VÀI NGUYÊN LÝ VỀ GIÁO DỤC Chúng ta cần nhớ rằng, một đứa trẻ sẽ không thể nào có thể có được hai khả năng sau như người trưởng thành chúng t...
VÀI NGUYÊN LÝ VỀ GIÁO DỤC
Chúng ta cần nhớ rằng, một đứa trẻ sẽ không thể nào có thể có được hai khả năng sau như người trưởng thành chúng ta: thứ nhất là khả năng nhận thức được các quyền của bản thân; và do đó sẽ dẫn đến cái thứ hai, là việc không thể nhận thức được các sự xâm hại và biện pháp phản kháng có tính tự vệ.
Chính bởi vậy, trẻ em là đối tượng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn hẳn người lớn chúng ta vì chúng ta đã có đủ khả năng để phân biệt sự phải trái, tính đúng sai và có thể lựa chọn để thực hiện các hành xử tương ứng của mình trong từng hoàn cảnh.
Một đứa trẻ vì thế sẽ được và luôn cần phải được bảo vệ một cách tối đa trong mọi hoàn cảnh mà nó xuất hiện. Và việc giáo dục đầu tiên chính là nhằm làm sao để cho những đứa trẻ chính là cách truyền đạt cho chúng việc nhận ra các quyền của mình và từ đó là cách để chống lại các sự xâm hại vào các quyền đó như thế nào. Đó chính là bước đầu tiên của sự giáo dục để bắt đầu quá trình học để hiểu biết, học sinh tồn, sau đó là học để tự do, học để chung sống và cuối cùng là học để khai tạo.
Chính bởi những điều mà một con người cũng như mọi sinh vật khác được truyền dạy là khả năng để chống chọi với hoàn cảnh, bao gồm các sự tấn công từ các chủ thể, đối tượng khác, mà từ đó sẽ có đầy đủ các nhận thức về chúng để tự bảo vệ được mình trước các biến chuyển của cuộc sống luôn tác động đến mỗi cá thể sống trong nó.
Một đứa trẻ vốn đã thiếu đi hai khả năng quan trọng nhất để sinh tồn một cách bình thường, nên phải dựa vào những người trưởng thành để được che chở và bảo vệ, mà nếu dựa vào sự lệ thuộc về mặt thể lý tự nhiên này mà người có trách nhiện và bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục lại xâm hại vào chính những đứa trẻ thì tức là một tội ác nghiêm trọng hơn những tội phạm thông thường có cùng một tính chất về sự xâm hại.
Đứa trẻ bị xâm hại sẽ bị thương tổn sâu sắc và lâu dài hơn. Dẫn tới cả khả năng mất đi nhận thức phân biệt đến các hệ giá trị và những cái đúng sai, những luân lý, đạo đức thuộc về con người.
Những đứa trẻ sẽ không biết bảo vệ điều gì và cũng sẽ không biết rằng mình sẽ xâm hại vào điều không được phép cũng bởi vì những hành động xâm hại mà chính chúng là nạn nhân hoặc nhân chứng chứng kiến lại được chấp nhận từ phía giáo viên, gia đình hay dư luận xã hội.
Đó là hệ quả nguy hại cho một thế hệ lớn lên sẽ mất đi phương hướng và các nhận thức chuẩn mực cần có ở một con người. Xã hội sẽ bị đảo lộn và người ta sẽ thường xuyên coi việc xâm hại nhau là một phương cách không chỉ hợp pháp mà còn hữu ích.
Xâm hại những đứa trẻ chính là không chỉ xâm hại trực tiếp vào thân thể hoặc là tâm hồn chúng ở trong thời điểm hiện tại mà còn tước đoạt hay cướp mất tương lai của chúng. Và nó gây ra một sự rối loạn hệ quả có tính phổ biến mà chính những nạn nhân lúc này lại trở thành thủ phạm trong tương lai và tiếp tục những đứa trẻ lại phải gánh chịu những sự khốc liệt này mà đáng ra chúng không được phép tồn tại.
Do vậy, luật pháp hay giáo dục, đều phải có triết lý cốt lõi làm nền tảng của nó để làm xuất phát điểm trước khi thiết lập những tương tác giáo dục cũng như việc trang bị các biện pháp bảo vệ cho từng công dân của mình. Nếu chúng ta không có nhận thức và tư tưởng đúng đắn thì sẽ dẫn tới những hành động sai trái và nguy hại không chỉ cho bản thân mà còn cho những người khác hoặc ngoại cảnh tự nhiên. Nó sẽ để lại những di chứng hệ thống có tính huỷ hoại và về lâu dài.
Cái Khả Thể
Không có nhận xét nào