Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HƯỚNG NGHIỆP CHO TRẺ

Hướng nghiệp cho trẻ  Thỉnh thoảng, tôi vẫn có những buổi cà phê với võ sinh và phụ huynh học sinh. Trên lớp tôi thường không có thời gian n...

Hướng nghiệp cho trẻ 

Thỉnh thoảng, tôi vẫn có những buổi cà phê với võ sinh và phụ huynh học sinh. Trên lớp tôi thường không có thời gian nói chuyện riêng với võ sinh nào. Ai đã chứng kiến tôi dạy võ thì một cuộc điện thoại của bạn gọi đến nếu tôi có nghe, cũng chỉ mấy giây rồi gọi lại sau. Tôi trận trọng thời gian của phụ huynh, của võ sinh đã bỏ ra khi tập luyện với mình nên không thể dùng thời gian ấy vào việc riêng. 
Tôi muốn nói chuyện riêng với võ sinh bởi ngoài việc tập luyện võ thuật, tôi muốn có ảnh hưởng tốt với tương lai của võ sinh. Tôi muốn nói chuyện về quan niệm sống, nghề nghiệp, về khát vọng, ước mơ và điều võ sinh đang làm để xây dựng tương lai của mình. 
Có võ sinh hát rất hay, thích tập đàn nhưng mẹ bảo làm ca sỹ con sẽ kiếm được ít tiền và chỉ muốn con tập trung vào toán, văn, ngoại ngữ... 
Tôi không đồng ý về điều này. Trong hàng triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông mỗi năm, có bao học sinh nổi bật lên bởi tài năng riêng của mình thay vì có được kết quả học tập giống bao triệu người khác? 
Thế hệ của tôi không được hướng nghiệp, tôi vào Bách Khoa chỉ bởi trường ấy oách, nghe có vẻ nam tính nhưng mấy nghề tôi học ở BK, không bao giờ được dùng chỉ bởi đơn giản là tôi không thích mấy nghề ấy. 
Điều tôi muốn nói với phụ huynh của bạn nhỏ kia là đừng suy nghĩ dập khuôn và đừng chỉ theo những ngành hứa hẹn mang lại tiền bạc trong tương lai. 
Nếu là ca sỹ giỏi, tiền sẽ tới. Nếu là ca sỹ không thật sự giỏi, con vẫn có thể làm điều gì đấy liên quan tới nghệ thuật để kiếm ra tiền. Vừa kinh doanh nhạc cụ, lập ban nhạc, đi hát hay chơi nhạc ở các quán bar, bầu sô, sáng tác nhạc... 
Tôi muốn nhấn mạnh tới niềm đam mê. Nếu chỉ tập trung vào thứ kiếm ra tiền thì cuộc sống của chúng ta chán chường biết bao. Tất cả chỉ là những cá thể chỉ biết chăm lo cho vật chất và như vậy thì tâm hồn còn chỗ nào để quẫy đạp, mơ mộng và thực sự thành công về góc độ sâu kín nhất của mỗi người là được sống đúng với bản thể sâu kín của mình. 
Nếu tiếp tục làm vậy, phụ huynh đã vô tình làm mòn mỏi đi sức sống tâm hồn. Vật chất là cần thiết nhưng không bao giờ là mục đích cuối cùng. 
Hơn nữa, một con người có thể làm mấy việc khác nhau. Vẫn có thể kiếm tiền và vẫn có thể nuôi niềm đam mê của mình. 
Vấn đề mấu chốt ở đây là khi ta làm một việc không đam mê, ta sẽ không bao giờ có thể thành công thực sự được. 
Điều tôi sợ nhất khi gặp một thiếu niên, thanh niên là chúng không có một niềm đam mê nào trong đời. Ấy là một thảm hoạ rất khó khắc phục. 
Do vậy, nếu phụ huynh nào thấy con đam mê điều gì, ấy là một điều tuyệt vời, hãy hỗ trợ con hết mình. 
Người mẹ ấy bảo sợ con lại vất vưởng theo kiểu nghệ sỹ, sợ những vấn đề của show biz. 
Nhưng đấy lại là một góc nhìn hạn hẹp. 
Nghệ sỹ không phải cứ tóc dài, ăn mặc khác người rồi vật vờ cà phê, trà đá vỉa hè. 
Nghệ sỹ là lao động miệt mài, là kỉ luật, tự giam cầm mình trong đam mê của mình, từ chối những thú vui tầm thường tốn thời gian, vô bổ để cống hiến bản thể mình cho nghệ thuật mình say mê. 
Tôi biết, nhiều phụ huynh vì quá bận rộn trong công việc của mình nên góc nhìn hạn hẹp. Nếu quan tâm tới con, các bạn hãy mở rộng tầm nhìn của mình trước. 

Chau Doan Karate Do




Không có nhận xét nào