Về sử kiện 3 tỉnh miền Tây Việt Nam bị mất vô tay quân Pháp Đó là 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên và đây là lần thứ hai tỉnh Vĩnh Long...
Về sử kiện 3 tỉnh miền Tây Việt Nam bị mất vô tay quân Pháp
Đó là 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên và đây là lần thứ hai tỉnh Vĩnh Long bị thất thủ vào tay quân Pháp.
Mà người Pháp có tự nhiên một ngày đẹp trời nào đó mà đem súng ống tới ép quan Phan Thanh Giản phải giao thành không ? Thì đáng buồn là KHÔNG bạn ạ.
Bởi vì theo bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Tứ Kỷ Quyển XXXV năm Bính Dần Tự Đức 19 (1866), tháng 10, thì người Pháp họ đã tới Huế mà đòi 3 tỉnh này trước đó gần nửa năm rồi. Tức là đoạn này đây
****
Quan Khâm sứ thượng thư nước Phú Lãng Sa ở Gia Định là Vy An cùng với cố đạo là tên Dương về Kinh, lại đòi lấy đất 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, đình thần nói hình thế 3 tỉnh ấy cheo leo, cũng khó giữ được, nhưng việc quan hệ đến đất cát nhân dân, đâu có thể một chốc dễ dàng, xin sai quan nha Thương bạc viết thư đem tình lý hiểu bảo, đợi tính ký nghĩ định. Vua bảo rằng : Việc ấy rất là trọng đại, không khinh thường được, tất phải đi lại bàn luận vài bốn lần, đắc thể hợp pháp mới được, sai Phan Huy Vịnh, Phạm Phú Thứ cùng đi đến sứ quán tuỳ cơ ứng phó cho khéo, Huy Vịnh, Phú Thứ thường thương thuyết với Vy An. Vy An nói nay không chịu cùng nhau giảng định, sợ bọn mộ nghĩa ngày càng làm càn, tướng nước Pháp bất nhật gây ra việc chiến tranh mà thôi. Vy An về rồi ; vua sai thân phiên, đình thần hội bàn và các tỉnh bàn lại tâu lên. Lại báo cho Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển mật bàn với quan 2 tỉnh An Giang, Hà Tiên, xét xem sự thế nhân tâm ra sao, nếu cử động ngay, cũng phải nghĩ cách đối đãi, nếu nhường nên châm chước cốt được hoà bình, tính kỹ mật bàn tâu lại.
****
Bạn thấy đó, người Pháp tới luôn Huế rồi các quan đâu có quyết tâm giữ lại đâu ? Vua thì cũng bối rối luôn.
Nên quan Phan Thanh Giản đã biết trước vụ này rồi bạn ơi. Chứ không phải ông đứng như trời trồng khi quân Pháp tới đâu.
Và bạn để ý, sử kiện này xảy ra vào tháng 10 âm lịch năm 1866, tới tháng 6 âm lịch năm 1867, người Pháp mới đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Việt Nam. Nên nếu ta nói là người Pháp có sự đánh lén thì chắc không đúng đâu đúng không ?
Mà hình như sử kiện nêu trên, cũng như sử kiện về vụ mất 3 tỉnh miền Đông và bồi thường chiến phí, đã được đem ra bàn bạc trong triều đình nhà Nguyễn, sử chép rành rành đó, mà đâu có bao nhiêu sử gia Việt Nam xưa nay đem ra để phân tích đâu đúng không ?
Người ta toàn viết đổ tội cho quan Phan Thanh Giản rồi đổ tội luôn cho người Pháp là bọn thực dân âm mưu đánh lén mà.
May mà sử Đại Nam Thực Lục còn ghi rất rõ ràng.
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Tới luôn bác tài - bạn có biết
Là các quan nhà Nguyễn đã bàn luận rồi đòi người Pháp giao 2 tỉnh miền Đông Gia Định và Biên Hòa lại cho triều đình nhà Nguyễn, để đổi lấy việc triều đình sẽ giao 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên không ? À, bạn để ý, hổng có vụ đổi tỉnh Định Tường có quê ngoại vua Tự Đức là xứ Gò Công há bạn ? Không hiểu các quan nghĩ ra sao mà lại không thèm đổi tỉnh Định Tường, nhưng ngày nay thì các sử gia Việt Nam viết đầy vô sự nguyên nhân chính mà vua Tự Đức muốn chuộc lại đất là để lấy lại xứ Gò Công quê ngoại của ngài.
Mà đáng ngờ hơn, là các quan Viện Cơ Mật còn đi xa hơn, đã chuẩn bị sẵn tinh thần mất luôn 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên nè bạn.
Và cuối cùng, vua Tự Đức còn khen ngài Phan Thanh Giản trong việc chịu nhịn nhục mang tiếng xấu người đời gắn cho ngài nè.
Những sử kiện này đều xảy ra trước khi có vụ mất 3 tỉnh miền Tây Việt Nam.
Vậy mà cả trăm năm nay, không thấy có sử gia Việt Nam nào phân tích các điều viết trong sử đoạn này bạn nhỉ ? Mà họ lại chia phe phái kẻ bênh người chống gì đó, tốn bao nhiêu giấy mực, làm ngài Phan Thanh Giản chết cũng không xong.
Mà sao mình càng đọc sử Đại Nam Thực Lục, càng thấy sử chép ngược lại với những gì các sử gia Việt Nam bàn tán và phân tích cả trăm năm nay vậy bạn ?
Đây mời bạn đọc, bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Tứ Kỷ Quyển XXXV năm Bính Dần Tự Đức 19 (1866), tháng 10
****
Thân phiên và đình thần tâu nói : 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên là bờ cõi của ta, trong hoà ước đã định, đâu được thay đổi, mà đất cát nhân dân đâu có lẽ triều đình lại bỏ, nay nước Pháp muốn định điều khoản mới, mong ta nhường giao cho ba tỉnh, thì nước ấy liệu tha số bạc bồi thường, xét về tình lý rất là trái ngược, duy thế đất cheo leo, muốn giữ cho không lấn cũng khó, tưởng không nên lấy việc bắt tên Soa, tên Dương giao cho nước Pháp làm đáng trông cậy, thế của ta tính chưa thể đánh nhau với chúng được, nếu yêu cầu ta phải làm, nên 2 bên đều phải châm chước, ta lấy 3 tỉnh ấy giao cho nước Pháp, nước Pháp phải lấy Gia Định, Biên Hoà giao cho ta ; và chớ đặt lãnh sự ở 3 cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên ; khu trừ giặc biển cho ta ; tiền bồi thường đều phải đình chỉ ; những sĩ dân 6 tỉnh muốn dời đến ở thì đều theo ý muốn ; trong hoà ước cũ có điều chưa thoả, đều bàn định lại cho được ổn thoả, tất bất đắc dĩ mới dùng kế kém ấy mà thôi.
Viện Cơ mật tâu nói : Tướng Pháp hoặc uỷ điều ước, bức lấy 3 tỉnh, thì đối với ta đã là vô tình, tưởng cũng không thể trách bằng giấy tờ được, chỉ khiến 3 tỉnh ấy một lòng chống giữ, hoặc sinh việc ngại khác, xin tư cho quan Kinh lược không đánh nhau với quân Pháp, tự phải rút lui, việc đã là rõ ràng, thì lấy ngay việc ấy cũng đủ làm cớ nói, nếu người Pháp bức lấy tỉnh Vĩnh Long, thì hãy còn 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên, có thể dời đóng, hoặc bị người Pháp bức lấy tất cả, thì tất phải chuyển về Bình Thuận để đợi lệnh triều đình, đến khi ấy sĩ dân sáu tỉnh tức giận lũ lượt nổi lên, bấy giờ ta sẽ tuỳ cơ định liệu, lũ tôi nghĩ đi nghĩ lại, sự thế đến thế, tưởng phải nên như thế.
Vua bảo rằng : Lúc Kinh lược họ Phan vào từ tạ xin đi, trẫm đinh ninh uỷ thác, phải hết sức đợi cơ hội theo tình thế mưu lấy lại 3 tỉnh, viên ấy cũng xin đảm đương để bù lỗi trước, từ khi đến Nam Kỳ đến nay, thăm thẳm không được việc gì, lại hầu thua thiệt, vì chưa từng để ý mà thôi, nhiều người nói rằng người Pháp tin trọng viên ấy lắm, chắc hắn biết luồn lọt chờ cơ hội một lời nói hơn 10 vạn quân, chuyên trách viên ấy hết sức tính liệu, đi lại nhắc nhở, cốt khiến cho nghe theo, được chuộc lại là nhất, người Pháp có xin buôn bán ở tỉnh nào cũng cho, không thì đổi trả tỉnh khác là thứ nhì, để cho cùng được liên lạc, hoặc chia thêm thuế, là thứ ba, làm thế nào cho có ích lợi yên ổn lâu dài, ngõ hầu rửa được lỗi trước, để tiếng về sau rất tốt.
****
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào