Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CHỦ NGHĨA TẬP THỂ VÀ SỰ TUYỆT VỌNG CỦA ĐẠO ĐỨC

CHỦ NGHĨA TẬP THỂ VÀ SỰ TUYỆT VỌNG CỦA ĐẠO ĐỨC (Phần VIII) Chủ nghĩa toàn thể sẽ đưa đến một điều kiện bắt buộc mà nó phải có là mỗi cá nhâ...

CHỦ NGHĨA TẬP THỂ VÀ SỰ TUYỆT VỌNG CỦA ĐẠO ĐỨC
(Phần VIII)

Chủ nghĩa toàn thể sẽ đưa đến một điều kiện bắt buộc mà nó phải có là mỗi cá nhân tồn tại trong nó càng cần phải trì độn mới càng dễ hoà thuận và đạt được những lợi ích từ cộng đồng đem lại. Vì rằng, chủ nghĩa toàn thể đã đặt xuất phát điểm mang tính nền tảng cho mọi hành xử của mình bằng việc đặt toàn thể lên trên thân phận và những giá trị con người, nó buộc các cá thể phải tự xem nhẹ (xoá bỏ hoàn toàn lại càng được khuyến khích hơn cả) những yếu tố thuộc về phẩm chất cũng như quyền lợi cá nhân và họ sẽ bị phán xét bởi toàn thể nếu không thể dung hoà vào trong nó hoặc lên tiếng đòi hỏi ở nó bất cứ yêu cầu nào có tính ngoài lề hay quá khác biệt. Mà để đạt được trạng thái đó thì không gì khác hơn là phải tạo ra một thực thể có đủ quyền hành cũng như sức mạnh vô song để thực hiện sự phân định này mà dẫn tới sự lệ thuộc của từng cá nhân vào bất cứ cái gì được gắn vào hai chữ toàn thể do kẻ nắm quyền điều soát kiến định ra. Và có điều gì chính xác hơn là việc thiết chế nắm quyền lực để có thể kiểm soát trạng thái cao nhất của cái toàn thể chắc chắn sẽ phải dùng đến những biện pháp trừng phạt hoặc sự bạo ngược để truy tìm sự thần phục của cá nhân trước cộng đồng được tôn tạo làm quy chuẩn cao nhất của mọi sự đánh giá và phán xét?

Chủ nghĩa tập thể sẽ chỉ cần những kẻ ngu đần và ấu trĩ hoặc là thiển cận, vô tri, không có niềm tin vào bất cứ điều gì khác ngoài đòi hỏi về một sự trật tự của toàn thể mà đại diện của nó đứng lên cai quản đã định đặt ra. Thậm chí là những kẻ thiểu năng hoặc tâm thần đều được hoan nghênh vì sẽ thoả mãn nhiều nhất những điều kiện cho việc thiết lập trật tự của chủ nghĩa toàn thể. Và dã man hơn cả đó là thực thể quyền lực đứng ra áp đặt nó lên toàn bộ cộng đồng lại phải thâu nhập và bao gồm hầu hết là những kẻ ác ôn, lưu manh, vô lại mà càng ít phẩm chất của lòng trắc ẩn, khoan dung, sự hiểu biết càng tốt cho nó bấy nhiêu. Nếu tạo ra càng nhiều sự rung động hoặc là những suy cảm về việc đang làm hoặc cân nhắc về chế lệnh quyền uy trong tâm can trước một hành động được yêu cầu phải thực thi tức khắc sẽ trở thành một sự kiện đáng kinh ngạc và cần phải bị trả giá ngay tức thì. Đưa ra hình phạt nặng nề và tàn khốc như tước bỏ các lợi ích vật chất hay đe doạ đến an nguy sinh mạng khi từ chối làm hoặc làm không tốt chức trách của mình (nhiều khi là phải bỏ mặc, phớt lờ vì các chỉ lệnh ngầm), hay sẽ nhận được những sự khen ngợi hoặc là được ghi nhận công lao cùng bổng lộc, cơ hội tiến thân khi làm tròn bổn phận được giao phó, nó sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho những kẻ thừa hành mệnh lệnh từ cấp trên ban xuống hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng bằng một sự hăng hái đến tột độ mà chúng chẳng khi nào mảy may ngó ngàng gì tới hậu quả nó gây ra đối với con người và xã hội.

Chủ nghĩa toàn thể sẽ đếm số người trật tự càng nhiều càng tốt để coi đó là thành quả của các hành động tốt đẹp trong việc quản lý xã hội đem lại. Và như F.A Hayek đã nói rất xác đáng rằng, chủ nghĩa tập thể được xem như là các biện pháp cần phải được thoả mãn trong thực tại hơn là mục tiêu mà nó cần đạt tới trong tương lai, tức là làm sao để cho các điều kiện của chủ nghĩa tập thể sẽ được xuất hiện và duy trì trong từng thời khắc chứ không cần xác định kết quả của những việc kế hoạch hoá tập trung được hình thành và đón nhận ra sao ở phía trước. Và Stuart Mill trong Chính thể đại diện đã nhiều lần nhắc tới “trật tự xã hội” như là một mục tiêu cho nhà quản lý bám vào đó để thực thi các biện pháp chuyên chế nhằm giữ cho xã hội ổn định mà xem đó như là một biểu hiện tích cực cũng như chức năng chính yếu của chính thể.

Chủ nghĩa toàn thể hay quyền lợi số đông, sự bình quân đồng đều, tất cả những kiểu lý tưởng này sẽ tạo nên những trạng thái kiểm soát quyền lực tuyệt đối ở rất nhiều mặt và chúng hầu hết được định mức như nhau ở mức tối thiểu từ chính quyền: quyền lực giáo dục (tước bỏ tư duy và nhận thức); quyền lực ngôn luận (từ khước biểu đạt chính kiến); quyền lực công lý (áp đặt ý chí thông qua luật pháp và xét xử một chiều – xác lập sự thần phục); quyền lực tuyên truyền (đồng nhất tâm tưởng); quyền lực cảm xúc (ngăn trở tình yêu và lòng bao dung); quyền lực đạo đức và văn hoá (không ai được coi là có đạo đức và văn hoá nếu không tuân theo các tiêu chuẩn ứng xử lẫn sinh hoạt được đặt ra bởi chính quyền); và quyền lực tôn giáo (ban phát đức tin mà chính quyền là kẻ chi phối). Ngay cả sự liên kết, tương tác hay tương trợ và trao đổi học thuật cũng sẽ trở nên là một hành động bị nghiêm cấm hoặc là bị hạn chế hết sức nghiêm ngặt một khi không đặt trực tiếp dưới sự cấp phép cũng như sự giám sát và trông coi thường trực của bộ máy công quyền. Việc không cho tồn tại hoặc ngăn cản tối đa sự tự do kinh tế (sản xuất, thị trường, phân phối) và quyền sở hữu (tư hữu đối với tài sản) cũng là một tiền đề quan trọng để khiến con người phải lệ thuộc sự sinh tồn vào chính quyền, tổ chức đang cho mình vị thế duy trì mọi tiêu chuẩn của chủ nghĩa toàn thể với vai trò nhân danh tối cao và duy nhất.

Toàn thể bao gồm tất cả trong nó là những con người hết mực cụ thể và rõ ràng, nhưng khi nó được dùng làm điểm tựa cho mục đích an ninh và quyền lợi xã hội, nó lại trở thành bóng ma đầy quyền uy với tính huỷ diệt khủng khiếp và vô giới hạn trước bất kể từng thành viên nào tạo cấu nên nó. Đạo đức xã hội là tấm vải lộng lẫy được nhà cầm quyền trang hoàng cho toàn bộ xã hội, nhưng chính nó lại là thứ phá huỷ đạo đức của tất cả những con người tồn tại trong nó và dưới tầm soát áp đặt, chi phối của những kẻ nhân danh nó, vì rằng, tấm vải ấy luôn là một thứ quá khổ và quá nặng nề đến mức gây ngộp thở với tất cả mọi người. Nó không đem lại giá trị gì cho việc bảo vệ và tôn tạo những thứ thuộc về cốt cách cá nhân: tấm áo không thể vừa vặn với bất kỳ ai, không thể đem về trang trí, không thể cắt ra để sử dụng và cũng chẳng thể chạm vào để thấy được hình thù nó ra sao, ngoài việc chính quyền phải may nó trở thành một cái bao tải để nhốt chung mọi người lại vào với nhau.

Chủ nghĩa tập thể sẽ khiến cho chính quyền buộc lòng phải quan tâm đến từng con người một và điều đó lại dấy lên đòi hỏi cấp thiết khác là ai cũng sẽ phải là một nguồn tin cung cấp đáng tin cậy cho giới chức công quyền về những người còn lại: ai cũng sẽ vừa là tên chỉ điểm cũng vừa là đối tượng bị theo dõi để báo cáo. Nếu muốn có thể cai quản được toàn thể người dân trong một xã hội dưới danh nghĩa chủ nghĩa số đông là cơ sở nền tảng thì chẳng có cách nào khác là nhà quản lý phải nắm bắt được mọi suy nghĩ, tâm tưởng, lối sống, nơi chốn cư trú và mưu cầu của từng con người trong số toàn thể đó, chỉ có như vậy thì nhà chức trách mới có những dữ kiện để lập nên những kế hoạch có tính chung nhất nhằm áp đặt chúng bao trùm lên toàn bộ những con người trong đó. Khi không thể thấu hiểu tường tận từng cá nhân thì họ cũng sẽ không có cách nào kiểm soát và chi phối được những con người nằm dưới sự điều khiến của bộ máy chính quyền. Trong nhiều trường hợp và cũng là cách thông dụng nhất có thể được dùng làm cách xử lý các sự vụ, tập thể vừa là giới hạn của các quyền lợi đối với cá thể, vừa là kẻ giám sát thường trực từng người một, và quan trọng hơn như một hệ quả mà nó phải diễn ra đó là tập thể trở thành quan toà vừa luận tội vừa phán quyết những kẻ nào mà chính quyền không ưa hoặc được quy cho là kẻ gây phiền toái, cản trở, không hợp tác hay chống lại những kế hoạch của chính quyền. Việc lên án bằng dư luận dựa trên số đông thực chất là nhằm tuyên bố về thân phận của anh ta trước con mắt bàn dân thiên hạ mà không cần thông qua sự can thiệp chính thức từ chính quyền còn đáng sợ hơn là sự trừng phạt bằng các quy định của luật pháp. Chính nó là thứ kết thúc cuộc sống của anh ta với cộng đồng, anh ta bị tẩy chay, hắt hủi và bị xem như là một con bệnh nguy hiểm đối với tập thể mà cần phải cô lập (cách ly) khỏi cộng đồng nơi anh ta đang sinh tồn.

Trích: DÂN TRỊ VÀ CHÍNH QUYỀN
(Link tải sách: https://drive.google.com/file/d/0B8ieEFTeg24jSVR1ZF81d0RveUxfS2pTSjIxVG5tYUZqNHY4/view?usp=drivesdk).


Lê Luân



Không có nhận xét nào