Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa - Bài 6 - Về sự thanh liêm vì dân của ngài Phan Thanh Giản có đúng như thầy Tsuboi đã nhận định không ?

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa #thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trun...

Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa

#thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trung_hoa

Bài 6 - Về sự thanh liêm vì dân của ngài Phan Thanh Giản có đúng như thầy Tsuboi đã nhận định không ?

Đây là ở Chương V phần 3 Phan Thanh Giản trang 240 đoạn "Nhưng dù Giản thăng quan tiến chức rất nhanh, ông vẫn thanh liêm, không vì lợi và luôn can đảm.  Ông không bao giờ thay đổi quan điểm - "Trước hết phải nghĩ đến dân" - kể cả khi ý kiến vua khác với ông.  Một sự kiện này tỏ rõ lòng can đảm của ông:

"Năm 1835, Minh Mạng cử ông làm tổng đốc Quảng Nam.  Khi vua định đi du hành ở các tỉnh và đến thăm tỉnh Quảng Nam vào tháng 6-1835.  Giản dám chống lại dự định ấy và nói: "Tất cả dân chúng trong tỉnh đều vui mừng về việc bệ hạ định đến thăm tỉnh.  Song vào tháng Năm và tháng Sáu, mọi người rất bận rộn trong việc cấy lúa chiêm, thần e rằng việc nghênh đón bệ hạ sẽ làm lỡ vụ lúa.  Vì vậy thần xin bệ hạ hoãn việc đi du hành để cho dân chăm lo công việc đồng áng.".  Minh Mạng không hài lòng về lời xin hoãn của Giản, nhưng rốt cuộc cũng từ bỏ ý định đi Quảng Nam" (1).

Theo thầy Tsuboi, (1) là từ nguồn sử liệu Đại Nam Liệt Truyện (Truyện các quan, t. II, q. 26, tờ 22b-23a).

Nếu bạn để ý kỹ, thì trước tiên, bạn khỏi đọc Đại Nam Liệt Truyện cũng dễ dàng biết là chả bao giờ trong Đại Nam Liệt Truyện có câu từ nào dạng "Năm 1835, Minh Mạng cử ông làm tổng đốc Quảng Nam." cả.  Nên mình chắc với bạn, đoạn văn trong câu dấu ngoặc "" từ "Năm 1835 ... từ bỏ ý định đi Quảng Nam" không có trong Đại Nam Liệt Truyện đâu, bạn khỏi tra.  Có khi thầy Tsuboi đã tự mình viết hay thầy cọp dê từ nguồn nào đó rồi thầy ghi là trích đoạn từ Đại Nam Liệt Truyện.

Và tại sao dịch giả (ở đây là thầy Tăng Văn Hỷ) lại không cho chúng ta biết đoạn văn trên không là từ Đại Nam Liệt Truyện, mà lại còn để nó trong dấu ngoặc với chú thích là từ Đại Nam Liệt Truyện, thì mình xin nhường lại cho thầy Nguyễn Đình Đầu trả lời, vì xem ra trong phần Lời Người Dịch, thầy Đầu có viết là nhóm dịch giả đã tra lại các sử kiện trong từng bộ sử Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện khi dịch quyển này của thầy Tsuboi.

Còn bộ Đại Nam Liệt Truyện viết sử kiện này ra sao ? Thì đây ở bản dịch Đại Nam Liệt Truyện tập 4, truyện Phan Thanh Giản

****

Năm thứ 16, khâm phái đi Trấn Tây làm việc công. Lúc trở về qua Bình Thuận lưu lại đánh giặc Man, bình được hết cả. Đổi bổ làm Bố chính Quảng Nam, Hộ lí ấn quan phòng tuần phủ.

Năm thứ 17, mùa xuân, vua cho là Nam Bắc bình yên, triều đình nhàn hạ, xuống chiếu đến tháng 5, đi Quảng Nam. Thanh Giản tâu bày rằng : Nhà vua tuần du, dân hạt nghe tin, ai chẳng vui sướng. Nhưng năm nay, lúa chiêm mất mùa; mà khoảng tháng 4, 5, lại đương mùa cày cấy; một phen cung ứng, nhìn chỗ này thì hỏng chỗ kia. Xin hãy tạm đình, để cho dân được chuyên việc đồng ruộng. Vua xem lời tâu, không bằng lòng, bảo Cơ mật rằng : Thanh Giản ngầm đem việc Mạnh Kha thưa với Tề vương, mà chê bai (5) bèn chuẩn cho đình cuộc tuần du. Rồi phái cho ngự sử là Vũ Duy Tân đến đấy xét hỏi. Khi Duy Tân về tâu rằng : Dân đều mong nhà vua đi tuần di. Lại trích ra những tình trạng việc tỉnh lười bỏ, quan lại nhũng tệ; nên Giản bị giáng làm thuộc viên lục phẩm, theo tỉnh Quảng Nam gắng sức làm việc báo hiệu. Mới được 2 tháng, được nhắc lên làm thừa chỉ Nội các, đổi sang Lang trung Bộ Hộ, biện lý việc bộ; rồi thự Thị lang, sung Cơ mật viện.

****

Và nếu bạn chịu khó đọc bộ Đại Nam Thực Lục Đệ Nhị Kỷ Quyển CLXVII, Bính Thân, Minh Mệnh năm thứ 17 [1836], mùa xuân, tháng 3 thì càng rõ hơn

****

Bố chính Quảng Nam, hộ lý Tuần phủ Nam - Ngãi là Phan Thanh Giản, bị giáng chức. Dùng : Kinh doãn Hồ Hựu hộ lý ấn quan phòng tuần phủ Nam - Ngãi, kiêm lĩnh ấn triện Bố chính ; Tả thị lang bộ Lễ Vương Hữu Quang kiêm giữ thay công việc phủ doãn Thừa Thiên. Trước kia, vua thấy Nam, Bắc yên lặng, triều đình nhàn rỗi, bèn dụ đến trung tuần tháng 5, sẽ đi tuần Quảng Nam, trung tuần tháng 6 sẽ đi tuần Quảng Trị ; chuẩn cho quan phần việc và địa phương sở tại chuẩn y trước. Thanh Giản nhân đó, trong tập thỉnh an, có nói : “Vua đi tuần du, dân các hạt nghe tin không ai không hớn hở, muốn tai được nghe tiếng ngựa xe vua đi, mắt được thấy cờ vũ mao tươi đẹp. Nhưng lúa chiêm năm nay kém, trong khoảng tháng 4, 5 chính là mùa gieo, cấy. Một khi phải làm việc ứng tiếp, được việc này, hỏng việc kia, sợ không lấy gì mà sống trọn năm được. Xin hãy tạm đình, để tiểu dân được chuyên sức làm ruộng”. Vua xem tờ tâu, không hài lòng, bảo viện Cơ mật rằng : “Phan Thanh Giản đã nói ai nghe tin cũng đều vui mừng. Lại nói : Bận việc ứng tiếp thì hại việc làm ruộng. Đó là có ý muốn lấy lời Mạnh Kha thưa với Tề Tuyên Vương để ngầm chê ta. Này, Thanh Giản nếu thấy việc không tốt thì nói thẳng để can ngăn, sao lại được đặt lời gian xảo, bề ngoài cho là phải, bề trong chê là trái, người làm bề tôi có nên như thế không ? Vả lại, việc đi tuần du nguyên có hai ý nghĩa : nếu chỉ lấy việc đi chơi làm vui, mà chẳng quan tâm đến việc dân, thì thực không nên ; nếu thời thường tuần du các nơi, nhân đó để xét địa phương, xem phong tục, thực là phép hay của đế vương xưa. Đời Nghiêu Thuấn 5 năm đi tuần 1 lần, 1 năm đi khắp núi lớn ở 4 phương ((1) Núi Thái Sơn ở phương Đông, núi Hoa Sơn ở phương Tây, núi Hành Sơn ở phương Nam, núi Hằng Sơn ở phương Bắc.), mà dân không kêu vất vả. Người làm vua mỗi lần đi tuần du là một lần kẻ hạ dân được giúp đỡ, được nghỉ ngơi. Xét những điều đã chép trong các sử sách đều đáng soi gương. Từ trước đến nay, trẫm cũng bắt chước phép xưa mà làm. Huống chi Quảng Nam ở gần Kinh kỳ trong vòng vài trăm dặm, [Minh Mệnh] năm thứ 6 và năm thứ 8, hai lần đi tuần, đến đâu cũng làm ơn, ban Phước, tha miễn thuế thân, kể có hàng vạn ; dân đen ai không thấm nhuần ơn rộng ? Những đồ vật cung ứng ở hành cung cả đến cỏ lá cho voi ngựa, cũng thuê, hoặc mua bằng giá hậu. Kẻ nghèo túng, cũng đều được nhờ. Đến như việc hầu hạ nơi cung quán, đồ đạc bày biện, mọi việc đều cần tỉnh giảm, sơ sài. Lại nghiêm sức cho những nhân viên quyền quý ở Kinh theo hầu giá, không được đòi hỏi yêu sách tí gì. Nhà trạm và đường trạm nhất nhất nghiêm túc. Các điều ấy, ai có tai mắt cũng đều nghe thấy cả. Từ Minh Mệnh năm thứ 8 đến nay, tính đốt đã 10 năm rồi. Nay nhân nhàn rỗi, lại định đi tuần. Mọi việc cũng theo lệ thường mà làm. Những nơi ngự giá đi qua, không bày đặt xa xỉ hoa lệ ; xe loan đến đâu không đòi hỏi gì. Như vậy có làm hại dân chút nào mà người ta không vui ? Cứ như Thanh Giản nói như thế, thì ra trong đó còn có ẩn tình chưa lộ rõ được. Nay nếu vội trị tội ngay thì kẻ không biết sẽ nói là trẫm không dung lời can ngăn, lại bắt trị tội người. Duy đối với lý phải hay trái cũng nên xét kỹ. Nếu Thanh Giản đi sát dân đen, thấu suốt ẩn tình của dân, nên vì dân mà tâu trình, thì trẫm sao nỡ bắt tội ! Nếu do lòng riêng nói ra rồi mượn lời để ngăn trở, thì không nên nhù nhờ dung tha được. Vả lại, Thanh Giản trước kia ở Kinh, cũng biết hăng hái cố gắng. Từ khi bổ chức làm ở ngoài, thì sinh lười nhác. Thí dụ như : năm ngoái, sửa chữa thuyền Thanh Loan ở địa phận hạt ấy, trải hơn 1 tháng, vẫn không từng đoái đến ! Suy đó đủ biết đại khái được các việc khác. Nay có lẽ vì kho tàng, thành trì nhiều nơi chưa sửa sang, chỉnh đốn, không khỏi sợ việc, ngại khó, nên mới mượn thể để nói, mong được yên rỗi, thì tội không còn chối được, nhưng tội này hãy còn nhỏ. Nếu có lẽ vì quan lại lớn nhỏ ở tỉnh phần nhiều tham ô, thường dân ở làng xóm nhiều người oan khuất, sợ trẫm đi tuần, phát giác tội lỗi, nên mượn cớ can ngăn, để toan che đậy bưng bịt, thì tội ấy không gì to bằng !”

Liền sai Ngự sử Vũ Duy Tân, Nguyễn Bá Nghi đi dò xét. Còn việc đi tuần du hãy đình lại. Bọn Tân khi đến dò hỏi dân trong hạt, mọi người đều mong vua đến. Lại xét được những sự như công việc trong tỉnh bỏ bê trễ, quan lại tham nhũng tồi tệ, liền đem tâu lên. Vua sai đình thần duyệt kỹ lại, ai nấy đều nói là Thanh Giản lừa dối bưng bịt và xin trị tội. Rồi xin cứ theo dụ trước, cử hành điển lễ long trọng để thoả nguyện vọng dân chúng. Vua nói : “Thế đủ biết : đã là quốc thị thì ai cũng lấy làm phải, đã là công luận thì không sao che giấu được. Phan Thanh Giản mượn lời để che đậy, đáng phải sai bắt trói đem về Kinh để trị tội, nhưng nghĩ : nay tuy xét thấy thành trì kho tàng phần nhiều chưa sửa chữa, cũng là tội về việc công và những quan lại thuộc hạ tham ô kém cỏi, không xứng với chức phận mà thôi, chứ bản thân không có tình tệ tham tang nhũng loạn. Nếu vội trị tội nặng ngay thì lòng trẫm hãy còn không nỡ. Chuẩn cho cách chức hàm Bố chính, giáng xuống làm thuộc viên lục phẩm Quảng Nam khổ sai, hiệu lực chuộc tội dưới quyền viên hộ lý Tuần phủ mới.

“Lại, trước kia chưa có phái viên đi dò xét thì việc đi tuần du còn là chuyện nên hay không cũng được, nhưng nay đã dò xét tình hình nhân dân và tệ hại quan lại rồi, thì tất phải một phen đi tuần để nhân đó gia ơn cho làng mạc, xem xét các quan lại, khiến sự tình kẻ dưới có gì bị che lấp oan uổng, đều được thông đạt lên trên. Trẫm quyết không ngại khó nhọc một mình mà không đoái đến ẩn tình của muôn dân. Vả lại, không những thế thôi, hạt [Quảng Nam] ấy có cửa biển Đà Nẵng là một hải cương quan trọng. Từ sau khi thiết lập Điện Hải thành, đặt thêm An Hải thành, tỉnh thành lại mới sửa đổi xếp đặt lại, bấy nay trẫm chưa từng thân đi xem xét, trong lòng vẫn thấy băn khoăn. Đường sông Vĩnh Điện thông với Đà Nẵng, cũng là đường trọng yếu cho thuyền đi ; khai đào đã lâu ngày, chưa biết hiện tại hình thế ra sao. Có những việc như thế, không lý nào lại không đi được. Chuyến đi này chỉ chuyên vì việc dân và chỉnh đốn địa phương, không ví như lần trước theo lệ thường đi tuần du được. Các hành cung đều lợp cỏ tranh, đắp thềm đất. Mọi thứ cung ứng đều tiết kiệm. Chuẩn cho hai bộ Binh, Công hội đồng xét tâu. Rồi nhằm giờ lành trung tuần tháng 5 khởi hành, trong 1 tuần thì về cung. Phái viên là Vũ Duy Tân và Nguyễn Bá Nghi dò xét được sự thực, đều thưởng mỗi người một cuốn lụa màu”.

Sau đó vì các hành cung sở tại phải sửa sang trước mà lính ở tỉnh thì ít, không khỏi động phiền đến sức dân, nên sai quyền lĩnh Thống chế dinh Hùng nhuệ là Mai Công Ngôn đem biền binh các vệ thuộc quyền đi hội với Hộ phủ mới là Hồ Hựu để khởi công làm. Hai bộ Binh, Công nghĩ xin tạm đặt một nhà trạm ở chợ xã Trừng Hà, vát người và ngựa ở trạm Thừa Nông ứng trực để tiếp đệ chương sớ từ Quảng Trị trở ra Bắc ; bến đò Phước Tượng thì vát lính trạm Thừa Hóa ứng trực để tiếp đệ chương sớ từ Quảng Nam trở vào Nam. Các bến đò ngang đều vát thuyền bến đợi sẵn để hộ tống. Vua y cho. Chuẩn định : từ sau, hễ có cuộc tuần du bất thường đều cứ theo lệ ấy mà làm. Khi vua về rồi thì thôi ngay. Cho đổi tên hành cung Thừa Phước là hành cung Hải Vân sơn, đổi dựng hành cung Bồng Trì (thuộc Quảng Nam) ở phía nam Thạch Lĩnh, gọi tên là hành cung Cam Tuyền (chốn này có suối nước ngọt, nên gọi thế). Lại sai thuỷ quân đóng thêm 6 chiếc thuyền nhanh nhẹ, để dùng đi hộ giá.

****

Như vây bạn thấy đó, sử kiện cho ta biết rất rõ, là quan Phan Thanh Giản thời bấy giờ là Bố Chính Quảng Nam chứ không là Tổng đốc Quảng Nam nên chắc không có việc bộ Đại Nam Liệt Truyện lại viết ngài Phan Thanh Giản là Tổng đốc Quảng Nam như thầy Tsuboi trích đoạn đâu.

Và bạn thấy đó, khi ngài Phan Thanh Giản tâu lên, vua Minh Mạng TẠM THỜI cho ngưng việc tuần du, cho quan đi hỏi, và theo lời tấu của các quan, đó là quan Phan Thanh Giản tâu bậy và vua dụ rằng "Phan Thanh Giản mượn lời để che đậy, đáng phải sai bắt trói đem về Kinh để trị tội, nhưng nghĩ : nay tuy xét thấy thành trì kho tàng phần nhiều chưa sửa chữa, cũng là tội về việc công và những quan lại thuộc hạ tham ô kém cỏi, không xứng với chức phận mà thôi, chứ bản thân không có tình tệ tham tang nhũng loạn. Nếu vội trị tội nặng ngay thì lòng trẫm hãy còn không nỡ. Chuẩn cho cách chức hàm Bố chính, giáng xuống làm thuộc viên lục phẩm Quảng Nam khổ sai, hiệu lực chuộc tội dưới quyền viên hộ lý Tuần phủ mới.".  Và đáng nói hơn, là sau đó vua Minh Mạng vì việc tâu bậy này của ngài Phan Thanh Giản, mà càng quyết định đi tuần du với lời dụ "trước kia chưa có phái viên đi dò xét thì việc đi tuần du còn là chuyện nên hay không cũng được, nhưng nay đã dò xét tình hình nhân dân và tệ hại quan lại rồi, thì tất phải một phen đi tuần để nhân đó gia ơn cho làng mạc, xem xét các quan lại, khiến sự tình kẻ dưới có gì bị che lấp oan uổng, đều được thông đạt lên trên. Trẫm quyết không ngại khó nhọc một mình mà không đoái đến ẩn tình của muôn dân.".

Nên ở đây, chúng ta hoàn toàn không hiểu thầy Tsuboi đã đọc đoạn sử kiện này từ sách vở nào để mà trích đoạn lệch lạc đến thế.  Không biết thầy Tsuboi đọc bộ Đại Nam Liệt Truyện rồi có đọc lại bộ Đại Nam Thực Lục để tỏ tường sử kiện mà thầy nghiên cứu không nhỉ ?

Và thầy Tsuboi đã cắt xén sử kiện này (tức là ngừng ở đoạn Phan Thanh Giản tâu mà không cho độc giả biết thêm nữa về những gì sau đó, rồi thầy tự đưa ra kết luận là vua Minh Mạng rốt cuộc cũng từ bỏ ý định đi Quảng Nam) là một việc làm phản khoa học và "bẻ cong lịch sử" đấy chứ.

Bạn có thấy rõ ràng là thầy Tsuboi chỉ trích phần tiểu tiết trong sử kiện ủng hộ thuyết của thầy rồi cắt xén cả đoạn sử rất quan trọng ngược lại với kết luận của thầy không ? 

Mà phân tích sử kiện nhưng lại cắt xén sử kiện như vậy là điều CHƯA BAO GIỜ được chấp thuận trong môi trường học thuật đúng không bạn ? Tại sao nhiều phần sử Việt quan trọng mà khi thầy Tsuboi trích dịch, thầy Tsuboi lại cắt xén / chỉnh sửa như vậy (và những sự cắt xén / chỉnh sửa sử kiện tùy tiện này của thầy Tsuboi đều ủng hộ thuyết của thầy viết trong sách cả), thì chúng ta thật sự cần đặt câu hỏi. Đó là có phải do thầy đọc sử kiện sai (do kiến thức Hán ngữ của thầy Tsuboi còn đầy hạn chế hay thầy Tsuboi không tra kỹ sử), hay là do thầy đã cố tình cắt xén / chỉnh sửa sử kiện để độc giả chấp nhận các thuyết của thầy trong sách ? Nếu thầy Tsuboi có giới hạn về kiến thức Hán ngữ hay không đọc kỹ sử, nhưng thầy lại phân tích đủ thứ trong đó thì mình thật sự không biết nói gì.  Nhưng nếu thầy Tsuboi đã cố tình cắt xén / chỉnh sửa sử kiện, thì chắc là thầy và trường đại học Paris nào đó đã chấp đậu bài luận án tiến sĩ này của thầy, và trường đại học danh tiếng Wasada, cũng cần phải xin lỗi độc giả người Việt vì sự đầu độc kiến thức sử học rất đáng chê trách này chứ, đúng không bạn ? 

Mời bạn tham khảo.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian





Không có nhận xét nào