VÔ NHÂN BẤT TRÍ DỤC Những giáo viên này cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự để bỏ tù vì đã lợi dụng nghề nghiệp để tấn công và xâm hại ...
VÔ NHÂN BẤT TRÍ DỤC
Những giáo viên này cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự để bỏ tù vì đã lợi dụng nghề nghiệp để tấn công và xâm hại thân thể, sức khoẻ của học sinh và cũng là trẻ em. Với tình tiết tăng nặng là đã được đào tạo về sư phạm và luật pháp cơ bản về giáo dục.
Nếu còn tiếp tục ủng hộ lối giáo dục theo kiểu “yêu cho roi cho vọt” thì sẽ còn tình trạng bạo hành trong những ngôi trường và trong toàn bộ môi trường giáo dục. Đứa trẻ lớn lên chưa được thụ hưởng những thành quả giáo dục để thành người thì đã hứng chịu những sự trừng phạt hà khắc, tàn ác, những sự đối xử vô giáo dục và vô pháp của chính những người nhân danh giáo dục để rèn giũa người học.
Người đi học chỉ đơn giản là để tiếp thụ kiến thức và để hoà hợp với môi trường sống xung quanh, và do đó không thể có bất cứ lý do nào để dùng những hành xử bạo lực từ ngôn từ cho tới hành động để uốn nắn, chỉnh sửa hay trừng trị người học cả.
Không có tư duy giáo dục nào sử dụng sự trừng phạt, nhất là xúc phạm vào nhân phẩm và thân thể của người học để mong mọi thứ có thể tốt đẹp hơn lên hay người học có thể từ đó rút ra được bài học có ích gì đó cho mình, mà chúng sẽ làm cho mọi thứ ngày càng trở nên tệ hại và rối loạn hơn mà thối.
Chúng ta cần phải từ bỏ ngay lập tức lối giáo dục cưỡng bách (để làm đẹp cho thành tích của giáo viên, nhà trường và hệ thống chứ không phải cho chính người học) và kiểu trừng phạt như xưa nay ta vẫn làm.
Làm gì có chuyện giáo viên bắt học sinh quỳ, uống nước giặt giẻ lau bảng, tự tát vào mặt mình theo cấp số cộng, bắt học sinh tát vào mặt học sinh phạm lôi, và nay là tát rụng răng cả một học trò còn non nớt và ở vào cái tuổi cần được bảo vệ nhất.
Chính chúng ta đang tàn ác với những thế hệ trẻ, nhất là trẻ em, và chúng ta đã biến chúng không còn nhận ra áp lực do việc học nữa vì chúng được đào luyện để làm quen với những lối giáo dục ấy, trong khi người lớn và giáo viên chỉ quen miệng kêu giáo viên chịu quá nhiều áp lực.
Nhưng những cái áp lực đó thì chính các thầy, cô có khả năng cảm nhận, có cơ hội lựa chọn để phản kháng hay từ khước, có thể thay đổi nó, còn những đứa trẻ thì tuyệt nhiên không thể có những điều đó mà phải gánh chịu tất thảy những hậu quả của mọi hành vi giáo dục và từ mọi tầng lớp người đè nén lên chúng.
Nếu đúng theo luật pháp xưa kia, mái trả máu, mắt trả mắt và răng trả răng, theo nguyên tắc trả thù ngang bằng của thời cổ đại như Bộ luật Hamurabi, thì giáo viên này sẽ không còn chiếc răng nào trong miệng sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội kinh khủng như vậy đối với chính học trò của mình.
Nếu theo lễ nghĩa và văn hoá, có quy định về sự bất kính đối với người dạy mình, thì ngay trong luật pháp cũng có tội về ngược đãi, hành hạ người lệ thuộc mình, trong đó học trò với giáo viên cũng là một quan hệ như vậy. Nếu trò hỗn láo với người dạy là vô đạo, thì người dạy chà đạp lên thân phận của người học gọi là vô nhân bất trí dục.
Tất cả chúng ta phải tìm lại giá trị và vị thế làm người trước quyền bính chính trị trước khi có thể nói về triết lý giáo dục cho quốc gia và cho dân tộc này có thể trở nên phát triển, văn minh và khai phóng.
Lê Luân
Không có nhận xét nào