Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CÔNG VIÊN Á CHÂU, SUN GROUP VÀ HÀNH XỬ BẤT THƯỜNG CỦA ĐÀ NẴNG

CÔNG VIÊN Á CHÂU, SUN GROUP VÀ HÀNH XỬ BẤT THƯỜNG CỦA ĐÀ NẴNG Tạm vui một chút khi dự án Công Viên Đại Dương chưa được thông qua trong kỳ họ...

CÔNG VIÊN Á CHÂU, SUN GROUP VÀ HÀNH XỬ BẤT THƯỜNG CỦA ĐÀ NẴNG

Tạm vui một chút khi dự án Công Viên Đại Dương chưa được thông qua trong kỳ họp HĐND Đà Nẵng sắp tới. Song những tranh cãi trái chiều về việc nên chọn phát triển bền vững hay nên ủng hộ nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 300 triệu USD cho sự phát triển của địa phương thì chắc chắn sẽ còn lâu dài.

Vậy nên, lúc này hãy cùng nhìn lại một dự án công viên khác của Sun Group mà ngay từ đầu cũng được cam kết sẽ đầu tư đến 500 triệu USD, biến nó thành một công viên giải trí đẳng cấp hàng đầu khu vực và góp phần thúc đẩy du lịch cho cả Đà Nẵng", đó là dự án Công Viên Á châu (Asia Park).

Năm 2008, khu Đông Nam tượng đài đường 2/9 rộng gần 90 ha được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch làm Công viên Văn hoá và Vui chơi giải trí. Nhận ra vị trí ven sông Hàn tuyệt đẹp lại được quy hoạch bài bản nên 32 nhà đầu tư đã mua tổng cộng 65 lô đất tại đây theo lời mời gọi của chính quyền lúc bấy giờ và đã được UBND ĐN cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý hợp lệ.

Thế nhưng, đến ngày 8/3/ 2013, chính quyền ĐN bất ngờ ra Quyết định 1708/QĐ điều chỉnh Quy hoạch theo hướng thu hẹp phần công cộng và giao toàn bộ công viên, mảng xanh hiếm hoi giữa lòng thành phố, bao gồm cả 65 lô đất trên cho Sun Group triển khai dự án công viên Á châu.

Ngay sau đó, tháng 5/2013, bằng 1 quyết định hành chính thô bạo, chính quyền quận Hải Châu ra lệnh thu hồi 65 lô đất của 32 nhà đầu tư nhỏ với đầy đủ giấy tờ hợp lệ để giao cho Sun Group mà chưa hề thông qua một cuộc đàm phán hay thỏa thuận bồi thường nào.

Đến tháng 12/2014, để gây sức ép với các chủ đất ở đây, UBND Đà Nẵng ra công văn 12062 đề nghị các nhà đầu tư sớm giao đất để Sun Group thi công chạy thử tuyến Monorail của dự án Công viên Á Châu.

Đương nhiên không chủ đất nào đồng ý các quyết định thô bạo này, sự việc rơi vào bế tắc thì đến ngày 8/2/2017, UBND TP Đà Nẵng đột ngột ra quyết định 725/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 khu công viên công cộng tại khu vực Đông Nam Tượng Đài”. Theo Quyết định này thì toàn bộ 65 lô đất của các nhà đầu tư sẽ bị "công cộng hoá" làm bãi đỗ xe và khu vực bắn pháo hoa của Sun Group.

Quá bức xúc với các quyết định phê duyệt quy hoạch bất nhất và cách hành xử bất thường của UBND TP Đà Nẵng, 32 nhà đầu tư này chỉ biết làm đơn “Khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp”, tất cả họ đều đưa yêu cầu: “Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chúng tôi. Yêu cầu UBND Tp.Đà Nẵng hủy ngay quyết định Quyết định số 1708 năm 2013 và Quyết định 725/QĐ-UBND ngày 8/2/2017. Nếu thực hiện việc thu hồi đất của chúng tôi, bắt buộc phải thực hiện đúng, đủ theo trình tự và quy định của pháp luật về đất đai”.

Sự việc đến nay vẫn dằng dai qua lại mà chưa có hồi kết. Điều đáng nói là chỉ vì ưu ái cho Sun Group làm dự án mà chính quyền ĐN lại ba lần điều chỉnh QH, cùng với hai lần ra quyết định thu hồi 65 lô đất này với hai mục đích khác nhau. Trong khi các nhà đầu tư nhỏ đã vay vốn ngân hàng để đầu tư hợp pháp vào đây và được UBND TP. Đà Nẵng cấp đầy đủ thủ tục hợp lệ mà vẫn không được kinh doanh, khiến thực tế có một số nhà đầu tư nhỏ phải rơi vào cảnh "sống dở, chết dở".

Lẽ ra, với một khu vực ven sông Hàn tuyệt đẹp như vậy, nếu chính quyền biết đặt lợi ích của người dân lên trên hết, nơi đây đã có thể là một không gian văn hoá của người Đà Nẵng, một công viên với ngút ngàn cây xanh với điểm nhấn là thư viện hay các công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu tinh thần của người dân chắc chắn sẽ tạo ra cho ĐN một hình ảnh văn minh hơn hiện nay rất nhiều. Tiếc là vì bị những lợi ích chi phối, mảng xanh công cộng lớn nhất TP bị đánh cắp khỏi mục đích cao đẹp ban đầu của nó, từ một Công viên dành cho số đông trở thành Tư viên, nơi người dân muốn vào hít thở không khí trong lành cũng buộc phải... mua vé vào cổng.

Qua câu chuyện về những dự án hoành tráng núp sau những mỹ từ như "Sinh thái" hay "Công viên" mới thấy, không chỉ những dân nghèo mất đất mà ngay cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ ở ĐN, những người tương đối có quyền và tiền cũng là nạn nhân cho thứ văn hoá kinh doanh của Sun Group.

Câu chuyện Công viên Á châu sẽ là lời cảnh tỉnh trước những dự án hoành tráng nhưng luôn chứa đựng nhiều rủi ro của một nhà đầu tư quá nhiều tai tiếng cho cộng đồng như Sun Group. Vì đằng sau những "những đóng góp cho kinh tế địa phương" hay những màn pháo hoa rực rỡ của Sun Group, bao giờ cũng là những phận đời nổi trôi...

Le Trong Vu







Không có nhận xét nào