Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

181 NĂM NGÀY SINH TRƯƠNG VĨNH KÝ (Pétrus Ký)

181 NĂM NGÀY SINH TRƯƠNG VĨNH KÝ (Pétrus Ký) Cụ Trương Vĩnh Ký (sinh ngày 6.12.1837), người lập ra tờ báo Việt ngữ đầu tiên, tờ Gia Định báo...

181 NĂM NGÀY SINH TRƯƠNG VĨNH KÝ (Pétrus Ký)

Cụ Trương Vĩnh Ký (sinh ngày 6.12.1837), người lập ra tờ báo Việt ngữ đầu tiên, tờ Gia Định báo vào năm 1865. Quê Cụ ở làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Cụ Pétrus Ký là người có kiến thức xã hội siêu phàm nổi tiếng đương thời.

Trương Vĩnh Ký cho ra 121 tác phẩm chữ Việt và chữ Pháp. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như sau:
Chuyện đời xưa; Abrégé de grammaire annamite (Tóm lược ngữ pháp An Nam); Kim Vân Kiều (bản phiên âm ra chữ quốc ngữ đầu tiên); Lục Vân Tiên (bản phiên âm ra chữ quốc ngữ đầu tiên năm 1889); Tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ; Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận; Cours de langue annamite (Bài giảng ngôn ngữ An Nam); Voyage au Tonkin en 1876; Guide de la conversation annamite (Hướng dẫn đàm thoại An Nam);Phép lịch sự An Nam (Les convenances et les civilités annamites); Lục súc tranh công; Cours de la langue mandarine ou des caractères chinois; Cours d'histoire annamite (Bài giảng lịch sử An Nam); Dư đồ thuyết lược (Précis de géographie); Đại Nam tam thập nhất tỉnh thành đồ; Cours de littérature annamite (Bài giảng văn chương An Nam); Cours de géographie générale de l'Indochine (Bài giảng địa lý tổng quát Đông Dương); Đại Nam tam thập nhứt tỉnh địa đồ; Grand Dictionnaire Annamite-Français (Đại tự điển An Nam-Pháp)…

Về mặt học thuật, ông nhận được nhiều giải thưởng và huân huy chương (Tứ đẳng Long tinh, Ngọc khánh, Long khánh của Nam triều năm 1886; Bắc Đẩu Bội Tinh đệ ngũ đẳng của Pháp năm 1886; Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của Pháp năm 1887…).

Sau đây là ý kiến nhận xét về Cụ Trương Vĩnh Ký:
Học giả người Pháp là Jean Bouchot đã gọi Trương Vĩnh Ký là "một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho đến ở nước Trung Hoa hiện đại nữa." Ngoài ra, ông này còn viết: Ta phải xem đời của cụ Trương Vĩnh Ký là một bài học và một gương tốt cho ta. Một bài học vì, vì ta thấy người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học...
Học giả Vương Hồng Sển: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham "đục nước béo cò" như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: Những biên soạn của Trương Vĩnh Ký đã có những đóng góp quan trọng cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là khoa ngôn ngữ học và khoa học lịch sử… Các sáng tác của Trương cũng nói lên ít nhiều cá tính một con người cần mẫn trong công việc, có cái nhìn tinh tế và óc tò mò trước sự vật, nhiều lúc có khả năng hài hước hóa mọi chuyện ở đời.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan: Trong số những sách dịch thuật, khảo cứu và sáng tác của ông, người ta thấy chỉ những sách khảo cứu của ông là có giá trị hơn cả...Người ta thấy ông rõ là một nhà bác học có óc tổ chức và có phương pháp...

Tuy nhiên, về gốc độ chính trị, một số “nhà văn hóa theo tư tưởng Mac Lê” và một số theo “Chủ nghĩa dân tộc” kịch liệt lên án Trương Vĩnh Ký. Điển hình có Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong cuốn "Pétrus Trương Vĩnh Ký nhìn từ những khía cạnh và nhận thức khác nhau" viết: Lịch sử Việt Nam cận đại luôn luôn phải nhắc đến Trương Vĩnh Ký như một nhân vật phản diện điển hình. Đây là trường hợp có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ để có một sự đánh giá đúng đắn về tội tiếp tay cho giặc của nhà bác học siêu hình Trương Vĩnh Ký.

Ngày nay, tại Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây Nam bộ, nhiều ngôi trường đã mang tên ông.

Hôm nay, 6.12.2018 kỷ niệm 181 năm ngày sinh ông. Chúng ta cần nhìn lại một trong các chủ trương của ông là phổ biến chữ Việt cho người Việt qua việc lập tờ báo tiếng Việt đầu tiên – tờ Gia Định Báo và hàng loạt sách biên khảo phổ biến chữ Việt.

Trần Đình Dũng





Không có nhận xét nào