Vấn đề chủ quyền biển đảo: Pháp nhân “quốc gia” đâu thể “tự phong” mà có ? Phần lớn, nếu không nói là “hầu hết”, các “học giả” Việt Nam ngh...
Vấn đề chủ quyền biển đảo: Pháp nhân “quốc gia” đâu thể “tự phong” mà có ?
Phần lớn, nếu không nói là “hầu hết”, các “học giả” Việt Nam nghiên cứu về Biển Đông đều có chung quan điểm rằng nếu “có hai quốc gia Việt Nam trong chiến tranh 1954-1975” thì việc “tranh biện pháp lý” với TQ sẽ có lợi hơn. Quan điểm này nguyên thủy đến từ các “học giả” thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông như quí ông TS Dương Danh Huy, GS Phạm Quang Tuấn, GS Hoàng Việt v.v… xuất hiện khoảng đầu năm 2013. Ý kiến này chỉ có mục đích phản biện lại quan điểm của tôi (đã có từ hơn 15 năm nay), về sự cần thiết của việc “hòa giải quốc gia” để “kế thừa di sản VNCH”.
Theo tôi, việc “kế thừa VNCH” là vấn đề “cốt lõi” trong việc khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS. Việc “kế thừa VNCH” sẽ “thiết lập lại sự liên tục quốc gia” đồng thời khẳng định “danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”.
Việc này cũng rất cần thiết để có thể “hóa giải” những cam kết của VNDCCH đối với những yêu sách về lãnh thổ và hải phận của TQ như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, các bài báo Nhân Dân nhìn nhận vùng biển của TQ ở Hoàng Sa năm 1965, các bản đồ do VNDCCH xuất bản nhìn nhận HS và TS thuộc về TQ….
Mà việc “kế thừa VNCH” chỉ có thể thể hiện qua một chính sách “hòa giải quốc gia”.
Ý kiến của nhóm Quĩ Nghiên cứu Biển Đông là muốn giúp nhà nước CSVN hóa giải được hiệu lực ràng buộc của công hàm 1958 đồng thời khẳng định được chủ quyền của VN tại HS và TS mà không cần thông qua thủ tục “hòa giải quốc gia” và “kế thừa VNCH”. Lập luận của họ đơn thuần dựa lên một ý kiến (chưa đầy đủ) của học giả Monique Chemillier-Gendreau trong tập tài liệu « La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys »:
“Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có thẩm quyền”.
Thật vậy, Hoàng Sa và Trường Sa do VNCH quản lý từ 1954 đến 1975. Miền Bắc, tức CNDCCH, không có thẩm quyền về hai quần đảo này. Vì vậy những tuyên bố của VNDCCH, như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, về hai quần đảo này là không có hiệu lực.
Để khẳng định lập luận này nhóm học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông vận động rầm rộ dư luận trong ngoài nước, bằng báo chí và truyền thông, yêu sách nhà nước CHXHCNVN phải “nhìn nhận VNCH đã từng là quốc gia”.
Họ chỉ nghĩ đơn thuần rằng, nếu VNCH, Cộng hòa MNVN (tức Mặt trận giải phóng miền Nam) và VNDCCH là những “quốc gia”. Sau khi VNCH sụp đổ, chính phủ lâm thời CHMNVN sẽ “kế thừa” hai quần đảo HS và TS. Hai “quốc gia” VNDCCH và CHMNVN “thống nhứt đất nước” 1976. HS và TS đơn thuần sáp nhập vào VN.
Nhiều lần tôi viết bài cảnh báo : nếu VNCH và VNDCCH là những quốc gia độc lập, có chủ quyền, thì việc tranh luận về chủ quyền HS và TS xem như kết thúc. HS và TS thuộc về TQ. Lần cuối cùng tôi nhắc lại việc này là hôm qua, 9 tháng 11 năm 2018.
Còn việc “công nhận quốc gia”, các “học giả” thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông tưởng là dễ dàng như là việc “phong tướng” ở VN. Tôi đã có bài viết phản biện ý kiến này (theo link ở dưới).
Một số ý kiến tóm lược là:
Thứ nhứt, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã “sụp đổ”. Người ta không thể “công nhận” cái đã không còn hiện hữu.
Thủ tục “công nhận quốc gia” là một thủ tục quan trọng trong quan hệ quốc tế. Nó xác định sự hiện hữu (tư cách pháp nhân) một quốc gia trên sân khấu quốc tế. Thủ tục công nhận thể hiện bằng việc “thiết lập bang giao”, qua các việc trao đổi lãnh sự, ký kết các hiệp ước, hay bằng một tuyên bố đơn phương giữa các quốc gia. Việc công nhận quốc gia là các bên chấp nhận các yếu tố đặc thù về công dân, về lãnh thổ và về chính phủ của các bên.
Nhiều “vùng lãnh thổ được xác định” có dân chúng, có chính phủ độc lập và tự chủ, có đồng tiền riêng, có nền kinh tế riêng… như Đài loan, Palestine, Kurdistan… nhưng chưa bao giờ các “vùng lãnh thổ” này được “công nhận” là “quốc gia”.
Nếu việc “công nhận quốc gia” dễ dàng như các “học giả” nghĩ thì trên địa cầu này có hàng ngàn “quốc gia” rồi!
Thứ hai, trên quan điểm “pháp lý”, hai hiệp định Genève 1954 và hiệp định Paris 1973, hai văn bản quốc tế đã làm nền cho một “quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhứt ba miền và có chủ quyền”. Mọi hành vi, mọi tuyên bố liên quan đến nền “độc lập” và sự “thống nhứt” của quốc gia VN, nếu đi ngược lại nội dung hai hiệp định này, chúng đều không có giá trị pháp lý.
Việc hô hào công nhận VNCH “đã là một quốc gia” là hành vi đi ngược lại nội dung hai hiệp ước nền tảng.
Thứ ba, các “học giả” vịn vào trường hợp Nam và Bắc Hàn để cho rằng hai bên VN cũng là những “quốc gia”.
Thật là “lầm chết”!
Hai miền Nam và Bắc Triều Tiên cùng gia nhập LHQ cuối năm 1991, theo đề nghị của Gorbachev. Cục diện thế giới thay đổi. Cộng đồng quốc tế có thói quen xem hai miền là hai “quốc gia”, nhưng thực tế không phải vậy. Hai xứ này cùng gia nhập LHQ trên tinh thần của Kết ước “Hòa giải và hợp tác” ký giữa hai miền ngày 13-12-1991. Lời mở đầu của kết ước khẳng định các quan hệ hai bên không phải là quan hệ giữa “quốc gia”, mà chỉ là một quan hệ tạm thời trong tiến trình thống nhứt đất nước.
Thứ tư, phải chăng “Hà Nội đã công nhận rằng Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một quốc gia” ?
Không có bằng chứng nào cho thấy việc “công nhận” này đã thể hiện. Rà soát lại lịch sử “bang giao” giữa miền Bắc và Cộng hòa MNVN, ta không thấy có bất kỳ bằng chứng nào VNDCCH “công nhận” CHMNVN là một “quốc gia”, với những thủ tục ngoại giao cần thiết và bắt buộc.
Thứ năm, các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông thường vịn vào ý kiến các học giả nước ngoài để củng cố ý kiến của mình. Vấn đề là cũng có nhiều ý kiến đối nghịch của các học giả khác mà không thấy đưa vào làm bằng chứng. Những người này cho rằng hai bên VNCH và VNDCCH hành sử “như là những quốc gia”. “Như là quốc gia” thì chưa phải là “quốc gia”.
Đài loan hiện thời “hành sử như là quốc gia”. Nhưng quốc tế đâu có công nhận Đài loan là “quốc gia” ?
Có ý kiến khác cho rằng trường hợp hai miền Nam và Bắc VN, cũng như Nam và Bắc Hàn, Đông và Tây Đức… đều là những “quốc gia bị phân chia”. Các bên là những “quốc gia chưa hoàn tất”.
Ý kiến của tôi là mang danh “học giả”, “nhà nghiên cứu”... ta phải tôn trọng sự thật lịch sử và các nguyên tắc luật học. Ta có thể thiết lập một hồ sơ pháp lý cho VN để khẳng định chủ quyền biển, đảo, chuẩn bị kiện TQ trước một trọng tài quốc tế. Hồ sơ này chỉ có giá trị, khi và chỉ khi, những bằng chứng nêu ra đều “đúng” và phù hợp với các nguyên tắc luật học.
VN không phải là TQ. TQ vừa có tiền vừa có sức mạnh. Họ biến cái không có thành cái có, biến cái có ít thành cái có nhiều. Họ phịa sử đủ thứ, chứng minh “chủ quyền lịch sử ở Biển Đông”. Mà cốt lõi các yêu sách của họ là các bằng chứng đến từ VNDCCH.
VN “trên răng dưới dế”, ngoài trí khôn ta không có gì tương ứng với TQ. Mà “trí khôn” không có nghĩa là “bịa sử” và “nói láo”.
Nhân Tuấn Trương
Không có nhận xét nào