Về hai ngôi mộ cổ ở đình Tân Phong Biên Hòa Nhờ anh Lê Ngọc Quốc cho biết, mà mình đọc bài của chú Hậu Học viết phân tích kỹ về hai nhân vật...
Về hai ngôi mộ cổ ở đình Tân Phong Biên Hòa
Nhờ anh Lê Ngọc Quốc cho biết, mà mình đọc bài của chú Hậu Học viết phân tích kỹ về hai nhân vật được chôn trong hai ngôi mộ cổ này ở đây >> http://dvtuan63.blogspot.com/2014/10/lang-mo-co-thong-che-va-tien-chi-o-inh.html.
Mình tra lại sử, xem lại hình, thì có những điều sau đây xin được nêu lên để chú và các bạn tự tra khảo thêm:
1. Hai tấm bia (headstones) không là bia nguyên gốc bởi vì chúng được khắc với 2 chữ Việt Nam 越南. Và có cả một tấm bia khắc chữ Việt Nam theo dạng Quốc ngữ từ trái sang phải.
Như vậy những gì viết trên hai tấm bia này, nếu có ai đó chụp kỹ hình hoặc nghiên cứu, thì cần thận trọng vì những chữ trên bia này có thể do người đời sau khắc vào, chứ không là bia gốc khi xưa triều đình cho khắc.
2. Có vẻ như trên bức vòng thành hậu cong cong phía dưới trên 2 ngôi mộ, người ta đã ghi nhầm Đại thần 大臣 tức vị quan lớn thành ra Đại thần 大神 tức vị thần to chăng ? Chúng ta hoàn toàn không biết tại sao người ta khắc Thiên Vương Đại Thần 天王大神 trên vòng thành của ngài Đô Thống Chế (?) và Tiền Chi Đại Thần 前支大神 trên vòng thành của ngài Tiền Chi (?). Có phải do người địa phương đã tự tôn xưng hai nhân vật này thành ra hai vị thần chăng ?
Rất có thể cái mà người ta nên khắc là Thống Chế Đại Thần 統制大臣 và Tiền Chi Đại Thần 前支大臣 nhưng do người đời sau (sau tức là ở thế kỷ 20 chẳng hạn), không hiểu Hán Nôm nên khắc chữ Hán từa tựa chăng ?
3. Ở bức vòng thành hậu cong cong bên trên mộ ngài Đô Thống Chế (?) có hàng chữ Thống chế lãnh binh trung phò xã tắc 統 制 領 兵 忠 扶 社 稷. Chức Lãnh Binh xem ra có từ thời Minh Mạng, không liên quan đến thời Gia Long và trước đó.
4. Ở phần câu đối phần mồ ngài Tiền Chi (?), chữ Hán Công Hộ Quốc 功護國 bị viết sai thành chữ Hán Công Hộ Quốc 公護國, và có cả cụm từ nhân dân trong câu Thánh đức hộ nhân dân 聖德護人民. Nhân dân 人民 là một từ rất mới, gần như ở thế kỷ 20, chứ thời quân chủ Gia Long / Minh Mạng, chắc không có vụ nhân dân này.
5. Như vậy với 4 điều nêu trên, ta chắc có thể khẳng định cả 2 tấm bia mộ, bộ vòng thành / câu đối ở đây không thể nào là đồ original, tức bản gốc thời Gia Long. Nếu có chúng chỉ là những di vật được tạo ra vào thế kỷ 20 hoặc rất có thể trễ hơn nữa, thời Hán ngữ mạt Quốc ngữ lên ngôi như những năm sau năm 1945 chẳng hạn. Nên nếu chúng ta dựa vào các di vật này để phân tích, chúng ta cũng nên cẩn thận vì biết đâu người đời sau viết bậy lên đó ?
6. Chúng ta cần xem lại chức Tiền Chi (?) này mà chú Hậu Học hình như không hề phân tích. Bởi vì theo sử liệu Đại Nam Thực Lục mà chú Hậu Học đưa ra về ngài Lê Văn Tú, ngài Lê Văn Tú này có chức là Hữu quân Hữu chi Cai Cơ Lê Văn Tú, chứ chưa bao giờ là chức Tiền Chi nào như trên bức vòng thành khắc là Tiền Chi Đại Thần 前支大神 cả. Và đáng ngờ hơn, theo sử Đại Nam Thực Lục, thì trong binh chế nhà Nguyễn thời ngài Nguyễn Ánh xưng vương "Canh tuất, năm thứ 11 [1790] ... (Năm dinh Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Hậu quân, Tiên phong, mỗi dinh đều là 5 chi, mỗi chi 5 hiệu, mỗi hiệu 3 đội, mỗi đội 4 thập. Trung quân thủy dinh gồm 5 thuận chi, mỗi chi 3 hiệu, mỗi hiệu 2 đội, mỗi đội 5 thập, 5 khuông hiệu và 5 dực hiệu, mỗi hiệu 3 đội, mỗi đội 5 thập. Chi đặt chánh phó trưởng chi, hiệu đặt chánh phó trưởng hiệu, đội đặt cai đội, thập đặt đội trưởng, đều một người. Trung quân thì ghi sổ thuộc dinh Phiên Trấn ; Tả quân thuộc tổng Kiến Đăng dinh Trấn Định và tổng Bình Yên dinh Vĩnh Trấn ; Hữu quân thuộc tổng Kiến Hưng dinh Trấn Đinh ; Hậu quân thuộc hai tổng Bình Dương và Tân An dinh Vĩnh Trấn ; dinh Tiên phong thuộc tổng Kiến Hòa dinh “Trấn Định. Duy dinh Tiền quân thì đương vận việc chinh chiến, chưa kịp kén bổ).".
Như vậy ở đây, chắc là nếu người ta cần khắc chức danh của vị Tiền Chi (?) này, chắc câu khắc cần là Phó Trưởng Chi hoặc Cai Cơ, chứ còn chức Tiền Chi thì không có ý nghĩa gì cả (và sai có cờ). Nên vì vậy, một lần nữa, rất có thể, các bức vòng thành, mộ bia v.v. và cách dùng chữ đã bị người đời sau (đời sau là thời thế kỷ 20) khắc bậy chăng ? Vậy dựa theo các bức vòng thành này mà suy đoán, có khi đi một đường sai hơi xa về suy luận.
7. Về nơi sinh của nhân vật Lê Văn Tú, thì theo chú Hậu Học, mặc dù bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của NXB Thuận Hóa chép là tỉnh Bình Định, nhưng còn bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của thầy Tu Trai Nguyễn Tạo xuất bản năm 1959 ở miền Nam thì ghi là ở huyện Bình An, Biên Hòa. Mình đã so sánh cả 2 bản dịch này thì đúng như chú viết. Nhưng mình khuyên chú, theo kinh nghiệm đọc của mình, học giả và dịch giả Việt Nam không được biết đến là những vị thầy dịch chuẩn và chính xác. Có lẽ do họ học trong một môi trường giáo dục nào đó, nên họ thường dịch thoát, và nhiều khi dịch bậy mà Brian đã đem ra phê bình hơi nhiều trên Facebook. Nếu chú để ý kỹ, chúng ta không hề có các bản chữ Hán của bộ ĐNNTC tỉnh Biên Hòa cho cả 2 bộ NXB Thuận Hóa và bản Tu Trai Nguyễn Tạo. Nên trước khi chú đem cứ liệu dịch thuật từ 2 bản ĐNNTC này ra, xin chú cũng cẩn thận vì không chừng thầy Nguyễn Tạo cũng dịch bậy đó chú. Vâng, thầy Nguyễn Tạo sai cũng nhiều trong khi dịch bộ GĐTTC, nên chúng ta có quyền không tin cả NXBTH lẫn thầy, hoặc giả toàn bộ các dịch giả Việt Nam xưa và nay, đủ tâm và tầm để dịch đúng và chuẩn xác từ các bản Hán ngữ để mà tin tưởng dùng đó chú. Nên xin chú xem lại sự đem cứ liệu từ bản dịch ĐNNTC của thầy Nguyễn Tạo này.
Còn nếu chú có cả cứ liệu bản Hán của đoạn văn mà chú trích từ thầy Nguyễn Tạo hay NXBTH, xin chú tải lên để mọi người cùng tham khảo.
À, và nếu chú đọc thử cách dịch cho 1 nhân vật khác cũng trong phần tỉnh Biên Hòa, là ngài Trần Thượng Xuyên, thì chú cũng thấy cách dịch của NXBTH và thầy Nguyễn Tạo cũng khác hơi xa đó chú.
8. Và bạn để ý luôn, ấy là tại sao nhân vật Đô Thống Chế Lê Văn Quế có chức lớn đến vậy mà lại không được chép vào bộ Đại Nam Nhất Thống Chí phần nhân vật tỉnh Biên Hòa, mà nhân vật Lê Văn Tú, hầu như chả ai biết, lại được ghi tên vào phần nhân vật tỉnh Biên Hòa.
9. Và chú Hậu Học đưa ra suy luận do từ đoạn văn trong ĐNNTC về ngài Lê Văn Tú rằng là “đầu đời Trung hưng, tòng quân lệ vào Hữu quân, làm Cai cơ”, “Trung hưng” là tên gọi nhà Hậu Lê (1533–1789), vậy rất phù hợp với câu đối ở lăng mộ Tiền chi: “Tiền triều công hộ quốc”, triều Nguyễn thường gọi thời Chúa Nguyễn hay trước Gia Long là “Tiền triều”.". Ý là chú cho rằng ngài Lê Văn Tú thuộc về tiền triều, tức thời chúa Nguyễn, rồi sau đó đi theo ngài Nguyễn Ánh.
Nhưng xin chú xem lại, bởi vì theo Brian đọc ở đây, đầu đời Trung Hưng là thời mà 2 vị chúa Nguyễn bị nhà Tây Sơn giết và ngài Nguyễn Ánh xưng vương, tức là những năm 1777-1778, chứ không liên quan gì đến thời Trung Hưng năm 1533 ở ngoài Bắc cả. Và câu "đầu đời Trung hưng, tòng quân lệ vào Hữu quân, làm Cai cơ" chắc ý là ngài Lê Văn Tú được cho vào Hữu Quân tức một trong 5 quân doanh của chúa Nguyễn Ánh, chứ không liên quan gì đến Hữu quân của các chúa Nguyễn thời xưa cả.
Còn câu khắc "Tiền triều công hộ quốc" thì nhiều khi chú cũng cần xem lại luôn, vì như Brian phân tích ở phần trên, người ta khắc bậy đủ thứ lên mộ / bia / vòng thành sau này thì sao chú ? Nên chú phân tích theo những gì viết trên đó, nhiều khi chú sai. Chữ Tiền Triều ở đây, không chừng là vào năm 1950, khi chế độ quân chủ đã bị dẹp, người ta khắc Tiền Triều đó chú.
10. Và chú Hậu Học nhận định ngài Lê Văn Tú này là anh, còn ngài Thống Chế Lê Văn Quế là em (đảo ngược với kiến thức dân gian) vì chú dựa theo bộ ĐNNTC chép rằng "[Lê Văn Quế] ... Năm Giáp Tý thăng Đô thống chế, mùa xuân năm Canh Ngọ chết, không có con, anh viên ấy là Phó tiền chi cai cơ ở doanh Hậu thuỷ là Lê Văn Tú dâng biểu xin vua chuẩn cho con của em út là Do được miễn binh đao để chủ trì việc thờ cúng, lại chiếu Vọng Các công thần vào bậc thú 2, cấp cho phu coi mộ, rồi cho được tập ấm Phụng ân uý.".
Nhưng chính chú của đã phản luận rằng ngài Lê Văn Tú đã mất ở Quy Nhơn những năm 1802, còn ngài Lê Văn Quế mất năm 1810 nên câu văn trên không thể tin được. Như vậy, làm thế nào mà trong cùng đoạn văn, có phần không tin được thì chú gạt đi, còn phần chú tin (như "anh viên ấy") thì chú lại nghĩ rằng ĐNNTC là chép đúng ? Chú suy luận như vậy là selective reasoning rồi đúng không ? Tức là dạng confirmation bias. Có khi cả câu này bị viết bậy luôn thì sao chú ?
Nên nhận định của chú ngài Cai Cơ Lê Văn Tú là anh, Lê Văn Quế là em, cần được xem lại, vì cứ liệu ĐNNTC mà chú đưa ra hoàn toàn không thể tin tưởng được. Và chúng ta ở đây cũng còn chưa tra luôn bản chữ Hán để biết có hay không sự dịch bậy của Viện Sử Học đúng không chú ?
11. Và ta lại còn một vấn đề tế nhị khác - đó là khi khai quật mộ, theo báo chí viết, thì trong ngôi mộ của ngài Cai Cơ Lê Văn Tú không có gì hết ngoài quần áo tẩm và di cốt mủn. Nhưng nếu ta chịu khó tra lại sử, thì thứ nhất, nếu đúng là ngài Lê Văn Tú chết trận ngoài Quy Nhơn, có thật là ngài mất mà còn di thể và người ta chịu khó đưa di thể của ngài về Biên Hòa mà chôn không ? Thứ hai, ngài khi mất có chức Thủy dinh Cai Cơ thuộc hàm Tòng tam phẩm, dù không cao bằng hàm Nhất phẩm như chức Thống chế, chắc Tòng tam phẩm cũng phải có chút gì chôn theo đúng không ? Làm thế nào mà không có gì khi khai quật mộ nhỉ ?
12. Và đáng ngờ hơn, là chắc nếu 2 ngôi mộ này là của hai anh em Lê Văn Quế và Lê Văn Tú, thế mộ bia của họ đâu nhỉ khi chính quyền miền Nam di dời chúng để xây khu sân bay Biên Hòa ? Hay là khi chính quyền miền Nam quyết định di dời, thì những thứ di vật như bức vòng thành, bia mộ, câu đối gì đó đã bị người đời nay khắc bậy nên chả ai còn biết 2 ngôi mộ này của ai nữa ?
13. Và cũng đáng ngờ luôn, chú nhận định rằng ngài Lê Văn Tú và ngài Lê Văn Quế là anh em chắc cũng cần xem lại. Bởi vì chú dựa vào câu văn trong ĐNNTC mà chính câu này chú đã phản luận là có phần viết bậy (xem #10). Mà nếu họ không là hai anh em, thì xem ra suy luận của cả bài viết của chú không vững.
14. Cuối cùng, theo bộ Đại Nam Thực Lục, thì ngài Đô Thống Chế Lê Văn Quế này, trước khi có chức Thống Chế năm 1802, thì năm 1795 đã được phong là "Trưởng hiệu Tiền hiệu chi Tả thuận là Lê Văn Quế làm Phó Tiền chi quản hiệu Trung dực. Như vậy có khi nào người Biên Hòa lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, tức lấy chức xưa Tiền Chi của ngài Lê Văn Quế mà cấm vô cho ngài Hữu Chi Lê Văn Tú không chú ?
Mời chú Hậu Học cùng các bạn tham khảo và tự nhiên phản luận.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào