Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa -Bài 1 - Về thuyết chính biến cung đình thời vua Thiệu Trị của thầy Yoshiharu Tsuboi

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa #thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trun...

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa

#thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trung_hoa

Bài 1 - Về thuyết chính biến cung đình thời vua Thiệu Trị của thầy Yoshiharu Tsuboi

Bạn đọc thêm về thuyết này ở Chương IV phần 2 Chính biến cung đình, trang 198 trong quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa - bản in của NXB Tri Thức, in và nộp lưu chiểu năm 2014.

Về thuyết này, thầy Tsuboi cho rằng ngài Trương Đăng Quế đã làm một cuộc chính biến cung đình bằng cách đẩy quan Nguyễn Đăng Giai đang ở Kinh ra làm tổng đốc Sơn Tây (???) rồi đưa người phe mình về Kinh và có thể ngài Trương Đăng Quế đã thao túng cả việc sử dụng ấn triện triều đình trong việc đưa ra di chiếu của vua Thiệu Trị.  

Mình tra lại bộ Đại Nam Thực Lục với những gì thầy Tsuboi đã đưa ra trong đoạn này, thì thấy thầy Tsuboi cần xem lại lập luận "chính biến cung đình" này của thầy ở những điểm sau đây:

****

Về hành tung ngài Nguyễn Đăng Giai, thầy Tsuboi viết "Không may cho Hồng Bảo, Nguyễn Đăng Tuân mất vào đầu năm 1845.  Một phần thế lực của Tuân chuyển sang con ông là Nguyễn Đăng Giai, nhưng dù là ông quan khôn khéo, Giai không có trọng lượng bằng Quế.  Sau cái chết của Tuân, Quế có cương vị để có một uy thế không ai dám tranh cãi ... Ngay từ năm 1846, Giai được bổ nhiệm tổng đốc Sơn Tây và buộc phải rời Huế để đến nhiệm sở của tỉnh lỵ tỉnh Sơn Tây, phía Bắc Hà Nội.".

Nhưng xem ra, các điều trên mà thầy Tsuboi viết về ngài Nguyễn Đăng Giai đều không đúng theo bộ Đại Nam Thực Lục (bản dịch Viện Sử Học lẫn bản chữ Hán mà mình đưa ra).  Bởi vì về thời gian ngài Nguyễn Đăng Giai làm tổng đốc Sơn Tây - thì theo sử Đại Nam Thực Lục, ngài Nguyễn Đăng Giai từ năm 1841 đã được lĩnh chức thự Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh Thái Nguyên) và năm 1843, ngài đã lĩnh chức thự Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, rồi năm 1844 ngài chính thức là Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, đến luôn năm 1846, ngài còn được kiêm lĩnh cả ấn quan phòng Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình.  Như vậy xem ra từ năm 1841 đến năm 1846, ngài Nguyễn Đăng Giai đã lĩnh các chức vụ ngoài Bắc Việt Nam chứ làm gì có việc ngài ở Huế xuyên suốt thời gian này để rồi bị đẩy ra làm Tổng đốc Sơn Tây như thầy Tsuboi nêu ra nhỉ ?

Bạn tra các phần sau đây liên quan đến ngài Nguyễn Đăng Giai trong ĐNTL.

1. Theo ĐNTL tập 3 quyển X năm Tân Sửu, Thiệu trị năm thứ nhất [1841], mùa thu, ngài Nguyễn Đăng Giai đã là thự Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh Thái Nguyên) với đoạn "Sai Tiền quân Chưởng phủ lĩnh Tổng đốc Định - Biên là Nguyễn Văn Trọng ở lại làm chức vụ ở Kinh, cho quyền chưởng Tổng đốc Định - Biên là Lê Văn Đức làm Tổng đốc Định - Biên ; Tuần phủ Bắc Ninh là Nguyễn Đăng Giai làm thự Tổng đốc Ninh - Thái ; Tuần phủ Ninh Bình là Trần Văn Trung làm Tuần phủ Hải Dương, Hộ lý ấn quan phòng của Tổng đốc Hải - An ; cho Nguyễn Tự làm Bố chính Quảng Bình. Các quan địa phương về Kinh hội bàn đều cho về lỵ sở cả. Giai vào cáo từ biệt trước mặt vua để về, vua vời đến bảo rằng : “Thận trai tiên sinh((1) Thận trai tiên sinh : tức là Nguyễn Đăng Tuân, sinh ra Đăng Giai.1) là bậc sư phó cựu thần, mới rồi chống gậy về Kinh, kính dự đại lễ Ninh lăng, rồi lại về làng. Ta vẫn nhớ đến không quên. Vậy ban cho 5 chi nhân sâm ở kho Thượng phương để thêm bổ dưỡng. Khanh nên nói rõ ý của ta để tiên sinh biết”. Giai cảm kích lạy tạ, nhận lấy sâm, lui ra.".

Như vậy là năm 1841 ngài Nguyễn Đăng Giai đã đi nhậm nhiệm vụ thự Tổng đốc Ninh Thái chứ không là ở kinh sư Huế.

2. Theo ĐNTL tập 3 quyển XXVII năm Quý Mão, Thiệu Trị năm thứ 3 [1843], thì "Bọn quan tỉnh Sơn Tây, Trần Hữu Lễ, Bùi Phụ Phong, Phan Hiển Đạt và Tôn Thất Đàm có tội, bị cất chức. Cho : thự Tổng đốc Ninh - Thái Nguyễn Đăng Giai điệu thự Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên ;".

Như vậy năm 1843, ngài Nguyễn Đăng Giai đã được kiêm thêm chức thự Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, không hề ở kinh sư Huế.

3. Theo ĐNTL tập 3 quyển XLI năm Giáp Thìn, Thiệu Trị năm thứ 4 [1844], mùa thu thì "Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên Nguyễn Đăng Giai mật trần về việc hai tỉnh Hưng Hóa, Tuyên Quang đổi đặt quan bổ đến ...".

Như vậy năm 1844, ngài Nguyễn Đăng Giai đang là Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, không hề ở kinh sư Huế.

4. Theo ĐNTL tập 3 quyển XLV năm Giáp Thìn, Thiệu Trị năm thứ 4 [1844], mùa đông "Hiệp biện Đại học sĩ hưu trí là Nguyễn Đăng Tuân chết. Đăng Tuân trải thờ 3 triều, kiêm sung chức thầy dạy học trong cung vua, trước vì già yếu xin về hưu, vua lúc nào cũng mến nhớ, thường sai trung sứ thăm hỏi, gọi là Thận Trai tiên sinh mà không gọi tên ; đến đây ông ốm, chết ở nhà, thọ 72 tuổi, được truy tặng Thiếu sư, cho tên thụy là Văn Chính, gia cấp cho gấm hoa 3 cây, sa hoa 5 cây, vải lụa mỗi thứ 50 tấm, 1.000 quan tiền, chuẩn cho con trưởng là Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên Nguyễn Đăng Giai về quê lo liệu việc tang ; sai Bố chính Quảng Bình là Nguyễn Văn Đạt đến tế một tuần."

Như vậy cuối năm 1844 khi ngài Nguyễn Đăng Tuân mất, con ngài là ngài Nguyễn Đăng Giai ĐÃ LÀ Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên vài năm và được cho về quê lo liệu việc tang.  Làm gì có việc thế lực ngài Nguyễn Đăng Tuân chuyển sang cho con ông là Nguyễn Đăng Giai như thầy Tsuboi nêu ra nhỉ ? 

5. Theo ĐNTL tập 3 quyển LV năm Bính Ngọ, Thiệu Trị năm thứ 6 [1846], mùa xuân thì "Lại cho rằng Hà Nội là trọng địa ở Bắc Kỳ, nên lấy Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên là Nguyễn Đăng Giai quyền giữ ấn quan phòng Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình"

Như vậy chúng ta thấy rõ là ngài Nguyễn Đăng Giai đã được triều đình Thiệu Trị rất coi trọng, và cho ngài coi giữ những chức vụ quan trọng ngoài Bắc chứ không hề ở kinh sư Huế hôm nào, và chức vụ liên quan đến hàm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên thì triều đình đã ban cho ngài Nguyễn Đăng Giai từ năm 1843, chứ làm gì có việc ngài Nguyễn Đăng Giai đã ở kinh sứ Huế cho tới khi ngài Trương Đăng Quế năm 1846 đẩy ngài ra khỏi kinh sư Huế và đi lãnh chức tổng đốc Sơn Tây như thầy Tsuboi đưa ra nhỉ ?

****

Về hành tung ngài Tôn Thất Bạc (mà đáng ra theo bộ dịch Đại Nam Thực Lục Viện Sử Học, thì tên ngài này là là Tôn Thất Bật), thầy Tsuboi viết "Ngay từ năm 1846 ... Tôn Thất Bạc, bị xem là thành viên chủ yếu trong nhóm của Giai, được cử làm tổng đốc các tỉnh Hà Nội và Bắc Ninh.".

Nhưng nếu ta đọc Đại Nam Thực Lục, thì ngài Tôn Thất Bật này thời Thiệu Trị đã là Hậu quân Đô thống phủ Đô thống tức là một võ tướng (hoặc thuộc về bên quân sự).  Ngay từ lúc vua Thiệu Trị mới lên ngôi, ngài Tôn Thất Bật đã được "Cho : Tổng đốc Hải - Yên((4) Hải Dương và Quảng Yên.4) là Tôn Thất Bật quyền lĩnh Tổng đốc Hà - Ninh".  Rồi sau đó, ngài được thuyên chuyển đủ nơi, từ "Lại cho Phạm Hữu Tâm về lỵ sở Hà Nội mà gọi Tôn Thất Bật về Kinh đổi bổ làm Thống chế dinh Hùng nhuệ kiêm nhiếp chức Hữu tôn khanh ở Tôn nhân phủ." (khoảng mùa thu tháng 7 năm Thiệu Trị 1 (năm 1841)), cho đến "Cho Thiếu bảo, Hậu quân Chưởng phủ sự Nguyễn Văn Trọng và Thái bảo Văn Minh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế sung chức Ngự tiền đại thần, Thống chế dinh Hùng nhuệ Tôn Thất Bật và Tổng đốc An - Tĩnh là Mai Văn Ngôn sung chức Hành dinh đại thần" (khoảng mùa xuân tháng 2 năm Thiệu Trị 2 (năm 1842)).  Sau đó thì "Sai : ... thự Tả quân Đô thống phủ Đô thống kiêm quyền chức Tả tôn khanh ở Tôn nhân phủ, Vũ Khê tử Tôn Thất Bật sung làm Tham tán đại thần ; Hữu tham tri bộ Binh là Lâm Duy Thiếp sung làm Tán lý cơ vụ. Vua cho rằng biền binh ở 6 tỉnh Nam Kỳ đã đến kỳ duyệt 5 năm 1 lần, theo lệ trước, dùng đại thần ở Kinh phái đi duyệt, nay vì cõi Tây mới yên, việc phòng thủ mùa đông đương cần dự bị, thấy Đức xin đi, bèn sai sung chức ấy, ban cho mao, tiết và ấn quan phòng Khâm sai." (khoảng mùa đông tháng 11 năm Thiệu Trị 2 (năm 1842)).  Rồi kéo dài dài luôn đến năm 1846, thì ngài Tôn Thất Bật này đã là Đổng lý đại thần, đến năm Thiệu Trị 7 (năm 1847) mùa hạ tháng 4, thì "Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Tổng dốc Hà - Ninh là Đặng Văn Thiêm bổ đi lĩnh Tổng đốc Định - An ; tước Vũ Khê tử là Tôn Thất Bật thực thụ Đô thống Hậu quân, lĩnh Tổng đốc Hà - Ninh.".

Như vậy ngài Tôn Thất Bật này là một đại thần thời vua Thiệu Trị (và từ thời Minh Mạng ngài đã là Tổng đốc Hải Yên), chuyên về quân sự, đi Bắc về Nam, rồi về Kinh giữ chức trong Tôn Nhân Phủ, rồi lại ra Bắc giữ trọng trách Tổng đốc Hà Ninh năm 1847, rất đúng với các quy trình làm quan thời Nguyễn.  Nên không hiểu thầy Tsuboi đã dựa vào sử liệu nào để khẳng định rằng việc thuyên chuyển ngài Thống chế Tôn Thất Bật ra Bắc lĩnh trọng chức Tổng đốc Hà Ninh năm 1847 là có bàn tay của ngài Trương Đăng Quế trong ấy nhỉ ? 

****

Về hành tung ngài Lâm Duy Thiếp và Vũ Văn Giải, thầy Tsuboi viết "Ngược lại những người có uy tín thuộc cánh Quế như Lâm Duy Thiệp và Võ Văn Giai được gọi về Huế".

Trước nhất, hai tên này trong bộ dịch Viện Sử Học viết là Lâm Duy Thiếp (chứ không là Thiệp) và Võ Văn Giải (chứ không là Giai).

Vậy hành tung ngài Lâm Duy Thiếp ra sao ? Thì theo Đại Nam Thực Lục vào năm 1843, ngài Lâm Duy Thiếp đã trở về Kinh sau khi đi kinh lý Nam Kỳ với đoạn "Tham tán Tôn Thất Bật, Tán lý Lâm Duy Thiếp từ Nam Kỳ trở về. Vua triệu vào bệ kiến, hỏi tình hình quân dân.", rồi sau đó thì "Sai Tham tri bộ Binh Lâm Duy Thiếp do nguyên chức quyền biện việc Các", tiếp theo lại là Thị vệ đại thần, rồi năm 1846 thì lại là "Cho Thượng thư bộ Công là Lâm Duy Thiếp kiêm giữ ấn và công việc ty Tào chính sứ.", rồi "Cho ... Lâm Duy Thiếp, Thượng thư bộ Công, sung đại thần quản lĩnh thị vệ" cho đến khi vua Thiệu Trị mất.  Nên theo bộ Đại Nam Thực Lục, từ năm 1843 ngài Lâm Duy Thiếp đã về Kinh và tiếp quản nhiều công việc khác nhau tại kinh sư Huế cho đến khi vua Thiệu Trị mất, nên không hiểu thầy Tsuboi đã dựa vào sử liệu nào để viết rằng "Ngay từ năm 1846 ... Ngược lại những người có uy tín thuộc cánh Quế như Lâm Duy Thiệp và Võ Văn Giai được gọi về Huế" ? 

Còn hành tung ngài Vũ Văn Giải ra sao ? Thì theo ĐNTL tập 3 quyển LXVI, thì đến tận năm Đinh Mùi, Thiệu Trị năm thứ 7 [1847], mùa xuân, tháng 3, ngài Vũ Văn Giải vẫn còn làm tướng ở Trấn Tây bên Campuchia, chứ chưa bao giờ về Kinh gì cả.  Đây là đoạn "Quân thứ Trấn Tây là bọn Tướng quân Vũ Văn Giải, Tổng đốc Lê Văn Phú, Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương ; Tham tán Doãn Uẩn, Đề dốc Nguyễn Văn Hoàng vì việc quân ở biên cương đã xong, làm tập tâu lên, đại lược rằng ...".  

Và trong cùng năm 1847, có lệnh vua ban ra rằng "Triệu : Phủ biên Tướng quân tiết chế tổng hạt, Tiền quân Đô thống phủ Đô thống, An tây trung vũ tướng là Vũ Văn Giải, Khâm sai đại thần trù biện trong phủ Trấn Tây ; thự Hiệp biện đại học sĩ An tây trí dũng tướng là Nguyễn Tri Phương ; Tổng thống tiễu quân vụ Tổng đốc Định - Biên là Lê Văn Phú ; An Giang Đề dốc, Bang biện Trấn Tây quân vụ, An tây tuấn kiện tướng là Nguyễn Văn Hoàng ; nguyên Lãnh binh quân thứ là Trương Tiến ; Lãnh binh Vĩnh Long là Hồ Hậu ; Phó lãnh binh Định Tường là Lê Viên, đều phải do đường trạm về Kinh chầu hầu.".  Như vậy ở đây là lệnh vua ban ra là TẤT CẢ các vị tướng lĩnh giữ trọng chức ở phủ Trấn Tây (tức Campuchia ngày ngay) ĐỀU VỀ KINH đấy chứ, trong đó có cả ngài Nguyễn Tri Phương, một vị quan mà theo thầy Tsuboi là đối thủ của ngài Trương Đăng Quế.  Nên làm gì có việc ngài Trương Đăng Quế tự tiện CHỈ RÚT ngài Vũ Văn Giải về kinh sư Huế như thầy Tsuboi nêu ra nhỉ ? 

Và chắc hơn, sử Đại Nam Thực Lục còn cho ta biết "Đinh Mùi, Thiệu Trị năm thứ 7 [1847], mùa hạ, tháng 5. Bọn Vũ Văn Giải là tướng suý đi đánh miền Tây, kiểm điểm quân sĩ kéo về Kinh. Bọn Văn Giải khó nhọc lâu ở ngoài, khi sắp đến Kinh, vua sai Nội các và Thị vệ đều một viên, chực sẵn ở Nam Trường đình để đón tiếp, truyền Chỉ uý lạo. Khi đến Kinh, triệu ngay vào chỗ điện thường, trước thưởng cho áo dài mặc mát và quạt ngự, đề bài thơ “Tây chinh sự bình” ((1) Tây chinh sự bình : việc đánh giặc ở miền Tây đã yên.1) để ban thưởng cho khác với mọi người.".  Nên bạn thấy đó, làm thế nào mà việc về Kinh này của nhóm tướng lĩnh Trấn Tây được chính vua Thiệu Trị đích thân đón tiếp trọng thể mà lại thành ra là một thuyết âm mưu "chính biến cung đình" của ngài Trương Đăng Quế như thầy Tsuboi đã đưa ra nhỉ ? 

****

Rồi thầy Tsuboi viết "Năm 1847 khi Thiệu Trị qua đời, Quế và Nguyễn Tri Phương là Cơ mật viện đại thần.  Lâm Duy Thiệp và Vũ Văn Giai là Thị vệ đại thần.".  

Nhưng theo sử Đại Nam Thực Lục, thì vào Đinh Mùi, Thiệu Trị năm thứ 7 [1847], mùa thu, tháng 7, ngài Vũ Văn Giải đã là đại thần Cơ Mật Viện.  Tức là đoạn này trong ĐNTL "An Viễn bá Vũ Văn Giải, nguyên Khâm phái đại thần, trù biện tuy phủ Trấn Tây, nay thăng Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Công bộ Thượng thư, sung Cơ mật viện đại thần".  Như vậy rất có thể ngài Vũ Văn Giải năm 1847 đã là Tiền quân Đô thống phủ Đô thống Chưởng phủ sự, sung Thống chưởng thị vệ đại thần lẫn Cơ mật viện đại thần, chứ không CHỈ LÀ thị vệ đại thần như thầy Tsuboi đưa ra.  À bạn để ý luôn chức Thống chưởng Thị vệ đại thần chắc là cai quản dạng director của các vị thị vệ đại thần, chứ không hẳn chỉ là Thị Vệ Đại Thần đâu bạn.

****

Đáng ngờ hơn nữa, là về vấn đề di chiếu của vua Thiệu Trị, thầy Tsuboi viết rằng "Ở triều đình Huế, theo thông lệ, chiếu chỉ của vua chỉ được coi là chính thức khi có đóng dấu ấn của vua, chữ ký của vua chỉ là thứ yếu.  Mỗi lần nhà vua cần đóng dấu ấn lên các tài liệu, Cơ Mật viện có trách nhiệm lấy quả ấn từ Đội Thị Vệ để dâng lên vua.  Quy định ấy cho phép kiểm tra hai lần, với điều kiện các đại thần trong Cơ Mật Viện và Đội Thị Vệ không thông đồng với nhau. Vậy mà, khi vua Thiệu Trị qua đời, có lẽ chính Quế, có sự a tòng của các bạn đồng liêu với ông ta, tức các quan trong Cơ Mật Viện và (hoặc) Ngự Cấm Quân đã soạn di chiếu của vua chỉ định con thứ kế vị.".

Nhưng theo sự hiểu biết của mình (bạn hoặc mình có thể tự tra kỹ thêm nữa bộ Điển Lễ), thì cơ quan Cơ Mật Viện là thuộc về dạng advisory group tức dạng làm quân sư cho vua, còn cơ quan Nội Các mới là cơ quan lo việc hành chính, trong đó có cả việc các ấn tín trong triều đình nên được sử dụng và được đem ra / cất đi ra sao.  Không hiểu thầy Tsuboi đã dựa vào đâu mà khẳng định rằng "Mỗi lần nhà vua cần đóng dấu ấn lên các tài liệu, Cơ Mật viện có trách nhiệm lấy quả ấn từ Đội Thị Vệ để dâng lên vua" ?  Làm gì có việc này bạn nhỉ ? Cơ Mật viện thì liên quan gì đến việc ấn tín của triều đình ? Và còn đáng ngờ hơn, theo mình hiểu, cơ quan Thị Vệ là cơ quan chuyên bảo vệ vua (dạng Secret Services bên Mỹ ngày nay), vậy thì làm thế nào mà cơ quan Thị Vệ kiêm luôn cả việc dâng ấn tín (lẫn theo thầy Tsuboi là kiêm luôn cả việc dâng thuốc men lên cho vua) bạn nhỉ ? Mà quan Thị Vệ thì làm gì biết ấn thật giả ra sao để mà kiểm tra ?

Và một nhận định khác của thầy Tsuboi rằng là "Đội Thị Vệ có nhiệm vụ xem xét thuốc men vua dùng và nhất là có trách nhiệm giữ gìn các bản đồ quân sự và cả ấn tín của nhà vua" cũng cần được xem lại.  Vì việc xem xét thuốc men là trách nhiệm của Thái Y Viện, còn việc giữ gìn ấn tín là trách nhiệm của các cơ quan Nội Các.  Làm thế nào mà Đội Thị Vệ lại kiêm luôn cả sự xem xét thuốc men và giữ ấn tín cho vua như thầy Tsuboi nêu ra bạn nhỉ ?

Và không biết thầy Tsuboi đã đọc kỹ sử kiện chưa, chứ sau khi vua Thiệu Trị mất, sử Đại Nam Thực Lục còn viết rõ là vua Tự Đức thường xem tờ di chiếu có những dòng "châu phê" của vua Thiệu Trị trong ấy.  Thế có nghĩa là nếu ta tin theo thuyết của thầy Tsuboi, thì ngài Trương Đăng Quế chẳng những soạn di chiếu, mà còn viết giả cả lời châu phê của vua trên tờ di chiếu à ? ĐNTL còn viết rõ là "Vua (Brian chú - vua Tự Đức) mỗi tháng đọc tờ di chiếu vài lần. Lấy 16 chữ ở trong tờ chiếu là “Kính thiên, pháp tổ, cần chính, ái dân, thân hiền, đồ trị, chỉ thiện, đôn thân”((1) Nghĩa là : kính trời, bắt chước tổ, chăm chính sự, yêu nhân dân, thân người hiền, mưu thịnh trị, yên lòng về lẽ phải, hậu đãi người thân.1) làm điều cốt yếu, đời đời truyền cho nhau. Nhân làm ra thơ để tiện ngâm vịnh, nhớ mãi không quên.  Lại nghĩ tờ di chiếu đã tuyên bố cho mọi người biết đã lâu. Duy lời di chúc năm ấy còn giữ bí mật. Rồi sau nhân đọc đến cũng làm ra thơ kính thuật lại để tiện sửa mình và để cho mọi người xem chung.".  Như vậy ta có nên tin là ngài Trương Đăng Quế hoặc ai đó trong phe ngài đã viết luôn những dòng châu phê không nhỉ ? 

Và bạn xem lại luôn, là theo ĐNTL khi viết về tờ di chiếu "Vậy bá cáo rộng ra để đều được nghe biết. Thiệu Trị năm thứ 7 [1847] tháng... ngày...” (chỗ ngày tháng còn để trống).".  Như vậy nếu ngày tháng còn để trống trong bức di chiếu thì không hiểu các quan Cơ Mật Viện đã đóng dấu ấn gì lên trên tờ di chiếu nhỉ ? Vì theo mình được biết, ấn tín triều đình thường đóng trên dòng ngày tháng trong chiếu dụ của vua mà đúng không ? 

****

Vậy chỉ một trang lập luận rất quan trọng này của thầy Tsuboi, nếu ta đọc kỹ lại sử Đại Nam Thực Lục, ta thấy đầy sự đối nghịch trong ấy.  Đối nghịch từ ngày tháng cho tới quy tắc điển lễ triều đình.  Xem ra lập luận của thầy Tsuboi sai (sai ngày tháng) và lõng lẽo (về quy tắc điển lễ ấn tín), nên chắc là thuyết "Chính biến cung đình" của thầy Tsuboi CHƯA THỂ NÀO nên được xem là một thuyết âm mưu (conspiracy theory) đúng đắn cả.  Nhưng tại sao các học giả Việt Nam xưa nay chưa lên tiếng thì mình xin nhường cho họ tự trả lời.

Mà nếu thuyết "Chính biến cung đình" này có vấn đề, thì xem ra các thuyết khác của thầy Tsuboi dựa vào thuyết này hơi lung lay rồi đúng không bạn ? 

Bạn cứ tự nhiên phản luận.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian







Không có nhận xét nào