CHUYỆN BẾP NÚC Tạm quên chính chị, chính em nhức đầu. Nói chuyện bếp núc. Vừa nghe trên France Culture phỏng vấn tác giả một cuốn sách nói v...
CHUYỆN BẾP NÚC
Tạm quên chính chị, chính em nhức đầu. Nói chuyện bếp núc. Vừa nghe trên France Culture phỏng vấn tác giả một cuốn sách nói về các ông đầu bếp nổi tiếng của Pháp, ‘’ les grands chefs’’.
Chắc ít có nước nào như nước Pháp, có những chương trình TV đặc biệt về văn chương , cả một đài phát thanh chuyên về văn hóa. Năm qua, số người nghe France Culture càng ngày càng gia tăng . Ai bảo văn hóa là chuyện buồn nản ?
France Culture chạy nhạc cổ điển, bàn về Socrate, Voltaire, Montesquieu, tranh luận về Camus, Roth, giải thích Picasso, Velasquez. Và... chuyện nấu nướng, về các ‘’grands chefs’’.
Bởi vì ở Pháp, nấu nướng là một nghệ thuật, các grands chefs, hay ‘’chefs étoilés’’ ( đầu bếp được ‘’guide’’ Michelin tặng 1,2,3 sao ) là những nghệ sĩ. Nổi tiếng, được trọng vọng, và giầu có như các ca sĩ hay tài tử điện ảnh hàng đầu. Tiền thâu nhập hàng năm của Alain Ducasse, với các restaurants trên khắp thế giới, các dịch vụ liên hệ tới món ăn không dưới 100 triệu euros mỗi năm.
Hồi còn đi làm, mỗi lần về trụ sở của hãng ở Lyon hội họp, ngày cuối sở làm đưa đi ăn ‘’ chez Bocuse ‘’, ông ‘’ pape ‘’ ( giáo hoàng ) của ‘’ cuisine française ‘’ vừa mất.
Trước bữa ăn, Paul Bocuse xuất hiện, dưới ánh đèn, flash của máy quay phim, máy hình, iPhone, áo choàng trắng, ‘’toque’’( mũ của đầu bếp ) trắng, đi từng bàn ký tên kỷ niệm. Ra khỏi phòng ăn trong tiếng vỗ tay rầm rộ, như một tài tử điện ảnh, leo lên xe, tài xế đưa thẳng lên phi trường để hôm sau có hẹn với một ông vua dầu lửa, hay nói chuyện trong một trường đại học Mỹ.
Bữa ăn ‘’ chez Monsieur Paul ‘’ tổ chức như một ngày lễ hội. Thực khách như những người hành hương.
Khác với không khí ảm đạm của một tiệm ăn VN, mặc dù món ăn VN không thua ai. Khách ngồi chờ phở, nghe tiếng cãi nhau om xòm trong bếp. -Đù má, cái gói giá sống vừa mới để đâu đây. .- Sống chết gì nữa, phở nguội rồi, mang lên cho người ta đi ông ôi !
Tôi vẫn thường nói, khi vào bếp nấu nướng mỗi lần có bạn bè : ‘’ bếp núc, không phải chuyện của đàn bà ‘’. Quả vậy, hầu hết các ‘’chefs étoilés ‘’ trên thế giới là đàn ông .
Ý nghĩ chuyện bếp núc là chuyện bẩm sinh của đàn bà, là sáng kiến của đực rựa từ khi người là người, và các bà dễ tin cho là sự thực. Người ta đã làm một thí nghiệm. Để một nhóm trẻ chưa bị ảnh hưởng của giáo dục gia đình hay trường học trong một tiệm đồ chơi. Không phải bé trai nào cũng lựa xe hơi, trò chơi thể thao, bé gái nào cũng thích Barbie, nồi niêu, xoong chảo
Giáo dục ngày nay người ta không chia trẻ em thành 2 nhóm theo thiên kiến. Người ta để cho trẻ em lựa chọn, phát triển năng khiếu của mình.
Trở lại với cuốn sách . Tác giả nhận xét : tất cả các chefs đều có kỷ niệm về những ngày còn nhỏ, quẩn chân mẹ hay bà nội, bà ngoại trong bếp.
Món ăn họ thích nhất thường thường là món ăn mẹ hay bà nội, bà ngoại đã làm cho ăn thời thơ ấu. Trong thực đơn, món ăn thành công nhất, thường thường cũng là món ăn hồi xưa bá nội dạy nấu. Thành công, vì họ nấu với tấm lòng. Có ông nói : vừa nấu vừa khóc, nghĩ tới bà nội.
Một đầu bếp nói : bí quyết trong chuyện nấu ăn là sự kiên nhẫn và tình yêu, hay tình bạn. Không thể nấu ăn nếu vội vàng. Không thể nấu ăn nếu không yêu người khác, không quý khách.
Ông ta nhắc câu của một nhà văn : bếp núc ( cuisine ), cũng như tình yêu, cần thời giờ và sự chân thực. Trong chuyện bếp núc, cũng như trong tình yêu, dối trá và vội vàng, hấp tấp là hư bột, hư đường hết.
Tuy vậy, tình yêu không luôn luôn bảo đảm cho sự thành công trong món ăn
Một chefs kể : bà nội nhất định dành chuyện nấu ăn, không cho ai đụng tới. Bà làm món gì cũng hư : hoặc mặn quá, hoặc ngọt quá, và bao giờ cũng quá nhiều. Trước khi mất, bà cụ tâm sự : bà yêu ông nội quá, làm cái gì cũng quá đáng, quá nhiều đường, quá nhiều muối.
Cụ ông tâm sự : ăn cơm bà nội khổ thực, nhưng cho cao lâu, mĩ vị cũng không đổi.
( tuthuc-paris-blog.com )
Không có nhận xét nào