Về sự viết lại sử hơi buồn cười trên báo TrithucVN Đó là khi mình đọc bài báo của tác giả Trần Hưng với tiêu đề rất ngầu là "Đà Nẵng 18...
Về sự viết lại sử hơi buồn cười trên báo TrithucVN
Đó là khi mình đọc bài báo của tác giả Trần Hưng với tiêu đề rất ngầu là "Đà Nẵng 1858: Khi súng hỏa mai dũng cảm đương đầu với vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới (P1)" tại đây >> https://trithucvn.net/van-hoa/da-nang-1858-sung-hoa-mai-duong-dau-voi-vu-khi-hien-dai-p1.html, mình dò lại vài điều (chỉ mới vài điều thôi), mình cười vì làm thế nào mà báo có tên TriThucVn, mà lại đăng bài viết về sử lệch lạc và tuyên truyền một chiều đến thế nhỉ ?
Đây, vài điểm cho bạn tham khảo:
1. Theo sử Đại Nam Thực Lục thì "Quân của Tây dương vào xã Mỹ Thị, nhổ rào sách gỗ, phá đồn Thổ Sơn. Tổng thống là Lê Đình Lý đánh nhau với quân của Tây dương một trận to ở xã Cẩm Lệ (có đắp luỹ đất) bị đạn lạc trúng phải, biền binh sợ chạy tan cả. Hồ Đức Tú (phòng triệt ở sở Hoá Khuê) đóng quân lại không tiến. Việc ấy đến tai vua. Vua giận lắm. Sai Tham tri là Lưu Lượng mang cờ, bài đến ngay trước hết, đem Đức Tú cách chức, xích khoá lại xét hỏi. Đình Lý cho nghỉ việc quân, về tỉnh Quảng Nam phái thầy thuốc đến điều trị. Cho Thống chế quyền Chưởng Hậu quân là Chu Phước Minh (kiêm quản dinh Hổ oai) thay làm tổng thống (Hậu quân chuẩn giao cho Trương Phước Trường ; dinh Hổ oai giao cho Nguyễn Doãn, đều kiêm quản)."
Ấy thế mà vô tay tác giả Trần Hưng, thì đây lại là "Hồ Đắc Tú chỉ huy đồn Hóa Khuê dù ở gần đó nhưng khi nghe tiếng súng ầm ầm và hỏa lực mạnh của Pháp thì lo sợ đóng chặt cửa mà không cho quân đi ứng cứu. Cuối cùng dù với vũ khí thô sơ nhưng với nỗ lực tận cùng, quân Đại Nam cũng giữ được đồn Mỹ Thị, quân Pháp phải rút lui khỏi đây.".
Vâng, từ một sử kiện mà chính sử Việt Nam ghi là thua to, biền bình sợ chạy tan cả, mà thành ra là quân Đại Nam với nỗ lực tận cùng, quân Đại Nam cũng giữ được đồn Mỹ Thị, quân Pháp rút lui khỏi đây. Mời bạn tự đọc và tự tham khảo.
2. Theo sử Đại Nam Thực Lục thì "Quân của Tây dương đột nhiên đến đánh phá 2 đồn Hoá Khuê, Nại Hiên, Hiệp quản là Nguyễn Triều, Nguyễn Ân hết sức đánh bị chết trận. (Biền binh chết mất 30 tên, bị thương 65 tên), Chu Phước Minh, Đào Trí, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy chia quân đến cứu không kịp ... Rồi thì Nguyễn Tri Phương phái lính đến sửa lại đồn. Chia đặt lầu canh đồn gác để tiếp ứng cho được nhanh chóng. Đào Trí đem quân sang sông đóng ở xã Mỹ Thị ; Chu Phước Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy mỗi ngày chia nhau đi các đồn, gặp (quân Tây dương 300 - 400 tên) ở quãng giữa 2 đồn Nại Hiên, Hoá Khuê, liền bắn vào, quân giặc phải lui...Quân ở Tây dương chia toán (ước 700) đột nhiên lại đến, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy đánh nhau với quân Tây dương một trận to ở quãng đồn Hoá Khuê, Thạc Giản, Nguyễn Duy xuýt nữa bị giặc bắt được. Nguyễn Tri Phương khi ấy bận đi khám đồn Chân Sảng vắng. Đào Trí, Chu Phước Minh cũng không kịp đến cứu viện...Vua cho là trận này quân ta bị thương 10 người, bị chết 22 người và 2 thớt voi, mà quân Tây dương cũng chết nhiều 45 người tha tội cho cả."
Ấy thế mà vô tay tác giả Trần Hưng thì "Ngày 21/12, quân Pháp lại cho tàu ngược sông Hàn đánh các đồn Nại Hiên và Hóa Khuê. Dưới hỏa lực quân Pháp, quân Đại Nam đã anh dũng chống lại. Dù quân Pháp vừa đông vừa có vũ khí mạnh hơn, quân cứu viện không đến kịp, nhưng hai tướng chỉ huy là Nguyễn Triều và Nguyễn An vẫn quả cảm cùng quân binh chống lại đến cùng cho đến khi cả hai đều trúng đạn và tử trận. Quân tiếp viện dù đến muộn nhưng đã nỗ lực tấn công đánh thẳng vào quân Pháp khiến quân Pháp phải tháo chạy.".
Mà bạn đọc sử liệu người Pháp, họ còn viết rất rõ họ đã đánh ra sao kìa, thế mà tác giả Trần Hưng viết là "Quân tiếp viện dù đến muộn nhưng đã nỗ lực tấn công đánh thẳng vào quân Pháp khiến quân Pháp phải tháo chạy" đấy bạn ạ.
3. Theo sử Đại Nam Thực Lục, khi hai ngài Nguyễn Triều và Nguyễn Ân (Nguyễn Ân bạn ạ, không là Nguyễn An) hy sinh, "Vua nói rằng : Đồn lẻ một nơi, không có quân cứu viện, đến nỗi như thế, bây giờ tìm đâu cho được người tướng như thế ! Bọn tổng thống há chẳng đau lòng ư ? Đều cho truy tặng và cấp tiền tuất, cùng là phải giáng phạt có thứ bậc khác nhau.".
Ấy thế mà vô tay tác giả Trần Hưng thì "Sự ra đi của hai tướng Nguyễn Triều và Nguyễn An gây xúc động và cũng giúp động viên rất lớn đến quân Đại Nam ở Đà Nẵng. Vua Tự Đức cũng tiếc thương mà than rằng: “Quân đã cô, cứu viện lại không có; một quan tướng đã khó tìm, huống chi chết đến hai; bọn tổng đốc (chỉ Nguyễn Tri Phương) không đau lòng sao?”.".
Thế thì ở đâu ra mà có vụ "Quân đã cô, cứu viện lại không có; một quan tướng đã khó tìm, huống chi chết đến hai; bọn tổng đốc (chỉ Nguyễn Tri Phương) không đau lòng sao?" bạn nhỉ ? Ủa, mà ngài Nguyễn Tri Phương làm Tổng đốc tỉnh Quảng Nam hồi nào vậy ta ?
4. Và dĩ nhiên ta cũng khỏi phải bàn về sự viết dạng Tuyên Giáo "Tiếng hô của quân Pháp “Vive l’Empereur!” (tức Hoàng Đế vạn tuế) ngày đầu đến Đà Nẵng cũng biến mất không biết từ khi nào." bởi vì chả có sử liệu nào ghi về điều này cả.
Hình như bài viết này còn dài lắm mà đây mới chỉ là phần 1, nên chắc còn nhiều mà đúng không ?
Mà bạn đã đọc chưa, đã tra sử lại chưa ?
Mà viết sử sai nhiều vậy và lung tung vậy, ban biên tập báo TrithucVN cho đăng, mình thấy lạ cho hai chữ Trí Thức nhỉ ?
Mà ví dụ mình đọc hết, chắc xem ra cũng được một rổ sỏi vụn trong các bài viết dạng tuyên truyền này đúng không bạn ?
Mời bạn cứ tự nhiên tham khảo, gởi đến cho tác giả Trần Hưng nào đó (nếu đúng là có tác giả Trần Hưng), và ông có thể tự do mà phản luận.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào