SÁCH NGỮ VĂN LÀM HẠI TIẾNG VIỆT VÀ TRẺ EM Nói thật mỗi lần mở sách giáo khoa, hễ đọc trang nào là ngứa mắt trang đó. Vì cả nể với nhau nên c...
SÁCH NGỮ VĂN LÀM HẠI TIẾNG VIỆT VÀ TRẺ EM
Nói thật mỗi lần mở sách giáo khoa, hễ đọc trang nào là ngứa mắt trang đó. Vì cả nể với nhau nên cho qua những cái sai mà lẽ ra không được phép sai. Nhưng có lẽ đến lúc phải lên tiếng. Không vì các ông khoa bảng ngồi làm dự án cải cách nữa mà vì trẻ em, vì tương lai của đất nước.
Hôm nay tôi chỉ lấy ngẫu nhiên một ví dụ điển hình về bài tiếng Việt, sách Ngữ văn 9, tập 1, trang 158, 159. Khi nào rảnh tôi sẽ lôi hết ra vặt luôn một thể.
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
(Chính Hữu, Đồng chí)
Trong các từ: “vai”, “miệng”, “chân”, “tay”, “đầu” ở đoạn thơ, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển? Nghĩa chuyển nào được hình thành theo phương thức ấn dụ, nghĩa chuyển nào được dùng theo phương thức hoán dụ?
----------
Tôi khóc với câu hỏi trên. Bởi theo tôi, tất cả các từ “vai”, “miệng”, “chân”, “tay”, “đầu” đều dùng với nghĩa gốc. Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu được dùng cho chính sự vật, hiện tượng mà từ biểu thị.
Nhưng như vậy thì vế sau của câu hỏi bị thừa. Tôi bèn lật xem sách giải. Thì ra quý ngài soạn sách xác định như sau:
- Các từ “miệng”, “tay”, “chân” được dùng theo nghĩa gốc.
- Từ “vai” được dùng theo nghĩa chuyển, phương thức hoán dụ (vai người – vai áo).
- Từ “đầu” được dùng theo nghĩa chuyển, phương thức ẩn dụ (đầu người – đầu súng).
Tôi chắp tay lạy các thánh chữ được gọi là giáo sư tiến sĩ Việt ngữ học. Từ “vai” trong “vai người” hay “vai áo” đều là phần vai (bộ phận nằm hai bên cổ) chứ chuyển sang nghĩa gì khác, mới? Đừng nói nghĩa gốc, tức nghĩa đầu tiên, “vai” là chỉ “vai người”, sau chuyển thành “vai áo”? Bản thân cái áo cũng có cổ áo, vai áo, tay áo, thân áo… Và như vậy những từ như “cổ”, “vai”, “tay”, “thân” luôn giữ nghĩa gốc là một bộ phận của cơ thể hoặc một bộ phận của cái áo hay một cái gì khác tương tự trong khả năng kết hợp của nó. Nghĩa chuyển phải là nghĩa đã thay đổi so với nghĩa gốc. Ví dụ, “Tay Thuyết, tay Thống làm sách tiếng Việt thành tiếng Lào…”. “Tay” trong trường hợp này đã không còn mang nghĩa là cái tay như một bộ phận của sự vật nữa mà chỉ một hoạt động có tính chất chuyên biệt.
Và tôi phải phát cáu lên khi thấy mấy tay tưởng sành tiếng Việt đó gọi “đầu súng” là ẩn dụ cho cái “đầu người”. Thô bỉ hết cỡ! Chẳng nhẽ cái đầu người trong bài thơ của Chính Hữu có thể khạc ra đạn, trừ phi đó là cái đầu khốn nạn?
Mà đã đặt trong tương quan “đầu người – đầu súng” thì sao không gọi là phương thức hoán dụ như "vai người - vai áo" trên kia mà phải gọi là ẩn dụ cho loạn não trẻ em?
Tôi khẳng định, đứa thiểu năng nhất cũng nghĩ “đầu súng” mà Chính Hữu miêu tả trong bài thơ hoàn toàn mang nghĩa gốc, là phần trên cùng của cái súng. “Đầu” là từ gốc Hán, tự hình là cái nắp 亠, nghĩa gốc là chỉ phần trên cùng. Hễ phần thuộc trên cùng đều gọi là đầu chứ lý do gì phải là phần trên cùng của con người mới gọi là “đầu”, còn đầu bò, đầu chó, đầu khỉ, đầu sông, đầu non, đầu súng, đầu kẹc… là nghĩa chuyển? Các loại đầu này vẫn giữ nguyên nghĩa là “phần trên cùng” chứ chuyển sang nghĩa gì mới, khác?
Nghĩa gốc là nghĩa từ nguyên, thường nghèo hơn, chung hơn nghĩa chuyển. Đã chuyển nghĩa thì từ được dùng vừa mang nét nghĩa ban đầu vừa gia tăng thêm nghĩa mới, khác biệt, như "đầu bò đầu bướu = côn đồ" trên kia. Còn khi kết hợp bình thường với các từ khác nhau thì nó chỉ thêm nghĩa chức năng. Chẳng hạn, "đầu" gốc là phần trên cùng. Khi kết hợp với "người" nó thêm chức năng tư duy (Cái đầu mày chỉ biết đội mũ thôi à?), khi kết hợp với "súng" nó thêm chức năng khạc đạn. Cũng như vậy, "mũi" là phần nhọn, nhô ra. Khi kết hợp với "dao" nó thêm chức năng đâm, kết hợp với "gậy" nó thêm chức năng chọt, kết hợp với "chó" nó thêm chức năng đánh hơi, kết hợp với "người" nó thêm chức năng ngửi, hôn, hít... Làm gì có chuyện lấy con người làm gốc, còn ngoài con người đều là "nghĩa chuyển"? Cái thuyết "dĩ nhân vi trung" người ta vứt vào bãi rác từ lâu, chẳng nhẽ nay lại chình ình trên bàn cho các chuyên gia Việt ngữ học tiếp tục thưởng thức ngon lành?
Hiện tượng chuyển nghĩa của từ (đầu bò đầu bướu – chỉ kẻ côn đồ) và khả năng kết hợp của từ (đầu người, đầu bò, đầu chó, đầu sông, đầu non…) là hai hiện tượng khác biệt, lẽ nào ăn học hết cơm hết gạo của dân mà không tiêu hóa được cái chữ của dân rồi soạn sách bậy bạ để dạy dân?
Tôi thách các chuyên gia tiếng Việt vào đây cãi! Mà không cãi được thì đừng cải cách cải lùi và khoe chữ nữa. Khoe chữ một hồi chính các ngài loạn não rồi nhồi sọ cho trẻ em thêm loạn não. Nghỉ đi là vừa. Nói như Einstein, không thể sửa sai bằng chính bàn tay của kẻ đã làm sai!
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào