Chính trị "nước lớn" quả thật là "khó lường". Nhưng thái độ của nguyên thủ một nước lớn không thể "vô lường". ...
Chính trị "nước lớn" quả thật là "khó lường". Nhưng thái độ của nguyên thủ một nước lớn không thể "vô lường". Lệnh của ông Trump "đơn phương" rút quân khỏi Syrie không chỉ làm thế giới phương Tây "chưng hửng", mà ngay cả Bộ trưởng bộ Quốc phòng J. Mattis cũng bất mãn từ chức. Rõ ràng Mỹ đã "giao" khu vực này cho Nga. Điều người ta đặt nghi vấn là Mỹ đã đạt được mục tiêu gì ? được Nga nhượng bộ cho quyền lợi nào trong hồ sơ "Syrie" ? Nói là để "giữ lời hứa" lúc ra tranh cử, nhưng phe chủ trương bỏ Syrie không hề đại diện cho quyền lợi chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Bàn cờ "Trung Đông" sẽ bị đặt lại. "Trục" đồng minh Iran - Syrie sẽ được thiết lập. Các phe Palestine "chủ chiến" chống Do Thái ở Liban, Jordanie... sẽ hoạt động mạnh trở lại. Lực lượng vũ trang (duy nhứt) mà Mỹ có thể tín cậy được để chông lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan là giống dân Kurd (sống ở khu vực ba biên giới Irak, Syrie và Thổ Nhĩ Kỹ) không sớm thì muộn sẽ bị diệt trừ. Viễn ảnh trước mắt các nước Irak, Afghanistan... sẽ sớm rơi lại vào hỗn loạn, vì các nhóm IS, Taliban cùng với sự "trỗi dậy không hòa bình" của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Trong khi hầu hết các quốc gia bên kia Địa Trung Hải vốn đã bất ổn bấy lâu nay do nhiều lý do, có thể sẽ rớt vào vòng ảnh hưởng của Nga. Ai Cập có thể đã ở vị trí "tầm nhắm", Do Thái bị cô lập. Hải đạo Suez có thể sẽ sẽ là tham vọng của Nga trong tương lai rất gần.
Trump "đơn phương" ra lệnh rút khỏi Syrie vừa khi Nga "đóng nút" cửa biển Azov, bắt giữ các tàu chiến của Ukraine. Hắc hải như vậy đã thuộc về Nga. Bàn cờ chiến lược khu vực Đông Âu vì vậy cũng sẽ bị đặt lại. Báo chí Pháp đăng tải, ngay cả những vụ biểu tình "áo vàng" gần đây gây "náo loạn" cũng có bàn tay của Nga giật dây. Người ta lo ngại (chuyện xa vời) về cuộc "cách mạng áo vàng" lan ra Châu Âu. Nhưng thực tế khối EU đã rất suy yếu khi Anh "Brexit" bằng một phương cách rất "lân đận". Tình trạng không có giải pháp kéo dài sẽ gây "bất ổn" cho cả hai phía, Anh và các nước EU. Điều này càng làm lợi cho Nga, nước này "quang phục" lại tư thế như thời Chiến tranh lạnh.
Rốt cục quyết định "đơn phương" rút quân của ông Trump chỉ có phía Nga là hưởng lợi. Ông Mattis từ chức vậy là có lý do. Sắp tới nước Mỹ sẽ lâm vào cảnh "khủng hoảng niềm tin chính trị". Ông Trump nhiều lần lên tiếng đe dọa về một vụ "dân chúng nổi dậy" nếu bản thân ông bị Quốc hội "đàn hạch". Nước Mỹ sẽ bị "phân liệt" vì nội chiến nếu một cuộc "nổi dậy" mang màu sắc "cách mạng". Dân Mỹ phần lớn đều "vũ trang tận răng". Rõ ràng nhưng gì ông Trump "nói" hay "làm" chưa chắc đã phục vụ vì lợi ích của người Mỹ.
Nhân Tuấn Trương
Không có nhận xét nào