Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa #thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trun...
Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa
#thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trung_hoa
Bài 2 phần 2 - Về sự đánh giá nhân vật Nguyễn Tri Phương của thầy Yoshiharu Tsuboi
Bạn đọc thêm về sự đánh giá này ở Chương IV phần 4 Nguyễn Tri Phương, từ trang 250 cho đến trang 256 trong quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa - bản in của NXB Tri Thức, in và nộp lưu chiểu năm 2014.
Trong đoạn này, thầy Tsuboi đã kết luận là "Cái chết của Phương năm 1873 có trọng lượng rất lớn đè nặng lên lịch sử Việt Nam sau đó; nó vượt xa cái chết của một đại nguyên soái. Mất Phương, Tự Đức mất đi tài năng quân sự duy nhất, là người nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc. Hơn nữa, chính sách hoàn hoãn của vua Tự Đức trong vụ Garnier gây phản ứng mạnh mẽ trong giới sĩ phu Bắc Kỳ chống người Công Giáo và chống cả chính quyền Tự Đức, vì Tự Đức cũng đàn áp phong trào của văn thân, và quan lại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 1874 đã cầm vũ khí chống người Công Giáo với danh nghĩa bảo vệ Nho Giáo. Như vậy cái chết của Phương đánh dấu sự chấm dứt ủng hộ của tầng lớp sĩ phu đối với chính quyền Tự Đức.".
Như vậy để hiểu rõ về phần kết luận này của thầy Tsuboi, chúng ta hãy cùng đọc lại những gì thầy viết trong phần Nguyễn Tri Phương này.
Trong phần 1, mình xin đưa ra kết luận là thầy Tsuboi đã ĐÁNH GIÁ QUÁ CAO và có phần PHÓNG ĐẠI về hình ảnh ngài Nguyễn Tri Phương thời vua Tự Đức. Bạn đọc tại đây >> http://www.thesaigonposts.com/2018/11/ve-thay-yoshiharu-tsuboi-va-quyen-nuoc_69.html
Ở phần 2 này, mình xưa đưa ra sử liệu để chứng minh rằng cái chết của ngài Nguyễn Tri Phương chưa bao giờ có liên quan gì đến sự chấm dứt ủng hộ của tầng lớp sĩ phu đối với chính quyền Tự Đức cả.
Phần 2
****
Có thật là như thầy Tsuboi nhận định "Hơn nữa, chính sách hoàn hoãn của vua Tự Đức trong vụ Garnier gây phản ứng mạnh mẽ trong giới sĩ phu Bắc Kỳ chống người Công Giáo và chống cả chính quyền Tự Đức, vì Tự Đức cũng đàn áp phong trào của văn thân, và quan lại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 1874 đã cầm vũ khí chống người Công Giáo với danh nghĩa bảo vệ Nho Giáo. Như vậy cái chết của Phương đánh dấu sự chấm dứt ủng hộ của tầng lớp sĩ phu đối với chính quyền Tự Đức." không ?
Mình xưa đưa ra vài sử liệu để bạn đọc.
Thứ nhất, bạn đã biết gì về 2 nhân vật lãnh đạo loạn Văn Thân năm 1874 là các Tú Tài Trần Tấn và Đặng Như Mai ? Bạn có biết là loạn Văn Thân năm 1874 của 2 nhân vật này là loạn Văn Thân lần 2 của bọn họ không ? Theo Đại Nam Thực Lục, hai nhân vật này đã lãnh đạo cuộc loạn Văn Thân (cũng ở tỉnh Nghệ An) vào năm 1864 đó bạn. Sử Đại Nam Thực Lục còn chép rõ như sau
1. Đệ Tứ kỷ Quyển XXXIV, Bính Dần, Tự Đức năm thứ 19 [1866] (Thanh Đồng Trị, năm thứ 5), mùa xuân "Năm ngoái bọn Bang biện là Trần Tấn, Phó tổng là Phan Điểm, nghe tin Linh mục là Chu đến truyền giáo ở những thôn : Bàn Thạch, Mạc Vĩnh, bèn xướng suất dân phu đến đốt phá nhà đạo, ngăn giữ việc truyền giáo. Việc phát ra, tỉnh thần điều đình chưa xong. Đến bấy giờ Linh mục Chu đầu đơn tố cáo ở bộ Lễ. Vua nói : Đã như thế mà cho đi truyền giáo có nên không ? Đình thần tâu nói : Việc lương giáo có thành kiến với nhau, ở đạo Nghệ An, Hà Tĩnh, vẫn chưa hoà thuận cùng nhau. Giám mục là Hậu vừa mới uỷ môn đồ đến truyền giáo, bèn bị tổng lý, sĩ dân công nhiên đốt phá, quan địa phương không khỏi không ngấm ngầm làm chủ, để cầu lấy danh dự. Xin phái quan ở Kinh đến nghiêm tra. Bọn Thị lang là Nguyễn Uy, Tôn Thất Triệt, Nguyễn Bỉnh ; và Biện lý là Nguyễn Lâm, Vũ Văn Bính, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Đệ, Nguyễn Tư Giản lại nói : Tỉnh thần cố nhiên là có tội, xin trước hãy cho cách lưu, nhưng sai phái tra xét trích phát ra ; nếu có nhu nhơ, a dua để họ lại phải kêu ca cáo tố, sẽ phái viên ở Kinh đi cũng chưa muộn. Bèn xuống Dụ sai đem tình hình nguyên uỷ và khu xử thế nào, để dân lương giáo cùng yên thì tâu lên. Còn bọn bang biện, đốc biện và đốc kiểm thì lập tức triệt bãi. Rồi thì, lời xét tâu về, phần nhiều chưa rõ thực. Bèn sai Biện lý bộ Hình là Đỗ Đễ và Ngự sử là Nguyễn Quế tới tra xét. Khi lời tâu dâng lên, chuẩn cho tên thủ xướng là Phan Điểm phải trượng và phát lưu ; bọn 7 tên tòng phạm đều phải trượng đồ ; còn Trần Tấn bị phạt 80 trượng, thu văn bằng bang biện ; tỉnh thần là Hoàng Tá Viêm, Nguỵ Khắc Đản và Trần Văn Thiều, đều giáng 4 cấp lưu ; Thương biện là Phan Đình Thực giáng 2 cấp đổi đi ; Tri huyện Thanh Chương và Quỳnh Lưu đều phải giáng lưu."
2. Đệ Tứ kỷ Quyển XXXVIII, Mậu Thìn, Tự Đức năm thứ 21 [1868] (Đồng Trị nhà Thanh năm thứ 7), mùa xuân "Sai Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Thượng thư bộ Lại là Vũ Trọng Bình đi đến Hữu trực kỳ xử trí việc dân lương, dân đạo. Trước đấy các tỉnh Trị, Bình, Nghệ, Tĩnh lương giáo không cùng nhau ở yên, bọn Tú tài ở Nghệ An là Trần Tấn, Đặng Như Mai (Mai là học trò Tấn) đốt phá đạo đường, đạo quán và nhà của dân đi đạo, quan tỉnh là bọn Hoàng Tá Viêm, Nguỵ Khắc Đản, Bùi Thái Bút tâu xin xử nhẹ, Giám mục là Ngô Gia Hậu đem việc ấy kêu ở Bộ. Vua sai Vũ Trọng Bình đem cả Ngự sử là Đinh Văn Bân tra xét, rồi sau Vũ Trọng Bình tâu nói : Vâng lệnh đến các hạt Trị, Bình, Hà Tĩnh hiểu thị được yên lặng, việc đốt phá ở Nghệ, Tĩnh, chỉ là lũ Trần Tấn mang lòng oán thù giả làm công nghị, nên nhiều người theo nhầm, nay hiểu thị và xếp đặt, lòng người ổn thoả, về lũ Trần Tấn xin bắt để xét trị, còn thì xin bỏ đi, để khỏi phản trắc. Vua nghe theo, sau án dâng lên, lũ Tấn và Như Mai đều xử tội phải chém, nhưng để đợi xét, thủ phạm là lũ Hoàng Đức Đề, Nguyễn Mỹ Nghi và Nguyễn Văn Vinh xử tội trảm giam hậu, còn thì xử tội lưu, đồ, trượng có bậc.".
3. Đệ Tứ kỷ Quyển XLVI, Nhâm Thân, Tự Đức năm thứ 25 [1872] (Thanh Đồng Trị năm thứ 11), mùa xuân "Thự Hữu tham tri bộ Hộ là Nguỵ Khắc Đản về Kinh (trước đây Nguỵ Khắc Đản làm Bố chính Nghệ An, năm ngoái được thăng chức này, rồi vì bọn Tú tài ở hạt Nghệ An là Trần Tấn, Đặng Như Mai trước vì việc mưu giết Đạo trưởng, nhờ được tha về, lại lấy văn thơ khiêu khích với dân đi đạo, giám mục người Pháp là Ngô Gia Hậu không biết chữ và tiếng của nước ta, lấy làm tức rồi sinh chuyện. Vua bèn sai Khắc Đản ở lại cùng với quan tỉnh thần dàn xếp công việc. Đến nay mới về Kinh nhận chức). Vua cho triệu vào và hỏi rằng : Dân bên lương, bên đạo đã hoà thuận với nhau chưa ? Khắc Đản tâu rằng : Từ khi phát sinh ra việc đốt cháy nhà thờ đạo đến nay, dân 2 bên lương, giáo cũng đã hoà thuận với nhau, chắc rằng bọn thân sĩ đã biết sợ biết hối, có thể giữ được vô sự."
Như vậy bạn thấy đó, các vị lãnh đạo loạn Văn Thân 1874 ở Nghệ An / Hà Tĩnh đã có cuộc nổi loạn Văn Thân y chang như vậy vào năm 1866 rồi kìa. Nên tại sao năm 1866 với loạn Văn Thân này chúng ta hoàn toàn không thấy có bóng dáng nào của ngài Nguyễn Tri Phương, người được thầy Tsuboi nhận định rằng là "người nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, có thể đoàn kết dân tộc" bạn nhỉ ? Và những nhân vật lãnh đạo loạn Văn Thân này, họ đâu có đợi đến năm 1874 khi ngài Nguyễn Tri Phương mất rồi mới nổi loạn đâu đúng không ? Họ đã làm loạn từ năm 1866 rồi kìa, và triều đình Huế đã tha tội cho tội, nhưng đến năm 1874 họ lại làm loạn lần nữa.
Nên nếu bạn đọc câu văn của thầy Tsuboi "vì Tự Đức cũng đàn áp phong trào của văn thân, và quan lại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 1874 đã cầm vũ khí chống người Công Giáo với danh nghĩa bảo vệ Nho Giáo", bạn lại tưởng là vua Tự Đức đàn áp và bị mất lòng nhóm Văn Thân vì vụ này, nhưng thật ra là năm 1866 cũng chính vua Tự Đức đã dẹp nhóm người này và nhẹ tay với họ. Rồi đến năm 1874, với loạn lạc xảy ra ở khắp nước, vua Tự Đức xuống tay mạnh với nhóm Văn Thân này, chứ không hề liên quan gì đến việc có hay không có ngài Nguyễn Tri Phương gì cả. Không hiểu do đâu mà thầy Tsuboi lại gắn cho việc "Như vậy cái chết của Phương đánh dấu sự chấm dứt ủng hộ của tầng lớp sĩ phu đối với chính quyền Tự Đức.", vì hai sử kiện này hoàn toàn chả có gì liên quan đến nhau cả.
Và dĩ nhiên mời bạn tìm ra sử kiện nào mà ngài Nguyễn Tri Phương đã có những hành động "đoàn kết dân tộc" và được lòng tầng lớp sĩ phu để mà "Như vậy cái chết của Phương đánh dấu sự chấm dứt ủng hộ của tầng lớp sĩ phu đối với chính quyền Tự Đức."
****
Còn về vụ hoàn hoãn của vua Tự Đức trong vụ Garnier thì sao ? Thì đây, lý do mà vua Tự Đức hoàn hoãn là như thế này theo Đại Nam Thực Lục "Việc ấy tâu lên, vua cho là đoàn quân của họ Lưu dử giết được An Nghiệp (Brian chú - An Nghiệp tức Francis Garnier), chỉ do mưu kế nhất thời, nếu đường đường chính chính cùng nhau chọi được, tưởng cũng khó giữ được lâu. Hiện nay việc thương thuyết đã gần có đầu mối, nói chung xử trí toàn cục, tất không phải chỉ dựa vào đoàn quân ấy có thể xong việc được, nên sai về chặn ở thượng du là ổn.". Nên không hiểu thầy Tsuboi đã dựa vào sử liệu nào mà nhận định rằng "Hơn nữa, chính sách hoàn hoãn của vua Tự Đức trong vụ Garnier gây phản ứng mạnh mẽ trong giới sĩ phu Bắc Kỳ chống người Công Giáo và chống cả chính quyền Tự Đức". Chính sách này của vua Tự Đức là một chính sách hay đấy chứ ? Không hiểu tầng lớp sĩ phu nào phản ứng mạnh mẽ vì nó bạn nhỉ ?
*****
Và sẵn luôn, xưa nay ở Việt Nam khi bàn về tầng lớp sĩ phu thời loạn lạc Tự Đức, người ta cũng như thầy Tsuboi, rất thường gắn luôn tầng lớp sĩ phu này với bọn người Văn Thân.
Nhưng hay để mình xin tải luôn phần "Phản ứng của Giới Sĩ Phu" thời loạn lạc Tự Đức trong quyển Các Vị Vua Cuối Nhà Nguyễn Tập 1 của thầy Vũ Ngự Chiêu để bạn tham khảo. Bởi vì tầng lớp sĩ phu thời bấy giờ có tới 3 khuynh hướng lận đó bạn. Sĩ Phu thời vua Tự Đức chưa bao giờ là đồng nghĩa với VĂN THÂN cả, nhưng không hiểu tại sao người ta ngày nay rất thích gắn liền hình ảnh sĩ phu với nhóm người Văn Thân.
Vậy có hay không sự chấm dứt của giới sĩ phu với triều vua Tự Đức sau cái chết của ngài Nguyễn Tri Phương ? Thế ngài Tôn Thất Thuyết có gọi là người sĩ phu không ? Ngài Hoàng Tá Viêm có là người sĩ phu không ? Ngài Nguyễn Văn Tường thì sao ?
Vậy bạn thấy đó, chúng ta chưa bao giờ có sử liệu nào chắc chắn để mà khẳng định "Hơn nữa, chính sách hoàn hoãn của vua Tự Đức trong vụ Garnier gây phản ứng mạnh mẽ trong giới sĩ phu Bắc Kỳ chống người Công Giáo và chống cả chính quyền Tự Đức, vì Tự Đức cũng đàn áp phong trào của văn thân, và quan lại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 1874 đã cầm vũ khí chống người Công Giáo với danh nghĩa bảo vệ Nho Giáo. Như vậy cái chết của Phương đánh dấu sự chấm dứt ủng hộ của tầng lớp sĩ phu đối với chính quyền Tự Đức."". Sự nhận định này của thầy Tsuboi chưa hề có sử liệu backup. Nhưng đáng buồn là, có lẽ sự nhận định này đánh trúng tâm lý của các học giả Việt Nam, những người không bằng lòng với sự phê phán của các sử gia Hà Nội đổ lỗi lên đầu nhà Nguyễn cho sự mất nước, và họ tìm thấy được một cái phao "cứu bồ" trong nhận định của thầy Tsuboi về hình ảnh quá đẹp của ngài Nguyễn Tri Phương. Nhưng nếu ta đọc kỹ sử lại, thì hóa ra những gì thầy Tsuboi viết hoặc đưa ra về ngài Nguyễn Tri Phương chỉ là dạng thông tin selective screenings (tức dạng chọn thông tin có lợi để trưng bày ra), dạng nửa sự thật half truth, chứ chưa bao giờ là sự thật cả.
Nhưng đến nay dường như các học giả Việt Nam ai cũng đều sống với hào quang Nguyễn Tri Phương, nên họ cả chục năm nay đã quên không thử đọc kỹ lại sử khi đọc về đoạn nhận định này của thầy Tsuboi về ngài Nguyễn Tri Phương chăng ?
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào