GIÁO DỤC VỀ CÁC GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỰ DO Chúng ta thường không chắc chắn về tương lai phía trước, mặc dù biết rất rõ những gì đã xảy ra trong qu...
GIÁO DỤC VỀ CÁC GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỰ DO
Chúng ta thường không chắc chắn về tương lai phía trước, mặc dù biết rất rõ những gì đã xảy ra trong quá khứ cũng như những vấn đề đang tiếp diễn mà ta phải đối mặt ở hiện tại. Tuy nhiên, cái chúng ta học hỏi được từ những gì đã trải qua là quá ít ỏi, đôi khi là không được chút nào cả, vì cái sự biến chuyển của những hệ giá trị cho đến nay đã là quá nhanh chóng và ở mức độ lớn chưa từng có.
Việc giáo dục cũng rơi vào một tình cảnh tương tự như vậy, được hiểu theo nghĩa rằng, các ngôi trường sẽ không thể nào lập kế hoạch cho những người học và có thể giúp cho người học thấy được chắc chắn cái mà mình sẽ đạt được hay nơi mà mình sẽ trải qua sau khi rời khỏi các quá trình giáo dục tại trường lớp. Nhưng các ngôi trường thường vẫn luôn tự tin rằng họ sẽ làm được những điều đó, một cách gần như không cần phải tìm ra lý do nào để phản bác, bởi những thành công từ những tấm gương tiêu biểu được vinh danh nào đó có xuất thân từ ngôi trường này.
Điều đó tạo ra sự ngộ nhận về chất lượng đào tạo và đem tới tâm lý phân biệt giữa các môi trường và kết quả giáo dục, mà nó khiến cho những người dự tính theo học sẽ nhận thức rằng trải qua quá trình đào tạo ở ngôi trường đó sẽ tạo ra thành công (có vẻ như chắc chắn) trong tương lai cho mình. Nên nhớ rằng không một ngôi trường hay môi trường lẫn nhân sự giáo dục nào là đóng kín và cố định một chỗ hay mọi lúc. Mà nó sẽ được luân chuyển, huy động, liên kết trong bất kể thời gian và mục đích giáo dục nào có liên quan. Chính vì vậy, không thể đưa ra vấn đề của con người cụ thể, nhất là ở thì tương lai, để đánh giá hay nhận định về một môi trường hay phương pháp giáo dục, nơi mà con người cụ thể được lấy làm ví dụ điển hình đó đã thụ hưởng và trải qua.
Nếu việc học của một con người là một trải nghiệm xã hội và thích ứng với hoàn cảnh, thì cái mà nó nhắm đến việc trao cho người học chính là nhằm tạo nên những con người với đầy đủ tri thức và đạo đức để sống chung trong những phạm vi được vạch định sẵn, nhưng không thể rõ ràng cho những vấn đề của tương lai, cũng chưa thể chắc chắn về những gì mà người học có thể đảm bảo làm tốt nhất mục tiêu đó trong ngay chính ngôi trường mà họ đang theo học. Nhưng chính việc đưa ra kỷ luật để hướng những người học đến những hệ quả (như một biện pháp chế tài để cách ly hoặc tước bỏ một quyền năng hay lợi ích nào đó) từ việc không tuân thủ theo các nguyên tắc, quy chế nơi mà cộng đồng họ đang tham gia vào sẽ khiến cho họ thấy hoài nghi và thậm chí bị ác cảm về môi trường giáo dục, và tiếp sau đó là xã hội. Vì một phần lớn trong các mục đích quan trọng của giáo dục chính là giáo dục sự tự do của con người.
Vậy thì cái mà kỷ luật đem lại không hẳn mấy tác dụng và không thể coi đó là biện pháp lâu dài để đạt mục đích giáo huấn hay cải thiện các tố chất, cá tính cá nhân người học. Các nội dung ở trường học là sự hoà nhập, tương tác giữa những nhân cách duy biệt, nên nếu không có các cách giáo dục (bao gồm nội dung và phương pháp) chuyên biệt thì sẽ đều trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra sự xâm phạm và các hậu quả tiêu cực cho người bị coi là một ngoại lệ của các quy chế và tập thể.
Thực ra, sự ngoại lệ của tính cách hay các phản ứng cá nhân thuộc về tâm lý, và cái mà các nhà giáo dục bắt buộc phải quan tâm chính là cái thuộc về tâm lý của từng người học, mà cũng vì thế mà các ngôi trường không thể làm tốt được điều này và sẽ không thể có các biện pháp thoả đáng trong quá trình giáo dục và tương tác với đứa trẻ một khi không thông qua sự liên kết với gia đình của chính đứa trẻ, bên cạnh đó là các tổ chức, cơ quan chuyên môn về tâm, sinh lý, y học để thấu hiểu được các nguồn cơn của những sự việc diễn ra đối với những đứa trẻ mà hệ thống giáo dục cho rằng chúng đang có vấn đề.
Kỷ luật thường sẽ có giá trị đưa vào khuôn khổ đối với những người đã đi vào giai đoạn trưởng thành nhất trong tuổi vị thành niên (ví dụ như ở giai đoạn từ 14 đến 18 tuổi). Lúc này, những đứa trẻ đã hoàn thiện khá nhiều mặt về nhận thức và cũng đã được giáo dục về những kỹ năng, nhận thức cơ bản để đáp ứng được sự hoà nhập với cộng đồng xung quanh. Nếu tìm các biện pháp kỷ luật đối với những đứa trẻ ở những lứa tuổi thấp hơn, như dưới 10 tuổi, thì sẽ gây ra những tổn thương tâm lý nghiêm trọng và lâu dài, khiến cho những đứa trẻ còn chưa nhận thức hay phân biệt được các điều phải - trái , đúng - sai, tốt - xấu thì đã phải nhận lấy những hành động tấn công từ phía người khác khiến chúng chỉ còn nỗi hoảng sợ và kinh hãi.
Trước khi có thể đưa đến các hành động kỷ luật trong giáo dục, nhưng đương nhiên là không thể đánh đồng với các biện pháp trừng phạt, phải chuẩn bị đầy đủ tất cả những kiến thức về các vấn đề tâm sinh lý, những sự liên hệ và tương tác chủ động với những ngoại lệ của từng thành viên, và cần chuẩn bị trước cho người học những vấn đề của kỷ luật như là một biện pháp ngoại biên của giáo dục. Nhưng kỷ luật được hiểu là một sự nâng đỡ, cải thiện hơn là một sự loại trừ và xâm phạm vào các quyền cơ bản của người học.
Cái Khả Thể
Không có nhận xét nào