Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa - Bài 2 phần 1 - Về sự đánh giá nhân vật Nguyễn Tri Phương của thầy Yoshiharu Tsuboi

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa #thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trun...

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa

#thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trung_hoa

Bài 2 phần 1 - Về sự đánh giá nhân vật Nguyễn Tri Phương của thầy Yoshiharu Tsuboi

Bạn đọc thêm về sự đánh giá này ở Chương IV phần 4 Nguyễn Tri Phương, từ trang 250 cho đến trang 256 trong quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa - bản in của NXB Tri Thức, in và nộp lưu chiểu năm 2014.

Trong đoạn này, thầy Tsuboi đã kết luận là "Cái chết của Phương năm 1873 có trọng lượng rất lớn đè nặng lên lịch sử Việt Nam sau đó; nó vượt xa cái chết của một đại nguyên soái.  Mất Phương, Tự Đức mất đi tài năng quân sự duy nhất, là người nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc.  Hơn nữa, chính sách hoàn hoãn của vua Tự Đức trong vụ Garnier gây phản ứng mạnh mẽ trong giới sĩ phu Bắc Kỳ chống người Công Giáo và chống cả chính quyền Tự Đức, vì Tự Đức cũng đàn áp phong trào của văn thân, và quan lại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào năm 1874 đã cầm vũ khí chống người Công Giáo với danh nghĩa bảo vệ Nho Giáo.  Như vậy cái chết của Phương đánh dấu sự chấm dứt ủng hộ của tầng lớp sĩ phu đối với chính quyền Tự Đức.".

Như vậy để hiểu rõ về phần kết luận này của thầy Tsuboi, chúng ta hãy cùng đọc lại những gì thầy viết trong phần Nguyễn Tri Phương này.

Trong phần 1 này, mình xin đưa ra kết luận là thầy Tsuboi đã ĐÁNH GIÁ QUÁ CAO và có phần PHÓNG ĐẠI về hình ảnh ngài Nguyễn Tri Phương thời vua Tự Đức.

Ở phần 2 kế tiếp, mình xưa đưa ra sử liệu để chứng minh rằng cái chết của ngài Nguyễn Tri Phương chưa bao giờ có liên quan gì đến sự chấm dứt ủng hộ của tầng lớp sĩ phu đối với chính quyền Tự Đức cả.

Phần 1 

****

1. Ở trang 250, thầy Tsuboi viết "Phương tỏ ra có tài quân sự xuất sắc khi đàn áp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi và giáo dân Nam Kỳ, từ 1834 đến 1835.  Vì thế sau ngày ấy, người ta giao cho ông các công việc quân sự.  Ông được cử làm quyền thự tuần phủ Nam Ngãi năm 1841 và hộ lý tổng đốc An Hà năm 1842".

Nhưng có thật là ngài Nguyễn Tri Phương đã tỏ ra tài quân sự xuất sắc khi đàn áp của nổi dậy Lê Văn Khôi không ? Thì mình đọc lại Đại Nam Thực Lục và xin xác định là KHÔNG.  

Bởi vì liên quan tới sự đàn áp cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi này, sử ĐNTL chỉ chép là "Thị lang Nội các là Nguyễn Tri Phương đến quân thứ Gia Định thì vừa cuộc bàn của các Tướng quân, Tham tán về việc đánh thành đã quyết định, liền tâu xin tạm ở lại trong quân đến ngày đánh thành sẽ hiệp đồng đốc quân giết giặc ; việc xong, sẽ về Kinh phục mệnh ngay. Vua khen lời tâu là phải.".  Rồi ngài Nguyễn Tri Phương đã cùng các võ tướng nhà Nguyễn hiệp nhau mà đánh thành Phiên An năm 1835 (giai đoạn cuối của cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi) với đoạn " ... Tham tán Trần Văn Trí và Khâm phái Nguyễn Tri Phương đốc suất đánh góc tả tiền" và vì việc này mà vua Minh Mạng sau đó đã khen rằng "Nguyễn Tri Phương là người mới phái đến, không khó nhọc đã lâu như các tướng biền nhưng là quan văn mà biết cầm quân hiệp đồng giết giặc, lại dự vào hạng lên thành trước. Vậy thưởng cho một cái bài đeo bằng ngọc trắng chạm trổ hoa cỏ, và có dây thao đeo san hô rủ xuống".  Như vậy là ngài Nguyễn Tri Phương được khen vì là quan văn mới đến mà hăng hái cùng cầm quân xông pha trận tiền đánh giặc một trận ấy, chứ làm gì có việc ngài Nguyễn Tri Phương "tỏ ra có tài quân sự xuất sắc khi đàn áp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi và giáo dân Nam Kỳ, từ 1834 đến 1835" như thầy Tsuboi đã nêu ở trên bạn nhỉ ? 

Và sau loạn Lê Văn Khôi trong thời vua Minh Mạng thì ngài Nguyễn Tri Phương được giữ các chức gì ? Theo theo bộ ĐNTL, ngài thường nắm giữ các chức Thị Lang Nội Các hoặc Bộ Lễ, Thượng Bảo Khanh, v.v..  Đây đều là các chức quan văn thuộc dạng hành chính "nhân viên nhà nước" cả, chứ không là các chức vụ quân sự như thầy Tsuboi suy diễn.

Và chỉ đến cuối thời Minh Mạng ta mới thấy ngài Nguyễn Tri Phương được giao trọng trách xem xét việc thành trì, quân sự.  Nhưng có đúng là ngài Nguyễn Tri Phương "được cử làm quyền thự tuần phủ Nam Ngãi năm 1841" không ? Thưa bạn là hoàn toàn không, vì quyền này ngài Nguyễn Tri Phương được ban vào năm 1840 tháng 7 thời vua Minh Mạng với đoạn sử "Cho Tả tham tri bộ Lễ gia hàm Tham tri sung biện việc Nội các là Nguyễn Tri Phương quyền thự Tuần phủ Nam - Ngãi. Tri Phương vào chào để đi ...".  Và cả chức "hộ lý tổng đốc An Hà" không hề là vào năm 1842 như thầy Tsuboi đưa ra, mà thật ra nó diễn ra vào năm 1841 mùa xuân tháng 3 với đoạn "Vua lại sai Tham tri bộ Công là Nguyễn Tri Phương làm Tuần phủ tỉnh An Giang, hộ lý Quan phòng tổng đốc An - Hà, đi ngựa trạm đến ngay.".

Như vậy các sử kiện trên cho ta thấy, dưới thời Minh Mạng, ngài Nguyễn Tri Phương chưa bao giờ được biết đến là người đã tỏ ra tài quân sự xuất sắc trong việc đàn áp cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, và xem ra, suốt thời Minh Mạng, ngài Nguyễn Tri Phương còn bị cách chức, bổ đi làm nhiều việc dân sự khác nhau, hoàn toàn không như thầy Tsuboi nhận định là sau vụ Lê Văn Khôi, ngài Nguyễn Tri Phương đã được xem là có tài quân sự và được giao cho các công việc quân sự.

****

2. Ở trang 251, thầy Tsuboi viết "Khi Tự Đức lên ngôi, ông ở cạnh Trương Đăng Quế, nhưng vai trò chính của ông trong cuộc chính biến cung đình vẫn chưa rõ.  Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông, cho dù thụ động, đối với phe Tự Đức có ý nghĩa quyết định trong chừng mực Phương có ảnh hưởng rất lớn trong giới quân sự.".

Nhưng nếu bạn chịu khó đọc kỹ bộ Đại Nam Thực Lục, thì thời ấy, trong chiến dịch bình Tây (tức bình định đất Campuchia ngày nay), một vị võ tướng sáng chói hơn ngài Nguyễn Tri Phương nhiều, được viêt rất nhiều trong bộ Đại Nam Thực Lục, át cả danh tiếng ngài Nguyễn Tri Phương.  Ngài này có tên là ngài Vũ Văn Giải.  Ví dụ theo Đại Nam Thực Lục vào năm 1847, "Triệu : Phủ biên Tướng quân tiết chế tổng hạt, Tiền quân Đô thống phủ Đô thống, An tây trung vũ tướng là Vũ Văn Giải, Khâm sai đại thần trù biện trong phủ Trấn Tây ; thự Hiệp biện đại học sĩ An tây trí dũng tướng là Nguyễn Tri Phương ; Tổng thống tiễu quân vụ Tổng đốc Định - Biên là Lê Văn Phú ; An Giang Đề dốc, Bang biện Trấn Tây quân vụ, An tây tuấn kiện tướng là Nguyễn Văn Hoàng ; nguyên Lãnh binh quân thứ là Trương Tiến ; Lãnh binh Vĩnh Long là Hồ Hậu ; Phó lãnh binh Định Tường là Lê Viên, đều phải do đường trạm về Kinh chầu hầu.".  Và ví dụ theo Đại Nam Thực Lục cũng cùng thời gian năm 1847 này "Đinh Mùi, Thiệu Trị năm thứ 7 [1847], mùa hạ, tháng 5. Bọn Vũ Văn Giải là tướng suý đi đánh miền Tây, kiểm điểm quân sĩ kéo về Kinh. Bọn Văn Giải khó nhọc lâu ở ngoài, khi sắp đến Kinh, vua sai Nội các và Thị vệ đều một viên, chực sẵn ở Nam Trường đình để đón tiếp, truyền Chỉ uý lạo. Khi đến Kinh, triệu ngay vào chỗ điện thường, trước thưởng cho áo dài mặc mát và quạt ngự, đề bài thơ “Tây chinh sự bình” ((1) Tây chinh sự bình : việc đánh giặc ở miền Tây đã yên.1) để ban thưởng cho khác với mọi người.".

Như vậy bạn thấy đó, chức hàm "Tiền quân Đô thống phủ Đô thống" của ngài Vũ Văn Giải có trật là chánh nhất phẩm bên ban võ giai rồi bạn.  Còn chức hàm "Thự Hiệp biện đại học sĩ" của ngài Nguyễn Tri Phương chỉ mới có trật là Tòng Nhất Phẩm bên ban văn giai thôi bạn ạ.  Như vậy nếu ta lấy sự danh tiếng trong quân sự ra mà bàn, thì chinh vì tiếng tăm cao vời vợi của ngài Vũ Văn Giải, nó mới đúng là sự ủng hộ của phe quân sự dành cho vua Tự Đức, chứ còn ngài Nguyễn Tri Phương, hàng quan văn đi theo giúp việc Trấn Tây (với chức hàm Khâm sai đại thần trù biện trong phủ Trấn Tây) không hẳn hơn danh tiếng quân sự của ngài Tiền quân Vũ Văn Giải đâu.  

Vậy sự nhận định của thầy Tsuboi rằng là "Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông, cho dù thụ động, đối với phe Tự Đức có ý nghĩa quyết định trong chừng mực Phương có ảnh hưởng rất lớn trong giới quân sự" là có vấn đề đó bạn.  Vì lúc này (khi vua Thiệu Trị mất), danh tiếng ngài Vũ Văn Giải rất cao trong giới quân sự, chứ không hẳn là danh tiếng ngài Nguyễn Tri Phương nổi tiếng trong giới quân sự như thầy Tsuboi nhận định đâu.  Chúng ta cần so sánh việc làm, chức hàm, phẩm tước của các quan để mà bàn đó bạn, chứ không chỉ vì ngài Nguyễn Tri Phương là anh hùng dân tộc ngày nay mà lại cho rằng ngài có ảnh hưởng sâu rộng trong giới quân sự thời vua Thiệu Trị băng hà.

Và chắc hơn, cũng ngay trong bộ Đại Nam Thực Lục, chính ngài Nguyễn Tri Phương đã nhường cho ngài Vũ Văn Giải đứng đầu khi lập bia võ công nè bạn.  Đây, đoạn này trong Đại Nam Thực Lục Đệ tứ kỷ Quyển IV, năm Kỷ dậu, Tự Đức năm thứ 2 [1849] (nước Thanh Đạo Quang năm thứ 29), mùa xuân, ... "Chuẩn cho dựng bia võ công dẹp yên cõi tây. Khi ấy bàn người có công đầu, lúc trước cho Vũ Văn Giải đứng đầu, sau lại cho Nguyễn Tri Phương đứng đầu. Tri Phương bèn dâng tập tâu bày nhường cho Vũ Văn Giải. Vua dụ rằng : các viên đi dẹp yên cõi tây là bọn Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Hoàng, Tôn Thất Nghị 6 người, sự trạng công lao đánh dẹp, khắc bia ghi công thực đã công bằng chính đáng. Duy bàn người công đầu thứ nhất, thứ nhì trước sau ý kiến còn có khác nhau. Trẫm nghĩ việc ở cõi tây, trải hơn 7 năm, Hoàng khảo ta dậy sớm ăn muộn, trù tính suy nghĩ, chỉ bảo mưu chước, liền năm xếp đặt đến được thành công. Về khoản dựng bia là cốt để tỏ rõ công võ truyền lại sau này, không phải chỉ nêu công lao khuyên việc nghĩa mà thôi. Lần này bàn về công sức đánh dẹp thì Nguyễn Tri Phương, thực là hơn cả, nhưng Vũ Văn Giải là người lão thành kỳ cựu, chịu mệnh lệnh đốc suất quân nhung, điều khiển việc quân cơ, có chuyên trách riêng. Thì công yên chốn biên cương, thiếp phục người xa, còn ai hơn nữa. Đã được đội ơn tiên thánh khen ngợi, phong tước được cỏ mao gói đất((1) Vương giả ngày xưa lấy 5 sắc đất làm đàn xã, phong cho chư hầu về phương nào, thì cắt lấy miếng đất ở đàn xã về phương ấy, bọc bằng cỏ tranh, rồi ban cho.1), khắc tên vào súng lớn bằng đồng, lần này lần khác tên vẫn đứng đầu, đủ rõ ra thứ bậc đã định. Bèn ra lệnh cho Văn Giải đứng đầu, Tri Phương thứ hai.".

Nên rất có thể ngài Nguyễn Tri Phương nổi tiếng, nhất là sau khi ngài đã cùng ngài Doãn Uẩn huy hoàng đánh bại quân Xiêm La năm 1845 còn để lại danh thơm trong sử Việt.  Và chắc chắn sau này thời Tự Đức, ngài Nguyễn Tri Phương càng nổi tiếng hơn với những lần kinh lược Nam Kỳ, phòng thủ Đà Nẵng, dẹp loạn Bắc Kỳ, v.v.  Nhưng sự nhận định của thầy Tsuboi rằng việc ngài Nguyễn Tri Phương ủng hộ sự lên ngôi của vua Tự Đức năm 1847 có ảnh hưởng sâu rộng trong giới quân sự là chưa thể chắc chắn.  Thời này, dành lấy sự ủng hộ quân sự chắc chắn là một trong những lý do ngài Tiền quân Vũ Văn Giải được vua Thiệu Trị mời vô trong bộ tứ Phụ Chính Đại Thần, còn ngài Nguyễn Tri Phương có đúng là được vua Thiệu Trị mời vô để dành lấy sự ủng hộ của phe quân sự không (trong khi ngài Nguyễn Tri Phương chỉ là một quan văn và một quan khâm sai đại thần) thì rất cần xem lại đó bạn.

****

3. Ở trang 251, thầy Tsuboi viết "Ông là điển hình của quan chức sĩ phu đại diện một giai cấp lãnh đạo có thái độ ngoan cố, không khoan nhượng, chống mọi sự nhượng bộ đối với nền văn minh phương Tây".

Không biết ông có chống lại mọi sự nhượng bộ với nền văn minh phương Tây không, nhưng theo sử, "Nguyễn Tri Phương không đồng ý, nhưng vì có mật lệnh từ Huế, nhắm mắt làm ngơ khi Dupris tự ý rời Hà Nội lên Vân Nam ngày 16/1/1873 ... Tiếp đó Dupris cùng hai thương gia người Hoa xuất vốn mua muốn và gạo, định ngược Vân Nam thêm một chuyến nữa.  Lần này, Khâm sai Phương phản ứng cứng rắn hơn vì luật nhà Nguyễn giữ độc quyền xuất cảng gạo và muối sang Trung Hoa ... Thấy tình hình căng thẳng, một mặt Tự Đức sai Phan Đình Bình ra Hà Nội, và cho lệnh Khâm sai Phương cố gắng dàn xếp.  Ngày 7/10/1873, lại mật dụ cho phép Dupris mang gạo và muối lên Vân Nam, nhưng chỉ với một số lượng hạn định, cùng phải khai báo và đóng thuế.  Nguyễn Tri Phương và Phan Đình Bình cũng được lệnh phải tạo điều kiện thuận lợi cho Dupris, như cho tự do thuê mướn thủy thủ, nhân công, và hộ tống đoàn thuyền lên miền thượng du để đổi lấy đồng, thiếc Vân Nam" (theo Các Vua Cuối Nhà Nguyễn Tập 1 Vũ Ngự Chiêu trang 219-220). 

Và theo Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ Quyển XLVIII "Cho Binh bộ Hữu tham tri Phan Đình Bình sung làm Khâm phái đến ngay Hà Nội cùng với Nguyễn Tri Phương xử trí việc Đồ Phổ Nghĩa. Nhân triệu vào bảo rằng : Thuyền của Phổ Nghĩa sắm sửa đến Vân Nam, dẹp oán bớt việc, ở cả việc ấy, duy có việc rất đáng lo, Nguyễn Tri Phương tuổi cao tính cố chấp, Bùi Thức Kiên gặp việc hoảng hốt, giấy tờ đi lại, có hại đến sự thể ; ngươi đi chuyến này nên tuỳ cơ làm khéo, khiến cho hắn vui lòng nghe, cốt sớm xong việc, gần đây cứ theo tâu báo, Phổ Nghĩa có ý thác cớ để tránh, Ngọc Trì đã đến, mới nên thân họp, còn như những tên đầu mục nhỏ mọn chớ nên khinh thường họp bàn với chúng mà thất thể ; phàm việc để lỡ, đều do Nguyễn Tri Phương yêu cầu khắt khe nên mới đến thế. Trước đã lỡ việc, nay phải xử trí cho khéo. Vả lại, người khách nước Thanh xu lợi, về việc thông thương ở Vân Nam cố nhiên là có, tạm hãy để đấy chớ hỏi đến, đợi xong việc tính dần, để cho hắn phục tình, nếu nhất thiết buộc bằng phép luật, sợ chưa tiện.

Đình Bình thưa rằng : Đã hỏi người đến sau, biết kẻ thuộc khách phụ hoạ đều là bọn du đãng không có căn cước, đến đâu hỏi khắp, nên đều biết được.

Vua bảo rằng : Cửa vua xa muôn dặm, cứ theo trên giấy tờ thì như thế, nhưng trẫm hỏi kỹ, thì hắn cũng không ngang ngược càn lắm, tại ta hà khắc nên mới đến thế, nhưng Nguyễn Tri Phương tính cố chấp, đi lần này làm việc lớn của nước, nên chăng cùng bàn với nhau, nếu không hợp thì cứ thực mật tâu.".

Không hiểu thầy Tsuboi đã dựa vào đâu để khẳng định rằng ngài Nguyễn Tri Phương "không khoan nhượng, chống mọi sự nhượng bộ đối với nền văn minh phương Tây" chứ mình đọc sử, chỉ thấy ngài cố chấp nhưng nghe theo lệnh triều đình, mà ở đây là vua Tự Đức mà giữ các chức vụ có khi quá tầm lãnh đạo của ngài. 

Và đáng ngờ hơn, là theo sử Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ quyển XXVII, vào năm Nhâm Tuất Tự Đức năm thứ 15 [1862]. Mùa thu, tháng 7 "Nguyễn Tri Phương ở Bình Thuận về chầu. Vua bảo Tri Phương rằng : Lần này có Chỉ triệu về, mà khanh 2 - 3 lần xin hưu. Hiện nay gặp buổi có việc, phận tôi con phải nên gắng sức. Lại hỏi Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp nay làm việc ra sao ? Thưa rằng : Thanh Giản, Duy Thiếp nói với thần rằng : “Vâng mệnh đi tuyên bảo uy tín của nhà vua, ai dám không tuân theo”. Nhưng thần xem lòng dân Nam Kỳ, không chịu theo Tây dương là do ở tấm lòng vì nghĩa khí mà tức giận, tôi cũng khó đối với người mà nói được. Thanh Giản, Duy Thiếp lại bảo việc nghị hòa đã xong, có thể ngồi mà trông thấy giàu mạnh. Tôi cho rằng sau khi đã hòa rồi, tài lực ngày hết, làm sao mà giàu mạnh được ? Vua nói : Khanh sao không nói thẳng cho 2 viên ấy biết ? Thưa rằng : ý kiến không cùng nhau, dù có thương thuyết, cũng chẳng chịu theo lời. Dẫu thế, dù ý kiến khác hay cùng là việc nhỏ, thần chỉ cần sao cho nên được việc nước thôi.".

Như vậy điều này cho ta thấy, ngài có vẻ cũng như các quan triều đình Huế, trong đó có cả quan Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp, có phần phân vân về việc nên ký hòa ước 1862 hay không, nhưng ngài có chống đối ra mặt việc ký hòa ước 1862 này không thì ta lại biết là hoàn toàn KHÔNG.  Có khi nhận định "chống mọi sự nhượng bộ đối với nền văn minh phương Tây" mà thầy Tsuboi đưa ra chỉ là một sự suy luận vô căn cứ, và có phần phiến diện chỉ xét từ MỘT sử kiện ngài Nguyễn Tri Phương đụng độ cùng thương nhân Jean Dupris, chứ chưa bao giờ là xét toàn thể những gì ngài Nguyễn Tri Phương đã làm trong suốt thời gian nắm quyền quân sự / dân sự cả.

Nên chúng ta có thể suy luận rằng ngài Nguyễn Tri Phương là "điển hình của quan chức sĩ phu đại diện một giai cấp lãnh đạo có thái độ ngoan cố, không khoan nhượng", nhưng sự "chống mọi sự nhượng bộ đối với nền văn minh phương Tây" chưa bao giờ có đủ bằng chứng cả.

Và dĩ nhiên nếu bạn đem ra luôn sử kiện ngài Nguyễn Tri Phương không chịu băng bó và chết khi bị quân Pháp bắt là một hành động "chống mọi sự nhượng bộ đối với nền văn minh phương Tây" thì xin bạn nghĩ lại, vì đó là suy nghĩ của người Nho giáo xưa, trọng quốc thể, xem nhẹ cái chết, chứ không liên quan đến Tây hay Ta cả.  Xưa, ta đã có tích ngài Trần Bình Trọng "ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc".  Nhưng chúng ta không vì vậy mà lại phóng đại ra là ngài Trần Bình Trọng "chống mọi sự nhượng bộ đối với nền văn minh Bắc triều", vì ở đây không hề có sự nhượng bộ gì cả, mà chỉ là tinh thần hy sinh vì nước, không thèm nhận đồ của giặc thù mà thôi.  Xin đừng viết phóng đại lung tung hẳn lên dạng "thành Điện Hải là biểu tượng yêu nước của dân tộc Việt Nam".

À, và nếu bạn để ý, thầy Tsuboi đã viết sai luôn ở trang 254 "Năm 1872, để giải quyết vấn đề Dupris, Phương được cử ra Bắc Kỳ với tư cách phái viên cao cấp của nhà vua.  Khâm mạng tuyên sát đồng sức đại thần, có toàn quyền thương thuyết với Pháp".  Bởi vì theo sử Đại Nam Thực Lục Đệ Tứ Kỷ Quyển XLVII năm Nhâm Thân Tự Đức năm thứ 25 [1872], mùa thu, tháng 7, triều đình đã lệnh cho ngài Nguyễn Tri Phương sung làm Khâm mệnh Tuyên sát đổng sức đại thần vì "Cho Nguyễn Tri Phương sung chức Tuyên sát đổng sức đại thần, đến ngay 2 quân thứ Sơn Tây, Hải Dương. Dụ rằng : Từ khi biên giới Bắc Kỳ có việc binh đao, đến nay đã 3 - 4 năm, quân thì mệt, tiền thì thiếu, sự khó nhọc phí tổn không biết thế nào mà kể. Thế mà các quân thứ chỉ lần lữa tháng ngày, nuôi giặc để lo về sau. Không phải là các tướng sĩ lười biếng khinh nhờn tham trái không chịu ra sức làm việc, nên đến thế ư ? Xem ngay như việc trong quân không hoà thuận với nhau, điều khiển trái phép, đã biết được đại khái. Hoàng Tá Viêm mình là một viên thống soái, oai quyền đến thế nào, mà trong lòng hèn nhát, độ lượng hẹp hòi, quá cẩn thận thành ra sợ sệt. Lê Tuấn hơi có học thức, tự cho là chí khí, nhưng chí thì lớn mà mưu kế thì không có gì, mệnh lệnh không được nghiêm chỉnh. Ông ích Khiêm, Trương Văn Đễ thì cứng sẵng, làm theo ý mình, ít học hay tức khí, rồi vì lời nói hay việc nhỏ, đem lòng tư hiềm, nhãng quên việc công, rất không phải hiềm nhau như Liêm Pha, Lạn Tương Như ngày xưa, mà lại kém sự hiểu biết của họ Liêm, họ Lạn ... Vậy chuẩn cho phái Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Thượng thư bộ Lại là Nguyễn Tri Phương sung làm Khâm mệnh Tuyên sát đổng sức đại thần, lập tức cầm cờ tiết, mang Dụ đến ngay 2 quân thứ Sơn Tây, Hải Dương truyền lệnh triệu tập từ Thống đốc Hoàng Tá Viêm cho đến các viên đổng vận, thương biện, bang biện, đặt hương án quỳ cả trước án, tuyên đọc Dụ này, để răn bảo khiến cho mọi người đều hăng hái cố gắng hơn lên ; cốt phải vào khoảng mùa thu, mùa đông năm nay, dẹp yên hết cả. Nếu còn dám để sai kỳ hạn không làm xong việc, thì tội mất kỷ luật, làm hỏng việc, trẫm tất không dám lấy lòng khoan nhân mà làm trái pháp luật được....Lại dụ cho Tri Phương rằng : Tướng họ Phùng hiện nay đóng ở Long Châu để xử trí. Nay ngươi đi chuyến này, không phải chuyên chủ việc đánh dẹp, nên xét kỹ ý tướng ấy, nếu có phải làm tờ bẩm và sửa soạn sản vật thổ ngơi để tặng biếu, thì bàn với Thống đốc Hoàng Tá Viêm làm tập tâu lên đợi Chỉ chuẩn cho. Ngươi vốn có oai vọng, trị yên một xứ, xử trí được thích hợp, thì ngươi nghĩ tự phải hăng hái, không cần phải quen thói bạo dạn, xông pha nơi nguy hiểm, thân hành đi đánh làm gì. Hiện nay những người kỳ cựu trong triều, chỉ còn có một mình ngươi, đình thần thường xin cử người đi đánh giặc ngoài Bắc, nhưng trẫm không muốn phiền ngươi bằng việc quân, không ngờ hiện nay mối lo ở biên giới lâu mãi không yên, trẫm rất lấy làm áy náy trong lòng, ngươi cũng có lòng nghĩ sự báo đền ơn nước, cho nên mới sai đi."

Thế thì hàm Khâm mệnh Tuyên sát đổng sức đại thần là được ban vào tháng 7 âm lịch năm 1872 để quan Nguyễn Tri Phương lo dàn xếp các vụ tranh cãi / đùn đẩy trách nhiệm của các quan Việt ở vùng biên giới, và nếu được, cùng tướng nhà Thanh là Phùng Tú Tài tiếp tục giao hảo.  Còn vụ Đồ Phổ Nghĩa (tức Jean Dupris) là mãi đến tận tháng 11 cùng năm khi mà, theo bộ Đại Nam Thực Lục "Ba chiếc tàu của người Pháp là Đồ Phổ Nghĩa((1) Đồ Phổ Nghĩa : Jean Dupuis.1) (2 chiếc tàu thuỷ, 1 chiếc thuyền buồm) đến cửa Cấm, tỉnh Hải Dương, xin mượn đường để đi Vân Nam. Trước đây, tướng nước Pháp đưa thư cho viện Thương bạc nói rằng : Có phái tàu Bô Len đi đến các phận biển ở dọc biển Bắc Kỳ để dò bắt giặc biển và thăm hỏi địa phận của đạo giáo, rồi tiện đường đi Hương Cảng. Tàu ấy đi đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nghệ An, Cát Bà đều có bắn phá thuyền của giặc. Đến Quảng Yên đi thẳng vào trong sông rồi lại ra biển.".

Như vậy vụ Đồ Phổ Nghĩa diễn ra khoảng 3 tháng sau khi ngài Nguyễn Tri Phương được sung làm Khâm mệnh Tuyên sát đổng sức đại thần.  Nhưng không hiểu tại sao thầy Tsuboi lại viết rằng "Năm 1872, để giải quyết vấn đề Dupris, Phương được cử ra Bắc Kỳ với tư cách phái viên cao cấp của nhà vua.  Khâm mạng tuyên sát đồng sức đại thần, có toàn quyền thương thuyết với Pháp".  Sự sai này không hiểu do thầy Tsuboi đọc sai sử kiện hay do thầy cố ý viết sai để ủng hộ cho thuyết của thầy là ngay từ đầu, ngài Nguyễn Tri Phương đã chuẩn bị đối đầu cùng ngài Jean Dupris ngay ngoài Bắc ? 

Vậy ở đây, theo mình, chẳng những thầy Tsuboi sai về ngày tháng năm nhậm chức Khâm mệnh Tuyên sát đổng sức đại thần của ngài Nguyễn Tri Phương, mà còn rất lõng lẽo khi đưa ra nhận định rằng ngài Nguyễn Tri Phương "chống mọi sự nhượng bộ đối với nền văn minh phương Tây" mà không hề cho chúng ta biết có hay không các sử kiện nào để backup cho điều thầy nêu ra cả.

****

4. Ở trang 255-256, thầy Tsuboi viết "Mất Phương, Tự Đức mất đi tài năng quân sự duy nhất, là người nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc".

Cũng như phần bên trên, thầy Tsuboi hoàn toàn không cho chúng ta sử liệu nào để chứng minh rằng ngài Nguyễn Tri Phương "có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc" cả.  Ngược lại, đọc Đại Nam Thực Lục, chúng ta thấy rất rõ trong ấy hình ảnh một vị quan già nua, muốn được nghỉ hưu nhưng vua không cho nghỉ, và ngài ráng làm hết mình nhiệm vụ của mình, được các quan tôn trọng vì danh tiếng của ngài, nhưng trong môi trường này, ngài cũng "lên voi xuống chó" hơi nhiều với việc bị giáng cấp, chứ không hề là "tài năng quân sự duy nhất" gì cả.

Một vài ví dụ:

a.  Vào tháng 8 năm Nhâm Tuất Tự Đức 15 (năm 1862) "Vua cùng các quần thần mưu kén người làm tướng ở quân thứ Tây – Bắc. Đình thần cử Nguyễn Tri Phương, Trương Đăng Quế xin đem Trần Tiễn Thành để thay.  Vua hỏi lại 2 viên ấy, Tri Phương tâu nói : Tướng cần phải chọn được người giỏi vì tính mạng của 3 quân đều hệ thuộc vào người làm tướng. Thần vâng phái đi Nam Kỳ, không được công trạng gì, lại không hiểu tình thế ở Bắc Kỳ. Tiễn Thành tâu nói : Thế giặc ở Bắc Kỳ rất khó đánh bắt, mà địa thế thần cũng chưa am tường. Tri Phương vốn có danh vọng lớn, lại từng ra mặt trận, thần không thể kịp được. Hai người đều xin vua xét định.  Vua hỏi Đoàn Thọ. Thọ thưa rằng : Xin cho thần nhiều quân đem đi Hà Nội để xem xét cơ hội, nên đánh Sơn Tây trước hay đánh Bắc Ninh trước, họp quân lại mà đánh, thì sức không phân, mà dễ đánh lấy được.  Vua nói : Quân cơ là việc lớn, không thể người khác người cùng được. Bèn sai Tri Phương sung làm Tây Bắc Tổng thống quân vụ đại thần ; Thừa Thiên phủ doãn là Phan Đình Tuyển sung làm quân thứ Tán lý ; Chưởng vệ quyền Chưởng dinh Thần cơ là Tôn Thất Tuệ sung làm Đề đốc. Tri Phương xin lấy Phạm Hán (nguyên Phó lãnh binh Bình Thuận), Hoàng Mân (Hiệp quản) sung làm Đốc binh, vua y cho.".

b. Vào tháng 1 năm Giáp Tý Tự Đức 17 (năm 1864) "Quan quân đánh giặc bị thua ở xã Nãi Sơn thuộc phủ Kiến Thuỵ, Hải Dương. Bị chết trận : ... Tin ấy tâu lên, Tổng thống là Nguyễn Tri Phương bị giáng 2 cấp, lưu lại làm việc..."

c. Hoặc "Lĩnh Lang trung, ty Kinh kỳ bộ Binh là Mai Quý dâng sớ xin chiêu dụ vỗ về bọn giặc ở sông nước thuộc Hải - Yên, cho họ đến các chỗ đất rộng bỏ không thuộc Bắc Kỳ ... Còn Tổng thống Nguyễn Tri Phương tuổi đã già, xin cho triệu về Kinh để tôn nghiêm cho việc mọi người trông vào, liệu lượng rút bớt lính ở Kinh đi đóng ở quân thứ các tỉnh cho vững mạnh nơi căn bản.  Vua xem sớ bảo rằng : Nguyễn Tri Phương đã khó nhọc lâu ngày ở ngoài, ta vẫn nghĩ thương đến, nhưng ta nghe thấy binh, dân ở nơi quân thứ, đều nương tựa trông cậy vào viên ấy, mà viên ấy cũng lấy việc chưa đánh xong giặc làm trách nhiệm của mình, chưa tiện triệu về."

d. Hoặc "Tổng thống Hải - Yên là Nguyễn Tri Phương tự cho mình trù liệu không có công trạng, dâng tập tâu lên nhận tội. Chuẩn cho giáng 4 cấp ở lại làm việc để xem công hiệu sau này và dụ rằng : Độ này thời cơ hơi khá, khanh nên hết lòng tính toán, định kế hoạch gì, cốt cho sớm dẹp yên bọn giặc ấy, mới hả tình trên dưới. Lại nói dưới quyền của người tướng mạnh, không có quân yếu, quân ở nơi khác đến không bằng quân ở bản xứ. Quân miền Bắc cũng thường nên nghiêm ngặt răn sửa để phấn khởi khí hậu mạnh, thưởng cho để vui đẹp trong lòng, thì lo gì sai khiến không được vừa ý. Binh từ Thanh, Nghệ trở vào Nam, đã đóng lâu khó nhọc, nên hậu đãi vỗ về, mà họ là phên che cho Kinh sư, không nên để cho yếu đi, khanh nên nghĩ đó."

e. Hoặc "Quân thứ thần ở Hải Dương, Quảng Yên là Nguyễn Tri Phương tâu xin thêm quân. Vua dụ rằng : Dùng quân đến 3 năm, binh pháp rất kỵ, hiện nay đã 4 - 5 năm rồi, bọn giặc chỉ có 3.000 tên, mà binh dõng ở quân thứ không kém hơn một vạn người, quân không phải là không nhiều, cốt ở cách biết dùng thế nào thôi. Hiện nay chỗ nào cũng khó kiếm ăn, cứu chữa không có lúc nào rỗi, sao không mưu tính kỹ lưỡng, lại tự xin thêm quân, cái bụng người trọng thần mưu việc nước, như thế có yên không ? Duy có người đương sự phải chịu khó nhọc, ta vẫn đã biết, sự thể hiện nay, phải diệt đám giặc ấy mới thôi. Về việc xin gọi thêm quân, đã sai 2 tỉnh Thanh, Nghệ dồn 2 cơ binh dõng đợi phái đi. Ngươi là Nguyễn Tri Phương nên xét rõ tình thế giặc, nếu có thể lấy số quân hiện có mà dẹp được thì mau mau tâu lên ; nếu tình thế không đừng được, thì một mặt tư ngay cho Thanh, Nghệ phái quân đi, một mặt tâu lên cho biết. Nhược bằng cứ thế mãi, lâu không thành công, ta chỉ có theo phép mà trị tội thôi. Lại thưởng cho biền binh, dân dõng sung phái ở 2 hạt, được 2 tháng tiền lương bổng và cho thêm dân dõng đều mỗi người 2 quan, cấp cho gia đình để thêm nuôi nấng.".

...

Như vậy đọc sử Đại Nam Thực Lục, chúng ta thấy rất rõ vua Tự Đức trọng dụng ngài Nguyễn Tri Phương, do danh tiếng của ngài, nhưng có thật ngài Nguyễn Tri Phương là "tài năng quân sự duy nhất, là người nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc" như thầy Tsuboi viết hay không thì thật mình không hề đọc được trong bộ Đại Nam Thực Lục.  Bộ sử Đại Nam Thực Lục cho chúng ta biết là hầu hết các trận đánh lớn của triều đình Việt Nam thời Tự Đức lúc quân Pháp xâm lược, đều có mặt ngài Nguyễn Tri Phương.  Và ngài Nguyễn Tri Phương đánh thua người Pháp ở Nam, hòa ở Đà Nẵng, thua ở Bắc, dẫn đến việc mất quyền tự chủ của đất nước là các sự thật lịch sử, nên không hiểu khi thầy Tsuboi viết "Mất Phương, Tự Đức mất đi tài năng quân sự duy nhất" là có quá đáng dạng viết phóng đại không ? Vì ta còn có cả quan Hoàng Tá Viêm rất nổi tiếng trong việc đánh Pháp (nhưng lại không hẳn là theo phe vua Tự Đức).

Dĩ nhiên chúng ta cần tôn trọng công lao ngài Nguyễn Tri Phương với đất nước Việt Nam, nhưng theo mình, thầy Tsuboi đã viết quá lố khi thầy không hề có sử liệu nào backup về nhận định của thầy rằng là "Mất Phương, Tự Đức mất đi tài năng quân sự duy nhất, là người nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc".

Và bạn để ý luôn, là ngài Nguyễn Tri Phương không hẳn là CHỈ chống kẻ thù ngoại quốc, mà ngài còn chống cả nội thù, tức là đi dẹp loạn người Việt ở ngoài Bắc đó bạn.

Và chắc chắn ngài Nguyễn Tri Phương chưa bao giờ là một nhân vật "có thể đoàn kết dân tộc" gì cả, vì ngay thời ngài còn sống, Việt Nam đã loạn cả lên từ miền Nam đánh Pháp, đến miền Bắc nổi dậy, lẫn cả các cuộc nổi loạn trong hoàng gia như loạn giặc Chày Vôi, v.v.  Nên chúng ta càng không có lý do gì để tin rằng ngài Nguyễn Tri Phương "là người nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc" gì cả.

****

Vậy bạn thấy đó, theo mình, sự đánh giá QUÁ CAO về nhân vật Nguyễn Tri Phương của thầy Tsuboi là có vấn đề.  Bởi vì chúng ta chưa bao giờ có sử liệu nào chắc chắn để mà khẳng định "Mất Phương, Tự Đức mất đi tài năng quân sự duy nhất, là người nhờ uy tín và ảnh hưởng của mình, có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc".  Ngài Nguyễn Tri Phương at best là một vị chỉ huy quân Việt nổi tiếng ở mọi miền Việt Nam, nhưng ngài đánh thua, ngài bị giáng cấp và bị phạt nhiều lần, và những lần thất bại của ngài chính là khi người Việt Nam đã bị mất thêm đi phần chủ quyền đất nước Đại Nam, và ngay thời ngài còn sống, Đại Nam đã bị chia năm xẻ bảy, từ Nam ra Bắc với đủ thứ sự nổi loạn của người dân, của giặc ngoại xâm, nên theo dòng sử kiện, ngài Nguyễn Tri Phương chưa bao giờ là một vị quan có đủ sự uy tín để mà "có thể đoàn kết dân tộc đồng thời động viên dân tộc chống kẻ thù ngoại quốc" như thầy Tsuboi nêu ra (mà không có sử liệu backup) đâu bạn ạ.

Mời bạn tham khảo.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian

















Không có nhận xét nào