Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CÓ LÀM ĐƯỢC KHÔNG, NHỮNG CHẤN CHỈNH GIÁO DỤC?

CÓ LÀM ĐƯỢC KHÔNG, NHỮNG CHẤN CHỈNH GIÁO DỤC? Muốn chấn hưng giáo dục phải bắt đầu từ những chấn chỉnh tiêu cực. Điều này, trước đây, nguyên...

CÓ LÀM ĐƯỢC KHÔNG, NHỮNG CHẤN CHỈNH GIÁO DỤC?

Muốn chấn hưng giáo dục phải bắt đầu từ những chấn chỉnh tiêu cực. Điều này, trước đây, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã làm với hàng loạt khẩu hiệu nói không. Nói không với bệnh thành tích, nói không với tiêu cực trong thi cử, nói không với bạo lực học đường...
Theo tôi là ông Nhân đã bắt đúng bệnh. Nhưng càng chữa bệnh càng trầm trọng. Và hiện nay, những căn bệnh ông Nhân chỉ ra và thực hiện "nói không" đến lúc bùng phát ở giai đoạn cuối.
Khổ thân ông Nhạ phải gánh chịu!
Theo tôi, muốn trách ông Nhạ hãy trách cả hệ thống giáo dục từ sau những dự án cải cách liên tu bất tận. Những cải cách manh mún, vụn vặt, giật gấu vá vai đã làm cho giáo dục mất định hướng, méo mó và nhàu nát một cách thảm hại.
Tôi từng phát biểu trong một số cuộc hội thảo, tập huấn, rằng, trước khi cải cách, hãy tổng kết chân thực và chấn chỉnh mọi thứ đâu vào đó đã. Bắt đầu từ khâu quản lý nguồn nhân lực, ngay trong đầu não rất có vấn đề của bộ, đến nhân sự quản lý của sở, phòng và rạch ròi trách nhiệm giữa đảng, chính quyền và ngành dọc trong hệ thống giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chuyên môn mà đảng, và chính quyền trung ương lẫn địa phương quản lý và trả lương nhân sự thì bộ có thiên tài cũng bó tay. Bộ không có thực quyền, trong khi các sự vụ tiêu cực nảy sinh, từ chạy chức, chạy việc, chạy điểm tốt nghiệp và tuyển sinh cho đến điều động giáo viên hầu hạ quan chức, kể cả những vụ bạo lực học đường đều do bàn tay của đảng và chính quyền thọc quá sâu vào giáo dục với những cách điều hành phản giáo dục.
Ngay cả việc chạy theo thành tích cũng do nghị quyết của chính quyền trên cao giáng xuống gây áp lực cho nhiều cán bộ quản lý giáo dục và gây áp lực cho giáo viên.
Tôi gọi bệnh ở giai đoạn cuối cũng là cơ hội cho ông Nhạ làm thay đổi giáo dục. Ông là người có tiếng nói trong Quốc hội, trong BCH trung ương, nếu không sợ mất ghế thì hãy nói thẳng thực trạng và đề xuất về sự tồn tại độc lập cho hệ thống ngành dọc của mình để cắt dứt điểm cái quan hệ bùng nhùng mà bản thân bộ không thể nào giải quyết được.
Với cơ chế quản lý hiện nay, tôi thách ông Nhạ cách chức được hiệu trưởng ở trường phổ thông, thậm chí cho thôi việc một giáo viên vi phạm kỉ luật?
Vừa rồi ông Nhạ tổ chức hội thảo nói về giải pháp giải tỏa những áp lực cho giáo viên. Bãi bỏ thi giáo viên giỏi, chấm dứt chỉ tiêu lên lớp hay đỗ tốt nghiệp 100%, kể cả hồ sơ, sổ sách hàng đống mà giáo viên phải làm. Đó là đề nghị sáng sủa nhưng chỉ là giải pháp cắt ngọn và không chừng, với một cái hội thảo trong phạm vi nhỏ ở Trường Đại học sư phạm Hà Nội như vậy, liệu các sở, các phòng có nghe theo? Tại sao không phải là một thông tư có tính bắt buộc phải làm mà phải bàn luận trong phạm vi như vậy? Bộ trưởng thiếu tự tin sau những quyết định bị hố chăng?
Mà nói thật với ông Nhạ câu này. Cái món hồ sơ sổ sách chồng chất mà giáo viên đang đối phó trong các kỳ thanh tra, kiểm tra hoàn toàn là do trên bộ ném xuống và các sở, phòng thực hiện một cách máy móc. Ông còn nhớ Thông tư 30, rồi Thông tư 22 với cách đánh giá mới đã đặt ra gần 20 loại hồ sơ sổ sách cho giáo viên tiểu học, kể cả cách đánh giá theo định lượng 43 tiêu chuẩn về phẩm chất và 43 tiêu chuẩn về năng lực đối với trẻ em mà tại cuộc tập huấn ở Huế tôi đã phản bác quyết liệt không? Tôi cũng viết bài nói thẳng, rằng cái tư tưởng gọi là "rất nhân văn" đó không khả thi, không hiệu quả mà chỉ gây áp lực cho giáo viên và dẫn đến đối phó rất hình thức rồi lại tạo cơ hội cho bệnh thành tích bùng phát nặng nề hơn.
Và cũng không ngờ, sau khi công bố bài viết đó vài hôm, một cán bộ PA 83 thương lượng tôi gỡ bài xuống vì lý do... không phải tôi nói sai mà vì Thông tư mới ban hành chưa ráo mực ảnh hưởng đến uy tín của Bộ trưởng!
Buồn không thể tả khi những phản biện và những góp ý không được lắng nghe dẫn đến bao nhiêu hậu quả đau lòng. Xem chừng người ta đã bất chấp tất cả, đến mức uy tín của Bộ trưởng đặt cao hơn sinh mệnh của cả ngành giáo dục và sự sống còn của quốc gia, dân tộc.
Chu Mộng Long




Không có nhận xét nào