Về sự Lost in Translation hay là về việc ta nên dùng những từ ngữ nào - quốc tế hay địa phương khi đem văn hóa Việt ra thế giới ? Mình thấy ...
Về sự Lost in Translation hay là về việc ta nên dùng những từ ngữ nào - quốc tế hay địa phương khi đem văn hóa Việt ra thế giới ?
Mình thấy thầy Trần Đình Hằng hỏi câu rất hay về một hội thảo biển Đông mà lại ghi tên tiếng Anh là South China Sea, nên cũng viết xíu luôn.
Câu hỏi của thầy Hằng ở đây >>
Xưa nay, mình chưa đọc được bài viết nào của một học giả Việt Nam viết về việc khi người Việt viết bài hoặc tham gia các cuộc hội thảo quốc tế, các từ ngữ tiếng Việt mà người Việt nào cũng tưởng mình hiểu đúng và đủ sẽ được quốc tế hóa ra sao ?
Một vài ví dụ:
1. Tên địa danh South China Sea thì dễ rồi, bạn mà viết tiếng Anh dạng biển Đông tức Eastern Sea, thì chắc không bao nhiêu người hiểu, ví dụ bạn mà dự hội thảo ở Phi Luật Tuân mà viết biển Đông Eastern Sea, thì tới Thánh cũng không biết bạn viết biển nào. Những tên địa danh dạng South China Sea này đã thuộc tiêu chuẩn quốc tế, có từ xưa chứ không là mới có thời nay khi mà tinh thần dân tộc yêu nước của người Việt dâng cao.
2. Tên địa danh Indochina tức Trung-Ấn mà người Việt quen gọi là Đông Dương thì chắc cũng là tên quốc tế rồi. Bạn mà viết Đông Dương là Eastern Sea thì chắc cũng chả mấy người trên thế giới hiểu bạn viết về địa danh gì. Mà ngay cả người Việt đọc tiếng Anh Eastern Sea cũng khó mà đoán biết Eastern Sea là để chỉ cho xứ Đông Dương tức Indochina.
3. Tên địa danh CochinChina thì tới nay ta có tên Việt là Đàng Trong, Nam Hà, Nam Kỳ, v.v. Nhưng chắc ra quốc tế, viết Inner Region hay Southern Region chả ai biết Inner nào, Southern ở đâu bạn nhỉ ?
4. Tên danh từ Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, mà sao tên tiếng Anh lại là National Political Publishing House ? Không hiểu có phải Sự thật ở Việt Nam khác với Sự thật ngoài này ở quốc tế không, nên người ta bỏ đi hai chữ Sự thật khi dịch sang tiếng Anh ?
5. Tên danh từ Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, mà tại sao tên tiếng Anh lại là Institute of Hán-Nôm Studies ? Theo mình được biết Nghiên Cứu là Research, còn Học mới là Studies (ví dụ dạng Viện Việt Học bên Mỹ). Studies (Học) là việc học hỏi tiếp theo từ những kết quả có được từ những thành quả nghiên cứu (Study is learning something which came out of a research). Còn Research (Nghiên Cứu) là việc nghiên cứu những gì mới cho việc học (Research is working on inventing something new for studying). Hoặc đơn giản là every study is a result of a successful research (https://www.quora.com/What-are-the-differences-between-study-and-research). Nên Nghiên Cứu và Học cách nhau rất xa.
Nên chắc do Viện Hán Nôm giới hạn trách nhiệm của viện mình thuộc về một viện nghiên cứu, nên mặc dù viện có nhiều tiến sĩ chuyên nghiên cứu cứ liệu / dữ liệu Hán Nôm, nhưng các tiến sĩ này chưa bao giờ nên được coi là thầy cô của thiên hạ, tức dạng các kẻ sĩ Hàn Lâm Viện xưa, đưa ra những phương pháp học thuật, hoặc cho mình có trách nhiệm là giảng dạy, hướng dẫn người dân tìm về với Hán Nôm. Mà nếu đúng Viện Nghiên Cứu Hán Nôm chỉ là một viện nghiên cứu, thì đáng ra tên tiếng Anh cần là Institute of Hán-Nôm Research, hoặc giả Hán-Nôm Research Center tức Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, chứ làm sao mà lại có thể là Viện Hán Nôm Học tức Institute of Hán-Nôm Studies nhỉ ? Học (Studies) cao hơn Nghiên Cứu (Research) nhiều mà ? Và dĩ nhiên câu hỏi này cũng có thể đem hỏi cho luôn Viện Việt Học bên Mỹ.
6. Tên danh từ Hội thảo Khoa học tức Scientific Conference thì có liên quan gì đến các hội thảo địa phương tung hô các nhân vật lịch sử mà mỗi năm, ở Việt Nam có cả chục dạng hội thảo địa phương này ? Mình không hiểu các sử gia Việt Nam viết cho hội thảo địa phương đã làm gì để mà xứng đáng với hai chữ Khoa Học Scientific nhỉ ? Mình đọc thấy họ kiến thức chỉ loanh quanh vài bộ sử, mà nhiều khi họ còn trích dẫn sai, và họ nhiều khi viết bừa dạng tuyên truyền cách mạng, thế thì Khoa học là Khoa học ra sao để mà các hội thảo địa phương về sử học lại nâng tầm hội thảo của địa phương mình là hội thảo khoa học ?
7. Tên tính từ "Ngụy" 偽 mà người bên Việt Nam thời xưa gọi cho chế độ VNCH không biết dịch ra tiếng Anh là gì nhỉ ? Mình thấy vài bài viết của miền Bắc xưa có viết là puppet state, nhưng puppet state chưa bao giờ là ngụy cả, vì puppet state vẫn có thể là hợp pháp mà ? Nguỵ 偽 có nghĩa là không chính thống kìa, nên đọc chữ Ngụy tiếng Hán Việt, và đọc qua tiếng Anh puppet state thấy rõ cả sự hài và hình như không đúng trong đó ?
Mà bạn để ý luôn, bạn có thể dùng chữ puppet state cho chế độ miền Bắc thời xưa, tức là một chính quyền bị giật dây bởi các thế lực sau lưng như TQ hay Liên Xô chẳng hạn. Nên ngụy chưa bao giờ có thể là puppet state đúng không bạn ? Ví dụ xưa ta có Ngụy Mạc tức nhà Mạc không chính thống, nhưng nhà Mạc đâu có bị thế lực nào đứng sau lưng giật dây để nắm quyền đâu ?
À, mà bạn để ý luôn, Ngụy 偽 là một tính từ, thế mà sao trong tiếng Việt, ta lại gọi bọn Ngụy vậy bạn ? Ví dụ mình gọi bọn Đẹp, bọn Xấu có đúng cách nói tiếng Việt không ? Chắc mình phải nói bọn Gái Đẹp, bọn Trai Xấu hay bọn Ngụy Quyền, chứ gọi bọn Ngụy là có vấn đề đúng không ?
8. Tên học hàm / học vị Giáo Sư Tiến Sĩ đi chung với nhau, ví dụ GS TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. GS TS thì dịch tiếng Anh là Professor Ph. D hả bạn ? Ví dụ có phải là Prof. Ph.D Nguyễn Chí Bền không ? hay là Prof. Nguyễn Chí Biền, Ph.D ? Mà có ai là Giáo Sư mà không là Tiến Sĩ không ?
9. Mình vẫn chưa thật sự hiểu tên nhóm Đại Việt Cổ Phong 大越古風 tên tiếng Anh là gì ? Ai đó đem ra danh từ Vietnam Ancient đọc mà còn chút xíu rớt xuống ghế. Chả lẽ tiếng Anh của người Việt mình tệ tới vậy sao ?
Và dĩ nhiên mình cũng không biết là hai chữ Đại Việt 大越 ở đây có phải là chỉ GIỚI HẠN cho văn hóa người Việt, mà nói rõ hơn, là sắc tộc Việt (hoặc Kinh) không ? Mình thấy nhóm có tiêu chí là "Mục tiêu thứ nhất là nghiên cứu và phổ biến kiến thức về văn hoá xác thực của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước'. Mình không hiểu "văn hóa xác thực của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước" là gì ? Ví dụ cái nón thuộc địa của người Pháp có là văn hóa xác thực của triều Nguyễn không ? Áo kỳ bào của người Hoa có là văn hóa xác thực của Việt Nam không ? Quần sà rông của người Khmer có là văn hóa xác thực của Việt Nam không ? v.v.
10. Và cuối cùng, mình hoàn toàn không hiểu sự khác nhau giữa dân tộc Việt tức chỉ cho hết 50+ chủng tộc / sắc tộc tại Việt Nam, đối với dân tộc Chăm / dân tộc Hoa tức chỉ cho các chủng tộc / sắc tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mình có viết vài bài về điều này nhưng xem ra, các bạn chỉ toàn nói phải là người Việt mới hiểu, nhưng chưa ai đã thật sự phân tích dân tộc Việt (chỉ cho cộng đồng dân tộc Việt Nam) khác với dân tộc Việt (chỉ cho sắc tộc người Kinh) là ra sao ? Ví dụ, khi ta viết "Nguyễn Huệ là một vị anh hùng dân tộc Việt Nam", ấy là ta đang chỉ cho vị anh hùng của toàn thể cộng đồng các sắc tộc tại Việt Nam, hay là chỉ riêng cho sắc tộc người Kinh vậy bạn ? Ví dụ bạn nói Nguyễn Huệ là anh hùng dân tộc Việt Nam, và Chế Bồng Nga là anh hùng dân tộc Chăm, và Trần Thượng Xuyên là anh hùng dân tộc Hoa, thế người ở ngoài Việt Nam, họ sẽ hỏi, vậy chứ trên cả 3 dân tộc Việt Nam, Chăm và Hoa, thì là "danh từ" gì để dùng ? Vì xem ra "dân tộc Việt Nam" chắc không thể dùng được đâu đúng không bạn ? Vì ai mà biết dân tộc Việt Nam là chỉ cho tất cả mọi sắc tộc tại Việt Nam, hay là chỉ giới hạn vào sắc tộc người Kinh / Việt tại Việt Nam ? Và các bạn sẽ dùng tiếng Anh ra sao ?
Những câu hỏi này, mình chưa thấy ai thật sự hỏi cả, dù chắc các bạn ai ai ngày ngày cũng dùng và mình đồ, phần lớn các bạn nghĩ rằng các bạn hiểu rất rõ về chúng. Nếu được, xin bạn để chút thời giờ chia sẻ kiến thức để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào