Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

QUYỀN LỰC NHÂN DANH VÀ TƯỚC ĐOẠT (Phần II)

QUYỀN LỰC NHÂN DANH VÀ TƯỚC ĐOẠT (Phần II) “Vấn đề cũng chưa chỉ dừng lại ở đó, mà chính quyền còn tìm đủ mọi cách để định hình và thiết lập...

QUYỀN LỰC NHÂN DANH VÀ TƯỚC ĐOẠT
(Phần II)

“Vấn đề cũng chưa chỉ dừng lại ở đó, mà chính quyền còn tìm đủ mọi cách để định hình và thiết lập các nhóm người (đám đông) ủng hộ nó trong tương lai khi trở thành những công dân ngay từ thời niên thiếu. Những đứa bé sẽ được đào tạo một cách bài bản để trở thành những bản thể với tư duy và nhận thức theo cái cách mà chính quyền hằng mong muốn, bằng một loạt các biện pháp như: qua hệ thống giáo dục được áp đặt bởi hệ tư tưởng mà kẻ cầm quyền tôn dựng và thờ phụng – lập ra các quy chế ban ơn và trừng phạt ngay trong các trường học; qua việc duy giữ hệ thống văn hoá lệ tục thứ bậc trên dưới trong gia đình và xã hội để xác lập vị thế tuân phục từ những đứa trẻ - xây dựng và tước đoạt ý chí thể nhân thông qua tôn ti trật tự nhờ mối liên hệ huyết thống hay dòng họ hoặc dựa vào vị trí xã hội, nghề nghiệp; qua sự tuyên truyền thường xuyên về mặt truyền thông, truyền hình, báo chí về những điều tốt đẹp (bao gồm cả vấn đề an ninh, trật tự, phúc lợi) mà xã hội đang được thừa hưởng xuất phát từ sự quản lý tài tình bởi chính quyền và sẽ còn tốt đẹp hơn nữa; qua đời sống tôn giáo, tâm linh để biến họ lệ thuộc vào sức mạnh huyền bí do chính quyền chi phối, mà hơn hết là chính quyền sẽ dựng lên một hình tượng kiểu mẫu đối với một vài con người thuộc về tổ chức lãnh đạo để coi đó là tổ chức tốt đẹp và cao quý nhất vì đã sản sinh ra được các biểu tượng toàn hảo như thánh thần; với việc tuyên bố sẵn sàng trừng trị một cách công khai, bằng các hình phạt rất nặng nề, nhưng không ai được biết trước cụ thể nó là gì, để răn đe và uy hiếp tinh thần dân chúng nếu không tự giác chấp hành những mưu cầu của chính quyền dù muốn hay không...Cứ như vậy qua các thế hệ và qua những thời kỳ khác nhau, những đám đông sẽ được thiết tạo và duy trì liên tục, mọc lên rồi lại bị thay thế khi không hoặc ít còn khả dụng trong việc phục dịch mục đích quản lý của chính thể.

Và đây chính là một hệ quả tất yếu điển hình đối với một xã hội mà được cai trị bởi chế độ độc tài: người dân chính là sản phẩm được nhào nặn bằng bàn tay của quyền lực và tư tưởng chuyên chế. Và điều này thì Stuart Mill đã không nhìn thấy được khi cho rằng “nhân dân nào chính phủ đấy” để coi như là có mối liên hệ mật thiết tất yếu về một sự tương thích của sự phù hợp giữa nền tảng dân trí của một quốc gia đối với việc xác nhận sự có mặt được cho là hợp lý của chính quyền. Nhưng vấn đề là, khi chính thể đã trở nên độc tài và chuyên chế, thì nhân dân chính là một sản phẩm được tạc đúc nên từ khuôn mẫu và sự gò ép của chính quyền ngay từ thuở nhỏ để có thể tìm lấy sự đồng thuận cho việc tồn tại của chính quyền khi chúng lớn lên và trưởng thành – nó không có lý do để khai sáng hay gợi mở cho người dân thấy được vị thế quyền lực chính trị của mình ngay từ khi mỗi cá nhân có thể có khả năng nhận thức trong tâm trí và như vậy, dĩ nhiên, không thể quay ngược lại lấy vấn đề nền tảng dân trí của dân chúng để làm cơ sở luận về sự tồn tại phù hợp, hữu lý và chính danh của chính quyền đó, vì rằng, dân chúng lúc này đã trở thành một thành phẩm của chính quyền cai trị.”

———
CHỦ NGHĨA TẬP THỂ SỰ TUYỆT VỌNG CỦA ĐẠO ĐỨC
(Phần VIII)

“Chủ nghĩa tập thể sẽ khiến cho chính quyền buộc lòng phải quan tâm đến từng con người một và điều đó lại dấy lên đòi hỏi cấp thiết khác là ai cũng sẽ phải là một nguồn tin cung cấp đáng tin cậy cho giới chức công quyền về những người còn lại: ai cũng sẽ vừa là tên chỉ điểm cũng vừa là đối tượng bị theo dõi để báo cáo. Nếu muốn có thể cai quản được toàn thể người dân trong một xã hội dưới danh nghĩa chủ nghĩa số đông là cơ sở nền tảng thì chẳng có cách nào khác là nhà quản lý phải nắm bắt được mọi suy nghĩ, tâm tưởng, lối sống, nơi chốn cư trú và mưu cầu của từng con người trong số toàn thể đó, chỉ có như vậy thì nhà chức trách mới có những dữ kiện để lập nên những kế hoạch có tính chung nhất nhằm áp đặt chúng bao trùm lên toàn bộ những con người trong đó. Khi không thể thấu hiểu tường tận từng cá nhân thì họ cũng sẽ không có cách nào kiểm soát và chi phối được những con người nằm dưới sự điều khiến của bộ máy chính quyền. Trong nhiều trường hợp và cũng là cách thông dụng nhất có thể được dùng làm cách xử lý các sự vụ, tập thể vừa là giới hạn của các quyền lợi đối với cá thể, vừa là kẻ giám sát thường trực từng người một, và quan trọng hơn như một hệ quả mà nó phải diễn ra đó là tập thể trở thành quan toà vừa luận tội vừa phán quyết những kẻ nào mà chính quyền không ưa hoặc được quy cho là kẻ gây phiền toái, cản trở, không hợp tác hay chống lại những kế hoạch của chính quyền. Việc lên án bằng dư luận dựa trên số đông thực chất là nhằm tuyên bố về thân phận của anh ta trước con mắt bàn dân thiên hạ mà không cần thông qua sự can thiệp chính thức từ chính quyền còn đáng sợ hơn là sự trừng phạt bằng các quy định của luật pháp. Chính nó là thứ kết thúc cuộc sống của anh ta với cộng đồng, anh ta bị tẩy chay, hắt hủi và bị xem như là một con bệnh nguy hiểm đối với tập thể mà cần phải cô lập (cách ly) khỏi cộng đồng nơi anh ta đang sinh tồn.

Chủ nghĩa toàn thể hay chủ nghĩa tập thể sẽ làm cho con người chỉ luôn nhìn vào những mặt khuyết điểm hoặc những mặt chưa hoàn thiện, các sai sót của nhau hay chỉ đơn giản là họ khác biệt với số đông và khủng khiếp hơn là họ còn coi đó là một bổn phận tốt đẹp cũng như cao cả của chính mình đối với cộng đồng, nó sẽ trở thành công trạng mà rồi sẽ nhận được những phần thưởng hậu hĩnh từ chính quyền một khi báo cáo tới. Điều này lại đưa ta đi xa hơn nữa trước một viễn cảnh tồi tệ là vì không ai muốn trở thành kẻ bị xem là nguy hiểm từ phía cộng đồng nên anh ta sẽ luôn cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người, nhất là kẻ có vị trí trong chính quyền hoặc được xem là có liên quan đến lực lượng công quyền; anh ta sẽ sẵn sàng nói dối hoặc gian trá để không làm phật lòng bất cứ một ai, ai cũng sẽ không bộc lộ tâm ý, cá tính hạy sự hiểu biết của mình nơi công cộng hoặc trước mặt đám đông; và không một ai còn muốn phát biểu hay tranh luận, đưa ra quan điểm, nhận xét hoặc kể cả biểu lộ cảm xúc về bất kể điều gì ngoại trừ việc người ta dành cho nhau những lời ngợi khen giả tạo, những ngôn từ nịnh bợ, tụng ca để an thân hoặc là sự đồng thuận tuyệt đối như một phản xạ và thói quen thường tình mà người ta không thể có lựa chọn nào khác.

Chủ nghĩa tập thể cũng khiến cho chính quyền buộc phải lập các kế hoạch ngắn hạn và cả dài hạn theo một chu kỳ nào đó nhằm có thể giám sát, điều khiến được từng cá nhân tham gia vào kế hoạch để biến những mục tiêu trong vấn đề quản lý trở thành hiện thực. Luật pháp không phải là vấn đề quan trọng và cũng không phải để đảm bảo công lý, mà các kế hoạch và phương tiện được sử dụng để đạt được các kế hoạch đó là gì và trong thời hạn đã được ấn định mới là vấn đề lớn lao hơn cả. Các kế hoạch sẽ tạo ra một kiểu luật pháp dưới dạng chỉ thị của hội đồng quản lý tối cao hoặc đảng nắm quyền lãnh đạo, sau đó ở mỗi cơ cấu, bộ phận theo sự phân cấp mà mỗi thiết chế này sẽ lại đều có quyền tự mình tìm ra luật pháp sao cho phù hợp lẫn tạo ra hiệu quả cao nhất trong phạm vi cai quản trực tiếp của mình; luật pháp được quy hoạch theo thời vụ mà sau mỗi nhiệm kỳ của kế hoạch kết thúc nó sẽ hết hiệu lực và được thay đổi tuỳ thuộc vào các kế hoạch mới mà chính quyền đặt ra trong chu kỳ tiếp theo. Luật pháp đơn giản cũng chỉ là sản phẩm của các kế hoạch mà đã được trung ương đề ra và đặt nó vào trong các chương trình hành động này mà thôi. Và vì lẽ đó, luật pháp cũng được sản xuất như một mặt hàng khi nhà cầm quyền yêu cầu nó phải có mặt để giúp cho việc đảm bảo các kế hoạch sẽ được ổn định, đúng với tiến độ, đồng thời cũng khiến cho nhà quản lý kiểm soát được toàn bộ các nhân tố đang ngày đêm cật lực cùng chung tay hoàn thành các mục tiêu mà là lợi ích chung của toàn thể.

Chính bởi thế mà trong những xã hội kiểu này thì người dân không coi luật pháp là một công cụ cần thiết làm nền tảng cơ bản và phổ quát cho con người trở nên tốt đẹp và an toàn trong hành xử, mà nó được sử dụng như một biện pháp trừng phạt một khi chính quyền không thể đốc thúc hiệu quả những thần dân đang thực hiện các kế hoạch lúc họ mệt mỏi, chán nản hay một lúc nào đó họ đâm ra ngờ vực, hoài nghi và thậm chí đình trệ lại để yêu sách. Luật pháp không phải là tấm khiên chắn bảo vệ tính mạng, danh dự cho con người, nó cũng không phải chiếc ví riêng tư để chứa đựng các thành quả và tài sản của mỗi cá nhân mặc dầu chính họ đã bỏ hầu hết công sức miệt mài tận hiến cho những yêu cầu của chính quyền, nên thành thử luật pháp cũng không có vai trò gì đối với người dân ngoài chức năng duy nhất là sợi dây nối thẳng từ bàn tay của giới chức trách tới từng người để không ai đi ra khỏi tầm kiểm thúc của lực lượng công quyền. Nó được coi là điều cần thiết cốt yếu cho chính thể để cai quản công việc của nhà nước chứ không phải cho ứng xử của mỗi cá nhân trong xã hội, vì những hành xử đối với từng người đều đã được ấn định và đặt vào trong kế hoạch chung mà lợi ích của toàn thể mới là khung pháp lý tối cao hiện diện trong tâm trí mỗi người.”

Trích: DÂN TRỊ VÀ CHÍNH QUYỀN
Link tải sách: https://drive.google.com/file/d/0B8ieEFTeg24jSVR1ZF81d0RveUxfS2pTSjIxVG5tYUZqNHY4/view?usp=drivesdk




Không có nhận xét nào