Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC

SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC Ở Việt Nam hiếm có một nhà triết học thực sự, mà nếu đã là nhà triết học đúng nghĩa của nó thì hẳn người ta sẽ tì...

SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC

Ở Việt Nam hiếm có một nhà triết học thực sự, mà nếu đã là nhà triết học đúng nghĩa của nó thì hẳn người ta sẽ tìm thấy vô vàn lý do để phê phán Karl Marx với một sự đối đầu không cần khoan nhượng.

Karl Marx vẫn đi vào lối mòn của một sự phê phán và đặt ra vấn đề nhị nguyên luận trong việc nhìn nhận một đối tượng theo kiểu: duy tâm - duy vật. Và ông đã phê phán những nhà triết học, những văn bản lớn, những đại tự sự khác dưới góc nhìn cũng nhị nguyên theo cách mà những nhà triết học vẫn thường tiếp cận. Và đương nhiên ông sẽ phải lựa chọn nghiêng về một bên của cái mà ông phải chọn lựa một cách ngã ngũ sau khi tổng kết mọi sự phê phán. Và nó lại đẩy ông rơi vào trạng thái của chính cái mà mình phê phán: nếu nó không duy tâm thì nó phải là duy vật.

Nhưng thử nhìn nhận mọi việc dưới góc độc mà chính ông trở thành cái mà ông đã suốt đời chống lại: thử tưởng tượng rằng ông sẽ đau khổ ra sao khi ông chứng kiến cái tư tưởng (thuộc về tinh thần) của chính mình đã trở thành một thứ vũ khí làm đảo lộn và thay đổi thế giới này theo cách mà chính ông đã kịch liệt phê phán? Nếu người khác cho rằng đám đông cần được dẫn dắt bởi một đấng Thượng đế toàn năng hay những vị thần với sức mạnh vô song nào đó, thì chính thứ chủ nghĩa duy vật của ông trở nên là một loại sức mạnh để biến đổi thế giới theo chính cái mà ông cả đời phủ bác một cách nhiệt thành - nghĩa rằng, tư tưởng của ông trở thành một biểu tượng tinh thần với sức mạnh toàn năng để dẫn dắt những con chiên cả tin vào nó khi ở vào tình cảnh tăm tối nhất. Hơn thế là, ông cũng thờ quỷ Satan trong phòng riêng như một sự khoả lấp cái mà ông không thể hình dung và đã quyết chống lại nó trong mọi ngôn từ và luận điểm diễn đạt của mình.

Cái tinh thần trong chúng ta có sức mạnh lớn đến nỗi, nó có thể khiến những vật chất hữu hình được thiết tạo, tái lập hoặc bị huỷ diệt bởi chính những hành động có kế hoạch hoặc thiếu mục đích của chính chúng ta. Karl Marx cũng đã rơi vào vấn đề đặt con người là trung tâm của vũ trụ, nơi mà con người vừa là chủ thể của hoàn cảnh (thế giới khách quan) và vừa là chủ thể của nhận thức. Nhưng vì đi tới sự khẳng định đó mà chính nó đã đưa đến một trạng thái là tinh thần xuất phát từ trong não bộ của con người sẽ có tính quyết định trong nhận thức thế giới và thay đổi thế giới. Karl Marx đã thất bại ở chính điểm này, và do đó, Trần Đức Thảo đã tấn công và phơi bày nó ra trước bàn tròn triết học. Nhưng ông cũng lại dần trở nên bế tắc và bị dịch dời về phía của thứ chủ nghĩa (duy vật và lịch sử) mà ông cho là còn cần phải hoàn thiện theo kiểu một ý hướng tính khác.

Karl Marx đã phê phán mọi trường phái triết học khác và ông cũng lại rơi vào chính cái sự phê phán của mình. Ông không thể nhận thức và giải thích thế giới nếu ông không thể đặt nó vào tính quyết định của tinh thần trước chính cái mà nó tiếp nhận và phản ánh.

Derrida thì theo một lối là đi bên lề của các trường phái triết học để lấy sự phê phán trung lập các đại tự sự làm cái đại tự sự của mình, mà người ta biết đến là giải cấu trúc. Nó cũng có thể được hiểu như một cách tiếp cận trung lập theo hướng hiện tượng luận hay triết học hiện sinh, nơi mà những thứ nhị nguyên triết học theo cách đặt ra mặt đối lập để luận định đều không còn phù hợp. Nhưng giải cấu trúc của ông cũng trở thành một đại tự sự được xây dựng dựa trên sự phê phán các nền tảng đại tự sự đã tồn tại trước đó nhưng nó lại bác bỏ các phê phán khác hướng tới nó vì nó cho rằng bản thân nó đã là một sự toàn diện không thể phân chia và cũng không được đặt ra theo nghĩa triết học thông thường. Nó đưa ra một cách tiếp cận mà lật đổ toàn bộ các trường phái vì cái sự ngây thơ và sai trái của những tư tưởng tách đối tượng thành các đối tượng phải được phân định rõ ràng, nếu không là thế này thì sẽ là phần còn lại của phía đối lập với nó.

Ngược lại với những kiểu triết học duy phân hoặc dung hợp như vậy, có một thứ triết học phi triết học theo lối chủ nghĩa hậu hiện đại của Lyotard, nơi mà nó cho rằng các đại tự sự đã thực sự sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, trong khi những mẩu chuyện vụn vặt, những tâm tưởng ngắn gọn nhưng mạch lạc, hoặc thậm chí và chẳng cần phải có đầu cuối theo kiểu “đặc ngôn” cũng có thể trở thành thứ được mô phỏng và phổ biến. Nó chẳng còn cái gì là đáng được tôn vinh hay là trở thành chân lý xác đáng, nó cũng chẳng còn sự phán xét hay bênh vực nào dành cho những thứ mà người ta tôn sùng. Có nghĩa là chủ nghĩa hậu hiện đại là thứ chủ nghĩa không còn chủ nghĩa nào cả.

Lược đặt ra một loạt những vấn đề của dòng chảy triết học như vậy là để thấy, cái cuối cùng mà con người đạt được, truyền lại hay thảo luận với nhau là những vấn đề thuộc về tinh thần, nó là lãnh địa của nhận thức, nó không có dấu vết của vật chất, ngoại trừ khi nó được coi là chất liệu của dẫn cứ chứng minh cho sự đúng đắn của tinh thần.

Cái tính quyết định của tinh thần không phải được hiểu như là và so sánh một cách hoàn toàn bất dung đến mức bất công so với cái tính quyết định của vật chất tác động lên các dạng sống thông thường, mà bản thân nó, tức tinh thần, quyết định đến phương cách vận động và tương hợp của vật chất mà không đặt ra sự lệ thuộc vào sự xuất hiện có tính thứ tự trước sau của hai đối tượng này.

Lê Luân



Không có nhận xét nào