Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TỌA ĐÀM NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO

TỌA ĐÀM NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO  (Bài này tôi dành riêng cho học trò của tôi. Ai không thích thì làm ơn đừng bình luận tùy tiện) Mấy năm n...

TỌA ĐÀM NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO 
(Bài này tôi dành riêng cho học trò của tôi. Ai không thích thì làm ơn đừng bình luận tùy tiện)

Mấy năm nay, nhờ lên tiếng về sự vô đạo của ngày Hiến chương nhà giáo mà các tệ nạn "điếu phúng" thầy cô giảm dần, ít nhất là ở cái cơ quan bé nhỏ nơi có tôi làm việc.
Trước đó, ngoài việc sinh viên đội mưa đội gió "đi điếu" từng nhà thầy cô, lại còn được gợi ý tặng đủ các loại đồ dùng đắt tiền, để đến tối các phe cánh đến khoa chia nhau về dùng một cách tự hào.
Mười năm nay, khoa chỉ tổ chức một lễ chung, hoa hoặc quà tượng trưng. Tất nhiên, có sự lén lút nào đó thì không biết được, mà có biết cũng vô bằng chứng.
Đã có người quy tội tôi phá bĩnh. Mặc xác họ, vì lòng người không giống nhau.
Năm nay các bạn sinh viên tổ chức văn nghệ và tọa đàm tại hội trường lớn, đông đủ thầy cô, cả giảng viên đã nghỉ hưu và các khóa cùng tham dự.
Thực ra, tôi cũng chẳng thích gì cái món tọa đàm này, vì thường rất sáo rỗng, nhạt toẹt.
Để chống sự sáo rỗng, nhạt toẹt như mọi khi, năm nay các bạn sinh viên sáng tạo ra các tiết mục văn nghệ tri ân và còn có đối thoại trên "ghế nóng". Hai thầy cô vừa nghỉ hưu và một cô giáo trẻ được mời lên ghế nóng để đối thoại.
Giá như không có những câu hỏi thù tạc như "thầy hay cô hãy kể lại kỉ niệm cuộc đời làm nhà giáo của mình" thì sẽ hay hơn. Bởi những câu hỏi ấy không làm cho chiếc ghế nóng lên mà nhạt nhẽo hơn, vì ai cũng chỉ có thể kể lể về những điều ngọt ngào, trong khi nghề giáo có quá nhiều cay đắng khó có thể nói ra.
May mà rồi cũng có hai thầy cô trên ghế nóng tranh luận. Cô giáo nói, muốn làm tốt nghề giáo, trước hết phái yêu nghề. Nghe quá quen tai, vì nếu hỏi 100 nhà giáo, hết 100 người đều nói rất yêu nghề. Cho nên một người thầy khác với trải nghiệm khác đã cãi, rằng sự thực nhiều người chẳng yêu nghề, điều quan trọng là không yêu cũng phải có trách nhiệm.
Giá mà cuộc tranh luận ấy tiếp tục thì buổi tọa đàm có chiều sâu.
Khi sinh viên dẫn chương trình quay xuống hỏi tôi về sự khác nhau giữa các khóa đào tạo, trước kia và bây giờ, tôi buộc phải vừa trả lời câu hỏi vừa quay lại đề tài hai thầy cô đang tranh luận dở dang trên “ghế nóng”. Tiếc là đang nói đến chỗ nhạy cảm nhất thì ai đó đã làm gì cái loa mà tịt một tràng làm mất cả hứng. Tôi buộc kết thúc không đầu không đuôi, rất dễ bị hiểu sai.
Tôi không so sánh sinh viên giữa các khóa, vì không thể so sánh. Các khóa đầu tiên, mỗi lớp chỉ có vài ba mươi sinh viên, khác về số lượng ắt khác về chất lượng. Chương trình bây giờ hiện đại hơn, thầy cô trình độ cũng cao hơn, nhưng chưa hẳn chất lượng đào tạo cao hơn. Tôi cũng không trách học trò lười hơn vì động lực học bây giờ không còn như các khóa đầu tiên.
Tôi quay lại đề tài mà hai thầy cô vừa tranh luận. Tôi nói, lẽ ra các bạn nên hỏi kỉ niệm thời học trò của thầy cô thì hay hơn hỏi về kỉ niệm làm thầy. Bởi thầy cô nào còn nhớ kỉ niệm thời học trò thì sẽ yêu học trò hơn và làm thầy giáo tốt hơn. Tiếc là nhiều người khi làm thầy đã quên thời làm trò của mình nên mới mất đi cái tình yêu trong sáng với học trò, từ đó mới có những ứng xử phản giáo dục và sinh ra đủ các tệ nạn.
Dù là cách trả lời của cô giáo quen thuộc đến mức sáo rỗng là phải yêu nghề, nhưng đúng tuyệt đối. Bởi không yêu mà chỉ có trách nhiệm thôi thì không khác gì anh chồng buộc phải lấy cô vợ đã được sắp đặt. Kết quả là, anh ta vẫn đảm bảo trách nhiệm với gia đình, cha mẹ hai bên và con cái của mình, nhưng bên trong vẫn chứa đầy xung đột. Trách nhiệm ấy trở thành giả tạo và lừa dối.
Một thầy giáo cặm cụi làm tất cả những gì ở trên giao xuống, từ giáo án đến các loại hồ sơ sổ sách để dạy và báo cáo đầy đủ. Có hoàn thành trách nhiệm không? Hiển nhiên là có!
Thậm chí trên chỉ đạo phải thành giáo viên dạy giỏi, thầy cô giáo chuẩn bị và dạy đúng yêu cầu nội dung và phương pháp gọi là hiện đại nhất, tiết học tuân theo răm rắp những cái mẫu có sẵn để được đánh giá là giỏi. Có hoàn thành trách nhiệm không? Phải nói là hoàn thành xuất sắc! 
Nhưng tôi chắc chắn đó là sự hoàn thành trách nhiệm của cái robot.
Sự thực là ngành giáo có đến 90% con robot như vậy. Họ đối phó rất tốt, nhưng cái tốt ấy giống như anh chồng không yêu vợ mà vẫn hoàn thành mọi trách nhiệm người chồng người cha của mình để tự lừa dối mình và lừa dối mọi người.
Tình yêu nghề là động lực làm nên thầy giáo đúng nghĩa chứ không phải trách nhiệm. Tình yêu tự nó thúc đẩy trách nhiệm. Nhờ có tình yêu mà nhiều thầy cô đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, lương không đủ ăn vẫn bám lấy nghề.
Nhưng cái gì đã tạo nên thứ tình yêu cao cả ấy? Mỗi người có một trải nghiệm khác nhau. Với cá nhân tôi, tôi yêu nghề vì tôi yêu những kỉ niệm tuổi học trò. Tôi học gần hết tiểu học dưới thời Việt Nam cộng hòa. Tôi từng bị thầy gõ sưng đầu vì không thể thuộc lòng cách đánh vần thời ấy. Tôi từng bị quỳ xơ mít, quỳ hang kiến lửa khi vi phạm nội quy của trường, của lớp. Đến thời cộng sản, tôi từng bị thầy dạy môn đạo đức tát cho bạt tai khi phát hiện tôi chơi ca rô mà bây giờ mỗi lần nhớ lại vẫn còn ám ảnh cái đầu của mình quay trên cổ đến chục vòng. Đến thời đi học đại học chỉ vì cãi thầy về một kiến thức mà thầy dạy không đúng mà đã bị thầy trù dập không cho thi học phần…
Kỉ niệm đơn giản mà cay đắng nhất lại là kỉ niệm cái ngày 20.11. Ngày ấy những bạn có tiền đi cho thầy cô đủ loại quà, phong bì và nhiều thầy cô trưng diện ra để khoe, mặc dù thời đó không có Facebook. Tôi nghèo không có tiền ăn sáng, quần áo rách rưới mà thấy mặc cảm, xót xa…
Không biết bây giờ, nhiều thầy cô khoe quà cáp trên Facebook có nghĩ đến những chấn thương của những em học sinh, sinh viên nghèo không đủ tiền đua chen vào cái chợ mang tên “tôn sư trọng đạo” đó không?
Chính những kỉ niệm tuổi học trò làm tôi yêu nghề giáo. Nó là động lực thúc đẩy tôi thành một nhà giáo mới khác hẳn với mẫu thầy giáo cũ, cái mẫu giáo dục Nho giáo mà tôi và nhiều học trò từng là nạn nhân. Chính Nho giáo đã tạo ra mẫu “bạo chúa học đường” được khoác danh “tôn sư trọng đạo” và cái mẫu ấy đã giết chết mọi sáng tạo của người học. 
Một bạn nói, nhà giáo hiện nay kiêm cả nghề đòi nợ thuê, đòi nợ từng đồng học phí và các loại tiền, từ dạy thêm đến các khoản đóng góp khác. Đó là chưa nói nhiều giáo viên trở thành nhà hình sự hơn là nhà sư phạm. Có trường còn cho giáo viên nam rình rập và phóng xe đuổi theo học sinh để phạt tội học sinh đi xe máy. Riêng giáo viên ngành mầm non còn phải làm osin và lao công. Hiển nhiên, họ vẫn hoàn thành trách nhiệm trên giao, nhưng tình yêu nghề thì không, vì nghề có ra nghề đâu mà yêu?
Nghề sư phạm không còn là nghề cao quý để các bạn sinh viên sư phạm hiện nay yêu và có động lực học tập. Nhưng tôi vẫn khuyên các bạn phải gắng học. Học để làm chủ bản thân, làm chủ nghề nghiệp và làm chủ xã hội. Sự lười biếng ắt biến các bạn và con cháu chúng ta thành nô lệ, từ nô lệ cho kẻ cùng dòng máu với mình cho đến nô lệ ngoại bang. Hãy nhìn vào tương lai ấy mà có động lực chính đáng.

Chu Mộng Long



Không có nhận xét nào