Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa - Bài 5 - Về ngài Trương Đăng Quế có phải là không nhượng bộ và chủ chiến cùng người Pháp như thầy Tsuboi đã nhận định không ?

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa #thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trun...

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa

#thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trung_hoa

Bài 5 - Về ngài Trương Đăng Quế có phải là không nhượng bộ và chủ chiến cùng người Pháp như thầy Tsuboi đã nhận định không ?

Đây là ở Chương V phần 2 Trương Đăng Quế trang 237 đoạn "Đối với Pháp, ông ta luôn có thái độ không khoan nhượng và không nhượng bộ bất cứ yêu cầu nào của Pháp.  Chẳng hạn khi Pháp và Việt Nam thương lượng và hòa ước.  Quế dâng sớ lên Tự Đức bày tỏ sự bất mãn về các điều khoản cơ bản hiệp ước, liên quan đến việc nhượng ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ và việc trả chiến phí".

Theo thầy Tsuboi, nguồn sử liệu này là từ bộ Đại Nam Liệt Truyện tII, q21, tớ 10a-10b.

Mình không biết bản Hán ngữ này mà thầy Tsuboi xem ra sao, nhưng theo bản dịch Đại Nam Liệt Truyện phần truyện Trương Đăng Quế thì có đoạn văn như sau "Năm thứ 17, có hai lá thư của nước Phú Lãng và Y Pha Nho xin tục thêm hoà ước, các thân phiên, đại thần bàn luận không được thống nhất. Vua sai đem ước thư ấy và bản đình nghị giao Trung sứ đi ngay đến hỏi Đăng Quế. Đăng Quế tâu rằng : trong ước thư có 2 khoản là rất quan yếu mà thôi. Về khoản cắt bỏ địa giới 3 tỉnh, thì xin tuân lời phê bảo mà giảng thuyết, nhưng cần lấy lòng thành cảm động họ, để họ tin thực, hoà hợp. Đến như về khoản bồi số bạc, thực khó nhận được thì quyết nhiên không theo là đúng. Vua rất lấy làm phải."

Còn bộ Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ Quyển XXIX Giáp Tý, Tự Đức năm thứ 17 [1864] (Thanh, Đồng Trị năm thứ 3), mùa xuân, viết còn rõ hơn về việc này như sau

****

Viên Toàn quyền sứ thần nước Phú Lãng Sa là Hà Bá Lý đến Kinh định lại hoà ước. Sai Phan Thanh Giản sung chức Toàn quyền chánh sứ, Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vịnh sung là Phó sứ để hội bàn. Trước đây, sứ thần là bọn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản sang Tây (nói việc chuộc lại 3 tỉnh) trở về đem 2 bức thư của 2 nước Phú Lãng Sa và Y Pha Nho nói về việc tục ước và việc buôn bán, tiến trình. (Mỗi thư đều có 21 khoản trong thư “tục ước”, một khoản nói : Ta muốn chuộc lại 3 tỉnh, họ cũng thuận nhường, nhưng phải cắt bỏ 8 xứ, giao về nước ấy quản hạt : (Gia Định thì phía tây từ đồn Tây Thái qua tỉnh thành xuống đến các xứ Lạch Dơi, Nhà Bè, bắc giáp Biên Hoà, Thiên Giang, nam đến Đàm Thị ; Định Tường thì bắc từ đồn Mỹ Quý đến bờ sông Bảo Định, đông từ bờ sông ấy đến cửa sông chánh lạch Cá Ông, tây từ sông chánh lạch Sầm đến thôn Hưng Long, nam từ bờ sông lớn thẳng qua tỉnh thành đến sông Bảo Định) cộng 192 xã thôn. Một khoản: Đưa trả số bạc chuộc trong hạn 3 năm, mỗi năm 50 vạn đồng ; sau khi trả đủ 3 năm, mỗi năm thường giao trả một số bạc là 333.333 đồng. Một khoản : ở Kinh và 3 cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên, đều đặt quan lãnh sự đóng ở đấy. Một khoản : Đạo trưởng đạo dân tuỳ nơi lập nhà thờ đạo để truyền giáo và làm lễ, không được ngăn trở.

Trong thư “sinh ý” (2 nước Phú và Y cũng đại lược như nhau). Một khoản : Nói người nước ấy đi lại buôn bán ở các nơi 3 cửa biển, tuỳ ý mua làm nhà cửa, ruộng đất ; sau hoặc có thêm cửa biển nào, cũng chiểu theo lệ ấy mà làm. Nhưng phải mỗi cửa biển đều đặt riêng một bến buôn bán cư trú. Trong 5 khoản này so với ước cũ yêu cầu quá nhiều ; còn ngoài ra đều là những điều khoản giao thiệp và thông thương, hoặc đại lược theo ước trước, hoặc hơi có sai khác, đều không đến nỗi quan ngại lớn). Vua giao xuống cho đình thần xét duyệt, các thần phiên, đại thần bàn bạc không giống nhau. Vua đem tờ ước thư và các bản đình nghị, sai trung sứ đến hỏi Trương Đăng Quế (khi ấy đã về nghỉ việc). Đăng Quế tâu nói : Trong tờ hoà ước, chỗ quan trọng nhất duy khoản thứ 2 về việc cắt bỏ giới hạn 3 tỉnh, cho họ đóng ở các xứ ấy và khoản thứ 19 số bạc bồi thường chia làm hạn năm, 2 khoản ấy mà thôi. Về khoản cắt bỏ xin theo lời Hoàng thượng phê bảo : Giảng bàn cốt ở ý thành thực của mình để cảm động họ, khiến cho được chu thoả. Đến như khoản bạc bồi, thì kẻ kia biết ta rất chú trọng về đất đai,... đại thần nước ấy là Anh Đê Luy trước tiên đòi giao 3 tỉnh (An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long) mới có thể khỏi phải bồi bạc để rung động sứ thần của ta. Kịp khi sứ thần ta không chịu nhận lời, thì lại thay đổi ngay, mà về khoản bồi bạc, lại đòi nhiều quá, nếu lúc đó mà ta nhất định cố ý phân tách biện bác lại, thì bọn kia sẽ châm chước giảm nhẹ xuống, như thế việc hoặc có thể xong được. Bỏ mất cơ hội ấy rất là đáng tiếc. Nay sứ thần ta hiện đã nhận đem bản sao về, sứ của họ lại đến bàn định, chỉ sợ kẻ kia cố chấp là đã có mệnh vua để làm cớ nói, không khỏi lại sinh ra chi tiết khác, khó giải quyết được. Thân đã nghĩ kỹ đến việc ấy, rất lấy làm lo ngại. Xin khi Toàn quyền họp bàn, nên y theo như ta đã định, cố giữ bền lòng, chớ bị họ làm lay động, cứ lấy lẽ là dân nghèo của ít làm cớ nói, hoặc không thấy họ cự lại, may ra việc ta được xong. Bằng kẻ kia đòi lấy hằng năm 33 vạn bạc thực là khó chịu nổi, nhất định không theo là phải. Đến khi chọn sung chức Toàn quyền đại viên, thì Phan Thanh Giản cố từ và nói : Gặp lúc nhiều việc này, nên chọn được bậc đại thần vững như cột đá, như Trương Đăng Quế đảm đương chức ấy, thì mới mong làm được thoả thiếp.

Vua nói : Khanh đáng lấy lời nói của Trương Đăng Quế làm thắc mắc trong lòng, có phần thiếu ý hồn hậu. Bầy tôi thờ vua, cần nên hết sức làm những việc nên làm mà thôi, còn trái phải che sao được công luận của thiên hạ. Bèn cho bọn Thanh Giản sung làm Chánh, Phó sứ và cho là Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Tuần từng đã vâng mệnh đi sứ, hơi biết phong tục Tây dương, sai tham gia làm giúp công việc. Kịp khi bọn Thanh Giản sắp đi, vua chế thơ tặng cho, khuyến khích cố làm công việc đi sứ cho giỏi. Bọn Thanh Giản vào lạy, nhân tâu nói : Việc đi sứ ngày nay, duy có 2 khoản cắt đất và chuộc bạc, xin tuân theo kế hoạch đã bàn sẵn, khẩn khẩn khuyên bảo, may ra họ cảm động, nếu họ không nghe, xin hãy theo ước cũ, lưu lại ngày sau sẽ  bàn dần. Còn về các khoản thông thương và truyền giáo, xin nên châm chước nghe theo, để tỏ ý tốt.

****

Nên bạn thấy đó, ngài Trương Đăng Quế đã bao giờ là "luôn có thái độ không khoan nhượng và không nhượng bộ bất cứ yêu cầu nào của Pháp" như thầy Tsuboi nhận định bạn nhỉ ? Trong lời tấu về những điều người Tây đưa ra vào năm 1864 này, ngài Trương Đăng Quế đã đề nghị về việc nhường đất thì theo ý vua Tự Đức, triều đình Huế nên tiếp tục hòa đàm "nhẹ nhàng" cùng người Pháp, còn việc trả chiến phí, thì ngài Trương Đăng Quế lấy làm tiếc là khi xưa triều đình Huế không thời cơ hội đàm phán mà yêu cầu giảm nhẹ lại chiến phí, nay triều đình Huế mà có đi đàm phán, thì nên lấy lý do dân nghèo của ít và xem thái độ của người Tây mà liệu.  Làm gì có việc ngài Trương Đăng Quế "bày tỏ sự bất mãn về các điều khoản cơ bản hiệp ước" như thầy Tsuboi nhận định nhỉ ?

Vậy không hiểu thầy Tsuboi đã đọc sử liệu liên quan đến sử kiện 1864 này ra sao mà lại đưa ra nhận định là ngài Trương Đăng Quế "bày tỏ sự bất mãn về các điều khoản cơ bản hiệp ước" bạn nhỉ ?

Và đáng sợ hơn, là theo sử Đại Nam Thực Lục mà mình đọc, ngài Trương Đăng Quế chưa bao giờ thuộc phe CHỦ CHIẾN nào cả.  Ngược lại, nếu ta đọc vài sử kiện liên quan đến người Tây có tên ngài trong ấy, thì ngài Trương Đăng Quế lại là một nhân vật chủ hòa thì đúng hơn.  Ví dụ:

a. Theo bộ Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ Quyển XX, Kỷ Mùi, Tự Đức năm thứ 12 [1859] (Thanh, Hàm Phong năm thứ 9), khi có chiến sự trận Đà Nẵng, chính ngài Trương Đăng Quế cùng 2 vị đại thần khác khuyên vua Tự Đức "chiến không bằng hòa" với đoạn "Lúc bấy giờ, đình thần theo lời dụ lục tục mật tâu bày phương lược đối phó với Tây dương. Cơ mật viện là Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Lưu Lượng nói rằng : Bãi việc binh đao cho dân nghỉ ngơi, liệu thời thế mà nuôi sức, thì chiến không bằng hòa. Nhưng cần giữ cho chắc, rồi sau sẽ bàn. (Đại lược nói : Giặc lấy thuyền liền dùng súng nhậy làm nghề giỏi, ở ngoài biển rộng sóng gió, thế ta cũng khó tranh đua được với họ. Về kế sách hiện thời, cũng nên lấy thế thủ làm việc chính, giữ cho vững rồi sau mới có thể nói chuyện đánh hay chuyện hòa được. Nếu trước hết ta giữ không chắc thì chiến đã không được lại e rằng hòa lại không đủ trông cậy. Đến như cách đánh giữ, đã được Hoàng thượng nhiều lần chỉ thị cơ nghi, không thiếu cách gì. Khéo thể theo mà làm, cũng đủ thắng được giặc, không dám nói nữa thêm thừa)."

b. Theo bộ Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ Quyển XXVI, Nhâm Tuất, Tự Đức năm thứ 15 [1862] (Thanh, Đồng Trị năm thứ nhất), khi cần đàm phán về việc người Pháp chiếm Nam Kỳ, chính ngài Trương Đăng Quế đã khuyên vua Tự Đức nên cho sứ đi đàm phán với đoạn "Nguyên soái Phú Lãng Sa (từ tháng này trở về sau, theo như hòa ước chép là nước Phú) là Phô Na Sai Xuy Mông chạy tàu máy vào cửa biển Thuận An (1 chiếc tàu máy và 3 chiếc thuyền sam bản đi theo có tới hơn 200 người, ở 2 tầng bên tả bên hữu chiếc tàu ấy, chia đặt súng lớn, đêm đốt 2 cây đèn sáng để đo nước ở cửa biển), để đưa thư bàn về việc hòa. Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành đem việc tâu lên. Vua hỏi đình thần là bọn Trương Đăng Quế đều lấy việc cho sứ đi lại là phải. (Thư đưa nói 3 việc là : Một việc là đặt toàn quyền, một việc là bồi trả quân nhu, một việc là đưa trước 10 vạn quan tiền để làm tin. Vua hứa đưa cho 500 lạng bạc hoặc 1.000 lạng, đình thần xin đưa bội thêm. Lâm Duy Thiếp xin đưa đúng số và xin nhận đi sứ. Đăng Quế tâu nói : Tôi rất lấy lời Duy Thiếp nói là phải, nếu không đoán định thì công việc không khi nào xong được. Vua nói : Tạm thời khuất mình, tạm thời chịu phí, mà có thể cứu được quân dân, không bị mất đất đai thì nên lắm. Duy sợ không tiếp tục mãi được thì việc quân lại dấy lên, thành ra không được việc gì. Đến như việc đặt toàn quyền, đến lúc ấy mà không thể nói được, nếu theo họ thì có nước cũng như không, đã chịu nhục mà đời đời chịu tai vạ. Không theo họ thì người của mình đã sa vào trong phạm vi của kẻ kia rồi, sống chết ở tay họ. Há có thể được như Phú Trịnh Công((1) Phú Trịnh Công : tức là Phú Bật, thời Tống Nhân Tông, Bật 2 lần sang sứ Liêu, cố sức biện bác việc cắt đất cho Liêu, dân ở cõi Nam, cõi Bắc, không lấy việc binh đao đến vài mươi năm.1) đi sứ nước Liêu đâu ? Nếu họ không giết mà họ sai đưa về ta, thì lại làm ra thế nào ? Đình thần xin theo lời Duy Thiếp nói)."

c. Theo bộ Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ Quyển XXIX Giáp Tý, Tự Đức năm thứ 17 [1864] (Thanh, Đồng Trị năm thứ 3) ở bên trên mà mình đã trích đoạn, ngài Trương Đăng Quế hiến kế triều đình nên đàm phán cùng người Tây và dùng các lý do dân nghèo của ít mà không trả tiền chiến phí cao, chứ có hùng hổ mà đòi không trả chiến phí đâu.

d. Theo Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ Quyển XXVII, Nhâm Tuất, Tự Đức năm thứ 15 [1862]. Mùa thu, tháng 7, ngài Trương Đăng Quế đề nghị triều đình Huế cho sứ đoàn sang Pháp đàm phán với đoạn "Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp thương thuyết về việc trả lại 3 tỉnh, tướng nước Phú không nghe. Vua cho hỏi các đình thần, bọn Trương Đăng Quế, Trần Tiễn Thành tâu xin : Nhân trước khi sứ nước Phú chưa đến, (Trong thư hòa ước nói : Hạn trong 1 năm tướng nước Phú sẽ sai sứ đến Kinh trao đổi giấy hòa ước và hỏi thăm các điều). Cho sứ sang vấn an vua nước Phú, nhân đệ thư biện bạch về việc Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp nhẹ dạ nhường đất, Phô-na bắt ép. Và cử Võ Phẩm (Thủy sư Đô đốc) sung làm chức Khâm sai, Trần Đình Túc làm chức phó, Đỗ Đệ, Hồ Quang đều sung chức Bồi sứ.".

Như vậy bạn thấy đó, nếu chúng ta đọc Đại Nam Thực Lục, các sử liệu ít ỏi liên quan đến hành tung của ngài Trương Đăng Quế và người Tây đều chỉ ra một điều - đó là ngài Trương Đăng Quế thuộc phái CHỦ HÒA.  Ngài biết rất rõ sự mạnh yếu đương thời và ngài rất khôn khéo trong những lời đề nghị.

Thế mà làm thế nào mà khi vào luận án tiến sĩ của thầy Tsuboi, ngài Trương Đăng Quế lại trở nên một nhân vật CHỦ CHIẾN ? Chẳng những các sử kiện liên quan đến ngài Trương Đăng Quế đã bị thầy Tsuboi cắt xén / chỉnh sửa (xem https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/2116132105304407), mà những bằng chứng trong Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện chưa bao giờ ủng hộ cho thuyết của thầy Tsuboi rằng ngài Trương Đăng Quế là một nhân vật DIỀU HÂU hay thuộc phái CHỦ CHIẾN nào cả.  Ngay cả vào năm 1859, khi người Pháp đánh Đà Nẵng, chính ngài Trương Đăng Quế cùng ngài Phan Thanh Giản (lẫn ngài kia là ngài Lưu Lượng) đã tâu bày với vua Tự Đức rằng "Bãi việc binh đao cho dân nghỉ ngơi, liệu thời thế mà nuôi sức, thì chiến không bằng hòa. Nhưng cần giữ cho chắc, rồi sau sẽ bàn.".  Thế mà trong bài luận án tiến sĩ này của thầy Tsuboi, qua việc cắt xén / chỉnh sửa / giảng sai sử kiện, thầy Tsuboi đã biến hai ngài Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế, vốn cùng chung tư tưởng chủ hòa thành ra là hai nhân vật đối nghịch nhau, tức là ngài Phan Thanh Giản là đại diện phái CHỦ HÒA, và ngài Trương Đăng Quế là đại diện phái CHỦ CHIẾN thời vua Tự Đức.  Đó là một việc làm phản khoa học, vô chứng cớ và "bẻ cong lịch sử" đấy chứ.  

Mà ngày nay dường như các bạn đọc quyển sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa đều tung hô sự "khai dân trí" này mà thầy Tsuboi đã viết về 3 nhân vật Trương Đăng Quế / Phan Thanh Giản / Nguyễn Tri Phương thời Tự Đức.  Nhưng thật sự bạn đã đọc kỹ sử Đại Nam Thực Lục chưa ? Bạn đã dò lại từng văn kiện mà thầy Tsuboi trích dẫn chưa ? Bạn có chắc là thầy Tsuboi không cắt xén / chỉnh sửa / viết bậy về sử Việt không (lẫn bạn có chắc thầy Tsuboi không cắt xén / chỉnh sửa văn kiện Pháp ngữ không) ? Đó là câu hỏi mình dành cho tất cả các bạn.

Và mình càng đọc kỹ và càng dò lại sử, càng hoảng hồn vì sự cắt xén / chỉnh sửa / nhận định quá sai lệch của thầy Tsuboi khi so lại với những gì thầy trích đoạn trong chính sử Việt Nam, nên mình băn khoăn là làm thế nào mà bài luận án tiến sĩ này của thầy Tsuboi lại được cho đậu (approved) từ trường đại học bên Pháp và ngày nay thầy Tsuboi lại nổi tiếng vì quyển này nhỉ ? Không hiểu các giáo sư thời xưa chấm bài cho thầy đậu đã có bao giờ đọc kỹ sử Việt chưa ? Không hiểu các sử gia ở trường đại học danh tiếng Wasada mà mê sử Việt đã đọc kỹ quyển này của thầy chưa ? Còn các sử gia chuyên về Việt Nam ở nước ngoài họ đọc ra sao ? Và các học trò của thầy Tsuboi đã nghĩ gì khi đọc quyển này ? 

Và đáng sợ hơn, đã có các học giả sử Việt nào dựa vào quyển này của thầy Tsuboi mà lại viết (sai) về sử Việt thời Tự Đức không ? Vì mình càng đọc kỹ quyển này thì càng tin rằng, là thầy Tsuboi và trường đại học Wasada (hay trường đại học ở Pháp đã chấm đậu bài luận án tiến sĩ này), nếu họ đúng là tôn trọng sự nghiêm túc trong học thuật và nghiên cứu sử học, họ cần xin lỗi người Việt vì sự cắt xén / chỉnh sửa sử Việt vô tội vạ theo ý của thầy Tsuboi đó bạn.  Sự cắt xén / chỉnh sửa sử kiện vô tội vạ như vậy chưa bao giờ được chấp nhận trong môi trường học thuật, dù ở Tây hay Ta.  Thầy Tsuboi viết luận án tiến sĩ mà làm như vậy, học trò và bạn bè của thầy sẽ nghĩ gì về sự nghiêm túc trong công cuộc nghiên cứu sử học ? Trong đạo đức và trách nhiệm của người học trò hoặc giới giáo sư ? Những gì thầy Tsuboi đưa ra (mà mình phản biện) đã và đang đầu độc kiến thức sử học của người trí thức Việt chứ không hẳn là "khai dân trí" như các thầy Chu Hảo hay nhà văn Nguyên Ngọc nêu ra đâu.

Mời bạn tham khảo.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian





Không có nhận xét nào