Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TẠI SAO PHÁP LUẬT ? VÀ BẤT BẠO ĐỘNG

TẠI SAO PHÁP LUẬT ?  VÀ BẤT BẠO ĐỘNG Trong các chế độ chuyên chính, như các nước XHCN thời thịnh vượng mà họ tự nhận là “Chuyên chính vô sản...

TẠI SAO PHÁP LUẬT ?  VÀ BẤT BẠO ĐỘNG

Trong các chế độ chuyên chính, như các nước XHCN thời thịnh vượng mà họ tự nhận là “Chuyên chính vô sản”, quyền cai trị của nhà cầm quyền được thực hiện một cách trực tiếp, bằng những biện pháp mà không ai có thể kiểm soát. Chế độ này không cần che giấu sự vận hành của quyền lực, không bận tâm đến các điều luật, ông Lê Duẩn từng có câu nói nổi tiếng : “Chế độ của chúng ta không cần đến luật pháp”. Hay ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố Hiến pháp đứng sau cương lĩnh đảng ( chính vì thế mà ông có biệt danh Lú). 

Sau khi Liên Xô và các nước cộng sản ở Đông Âu tan rã, các chế độ chuyên chính còn sót lại cũng phải “tự biến đổi” hình thái của mình để tránh bị diệt vong. Các chế độ hậu toàn trị bắt buộc phải quan tâm đến các đạo luật, nhưng nhằm mục đích đưa mọi nhu cầu cuộc sống vào trong một trật tự duy nhất. Trường Luật được mở lại và một loạt các bộ luật ra đời.

Ngoài các đạo luật, họ còn cho ra một rừng các văn bản dưới luật như : Nghị định, thông tư, chỉ thị, tiêu chuẩn, quy tắc… vv. Tất cả những thứ đó hoạt động như một công cụ để thao túng đời sống xã hội.Tất cả các hoạt động của đời sống đều phải được xin phép và cho phép, từ việc làm ăn, cư trú, di chuyển …đến việc  in một tác phẩm văn học hay mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ, thậm chí một ca sỹ muốn hát một bài hát mới phải được chấp thuận từ hệ thống quan liêu khổng lồ.

Luật pháp  phục vụ cho hệ thống này  có các đặc điểm sau :

1- Như một lời biện hộ, luật pháp trong hệ thống hậu toàn trị tạo ra ảo tưởng rằng công lý được thực thi và việc thực thi đó được kiểm soát một cách khách quan.

2- Bản chất thực sự của nền pháp lý này nằm ở chỗ : Chính trị sẽ thao túng toàn bộ, các quan chức đảng từ toà án, công tố viên…đến luật sư bào chữa đều bị kiềm chế

3- Các phiên toà dù nói rằng công khai nhưng thực chất là xử kín với những hành động đứng trên pháp luật của lực lượng an ninh. Áp dụng rộng đến mức vô lý các điều luật được cố ý soạn thảo một cách mù mờ nhưng phớt lờ đi các quyền công dân.

4- Tương tự như Ý thức hệ, các bộ luật tạo ra hình thức, khuôn khổ và các quy tắc để thực thi quyền lực và quan trọng hơn là thiết lập tính chính danh cho chế độ. Không có tính chính danh sẽ rất khó để tuyển các thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên… có chuyên môn.

Nếu nghiên cứu quá trình hoạt động của các cơ quan luật pháp của hệ thống này chúng ta sẽ thấy rằng : Hầu hết các nguyên tắc của thủ tục tố tụng hình sự đều được tuân thủ. Lệnh tạm giữ đến lệnh bắt đều đúng thời hạn quy định, cáo trạng hợp lệ, bị cáo có luật sư bào chữa vv….tức là những người thực thi luật pháp đều tuân thủ pháp luật. Nhưng trên thực tế chính họ đã tạo ra vô vàn vụ án oan, tước đoạt tuổi thanh xuân của biết bao người trẻ tuổi. Cảnh sát sẵn sàng huỷ bỏ vật chứng, xuyên tạc lời khai, ép cung, dùng bạo lực vv…, từ ông quan toà đến bị cáo đều biết rõ điều này, nhưng tất cả đều bị che dấu. Hay nói một cách khác họ đều là “ngoại phạm” trước những tội ác mà nạn nhân phải hứng chịu, hay lấy các văn bản pháp luật là lý do để biện minh : “Tôi chỉ thực thi luật pháp” nhằm để né tránh trách nhiệm cá nhân, né tránh sự lên tiếng của lương tâm.

Tại sao hệ thống hậu toàn trị cần phải có các đạo luật ? 

Thử tưởng tượng nếu không có toà án, thẩm phán, công tố viên, không có cán bộ điều tra hay không có luật sư bào chữa…thì làm sao có thể kín đáo ngăn chặn những tác phẩm được phát hành và phổ biến, bắt giữ những người bất đồng chính kiến hay ngay cả những người chỉ nói lên sự thật. Cần phải có những điều luật mơ hồ như 79, 88, 258 ….Tất nhiên có thể làm những điều này không cần tới luật pháp, nhưng với thế giới hiện đại, những điều đó chỉ có thể xảy ra ở những nhóm mafia hay các băng đảng trong rừng rậm. Đó là điều không tưởng hoặc bất khả thi trong đời sống toàn cầu hoá hiện nay, trong một thế giới phẳng. Thiếu các bộ luật vận hành như một nghi thức để tạo tính chính danh thì chế độ không thể tồn tại. Nếu ví việc thực thi quyền lực như những con sông luôn chảy mạnh thì các bộ luật như những con đê vững chắc. Thiếu nó, con sông sẽ không còn trật tự, sẽ tràn bờ và gây ra lũ lụt.

BẤT BẠO ĐỘNG 

Các chế độ độc tài truyền thống trong lịch sử thường bị thay thế bằng các cuộc cách mạng, bằng bạo lực hoặc công nghệ. Ngày nay lực lượng đông đảo trong xã hội chính là trí thức và sinh viên. Phương thức để thay đổi các chế độ độc tài là “bất bạo động”.

Con đường đấu tranh cho một xã hội tự do bằng các “phương tiện hợp pháp” hoặc “khởi nghĩa” là một sự lựa chọn. Khởi nghĩa chỉ thích hợp với những chế độ độc tài truyền thống, hoặc trong các hoàn cảnh như chiến tranh, như một bên là kẻ chiếm đóng và bên kia là nhân dân bị đô hộ hay nơi mà lực lượng xã hội có sức mạnh tương đương đang đối đầu nhau, hay ở nơi có sự phân định rõ ràng giữa những kẻ tiếm quyền và nhân dân bị đàn áp. Trong xã hội hậu toàn trị, mối quan hệ giữa nhân dân và kẻ cầm quyền rất phức tạp.Vì cần một số lượng khổng lồ các viên chức đáp ứng cho hệ thống quan liêu khổng lồ nên không thể tránh được các mối quan hệ dây mơ , rễ má, dòng họ…Mặt khác hệ thống hậu toàn trị đã tạo ra một bộ máy theo dõi, chỉ điểm, mật vụ phức tạp chưa từng có trong lịch sử, nên mọi mưu đồ tạo nên một cuộc khởi nghĩa đều bị bóp từ trong trứng. Hơn nữa, tâm lý của số đông hiện nay đều có một câu hỏi : Liệu lực lượng thay thế bằng bạo lực có tốt hơn cái chế độ mà họ lật đổ ? Những bài học máu xương từ các cuộc “cách mạng” trong lịch sử cận đại liệu có lặp lại ? Cũng chính vì thế mà chế độ thường gán cho những người bất đồng chính kiến, đấu tranh công khai bằng những phương tiện hợp pháp là “bị thế lực thù địch kích động” là “khủng bố” là “bất hợp pháp” để số đông dân chúng cảm thấy e ngại và xa lánh.

Mặt khác, những người phản đối bất bạo động vẫn còn mang tư duy của Marx, họ vẫn giữ định đề : “Nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị dùng để đàn áp giai cấp bị trị”. Họ cho rằng bọn bóc lột sẽ không bao giờ tự nguyện rời bỏ quyền lực của mình. Chỉ có một giải pháp duy nhất đó là làm cách mạng. Do đó đấu tranh bất bạo động hay đấu tranh cho Quyền con người là không có hy vọng gì, thậm chí là “dân chủ cuội” là loè bịp và đáng nghi ngờ khi dùng các phương tiện hợp pháp để đối thoại với những kẻ cai trị. Nhưng họ không thể tìm được đủ người quyết tâm để thực hiện các cuộc khởi nghĩa cách mạng và dần dần họ trở thành những người chua chát, hoài nghi và cuối cùng là vô cảm. Đó cũng chính là cái kết quả mà hệ thống muốn họ trở thành. 

Nhưng cũng có câu hỏi : Nếu luật pháp của chế độ chỉ là cái mặt nạ giả dối, thì việc đòi hỏi họ phải thực hiện đúng pháp luật liệu có phải là trò chơi trẻ con ? Là tự lừa dối mình ?

Việc các nhóm dân oan mòn mỏi năm này qua năm khác đi kiện các quan chức tham nhũng, những người cha người mẹ kiên quyết, lặp đi lặp lại những hành động của mình đòi công bằng cho con cái, những nhóm tuần hành đòi giữ lại cây xanh cho thành phố, một số người lên tiếng để giảm bớt một chút đau khổ nào đó cho một công dân bình thường… các nhóm nhạc, các hội đoàn độc lập của nhà văn, nhà báo, các tờ báo mạng, mạng xã hội như facebook…dứt khoát có tác động lên đời sống xã hội. Nó sẽ tạo nên một hình thái xã hội mà các nhà triết học gọi là : “ Cơ cấu song hành” khi quan sát các hiện tượng của đời sống chính trị tại Đông Âu vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX.

Hệ thống thông tin song hành (báo lề đảng và lề dân), hệ thống giáo dục song hành (các trường tư thục), một nền kinh tế song hành (kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân), mối quan hệ quốc tế song hành ( các cuộc vận động ở nước ngoài của các tổ chức XHDS độc lập với nhà nước, của đồng bào hải ngoại)… sẽ là mầm mống cho một cơ cấu chính trị song hành.

Đến một giai đoạn phát triển nào đó, nếu không bị đàn áp khốc liệt hoặc xoá bỏ đến tận gốc rễ thì nhất định các phong trào dù tự phát hay tự giác sẽ được tổ chức và thể chế hoá ở một mức độ nhất định. Đó là sự phát triển tự nhiên không thể ngăn cản. Nhiệm vụ căn bản của các phong trào bất đồng chính kiến chính là ủng hộ sự phát triển của các cơ cấu song hành này. Nó chính là nỗ lực bất bạo động của nhân dân nhằm phủ định hệ thống ngay trong chính bản thân mình và xây dựng cuộc sống của họ trên nền tảng mới. Thế giới ngày nay không còn là thời đại cho một lãnh tụ tài giỏi “sáng ngời đạo đức” không một vết nhơ nữa. Vì suy cho cùng bất cứ điều tốt đẹp nào có ý nghĩa cho một con người cụ thể cũng có yếu tố chung cho tất cả mọi người.

Ngô Nhật Đăng




Không có nhận xét nào