CÁI RỖNG TRIẾT HỌC Tôi mạo muội chụp lại một bình luận của một bạn đang làm trong VCCI, nói về nhà nước và pháp luật, theo đúng như giáo trì...
CÁI RỖNG TRIẾT HỌC
Tôi mạo muội chụp lại một bình luận của một bạn đang làm trong VCCI, nói về nhà nước và pháp luật, theo đúng như giáo trình mà các nhà lý luận trong các trường đại học đã đào tạo họ. Và đây là nhận thức của hầu hết “các trí thức xã hội chủ nghĩa” và quả đúng là nền giáo dục triết học, chính trị và luật pháp đã ngu dân hoá thành công giới “được đi học” ở Việt Nam.
Nếu ở các ngôi trường thực sự họ được đào tạo về triết học và chính trị đúng nghĩa, sẽ không có một người học luật nào đưa ra cách nhìn nhận và tư duy như thế dựa trên sự phân định giai cấp. Và đưa các mô hình chính thể thành các loại có tính đặc trưng của Marx Lenin như trong bình luận này nhắc tới.
Có lẽ, người ta đã vì không được đào tạo triết học trước khi học luật pháp, nên thành thử họ nhìn nhận luật pháp và nhà nước dưới con mắt của thứ tư tưởng độc tài và chuyên chế để cắt nghĩa một vấn đề.
Các nhà triết học đặt ra vấn đề của chính thể dưới góc độ đại diện của nó trước nhân dân của mình, vì vậy có các chính thể quân chủ, chính thể độc tài hay chính thể dân chủ. Chính thể dân chủ, một cách trực tiếp, có từ thời cổ đại trước công nguyên, đó là ở Hy Lạp (Athen). Chính thể quân chủ quả đầu, quân chủ quý tộc, quân chủ tập quyền hay chế độ quân phiệt đều là quân chủ chuyên chế. Chế độ dân chủ được thông qua hình thức chính thể đại diện như ngày nay chúng ta thấy. Bản thân các chính thể này mang bản chất thực sự là gì thì phải xem xét với mối tương quan với sự đại diện thực sự của nó trước nhân dân của mình.
Chính vì phân định xã hội thành giai cấp, một xuất phát điểm sai lầm và thiên kiến phiến diện của Marx, nên người ta mới tìm cách để gọi các chính thể khác đều là thứ đại diện cho giai cấp nào đó và luật pháp cũng vì thế mà mang bản sắc của kẻ thống trị. Chính vì lợi dụng vào sự vận hành còn thiếu hoàn thiện của xã hội có tính thời điểm tạo ra mà người ta đã đẩy những vấn đề thuộc về chính trị thành một sản phẩm tất yếu của tầng lớp nắm quyền. Điều này đã dẫn tới việc đặt tên chế độ với các danh xưng kiểu như tư sản và xã hội chủ nghĩa trở thành một mớ hổ lốn những lý luận ngờ nghệch và hỗn loạn.
Vì thế mà trong các giáo trình nhà nước và pháp luật của các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa đã vẫn cứ đặt ra vấn đề bản chất của luật pháp như là công cụ đàn áp của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị. Và ở chế độ tư bản (nhà nước tư sản) thì mới có tình trạng người bóc lột người và luật pháp đại diện cho giai cấp tư sản. Trong khi nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước phi giai cấp và xoá bỏ tình trạng bóc lột đó, nên nó thực sự là tốt đẹp và là đích đến cuối cùng của loài người.
Thế nhưng, bản thân luật pháp đã là một thứ không giai cấp ngay từ bản chất tự nhiên (vì thế có khế ước xã hội (J.J.Rousseau) và tinh thần pháp luật (Montesquieu), sự phân tán quyền lực cho các nhánh (John Locke) hay chính thể đại diện (J.S.Mill)), nó đặt ra sự công bằng cho con người và người dân vì nhờ nó mà đã thiết lập nên chính thể cho mình. Dựa vào luật pháp và các thiết chế thực thi luật pháp ta biết được mức độ đại diện của chính quyền đối với nhân dân, chứ không phải vấn đề giai cấp.
Nên cái nhà nước xã hội chủ nghĩa đó không phải là nhà nước nửa nhà nước, và cũng không phải vì nó không còn đại diện cho giai cấp nào nữa khi bản thân nhà nước và toàn bộ xã hội đều đã nằm dưới quyền điều soát tuyệt đối của đảng cộng sản, nơi giai cấp được định hình rõ nét nhất.
Khi mà không được học hay đọc hiểu thực sự về các nền tảng triết học, bản thân họ chỉ biết và nhìn được vấn đề theo đúng cái lỗ nhỏ đã được kẻ khác khoét sẵn và nói vào cái loa đã được viết trước cho những lời tuyên ngôn. Ngoài ra, họ chẳng biết thực tế cái gì cả.
Lê Luân
Không có nhận xét nào