Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BÃO

BÃO “Đi bão”-Danh từ được ra đời trong những cuộc đua xe “Tử thần” của một số người trẻ ở Hà Nội, ai từng chứng kiến một lần cũng đủ thấy cá...

BÃO

“Đi bão”-Danh từ được ra đời trong những cuộc đua xe “Tử thần” của một số người trẻ ở Hà Nội, ai từng chứng kiến một lần cũng đủ thấy cái từ đó thật là đắt.

Ban đầu là tiếng ì ầm từ xa như một đàn ong vỡ tổ, những người đang lưu thông trên đường phố vội vàng nép hết lên vỉa hè, rồi cơn bão bởi hàng trăm có khi cả ngàn chiếc xe máy ào ào lao tới, gầm rú điên loạn, như một cơn siêu bão quét sạch hết mọi thứ trên đường đi của nó, những con phố chật hẹp của Thủ đô.

Nếu nhìn với con mắt bình tĩnh và khoan dung, chúng ta sẽ thấy đây cũng là một hiện tượng xã hội, và, nó cũng không phải là tự phát. Quan sát sự hình thành của một cơn “bão” ta cũng thấy, ban đầu chỉ là vài chiếc xe lượn lờ chậm rãi ở các địa điểm đã được chọn trước, giờ “G” tới, những “nam thanh nữ tú” đang ngồi hiền lành bên những quán trà chanh vỉa hè bỗng hóa thành người khác, họ buộc lên trán vành khăn tang, quăng mình lên những chiếc xe máy đã tháo bỏ bộ phận giảm thanh, thậm chí cả phanh (thắng) rồi buông mình trong cơn say tốc độ với những “kỹ thuật” đã được luyện tập kỹ như phanh (thắng) xe bằng cách đạp chân chống xuống mặt đường, “bó vỉa”- vào những cua gắt ở các ngã tư mà không giảm tốc độ vv…những cuộc luyện tập trả giá bằng những lần gãy chân, gãy tay thậm chí đôi khi là tính mạng. Nó gây ra sự kinh hoàng với dân chúng  nhưng cũng gây niềm hưng phấn cho những kẻ tham gia vì cũng có một “bộ phận không nhỏ” cổ vũ.

Con người không thể sống đơn lẻ, muốn tồn tại họ phải có những mối quan hệ với các cá nhân khác, xã hội hình thành những quy chế mà Jean-Jacques Rousseau gọi là “Khế ước xã hội” hay chính là luật pháp để bảo đảm quyền lợi cho một cá nhân này cũng như kiềm chế nó không gây hại cho quyền lợi của các cá nhân khác, nhà nước và chính trị ra đời, từ những hình thái còn đơn sơ như buổi đầu của lịch sử đến phức tạp như hiện nay.

Muốn tồn tại hệ thống quyền lực chính trị phải có những cơ chế báo động sớm, dựa vào đó mà thiết kế những chiếc “van an toàn” để xả những bức xúc của đời sống xã hội trước những chính sách của nó. Ở các thể chế dân chủ, một trong những cái “van” đó là quyền biểu tình. Những chính sách về kinh tế, thuế khóa, an sinh xã hội vv…của chính phủ xâm phạm đến quyền lợi của một bộ phận dân chúng thì họ sẽ biểu tình phản đối. Chính phủ lựa chọn bằng cách đối thoại, hai bên thỏa hiệp để tìm tới một giải pháp có thể dung hòa, thể chế độc tài tìm cách khác, hoặc là đàn áp hoặc là hướng cái năng lượng xã hội đó vào những mục tiêu khác bằng cái “van an toàn” như thắng lợi của một đoàn thể thao hay một đội bóng đá. Một phương pháp ưa thích của Quốc xã Hitler hay các nhà nước cộng sản.

Để có tính chính danh cho nó (cái van an toàn) cũng như che dấu bộ mặt hèn kém của mình, hệ thống khoác lên những mỹ từ huênh hoang, rỗng tuếch như “thắng lợi vĩ đại”, “biểu hiện của lòng yêu nước, hào khí dân tộc” vv…và vv.

Tôi từng đi theo những cuộc “đi bão” sau các trận thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Chứng kiến những cặp vợ chồng trẻ bị lây cái “tâm lý đám đông”, họ dừng xe ven đường, mua một lá cờ, buộc lên trán đứa con tấm băng vải có chữ “Việt Nam vô địch” rồi hòa vào đám đông, lương tâm thanh thản rằng mình có chính danh, đó là “lòng yêu nước”. Một ví dụ nhỏ cho thấy cái gian manh cực độ của một thể chế lưu manh cực độ.

Nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi. Khi những năng lượng thừa của lớp trẻ đầy sức mạnh và trong sáng không được dùng vào những nghiên cứu khoa học, vào văn hóa nghệ thuật, vào thể thao lành mạnh, vào những vấn đề chính trị, xã hội… mà bị hướng vào những trò vô bổ. Khi mà cái mặt nạ rơi xuống, người trẻ nhận ra sự vô nghĩa, nhận ra mình đã ngu dốt như một bày cừu bị dắt mũi thì điều gì xảy ra ?

Những người sinh viên Tiệp Khắc ôn hòa quỳ trước mặt  cảnh sát đàn áp họ trong các cuộc “biểu tình nhung” hay cái chết bi thảm của vợ chồng tổng bí thư đảng cộng sản Rumania ?

Ngô Nhật Đăng

Ps : Một lần ngồi với mấy bạn trẻ, một người nói :

- Thưa chú, bọn con là "dân xã hội", các chú đừng coi thường là bọn con không quan tâm gì đến chính trị, bọn con không biết gì. Rồi sẽ có lúc, các chú thì không dám, nhưng bọn con sẵn sàng ôm bom đến gặp tụi nó đấy.

Thật sự là tôi cảm thấy lo lắng.



Không có nhận xét nào