Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa #thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trun...
Về thầy Yoshiharu Tsuboi và quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa
#thay_yoshiharu_tsuboi #nuoc_dai_nam_doi_dien_voi_phap_va_trung_hoa
Bài 3 - Sự cắt xén hoặc dịch thoát khó hiểu của thầy Tsuboi trong việc trích dịch từ Đại Nam Thực Lục
Nếu chúng ta đồng ý rằng trích dịch sai (hoặc lệch đi), thì kết luận không thể nào đúng, thì những trường hợp ở Chương 3 dưới đây là dạng như vậy.
Mình đọc và vẫn chưa hiểu là những sự dịch thuật khó hiểu này là do thầy Tsuboi đọc bản Hán ngữ Đại Nam Thực Lục khác (mà chúng ta đều không có), hay do thầy Tsuboi đọc sai bản Hán ngữ, hoặc đáng ngờ hơn, là thầy đã tự ý chỉnh sửa sử kiện theo ý của thầy (là một điều rất đáng sợ cho một luận án tiến sĩ chuyên về một vấn đề nhạy cảm - nước Đại Nam thời Tự Đức).
Vậy mời bạn cùng mình đọc và mời bạn cũng tự tra luôn với bản Hán ngữ Đại Nam Thực Lục mà mình đã share.
Và chắc chắn thầy Tsuboi nợ chúng ta một câu trả lời cho những sự dịch thuật này - đó là làm sao thầy lại có thể trích dịch các đoạn văn Hán ngữ cắt xén / dịch thoát và dịch lệch đi ý câu văn Hán ngữ trong Đại Nam Thực Lục đến vậy ?
****
1. Chương 3 trang 163, "Sự kém hiệu quả của quân đội Trung Hoa, vì trước mặt họ, bọn phỉ chỉ tỏ ra phục tùng ở bề ngoài để tránh đụng độ".
Theo lời chú thích, thì thầy Tsuboi đã trích đoạn từ Đại Nam Thực Lục, tập IV, quyển 41 tờ 22a, quyển 40 tờ 13a.
Vậy bản Đại Nam Thực Lục, "tập IV, quyển 40 tờ 13a" đã viết như thế nào, thì đây
"Dụ rằng : "Quan quân thứ thường thường lấy đánh dẹp là khó, chiêu dụ là tiện, triều đình cho là việc binh không thể ở xa mà tính được, cũng theo lời xin cho làm trọn việc tính toán, thế mà chỉ quen thói nhu nhược để hỏng việc, nhọc quân, tốn của, rút cục không được việc gì, đến nay giặc ấy tráo trở, lừa dối ngang ngược đã lộ ra, quân nhà Thanh vượt biên giới, tình thế sự việc khác trước, lại không biết cùng lòng cùng giúp nhau, trút trách nhiệm, giữ thân mình, đạo làm tôi lại như thế được ư ! Nay 3 đạo chỉ có quyết đánh mà thôi, đều nên hăng hái, cố gắng đem hết lòng sức mưu mô, cốt được chóng xong không phải tính đến phí tổn. Các tỉnh dự phải bắt lính điều lương, cũng đều cùng lòng hết sức tìm mọi cách cổ động khuyến khích binh lính để phòng cung ứng ?”. Thế rồi, bọn Khoa đạo Nguyễn Mậu Đạo xin đem bọn Thọ, Trọng Bình giao đình thần nghị xử và gông xích Phạm Chi Hương giải về Kinh để trị tội. Đình thần xin cho bắt làm việc chuộc tội. Vua bảo rằng : Trẫm đã biết bọn ấy nói cho tắc trách và là thừa, nhưng cũng lục sức cho các quan quân thứ, cho biết công luận nghiêm như thế".
Như vậy bạn thấy đó, ở phần "tập IV, quyển 40 tờ 13a", lời dụ của vua Tự Đức là dành cho các vị quan Việt tranh cãi nhau và triều đình Huế còn muốn gông xích và bắt tội các quan Việt về triều chứ làm gì có gì về "Sự kém hiệu quả của quân đội Trung Hoa, vì trước mặt họ, bọn phỉ chỉ tỏ ra phục tùng ở bề ngoài để tránh đụng độ" để mà thầy Tsuboi nêu ra nhỉ ?
Còn bản Đại Nam Thực Lục, "tập IV, quyển 41 tờ 22a" đã viết như thế nào, thì đây
"Các bọn giặc ở Sơn Tây, Thái Nguyên đem nhau đến cửa quân quan doanh nước Thanh xin đầu hàng tất cả hơn 10.000 người. Vua sai quan 3 quân thứ chiểu theo tình hình hiện tại, hội bàn làm gấp cho kịp cơ hội. Lại sai Vũ Trọng Bình bàn với Đề đốc Phùng Tử Tài sức khắp các giặc hàng trả lại hết thảy người và của chúng cướp của dân ta khi trước. Lại sai bộ Hộ dự biên các thứ kim tiền, ngân tiền, đai vàng, quạt lông để đưa tặng."
Như vậy bạn thấy đó, ở phần "tập IV, quyển 41 tờ 22a", vua Tự Đức đã lệnh cho các quan Việt bàn với các quan Tàu về việc kêu gọi bọn giặc phỉ Tàu đem trả lại người và của đã bị chúng cướp, thế mà làm thế nào mà vô tay thầy Tsuboi, đoạn này lại trở thành "Sự kém hiệu quả của quân đội Trung Hoa, vì trước mặt họ, bọn phỉ chỉ tỏ ra phục tùng ở bề ngoài để tránh đụng độ" nhỉ ?
****
2. Chương 3 trang 163, "Về phần mình vua Tự Đức lập luận như sau: Trong quân đội nhà Thanh, đến từ xa, nếu nhiều người ngã bệnh (sốt rét) cũng là chuyện bình thường. Nhưng thực tế họ hoạt động rất tích cực. Bọn thổ phỉ người Tàu cũng không có khó khăn gì khi định cư từ lâu trong vùng đất nổi tiếng là dễ mắc bệnh sốt rét. Thế mà người ta bảo rằng binh sĩ của ta mắc bệnh nhiều đến nỗi không thể hăng hái chiến đấu chống bọn phỉ Tàu. Ai mới là người dân bản địa ở xứ sở này ? Như vậy liệu có hợp lý không ? Tại sao binh lính của ta không biết xấu hổ mà lên tinh thần khi thấy binh sĩ nhà Thanh chiến đấu hăng hái, dũng cảm".
Theo lời chú thích, thì thầy Tsuboi đã trích đoạn từ "Đại Nam Thực Lục, tập IV, quyển 41 tờ 26a. Cũng theo Vb 7706, 1940, tr 329 - ND" (Brian chú - ND tức Người Dịch tức cô Bùi Trân Phượng).
Mình không biết "Vb 7706, 1940, tr 329" là quyển sách gì, chứ còn bản Hán ngữ "Đại Nam Thực Lục, tập IV, quyển 41 tờ 26a" thì hoàn toàn không liên quan gì đến đoạn văn trên cả. Ngược lại, đây là đoạn theo bản dịch Đại Nam Thực Lục là "Viên thủ bị((1) Thủ bị : chức quan võ ở triều nhà Thanh.1) nước Thanh Đường Liên Thắng tiến đánh bọn giặc ở Đắc Hiền (tên xã thuộc Thái Nguyên) bị chết trận. Vua cho tế 1 tuần và cấp cho 100 lạng bạc.".
Thế còn đoạn văn trên nằm ở đâu trong bộ Hán ngữ Đại Nam Thực Lục ? Thì đây, nó nằm ở Đại Nam Thực Lục, tập IV, quyển 40 tờ 26 (chứ không là quyển 41 như thầy Tsuboi đưa ra), và đoạn này đã được dịch bởi Viện Sử Học như sau
"Quan quân nước Thanh đánh phá đồn giặc ở Kỳ Lừa, Chu Quyển, Đồng Đăng. Vua sai Hiệp thống Nguyễn Hiên đem quân đến Lạng Sơn cùng đánh. Nhân bảo quan bộ Binh rằng : "Quân nước Thanh ở xa đến, sao không nhiều người ốm ? Ngay khi bọn giặc cũng ở lâu được, quân ta là người quen phong thổ, lại bảo rằng nhiều người ốm không làm việc được, thì sao có lý ? Quân họ mạnh giỏi như thế, quân ta sao không biết hổ mà hăng hái lên. Họ vì mình mà đánh giặc, vất vả phí tổn biết chừng nào, về phần ta phải gấp trăm lần để giữ quốc thể, mới là có bề tôi giỏi. Vũ Trọng Bình ở quân thứ Lạng Sơn thì lưu lại nhiều quân để tự vệ, sai phái không có quan to ; bọn Đoàn Thọ đến thay ở quân thứ Thái Nguyên trong lòng chỉ những khiếp sợ, đi đường chậm trễ, để Nguyễn Hiên cũng chưa đến được Lạng Sơn, không ngờ Đoàn Thọ, Lê Bá Thận, ngày thường lời nói, việc làm trái ngược nhau đến thế, rất đáng giận lạ thường, đều truyền Chỉ nghiêm quở".".
Nên bạn thấy đấy, trong bản dịch Viện Sử Học lẫn bản gốc Hán ngữ, làm gì có sự "Trong quân đội nhà Thanh, đến từ xa, nếu nhiều người ngã bệnh (sốt rét) cũng là chuyện bình thường. Nhưng thực tế họ hoạt động rất tích cực. Bọn thổ phỉ người Tàu cũng không có khó khăn gì khi định cư từ lâu trong vùng đất nổi tiếng là dễ mắc bệnh sốt rét." ? Làm gì có sự "Thế mà người ta bảo rằng binh sĩ của ta mắc bệnh nhiều đến nỗi không thể hăng hái chiến đấu chống bọn phỉ Tàu. Ai mới là người dân bản địa ở xứ sở này ? Như vậy liệu có hợp lý không ?" ?
Và đáng ngờ hơn, câu trích đoạn của thầy Tsuboi "Tại sao binh lính của ta không biết xấu hổ mà lên tinh thần khi thấy binh sĩ nhà Thanh chiến đấu hăng hái, dũng cảm" lại là câu trích đoạn half truth (tức một nửa sự thật), bởi vì toàn câu dụ của vua Tự Đức là như thế này "Quân họ mạnh giỏi như thế, quân ta sao không biết hổ mà hăng hái lên. Họ vì mình mà đánh giặc, vất vả phí tổn biết chừng nào, về phần ta phải gấp trăm lần để giữ quốc thể, mới là có bề tôi giỏi.". Như vậy vua Tự Đức không chỉ muốn quân Việt hăng hái, mà ngài còn cho ta biết là ngài nhận thấy quân Tàu đã vì Việt Nam mà đánh giặc, vất vả phí tổn nên quân Việt còn cần vì quốc thể Việt Nam mà đi đánh giặc phỉ đó chứ.
Nên không hiểu thầy Tsuboi đã đọc bản Hán ngữ Đại Nam Thực Lục nào mà thành ra lại dịch thoát đến vậy ?
****
3. Chương 3 trang 163, "Không có quân mạnh hay quân yếu, mà chỉ có tướng tài hay tướng vụng. Cho nên người xưa nói "Chiến thắng luôn tùy thuộc tướng, chứ không bao giờ phụ thuộc vào quân". Nhà Trần (1225-1413) và nhà Lê (1428-1789) đã lần lượt đẩy lui quân Nguyên và quân Minh. Quân đội ấy thuộc chủng tộc nào ? Dưới triều Minh Mạng (1820-1841), quân đội triều đình đã quét sạch bọn phỉ khỏi các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Tại sao binh sĩ Việt Nam bây giờ không đủ sức chống bọn phỉ Tàu ? Nếu bây giờ các khanh cho rằng quân đội nhà Thanh sợ hãi, do dự trước bọn phỉ, thì phải cứ toàn là binh sĩ của ta, không hy vọng sự giúp đỡ nào của nhà Thanh sao ?".
Theo lời chú thích, thì thầy Tsuboi đã trích đoạn từ "Đại Nam Thực Lục, tập IV, quyển 43 tờ 6b".
Vậy bản Đại Nam Thực Lục, "tập IV, quyển 43 tờ 6b" đã viết như thế nào, thì đây
"Quan quân thứ bọn Đoàn Thọ tâu nói quân ở Bắc Kỳ không dùng được, xin phái thêm quân ở Nam Kỳ. Vua bảo rằng : quân không có quân mạnh quân yếu, chỉ lính hèn, tướng thì có tướng khéo tướng vụng. Cho nên người xưa nói : Chỉ có tướng tốt thắng, chứ không có quân tốt thắng, đời Trần, Lê trở về trước chống cự nhà Nguyên, nhà Minh thì quân nào ? Khoảng năm Minh Mệnh, 3 đạo Cao, Tuyên, Thái Lạng dẹp yên được giặc, đâu phải hết thảy là quân Nam Kỳ. Nay nhất khái cho quân ở Bắc Kỳ là nhát sợ thì quân Bắc có thể bỏ hết mà quân Nam có thể phái hết được không ? Làm tướng há nên như thế. Bèn chuẩn cho từ Hà Tĩnh trở ra Bắc đều lập thêm quân “chiến tâm”((1) Cũng như lính quyết tâm, quyết chiến.1), phái đến các quân thứ để phòng điều khiển".
Nên bạn thấy đó, vị quan Việt Nam tên Đoàn Thọ KHÔNG THỂ NÀO nói quân nhà Thanh không dùng được và xin thêm quân binh Việt Nam vì ngài Đoàn Thọ này có điều khiển quân nhà Thanh đâu mà phàn nàn ? Không hiểu tại sao thầy Tsuboi khi trích đoạn lại bỏ đoạn "Quan quân thứ bọn Đoàn Thọ tâu nói quân ở Bắc Kỳ không dùng được, xin phái thêm quân ở Nam Kỳ" đi.
Thứ hai, sử kiện quân thời Trần thời Lê đánh thắng quân Nguyên quân Minh mà vua Tự Đức nhắc tới, chắc là vua Tự Đức ý muốn nêu lên là quân Việt ngoài Bắc trước đây (tức là thời Trần thời Lê, nước Việt Nam phần lớn chỉ có miền Bắc) đánh dẹp quân Nguyên quân Minh mà đâu có quân Nam Kỳ gì thời bấy giờ, chỉ vậy, chứ làm gì lại có câu hỏi chủng tộc nào như thầy Tsuboi dịch ra nhỉ ?
Thứ ba, sử kiện thời vua Minh Mạng có 3 đạo quân Cao Tuyên Thái Lạng dẹp yên được giặc được vua Tự Đức nhắc đến, chắc đây là sử kiện loạn Nông Văn Vân năm 1833, loạn quân này đánh phá dữ dội các tỉnh vùng biên ngoài Bắc Việt Nam. Đây là loạn người Việt (người miền núi), chứ có liên quan gì đến "bọn phỉ Tàu" đâu nhỉ ? Và nếu ta để ý, thời vua Minh Mạng làm gì có "bọn phỉ Tàu" nào để mà triều đình vua Minh Mạng cần điều cả 3 đạo quân Cao Tuyên Thái Lạng để đi đánh dẹp nhỉ ? Hình như loạn phỉ Tàu chỉ có sau thời loạn Thái Bình Thiên Quốc bên Tàu mà đúng không ?
Nên không hiểu thầy Tsuboi đã đọc bản Hán ngữ Đại Nam Thực Lục và nghiên cứu sử liệu Việt Nam ra sao mà thành ra lại dịch cả câu văn rất quan trọng trên thành ra tùm lum đến vậy ?
****
4. Chương 3 trang 187, "Chẳng hạn, tháng 5-1851, 7.000 tên do Hoàng Nhị Văn cầm đầu vượt biên giới tiến vào Lạng Sơn, đánh bại cơ binh của tỉnh Lạng Sơn, gây tổn thất khoảng một nghìn người, triều đình Huế lập tức gởi đến 4.000 quân từ Hà Nội, nhưng bọn phi tránh giao chiến và tản ra vùng rừng núi.".
Theo lời chú thích, thì thầy Tsuboi đã trích đoạn từ "Đại Nam Thực Lục, tập IV, quyển 6 tờ 19a-20a".
Vậy bản Đại Nam Thực Lục, "tập IV, quyển 6 tờ 19a-20a" đã viết như thế nào, thì đây
"Cổ phỉ đất nước Thanh là Hoàng Vãn, bọn lũ vài nghìn người tràn vào xã Hoàng Đồng, châu Thoát Lãng (thuộc tỉnh Lạng Sơn). Bọn Lãnh binh là Hoàng Chiến và Nguyễn Tiến Quyền đánh giết phải rút lui, bọn giặc tan vỡ chạy trốn ra ngoài cõi nước ta bắt sống và chém đầu cắt lấy tai, thu được ấn cờ, khí giới."
"Bọn giặc Hoàng Văn Vãn ước 7.000 người lại từ Liêm Châu đến lấy cướp ở Tư Minh, Ninh Minh (châu ở biên giới nước Thanh). Tuần phủ Lạng - Bình là Trương Hảo Hợp khẩn tư điều động biền binh ở Hà Nội, Bắc Ninh 4.000 tên, voi chiến 4 thớt, uỷ cho Lãnh binh là Hoàng Chiến đốc đi canh phòng ngăn chặn, rồi đem việc ấy tâu lên."
Như vậy ở đây có 2 sự kiện: Sự kiện 1 là bọn phỉ nước Thanh là Hoàng Vãn 黄晚 KHOẢNG VÀI NGHÌN NGƯỜI tràn vào tỉnh Lạng Sơn, nhưng bị quân Việt đánh tan vỡ. Sự kiện 2 là cũng bọn phỉ nước Thanh là Hoàng Vãn 黄晚 này (chứ không phải là Hoàng Văn Vãn như Viện Sử Học đã dịch) tụ họp 7.000 người đến cướp Tư Minh bên đất Trung Quốc nhà Thanh, và quân Việt đem 4.000 binh từ Hà Nội và Bắc Ninh lên để ngăn chặn.
Nên không hiểu thầy Tsuboi đã đọc bản Hán ngữ Đại Nam Thực Lục ra sao mà thành lại gop cả 2 sự kiện không liên quan tới nhau thành ra một sự kiện với việc bọn phỉ nhà Thanh giết một nghìn người Việt không hề có trong lịch sử ?
Còn sử kiện mà liên quan tới việc bọn phỉ nhà Thanh Hoàng Vãn đánh tỉnh Lạng Sơn gây tổn thất khoảng một nghìn người, thì CÓ trong bộ Đại Nam Thực Lục, nhưng nó lại không nằm ở "tập IV, quyển 6 tờ 19a-20a" mà lại nằm ở ""tập IV, quyển 6 tờ 17" đoạn
"Cổ phỉ hạt nước Thanh là Hoàng Vãn kéo đến quấy nhiễu tỉnh Lạng Sơn. Lãnh binh là Nguyễn Xuân Thường cùng giặc đánh nhau ở xã Bảo Lâm bị thua. (Biền binh tan vỡ ước hơn 1.000 người, Thường bị lạc rồi chết). Quan tỉnh là Trương Hảo Hợp cùng Nguyễn Đạc (nguyên thự Chưởng vệ bổ làm Lãnh binh) vì điều khiển không phải lẽ đều bị giáng chức lưu nhiệm.".
Như vậy theo sử kiện Đại Nam Thực Lục, trước là bọn phỉ Hoàng Vãn đánh Lạng Sơn xã Bảo Lâm và quân Việt bị tan vỡ ước hơn 1 ngàn người, rồi bọn phỉ này lại đánh Lạng Sơn xã Hoàng Đồng nhưng bị quân Việt đánh tan lẫn trốn. Rồi lần thứ 3, bọn phỉ Hoàng Vãn này kéo 7 ngàn quân đánh khu Tư Minh bên Trung Quốc, và triều đình Việt Nam bèn lệnh đem 4 ngàn quân từ Hà Nội và Bắc Ninh lên để đề phòng bọn phỉ này đánh tràn sang đất Việt ?
Nên chắc là sự kiện mà thầy Tsuboi trích dịch rằng là quân Hoàng Nhị Văn gồm 7 ngàn người đánh Lạng Sơn giết một ngàn quân Việt rồi quân Việt kéo 4 ngàn quân lên, rồi bọn phỉ lẫn trốn chưa bao giờ là đúng cả. Không hiểu thầy Tsuboi đã đọc bộ Đại Nam Thực Lục nào để mà thầy gom cả 3 sự kiện khác nhau này thành ra một sự kiện chưa bao giờ có trong lịch sử Việt Nam cả (ít nhất là chưa hề có một sự kiện như vậy trong bản Hán ngữ Đại Nam Thực Lục mà chúng ta hiện có).
****
Như vậy với 3 sự trích dịch kỳ lạ trên, không hiểu ý của thầy Tsuboi là gì ? Vì theo phương pháp trích dịch mà mình được biết, các học giả (trong đó có cả sinh viên đại học) cần trích dịch đúng và đủ 100% chứ chưa bao giờ là trích dịch mà lại tự ý thêm ý của mình vào, hoặc cắt xén, hoặc tệ hơn, tự suy tự diễn ? Bởi vì trích dịch cần chính xác 100% nên nếu thầy Tsuboi trích dịch mà cắt xén / tự ý để ý thầy vào, thì xem ra các đoạn trích dịch này chưa bao giờ có thể là các sử liệu / dữ liệu mà chúng ta có thể tin rằng là bằng chứng trong Đại Nam Thực Lục có thể dùng để backup cho những gì thầy Tsuboi nêu ra trong Chương 3 đâu đúng không bạn ?
Vì như mình nói, trích dẫn sai thì có bao giờ đưa đến kết luận đúng đâu ?
Hay bạn vẫn nghĩ là trích dẫn ra sao cũng được ? Miễn độc giả hiểu đại khái là được ?
Mà có phải chính vì sự "hiểu đại khái là được", mà ngày nay các sử gia Việt Nam nhiều vị có kiến thức sử học dạng chung chung, dạng "thành Điện Hải là biểu tượng yêu nước của nhân dân Việt Nam" không ?
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào