CHIẾC HUY HIỆU ĐẢNG QUỐC XÃ Mặc dù từ trước cho đến nay, không cần đặt ra tiêu đề như bài báo này, người dân đều biết rằng, không có báo chí...
CHIẾC HUY HIỆU ĐẢNG QUỐC XÃ
Mặc dù từ trước cho đến nay, không cần đặt ra tiêu đề như bài báo này, người dân đều biết rằng, không có báo chí tư nhân và đảng lãnh đạo tuyệt đối mọi lĩnh vực, không chỉ trong báo chí mà còn trong giáo dục, kinh tế và luật pháp.
Tuy nhiên, đây là một sự khẳng định một sự thặt hiển nhiên cái mà nó tồn tại bấy lâu nay: báo chí phải nói theo đúng đường lối, chủ trương của đảng nắm quyền, nếu không sẽ đối mặt với các hậu quả của sự trừng phạt như một lẽ tất yếu của nó.
Rõ ràng, báo chí là một sức mạnh của sự thật và ngôn luận tự do, nhưng khi đặt dưới chủ trương và sự kiểm soát của đảng, nó phải lựa chọn, đương nhiên, không thể có cách nào khác là đi theo những gì nó được chỉ dẫn và phải dần rời xa bổn vụ của nó là tiếp cận những sự thật.
Luật An ninh mạng, như ông Tổng bí thư đã nói, cần phải có để bảo vệ chế độ. Và nay, một lần nữa, báo chí phải tuân theo mệnh lệnh của đảng. Như vậy, ngôn luận đã bị siết chặt lại và rơi vào cảnh cùng quẫn hơn bất cứ lúc nào có thể.
Dẫu vậy, cho dù luật pháp có hợp pháp hoá các sự bất công, bản thân nó cũng không thể cứu vãn được những sự tha hoá của nó và sự hà khắc chỉ đem tới những phản kháng mãnh liệt hơn. Ngay cả Myanmar, nhà cầm quyền sẵn sàng bỏ tù người dân nhiều năm ròng nếu chỉ cần họ sở hữu một chiếc vô tuyến trong tư gia, nhưng rồi chế độ quân phiệt đó vẫn phải đối diện với việc phải thay đổi và cải sửa để dân chủ hay là sụp đổ một cách toàn diện.
Nói đến đây tôi lại nhớ tới nhân vật đảng viên đảng quốc xã Đức, Oskar Shindler, một doanh nhân cơ hội sản xuất đồ kỹ nghệ và các thiết bị thời chiến cho quân phát xít. Mặc dù ban đầu là lợi nhuận phi luân lý làm mục đích chính, nhưng khi đứng trước sự tàn khốc của cuộc diệt chủng người Do Thái ở các trại tập trung, ông tìm cách dùng toàn bộ gia sản của mình để mua lại những công nhân Do Thái để bảo vệ họ trong các nhà máy.
Ngày cuối cùng khi phát xít đầu hàng vô điều kiện, ông đã nói với những người lính SS và những công nhân mà ông đã cứu giúp: tôi là một đảng viên đảng quốc xã, trước đây các bạn cảm ơn tôi vì tôi tạo công ăn việc làm cho các bạn, nhưng thực tế là tôi đã lợi dụng các bạn là tù nhân để phục vụ lợi ích của mình. Bây giờ tôi trở thành tội phạm và phải trốn chạy trước các bạn. Còn đối với những người lính, tôi biết, các bạn chỉ thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên, các bạn có toàn quyền xả súng để giết chết toàn bộ những công nhân của tôi đang đứng ở đây, nhưng ngay lúc này, các bạn có thể trở về với gia đình như một con người hoặc là tiếp tục ở lại đây để trở thành những tên giết người. Và họ đã lần lượt rời đi trong lặng lẽ.
Hình ảnh đáng nhớ và sâu sắc nhất đó là khi ông chia tay những công nhân của mình (gần 1.200 người) trong một đường hầm cũ, rằng ông đã hối tiếc vì tại sao lại không bán chiếc ô tô kia đi, và cả chiếc huy hiệu đảng viên đảng quốc xã nạm vàng đeo trên ngực ông nữa, như vậy ông sẽ cứu được thêm vài người nữa. Chỉ riêng chiếc huy hiệu đảng viên quốc xã đã có thể cứu lấy ít nhất một người. Ông vân vê nó trên tay và khóc như một đứa trẻ. Một tình tiết quá đắt giá.
Thế mới thấy, không có sự bất công và giai cấp hay quyền lực bất chính nào có thể cai trị nhân dân được mãi. Không cái ác nào mà không có hồi kết thúc. Và chính nghĩa thì luôn là kẻ chiến thắng cuối cùng.
Hãy cứ sống tự do và nói tự do. Sự thật và lẽ công bình mới là chân lý vĩnh tồn và để tôn vinh, không phải là giai cấp hay là lợi ích để giành giật, phân chia.
Lê Luân
Không có nhận xét nào