ELEANOR VÀ TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời ba năm sau khi Thế Chiến Thứ Hai. Đây là tuyên ngôn về cá...
ELEANOR VÀ TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN.
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời ba năm sau khi Thế Chiến Thứ Hai. Đây là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Palais de Chaillot ở Paris, Pháp, nghĩa là cách đây đúng 70 năm.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc. Tinh thần của bản Tuyên ngôn là dùng truyền đạt và giáo dục để nỗ lực thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng các quyền con người cơ bản được đưa ra trong Tuyên ngôn. Nó bao gồm 30 điều đã được xây dựng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia trong đó có những quyền quan trọng là:
– Quyền được sống, không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ.
– Quyền tự do và an toàn nhân thân, không bị bắt và bỏ tù vì các lý do không chính đáng.
– Quyền bình đẳng trước pháp luật, và coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật.
– Quyền tự do cá nhân bao gồm tự do di chuyển, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do lập hội và hội họp…
– Quyền tham gia chính trị bao gồm quyền tự do thành lập, theo hoặc không theo một đảng chính trị và các quyền ứng cử, bầu cử.
Nhưng theo ý kiến cá nhân, điều khoản thứ 30 và cũng là cuối cùng mới quan trọng, vì nó cảnh báo những suy diễn tùy tiện của các chế độ độc tài – trong đó Việt Nam là một trường hợp điển hình. Đó là :"Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản Tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản Tuyên ngôn này".
ELEANOR ROOSEVELT
Việc soạn thảo Hiến chương được giao cho một Ủy ban Biên tập bao gồm các thành viên từ 18 quốc gia và do bà Eleanor Roosevelt – phu nhân tổng thống Roosevelt làm chủ tịch. Chính bà Eleanor Roosevelt là động lực thúc đẩy việc thành lập Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
Khi trở thành với đệ nhất phu nhân vào năm 1933, bà Eleanor đã tham gia vào việc bảo vệ các vấn đề nhân quyền và công bằng xã hội, tiếp tục công việc bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ và người Mỹ gốc Phi, công nhân của thời đại khủng hoảng. Với sự thẳng thắn và can đảm, bà Eleanor đã công khai ủng hộ Marian Anderson khi vào năm 1939, người ca sĩ da đen bị cấm sử dụng Hội trường Hiến pháp của Washington vì màu da của cô. Eleanor sau đó đã sắp xếp để Marian Anderson biểu diễn trên bậc thềm của Đài tưởng niệm Lincoln, tạo ra một biểu tượng mạnh mẽ và bền bỉ về lòng can đảm cá nhân và khẳng định quyền con người.
Vì những đóng góp đó, năm 1946, Eleanor được Tổng thống Harry Truman bổ nhiệm làm đại biểu Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc và sau đó đưọc chỉ định đứng đầu Ủy ban Nhân quyền, bà đã giữ một vai trò quyết định trong việc xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền như chúng ta đã biết ngày hôm nay. Những câu nói của bà thực sự biểu tượng cho lòng can đảm và nghị lực đáng để chúng ta noi theo :
"Không ai có thể khiến bạn cảm thấy thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn".
"Hãy làm những gì bạn nghĩ cơ bản là đúng bởi vì dù sao bạn cũng sẽ bị chỉ trích. Bạn sẽ bị nguyền rủa nếu bạn làm điều đó, và bạn sẽ bị nguyền rủa nếu bạn không làm điều đó".
"HÀNH TRÌNH KHOA HỌC VÀ CON NGƯỜI"
Bị trục xuất cách đây 17 tháng và không còn điều kiện sống trong nước, tôi đã dành thời gian để thực hiện một dự án – đó là đến viếng di tích (tượng, hình ảnh, bút tích…) của các vĩ nhân của nhân loại và giới thiệu về công lao cũng như những suy nghĩ về họ. Đó có thể là các khoa học gia, các văn sĩ, họa sĩ… tóm lại đó là những người đã góp phần mình vào việc tô điểm ngôi nhà chung của thế giới. Những đóng góp của những bậc vĩ nhân ấy đều có một mục đích chung là phục vụ cho sự tiến hóa và hạnh phúc của con người.
Và chính vì lý do đó, tôi đã chọn để bắt đầu "hành trình" này bằng một nhân vật ý nghĩa và quan trọng nhất, đó chính là Eleanor Roosevelt, người mà 70 năm trước đã có công xây dựng nên bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Bức tượng của bà nằm trong một quần thể gồm có nhiều bức tượng khác nhau trong khu West Potomac Park của thủ đô Washington DC. Cũng như nhiều bức tượng khác của Mỹ, không rườm rà, cầu kỳ, tượng của bà Eleanor rất đơn giản và và nằm gọn vào một góc cùa công trình. Trên tường có khắc câu :"Một nền hòa bình của thế giới không thể kiến tạo từ công việc của một người, một đảng hay một quốc gia. Đó phải là một nền hòa bình dựa trên nỗ lực hợp tác của toàn thế giới".
Rất tiếc, trong "toàn thế giới" đó lại không có đất nước Việt Nam chúng ta.
Phạm Minh Hoàng
Không có nhận xét nào