụ huynh hãy tự dạy con mình cách phòng vệ và phản kháng như trên. Và khi sự cố xảy ra, đừng âm thầm chịu đựng hay cho qua mà hãy đấu tranh đến nơi đến chốn để cùng nhau loại bỏ bạo chúa học đường ra khỏi nhà trường văn minh.
Chu Mộng Long
------------



Không có nhận xét nào