Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VÀI GHI CHÉP VỀ PHIÊN ĐIỀU TRẦN CHỐNG TRA TẤN CỦA VIỆT NAM TẠI LIÊN HỢP QUỐC VÀ MỘT SỐ BÌNH LUẬN

VÀI GHI CHÉP VỀ PHIÊN ĐIỀU TRẦN CHỐNG TRA TẤN CỦA VIỆT NAM TẠI LIÊN HỢP QUỐC VÀ MỘT SỐ BÌNH LUẬN Chiều ngày 14/11/2018, Việt Nam đã có phiên...

VÀI GHI CHÉP VỀ PHIÊN ĐIỀU TRẦN CHỐNG TRA TẤN CỦA VIỆT NAM TẠI LIÊN HỢP QUỐC VÀ MỘT SỐ BÌNH LUẬN

Chiều ngày 14/11/2018, Việt Nam đã có phiên họp điều trần trước Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc tại Geneva nhằm đánh giá việc thực hiện Công ước "Chống tra tấn, đối xử tàn ác hay hạ nhục con người" của Việt Nam sau 3 năm phê chuẩn Công ước. 

Bình luận về phiên họp này, ông Các nói: "Dù đại diện phái đoàn nhà nước cố gắng tô vẽ nên một bức tranh toàn gam màu tươi sáng về tình trạng không bị tra tấn tại Việt Nam, nhưng qua những câu hỏi chất vấn từ Ủy ban Chống tra tấn, đã phủ lên một gam màu đen tối lên hệ thống pháp luật và chính sách thi hành trong việc ngăn ngừa tra tấn và xử lý các hành vi tra tấn tại Việt Nam.

Nghe qua nội dung các câu hỏi và vấn đề quan tâm của Ủy ban, dễ nhận ra việc trao quyền hạn quá rộng lớn cho công an - chủ thể chính của hành vi tra tấn, đã và đang làm xói mòn đi các cơ chế giám sát có thể bảo vệ người đang bị giam giữ khỏi bị tra tấn, và dễ làm nản lòng nạn nhân của hành vi tra tấn tìm cách truy đòi khắc phục pháp lý".

Để chứng minh cho nhận định này, ông Các xin trích dẫn các vấn đề cơ bản mà Ủy ban Chống tra tấn đã chất vấn đại diện nhà nước Việt Nam trong phiên họp. Bên cạnh đó ông Các cũng đưa ra các Bình luận riêng của mình cho mỗi vấn đề, để làm rõ thêm việc vì sao Ủy ban lại đặt ra nội dung câu hỏi ấy, và nhằm mục đích gì.

1. Tội danh tra tấn

Mở đầu cho các câu hỏi, Ủy ban đặt ngay vào vấn đề trọng tâm giới hạn tội danh tra tấn của Việt Nam. Ủy ban đặt câu hỏi rằng họ nhận thấy trong Hiến pháp Việt Nam có quy định cấm tra tấn nhưng sao trong luật hình sự không quy định tội danh tra tấn? Ủy ban cho biết tội "dùng nhục hình" hay "bức cung" trong luật hình sự của Việt Nam là chưa đủ để xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến tra tấn theo sự định nghĩa của Công ước.

Cụ thể Ủy ban đã nêu ra các vấn đề như Việt Nam chưa xem xét thỏa đáng đối với các hành vi xúi dục, tán thành tra tấn (tham gia tra tấn một cách gián tiếp), cũng như lưu ý về việc tra tấn không chỉ giới hạn trong việc tác động lên thể xác mà còn bao gồm tác động lên tinh thần. Qua đó, Ủy ban yêu cầu Việt Nam cần có một tội danh riêng quy định về tra tấn theo như thật ngữ được định nghĩa trong Công ước.

Bình luận riêng:  Việt Nam nói rằng đã thực thi rất nghiêm chỉnh và có cam kết rõ ràng trong việc chống tra tấn, nhưng việc không có quy định trực tiếp về tội danh tra tấn - cũng như không dám dùng đến thuật ngữ "tra tấn" trong bộ luật hình sự, cho thấy Việt Nam dù đã phê chuẩn Công ước Chống tra tấn nhưng Việt Nam lại "dị ứng" với thuật ngữ này. Điều này cho thấy mức độ thực hiện Công ước không tương đồng với cam kết và quyết tâm từ những người có trách nhiệm.

2. Thời hạn tạm giam

Ủy ban yêu cầu Việt Nam cung cấp số liệu thống kê về thời gian tạm giam, mà theo báo cáo của Việt nam, Ủy ban được biết thông thường là không quá 4 tháng với tội danh nghiêm trọng. Ủy ban cũng hỏi vì sao những người bị cáo buộc xâm phạm an ninh quốc gia lại bị tạm giam kéo dài vượt quá khuôn khổ luật cho phép?

Bình luận riêng: Ủy ban nêu vấn đề này vì họ nhận thấy việc quy định thời hạn tạm giam kéo dài như vậy là vi phạm quy định của Công ước. Theo Công ước, người bị bắt trong vòng 48h phải được đưa ra tòa, trước một thẩm phán để xem xét tính hợp pháp về việc bắt giữ. Rõ ràng việc tạm giam kéo dài làm người bị tạm giam có nguy cơ cao đối diện với tra trấn và bị ép cung. Tạm giam kéo dài mà không nhận được sự hỗ trợ pháp lý thường dẫn đến nguy cơ “không có tội cũng thành có tội”. 

3. Vấn đề tiếp cận luật sư của người bị giam giữ

Ủy ban bày tỏ sự hoài nghi về báo cáo người bị bắt giữ được đảm bảo quyền tiếp cận với luật sư, và Ủy ban hỏi về quyền tiếp cận luật sư ngay tại thời điểm bị bắt giữ. Vấn đề này Ủy ban nhận thấy giữa thực tế và trên báo cáo là khác biệt, và đề nghị Việt Nam giải thích. Bên cạnh đó Ủy ban muốn biết rõ vì sao người mất tự do lại bị giới hạn tiếp cận pháp lý, và lý do vì sao nhà nước lại lo ngại việc người bị giam giữ tiếp cận pháp lý như vậy?

Bình luận riêng: Ủy ban đặt vấn đề này có thể để làm rõ việc công an đã từ chối quyền tiếp cận luật sư của người bị bắt giữ như thế nào. Ủy ban đã nhận thấy công an có thể viện dẫn lý do "bảo vệ công tác điều tra" để từ chối sự tham gia của luật sư. Điều này là vi phạm nghiêm trọng công ước. Việc thiếu vắng luật sư trong lúc thẩm vấn nghi phạm sẽ tạo ra nguy cơ tra tấn và ép cung rõ ràng.

4. Thông báo nơi giam giữ

Ủy ban hỏi về việc vì sao dù luật đã quy định phải thông báo kịp thời cho thân nhân, gia đình người bị bắt giữ biết được nơi giam giữ họ, nhưng Ủy ban nhận thấy tình trạng nhiều gia đình không biết người thân của họ đang bị giam giữ chính xác ở đâu?

Bình luận riêng: Ủy ban nêu vấn đề này vì theo công ước việc không thông báo kịp thời nơi giam giữ cho gia đình của họ là cấu thành hành vi "giam giữ bí mật". Giam giữ bí mật là trái với quy định của công ước. Việc giam giữ bí mật như vậy thường làm người bị giam giữ có nguy cơ cao bị tra tấn.

5. Về bằng chứng tra tấn

Ủy ban nhận thấy nạn nhân bị tra tấn không được chọn bác sĩ riêng và cũng không được tự do lựa chọn dịch vụ y tế. Ủy ban nêu câu hỏi về tính độc lập của bác sĩ và dịch vụ y tế, cũng như các bác sĩ và dịch vụ cung cấp y tế trong các trại giam giữ có được độc lập hay là thuộc biên chế của ngành công an?
Về vấn đề này Ủy ban nêu lên trường hợp có một không hai mà lần đầu tiên Ủy ban nghe đến, đó là bác sĩ của một trại giam đã đánh gãy răng một phạm nhân đang điều trị y tế trong trại giam. 

Bình luận riêng: khi Ủy ban nêu lên vấn đề này rõ ràng cho thấy, Ủy ban đã đánh giá đúng về việc các bác sĩ và dịch vụ y tế không độc lập sẽ gây cản trở cho việc truy tố thủ phạm tra tấn. Khi mà bác sĩ và dịch vụ y tế là một bộ phận của ngành công an hoặc khám chỉ định và cấp giấy chứng thương theo yêu cầu của công an sẽ không đảm bảo được tính khách quan và sự chuẩn xác khi chứng nhận mức độ chấn thương được dùng để truy cứu trách nhiệm của nhân viên công an đã tra tấn họ.

6. Về ghi âm, ghi hình khi thẩm vấn

Ủy ban đánh giá cao việc Việt Nam mới áp dụng ghi âm, ghi hình trong thẩm vấn, và hỏi việc ghi âm, ghi hình được áp dụng cho tất cả các trường hợp hay chỉ một số trường hợp? Cơ sở pháp lý quy định việc này như thế nào? Và luật sư có thể tiếp cận dữ liệu ghi âm, ghi hình này không?

Bình luận riêng: Câu hỏi này cho thấy Ủy ban đã lo ngại về việc dữ liệu ghi âm, ghi hình không được giám sát hay cung cấp cho một bên độc lập thì khả năng chống tra tấn bằng việc ghi âm, ghi hình trở nên vô nghĩa, khi tài liệu này chỉ do công an quản lý và sử dụng, cũng như tồn tại khả năng thực hiện hành vi tra tấn ngoài địa điểm được lắp đặt hệ thống ghi âm, ghi hình.

7. Ủy ban hỏi cơ quan độc lập nào thụ lý đơn tố cáo công an tra tấn, cũng như có cơ quan độc lập nào giám sát các trại giam giữ hay không? Ủy ban cho biết họ nhận thức được vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc và Thanh tra chính phủ trong vấn đề này theo luật định, nhưng Ủy ban nhận thấy vai trò của các cơ quan này trên thực tế là không nhiều. Và kêu gọi Việt Nam cần hợp tác thêm với các tổ chức phi chính phủ để họ có thể tham gia vào việc giám sát tình trạng tra tấn tại các nơi giam giữ.

Bình luận riêng: Ủy ban nêu vấn đề này như là một áp lực yêu cầu Việt Nam có một cơ quan chuyên trách độc lập có thẩm quyền xử lý các tố giác tra tấn. Vấn đề này cũng thúc ép Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư công nhận Tiểu ban Chống tra tấn của LHQ có chức năng thị sát và điều tra ở bất kỳ đâu mà họ nhận được báo cáo có sự tra tấn. Đồng thời hối thúc Việt Nam cho phép Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn đến Việt Nam thực hiện nhiệm vụ để đánh giá tình hình. Việc này nhằm ngăn chặn cho tình trạng tra tấn một cách có hệ thống tại các trại giam giữ, và tiến hành điều tra, xử lý thích đáng các hành vi tra tấn.

8. Ủy ban đề nghị Việt Nam làm rõ hơn về Luật tiếp cận thông tin và Luật báo chí liên quan đến hành vi tra tấn.

Bình luận riêng: Ủy ban lo ngại các vụ việc tra tấn ảnh hưởng đến uy tín nhà nước sẽ được xếp vào dạng "bí mật thông tin", và công chúng không thể tiếp cận. Theo quy định công ước, các thông tin về tra tấn không thể được xem là thông tin "bí mật quốc gia", công chúng cần phải được tiếp cận và hệ thống báo chí khi đưa tin về việc tra tấn đảm bảo không bị kiểm duyệt.

9. Quyền hạn công tố

Ủy ban hỏi cơ quan nào đang nắm quyền lực điều tra tư pháp? Viện kiểm sát có quyền lực tương đương bên công an không? Ủy ban nhận thấy sự chồng chéo trong hoạt động điều tra và thẩm vấn giữa hai cơ quan này. Ủy ban bày tỏ quan ngại việc Công an có quyền năng to lớn trong việc khởi tố lẫn điều tra.

Bình luận riêng: vấn đề này cho thấy Ủy ban đã nhận ra và thật sự lo ngại với tình trạng Viện kiểm sát khi truy tố bị can lại hoàn toàn dựa vào kết luận điều tra do công an cung cấp. Việc này cho thấy bên công tố khi truy tố tội danh không dựa vào sự điều tra riêng biệt mình, mà lại hoàn toàn phụ thuộc vào bên công an. Truy tố như vậy là không đảm bảo cơ chế phát giác lời khai có được do tra tấn.

10. Về tính độc lập của cơ quan điều tra, công tố, và xét xử.

Vấn đề này Ủy ban không đặt câu hỏi mà bày tỏ quan ngại luôn, rằng việc những người thực hiện công tác này đều là Đảng viên của Đảng Cộng Sản nên họ thiếu đi khả năng độc lập trong vai trò của mình. Ủy ban bày tỏ quan ngại việc trước khi mở phiên tòa xét xử, các cơ quan này đã họp trước với nhau, và xét xử vụ án chỉ trong vài giờ.  

Bình luận riêng: rõ ràng luật nhân quyền quốc tế lên án mạnh mẽ việc điều tra, truy tố và xét xử không độc lập với nhau. Việc xét xử chỉ kéo dài trong vài giờ cho thấy rõ ràng nghi phạm đã bị kết án trước khi xét xử. Việc này là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc chuẩn mực và sự độc lập khi xét xử theo Công ước.

11. Ủy ban hỏi về các quy định kỷ luật tù nhân bằng cách "cùm chân" và ngăn chặn việc thăm nuôi, cũng như việc giam giữ cô lập tách biệt. Ủy ban yêu cầu Việt Nam cung cấp số liệu cụ thể về vấn đề này.

Bình luận chung: Ủy ban hỏi vấn đề này vì theo Công ước việc cùm chân một tù nhân trong trại giam , ngăn chặn thăm nuôi, giam giữ cô lập đều cấu hành thành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục con người. 

12.  Về việc tự sát trong trại giam

Ủy ban yêu cầu cung cấp số liệu về người người chết do bệnh lý và tự sát ở các trại giam giữ. Ủy ban cho biết đã nhận được các báo cáo tin cậy nói rằng những người tự sát hay rối loạn thần kinh không phải vì lo sợ trong lúc chờ đợi đối diện với hình phạt mà vì sự thống khổ mà họ phải chịu đựng khi bị giam giữ vì sự ngược đãi.

Bình luận riêng: Từ các số liệu cung cấp này, Ủy ban có thể đưa ra kết luận có tồn tại khả năng vi phạm các Nguyên tắc đối xử với tù nhân, để có thể đi đến kết luận có sự đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục con người mang tính hệ thống trong các trại giam giữ hay không.

13. Các trường hợp cụ thể

Ngoài các vấn đề chung cơ bản đã nêu trên, Ủy ban yêu cầu Việt Nam giải thích và cung cấp thông tin về kết quả điều tra của các vụ việc cáo buộc sau:

- Vụ người tụ tập biểu tình vào tháng 6/2018 ở Công viên Tao Đàn TP.HCM bị giải tán. Những người biểu tình bị bắt giữ và đánh đập, tra tấn tàn bạo bởi nhân viên an ninh.
- Trường hợp trục xuất ông Phạm Minh Hoàng.
- Việc tha tù trước thời hạn nhưng kèm theo điều kiện buộc họ phải rời khỏi đất nước. 
- Tình trạng giam giữ người tại địa điểm cách xa nơi ở của gia đình họ, nhằm gây cản trở việc thăm gặp, cấu thành hành vi đối xử vô nhân đạo.
- Trường hợp bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án tù vì thu thập thông tin công an đánh chết người.
- Trường hợp quản thúc tại gia đối với các chức sắc tôn giáo như hòa thượng Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh. Và các trường hợp sách nhiễu đối với những người hoạt động nhân quyền.
- Trường hợp Nguyễn Văn Hóa bị tra tấn và ép cung mà không được tiến hành điều tra.
- Trường hợp Nguyễn Hữu Tấn chết tại trại tạm giam tỉnh Vĩnh Long với vết thương bị cắt ở cổ, và nhiều trường hợp chết khác xảy ra....

Sang ngày 15/11, phiên chất vấn của Ủy ban sẽ tiếp tục, và phái đoàn đại diện nhà nước Việt Nam sẽ trả lời các câu hỏi mà Ủy ban đã nêu ra. Phiên họp đối đáp này diễn ra trong 6 tiếng,  bắt đầu từ lúc 16h đến 19h, và từ 21h đến 24h theo giờ Việt Nam. Phiên họp được phát trực tiếp trên trang Web TV của Liên Hợp Quốc (http://webtv.un.org), có phiên dịch trực tiếp sang tiếng Việt, người Việt quan tâm dễ dàng theo dõi phiên họp này.


Ảnh: fb  Nguyen Dinh Thang chụp từ phiên họp.


Phạm Lê Vương Các

Không có nhận xét nào