ĐỪNG NHÂN DANH SỰ THẲNG THẮN. Một con bé lên 10, bố mẹ nó nhắc "chào bác đi con" khi nhà có khách. Con bé im lặng nhún vai, mặt tỉ...
ĐỪNG NHÂN DANH SỰ THẲNG THẮN.
Một con bé lên 10, bố mẹ nó nhắc "chào bác đi con" khi nhà có khách. Con bé im lặng nhún vai, mặt tỉnh bơ rồi bỏ đi chỗ khác. Bố mẹ nó ngượng với khách. Khi khách về mắng con. Con bé cãi: "con muốn chào ai là chuyện của con. Sao bố mẹ lại ép con làm điều mà con không muốn? Như thế là không tôn trọng tự do cá nhân của con!"
Một thằng bé cũng tầm tuổi con bé vừa kể ở trên, thản nhiên hỏi một chú bạn của bố nó khi chú ấy dẫn vợ mình đến để "chào anh chị": "chú ơi, cháu trông chú không đến nỗi nào mà sao vợ chú xấu thế? Mặt cô ấy ngắn tũn giống hệt mặt con chó bull...".
Khách về, thằng bé không sao hiểu được tại sao nó lại bị đòn. Nó hỏi bố nó tại sao bố mẹ nó vẫn dạy nó phải thật thà, trung thực. Vậy mà khi nó nói thật những suy nghĩ của nó thì lại bị đánh đòn...
Trên đây là hai trong rất nhiều chuyện có thực mà chắc sách vở gọi là "tình huống sư phạm", khiến không ít ông bố bà mẹ lúng túng trong quá trình uốn nắn và dạy dỗ con mình. Đã có người tặc lưỡi cho qua, với suy nghĩ "rồi lớn lên ắt nó sẽ hiểu". Có người mang cả những cảm giác thấy mình bất lực vào những trận "yêu cho roi cho vọt" của mình. Họ chỉ đánh đứa trẻ, quát lác ầm ĩ mắng nó là "mày không được thế. Mày làm tao mất mặt với khách quá...", mà quên dạy trẻ những bài học về sự tế nhị trong giao tiếp xã hội.
Vậy, trong cuộc sống, ta có dạy trẻ hãy cứ nói thẳng, nói thật đến sỗ sàng, thô bạo mà nhân danh sự thẳng thắn hay không? Ta có dạy trẻ cứ làm bất kỳ điều gì chúng muốn vì ta tôn trọng tối đa tự do cá nhân của nó hay không?
Ta dạy các con ta thế nào đây khi chính đứa trẻ ấy chúng hiểu được quyền của chúng: ấy là quyền được "cãi" lại bố mẹ để bảo vệ chính kiến cá nhân, nghĩa là quyền được bày tỏ bằng ngôn từ những điều chúng suy nghĩ.
Nhận định sau của tác giả bài viết có thể sẽ không được nhiều người đồng thuận. Ấy là: thời điểm dạy dỗ uốn nắn phép tắc cho một đứa trẻ nhất định không phải là ở lứa tuổi lên 10 mà phải nhỏ hơn thế nữa. Dạy con phải từ tuổi lên 2, lên 3. Đừng chờ chúng lớn mới dạy.
Yêu con nhất là phải dạy dỗ uốn nắn cho chúng chứ không phải yêu con là để chúng tự do phát triển; yêu con không có nghĩa là thỏa mãn vô điều kiện mọi ý muốn của chúng trong đó có ý muốn "muốn chào ai thì chào", "muốn nói gì thì nói".
Bài học về chào hỏi rõ ràng là ai cũng dạy cho các con của mình. Nhưng có lẽ không phải ai cũng dạy những tình huống nào con phải nói lời chào và cách thức thể hiện ra sao. Ví dụ như một đứa trẻ lễ phép là một đứa trẻ phải biết khoanh tay và hơi cúi đầu khi chào bất cứ người lớn tuổi nào.
Ví dụ như không chỉ chào người lớn, mà bạn bè cũng nhất thiết phải vui vẻ chào nhau khi gặp mặt cũng như khi chia tay. Nhưng chào theo kiểu bạn bè khác hẳn với chào người lớn tuổi...
Ta phải dạy trẻ rằng chào hỏi một ai đó là điều phải làm và nên làm để thể hiện sự yêu quý và tôn trọng người khác. Đây không phải chuyện muốn chào hay không. Lại càng không phải chào với một thái độ thiếu tôn trọng như cau có, nhăn nhó hoặc nói lí nhí đầy miễn cưỡng với bộ mặt lạnh lùng, xưng xỉa...
Vậy là chỉ riêng việc dạy chào hỏi thôi đã lấy của các bậc làm cha mẹ không ít thời gian rồi. Nếu chúng ta không thấy được sự cần thiết phải dạy trẻ biết chào hỏi một cách lễ phép, ắt chúng ta sẽ bỏ qua việc này với rất nhiều lý do để biện minh.
Tương tự như việc dạy chào hỏi, không bậc làm cha mẹ đàng hoàng tử tế nào là không dạy con mình sự trung thực. Ta dạy trẻ nhặt được của rơi phải đem trả lại cho người mất. Ta dạy trẻ không nói dối nhưng trong rất nhiều trường hợp ta lại quên dạy trẻ phải tránh không được làm tổn thương người khác bằng chính sự quá thẳng thắn của trẻ. Ta nên dạy trẻ có một khoảng cách giữa thô thiển và thẳng thắn; có một khái niệm có tên là "tế nhị" mà nhất thiết trẻ phải hiểu và áp dụng. Và... các bậc làm cha mẹ thân mến, chúng ta phải lường trước câu hỏi này của trẻ để liệu đường giải thích. Câu hỏi của chúng sẽ là "vậy tế nhị nói khác đi có phải là nói dối không?"
Chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian để giải thích là nắn chỉnh, đứa trẻ mới hiểu được rằng sự quá thẳng thắn khi nói về vẻ bên ngoài, về hoàn cảnh kinh tế, về lực học, về các khuyết tật...của người đối diện là điều tối kỵ trong giao tiếp xã hội.
Trong cuộc sống, liệu ta có nên nói sự thật không khi sự thật đó khiến người khác suy sụp hoặc mất mặt, xấu hổ?
Vậy là dạy trẻ lòng trung thực cũng không phải là điều dễ làm, bởi có quá nhiều điều rất khó để giải thích cho một đứa trẻ. Không có cách gì khác ngoài sự kiên trì nhẫn nại, cộng vào đấy là lòng yêu trẻ vô bờ bến.
Ta hãy cứ nghĩ mỗi một đứa trẻ của ta là một công trình máu thịt của ta trao tặng cho xã hội. Khi đó ta sẽ biết cách dạy trẻ trong mọi nơi mọi lúc.
Nhưng hơn cả thế, dạy con, cũng chính là khoác cho con cái áo nhân cách đẹp để con mặc suốt đời. Vì con của mình, lẽ nào chúng ta lại trao cho con những "chiếc áo" vá víu hoặc thủng lỗ chỗ?
Saomai Pham.
Không có nhận xét nào