Bàn xíu về 2 chữ "hên xui" Tối qua, mình đọc bài " Từ nguyên của “hênh” trong “hênh xui” (trang 113 -> 115) trong cuốn An ...
Bàn xíu về 2 chữ "hên xui"
Tối qua, mình đọc bài " Từ nguyên của “hênh” trong “hênh xui” (trang 113 -> 115) trong cuốn An Chi - Rong Chơi Miền Chữ Nghĩa tập 2 thì được bác An Chi cho biết về từ nguyên của chữ "hên" là bắt nguồn từ chữ 亨 "hanh"
--------
Trích trong sách - phần giải thích của bác An Chi:
"Còn theo chúng tôi thì hênh là một từ Việt cổ mà phương ngữ Nam Bộ còn bảo tồn được, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 亨, mà âm Hán Việt hiện đại là hanh, có nghĩa là thông suốt, thuận lợi, may mắn (Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là: “Điều may mắn trời cho. Điều phúc”). Xin nhấn mạnh rằng bộ ba -inh, -ênh, -anh vốn vẫn có duyên nợ ngữ âm lịch sử với nhau nên mối tương ứng “-anh ~ -ênh” ở đây là hoàn toàn bình thường: ảnh ương ~ ểnh ương; doành ~ duềnh; gành ~ ghềnh; buồn tanh ~ buồn tênh; v.v..
Và vì hanh viết với -nh cuối nên hênh đương nhiên cũng phải viết với -nh cuối. Chữ hênh này thực ra chỉ là một với hênh trong hớ hênh. Khác nhau chỉ là ở chỗ trong hênh xui nó diễn đạt cái nghĩa “may mắn”, “có phước” còn trong hớ hênh thì nó lại diễn đạt cái nghĩa “thông đạt”, “trống trải”, nghĩa là “chẳng được che chắn gì cả”. Cả hai nghĩa này đều có trong nguyên từ (etymon) của hênh là chữ hanh 亨 gốc trong tiếng Hán. Khi mà hai nghĩa khác nhau lại có cùng một tương quan ngữ âm lịch sử như nhau thì, về từ nguyên học, đây là một mối quan hệ chắc chắn"
Mọi người có thể đọc bài viết của bác An Chi tại đây:
https://petrotimes.vn/tu-nguyen-cua-henh-trong-henh-xui-49555.html
-----------
Theo mình được biết thì chữ hên xui là bắt nguồn từ 2 chữ “興衰” - âm Hán Việt là “Hưng Suy” - âm Triều Châu là “hêng1 suê1” (phát âm ra tựa như tiếng “hên xui” của tiếng Việt) . Người Triều Châu của mình thường xài chữ đó để nói tới sự thành công, thất bại. Cho nên “Hên xui” là tiếng Việt có gốc từ âm Triều Châu và nó đã đi vào phương ngữ của người Nam Kỳ.
Chữ “Hưng” nó có nghĩa là hưng thạnh, phát triển, hưng vượng. Mà hưng thạnh, phát triển, hưng vượng thì luôn có liên quan tới may mắn, không có gì là mơ hồ hết.
Chữ “Suy’ nó có nghĩa là suy tàn, suy vong, lụn bại, tàn tạ - cũng có liên quan tới vấn đề không may mắn luôn.
“興衰” = “hên xui” = lên voi xuống chó, may rủi, thành công hay thất bại
Bên Tàu có thành ngữ là: “興衰際遇” - hán Việt là : Hưng Suy Tế Ngộ có nghĩa thời vận thành bại
Ngoài ra trong cuốn Hán Việt Tân Tự Điển, giáo sư Lý Văn Hùng cũng chú thích "Hên xui" là 2 chữ "興衰".
Nên là đọc bài giải thích của bác An Chi, mình thấy hơi hoang mang vì "hên trong hên xui nó lại có liên quan tới hớ hênh". Thật là lạ!
Cuong Chung
--------------
Nguồn tham khảo
Tự điển tiếng Hoa 2 chữ: 興衰
http://www.zdic.net/c/4/151/336174.htm
Phát âm Triều Châu 2 chữ: 興衰
http://www.czyzd.com/search?keyword=%E8%88%88%E8%A1%B0
Thành ngữ: 興衰際遇
http://www.ruiwen.com/chengyu/2024792.html
Không có nhận xét nào