Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

GIÁO DỤC MỚI VÀ CHUYỆN BIẾN ÍT THÀNH NHIỀU

GIÁO DỤC MỚI VÀ CHUYỆN BIẾN ÍT THÀNH NHIỀU Tối qua, tại Trung tâm văn hóa Pháp tôi có tham dự một buổi tọa đàm về “Giáo dục mới ở Việt Nam v...

GIÁO DỤC MỚI VÀ CHUYỆN BIẾN ÍT THÀNH NHIỀU

Tối qua, tại Trung tâm văn hóa Pháp tôi có tham dự một buổi tọa đàm về “Giáo dục mới ở Việt Nam và những nhà tiên phong”. Buổi tọa đàm đã chiếu phim tư liệu, công bố sách-kết quả nghiên cứu của dự án đến công chúng Hà Nội. Đây là một dự án có sự tham gia của nhiều người, nhiều tổ chức do TS. Nguyễn Thụy Phương hiện làm việc ở châu Âu chủ trì. 



Nội dung chính của dự án nói một cách ngắn gọn là lần tìm lại và phục dựng thực chứng sự hiện hữu của những người làm giáo dục ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của “giáo dục mới” ở Việt Nam những năm 1940. Họ là những người trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của các nhà giáo dục tiên tiến đang có ảnh hưởng lớn vào cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX như J. Piaget. J.Dewey… Đấy là những người Việt mà tên tuổi hầu như xa lạ với công chúng thậm chí là giới giáo dục học ở Việt Nam hiện nay: GS. Vĩnh Bang, bà Lê Thị Tuất, Đỗ Thị Xuân…

Người Việt hiện nay phần lớn đều không biết rằng ở Hà Nội đã từng có một ngôi trường dạy trẻ nhỏ theo các phương pháp được xây dựng dựa trên lý thuyết của J.Piaget. Và hãy nhớ lại một chi tiết sách của J.Piaget mới được dịch ra tiếng Việt cách nay mấy năm và số lượng rất hạn chế. Sách đã ít, người đọc còn ít hơn, đọc rồi hiểu được còn ít nữa. 

Lịch sử luôn là như thế. Lịch sử giáo dục không là ngoại lệ. Nó hiện ra như thế nào tùy thuộc vào mối quan tâm của chúng ta tới…hiện tại. Một nghịch lý đầy hợp lý. 

Thú thật, như đã thú nhận khi phát biểu tại chương trình, tôi tham gia với cảm giác ngượng ngập. Đơn giản vì chủ đề và nội dung nghiên cứu nằm  ngoài phạm vi chuyên môn của tôi. 

Nhưng buổi tọa đàm đã gợi cho tôi rất nhiều điều. 

Sự xuất hiện “ngoạn mục” của những  người làm giáo dục mới, sự tồn tại của ngôi trường kiểu mới, sự thăng tiến và vị trí học thuật khá ấn tượng của GS. Vĩnh Bang ở Thụy Sĩ sau này càng làm rõ một đặc điểm: Việt Nam là nơi có rất nhiều các ý tưởng mới cùng các cá nhân có khả năng học hỏi và không tồi về trí tuệ nhưng các ý tưởng đó không phát triển được rộng và sâu. 

Tôi chưa tìm hiểu kĩ và có lẽ phải hỏi TS. Nguyễn Thụy Phương xem GS. Vĩnh Bang và các cộng sự trong thời gian ở Việt Nam đã viết những công trình nào, những cuốn sách nào, sau này ông viết những gì và những cuốn sách đó tới đây có được dịch ra tiếng Việt không, nhưng tôi thấy việc các ý tưởng hay không được văn bản hóa và truyền bá là điều đáng tiếc. 

Nhìn vào lịch sử chúng ta sẽ thấy từ Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ qua Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh…đến ngày nay có biết bao ý tưởng hay nhưng ý tưởng đó hầu như chỉ tồn tại sôi nổi trong một nhóm rất nhỏ. Nó không lan rộng vào quần chúng và không được chuyển hóa, vật chất hóa thành các dạng khác như phong trào quần chúng, mô hình trường lớp, sản phẩm thương mại . 

Một ý tưởng hay về giáo dục (và có lẽ không chỉ là giáo dục) muốn tồn tại lâu bền, có hiệu quả lớn phải được thể hiện, thực thi, đem lại thành quả và lớn lên ở cả ba lĩnh vực. 
- Lý luận
- Thực tiễn
- Phong trào
Sẽ có rất ít những người có khả năng làm cả ba thứ đó một cách xuất sắc. Đấy là lý do cần đến sự đồng cảm và hợp tác. Mà đây lại là điểm yếu của người Việt khi phải làm những việc ngoài chiến chinh vệ quốc. 

Thất bại của những người đi trước ngoài lý do thời cuộc như đã từng được phân tích tại chương trình thì còn nằm ở chỗ gọi là “di sản lịch sử”. 

Giáo dục mới ở Nhật Bản phát triển sôi nổi mạnh mẽ trong những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX (trước Việt Nam tầm 20 năm) là nhờ vào một đội ngũ du học sinh lừng danh ở châu Âu. Họ trở về nước và hoạt động sôi nổi trong giáo dục. Họ trở thành các yếu nhân trong chính phủ, bộ trưởng bộ giáo dục, hiệu trưởng các trường đại học, sư phạm và giáo viên các trường phổ thông. Phong trào giáo dục mới ở Nhật gắn liền với phong trào tự do dân quyền cuối thời Minh Trị và phong trào “dân chủ Taiso”. Ở Việt Nam, nhiều người biết đến ngôi trường Tomoe Gakuen của thầy Kobayshi trong truyện “Tottochan bên cửa sổ” nhờ đọc sách. Đấy chính là một ngôi trường được xây dựng dựa trên nền tảng “giáo dục mới”. Ngôi trường ấy đã tồn tại trong thời gian khắc nghiệt nhất của nước Nhật. Nếu nhớ lại ta sẽ thấy thầy Kobayashi đã đến tận châu Âu để học hỏi về giáo dục mới và áp dụng vào ngôi trường của mình. 

So với Việt Nam, Nhật có rất nhiều thuận lợi với:
- Một nền độc lập vững chắc 
- Một nửa dân số biết chữ và ham đọc (sách bán triệu bản là thường dù là thế kỉ XIX)
- Xã hội đô thị và kinh tế công thương xác lập sớm tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo
- Kĩ nghệ in phát triển sớm và liên tục đổi mới
- Truyền thống thực dụng và kĩ trị
Còn chúng ta trong khi truyền bá cái mới khi đó phải đối mặt với:
- Sự cai trị của chính quốc
- 95% dân số mù chữ, trong số 5% có lẽ chỉ một hai phần trăm có khả năng đọc sách và thích đọc sách
- Đô thị ít và yếu
- Kĩ nghệ chưa phát triển
- Tư duy, lối sống nông nghiệp trì trệ, bảo thủ
- Nho giáo và khoa cử
- Công nghệ in xuất hệ muộn (có sách nói VN chỉ biết khắc ván in sách từ thế kỉ 14, 15, nghĩa là khá muộn)
...

Truyền bá cái hay cái đẹp nhất là truyền bá tư tưởng học thuật trong hoàn cảnh đa số dân chúng mù chữ và không có thói quen đọc sách là một trở ngại chí mạng. Truyền bá học thuật cần đến tính chất hệ thống, chính xác, nhất quán… nên việc văn bản hóa nó là sống còn. Dùng phương thức truyền bá cũ thông qua văn thơ truyền miệng hay kể lại làm yếu đi sức mạnh của ý tưởng. 

Rất nhiều anh hùng nước Nam ngàn năm ôm hận vì điều đó. 

Những sớ tấu của Nguyễn Trường Tộ có bao nhiêu người đọc, bao nhiêu người có khả năng đọc, có bao nhiêu người hiểu?

Ngay cả cụ Phan Chu Trinh, một người không ai dám nghi ngờ về tư cách yêu nước và nhân cách, cũng gặp khó khăn khi lan truyền ý tưởng của mình vì lúc đó bao nhiêu người đọc được chữ Hán (cụ viết chữ Hán cũng nhiều), bao nhiêu người đọc được quốc ngữ?

Và làm cách nào để in, truyền bá những gì các cụ viết đến đại chúng?

Từ “số ít đến số nhiều”, từ “tinh hoa” đến đại chúng là một quãng đường mênh mông và chông gai. Một đặc điểm cố hữu tồn tại dai dẳng ở Việt Nam. 

Muốn thúc đẩy văn minh, chúng ta không thể nào không suy ngẫm và từng bước rút ngắn quãng đường ấy.

Nguyễn Quốc Vương

Không có nhận xét nào