Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

GIÁO DỤC ĐÃ XOÁ BỎ CÁI BẢN THỂ CÁ NHÂN

GIÁO DỤC ĐÃ XOÁ BỎ CÁI BẢN THỂ CÁ NHÂN Nếu ngay từ đầu chúng ta đã có thể xác quyết rõ ràng với nhau một điều là, mỗi cá thể ngay từ khi sin...

GIÁO DỤC ĐÃ XOÁ BỎ CÁI BẢN THỂ CÁ NHÂN

Nếu ngay từ đầu chúng ta đã có thể xác quyết rõ ràng với nhau một điều là, mỗi cá thể ngay từ khi sinh ra đã là một bản thể duy biệt, ít nhất là từ mặt hình thức bề ngoài cho đến cả các tính cách bên trong, thì chúng ta sẽ không còn phải vất vả để tìm các phương cách giáo dục để cố gắng làm cho những đứa trẻ trở nên đồng nhất một cách toàn bộ, hoặc để mô tả chính xác hơn thì đó là sự tương cận nhau về mặt tâm tính đến mức gần như không thể nhận ra sự khác biệt của chúng vào một tình cảnh nào đó.

Sự duy biệt trong cái riêng nó của mỗi cá nhân thể hiện ngay từ nguồn gốc sinh ra, môi trường sinh tồn, huyết thống, mối quan hệ cộng đồng bị ràng buộc bởi các tập tục, ý thức hệ. Và cái nôi để khai mở trí óc đầu tiên đối với một đứa trẻ chính là gia đình và những người trực tiếp chăm dưỡng đứa trẻ chứ không phải các ngôi trường nhận chức trách giáo dục. Chức phận của giáo dục chính là xã hội hoá các tính cách và làm cho chúng trở nên sáng tỏ đối với những đứa trẻ được nhận vào trường học. Nhưng tính xã hội hoá trong giáo dục không phải với mục đích biến những con người vốn đã rất khác nhau trở thành những thể nhân sẽ có những phẩm chất tương tự, ngay cả việc lựa chọn hành vi cho các hành xử đời thường hoặc trước các sự kiện nào đó diễn ra trước mắt chúng.

Việc truyền thụ tri thức với cấp độ phân hoá và phức tạp ngày càng tăng lên, phụ thuộc vào độ tuổi trưởng thành của đứa trẻ và cũng phụ thuộc vào khả năng nhận thức thực sự của từng đối tượng này. Việc để cho đứa trẻ có thể tự do với các tiềm năng ẩn chứa trong mình và đồng thời với việc giáo dục đạo đức (đương nhiên là cả luật pháp cơ bản nhất) cho đứa trẻ quan trọng hơn cả những việc giáo dục tri thức có tính chuyên môn, vì nó không cần thiết và không phù hợp với lứa tuổi này.

Ở cấp tiểu học, việc học được diễn ra một cách tổng quát về con người và những hệ thống giá trị bảo vệ con người, đặc biệt là việc bảo hộ cho những đứa trẻ khỏi các sự xâm hại chính ngay từ những người giáo dục, mà với những người này thường có một tâm trí luôn muốn mọi việc được giải quyết nhanh chóng và học sinh thì phải tỏ ra biết vâng lời để hoàn thành các bài giảng đã được giáo viên đề ra. Và một khi không thể thay đổi ngay lập tức hiệu quả các lời truyền đạt của mình đối với người được nhận sự giáo dục, chính giáo viên lại là người có xu hướng vượt quá các phạm vi của mình để đưa ra một sự cưỡng đoạt nào đó và áp lên học sinh để tìm lấy một kết quả thoả mãn nào đó.

Giáo dục chính là một hành động và thai tác có tính xã hội hoá lên từng cá thể, nhưng nó thường bị nhầm lẫn một cách tai hại rằng, giáo dục là để cho chúng trở nên dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh dù hoàn cảnh đó có thế nào đi nữa và phải hoà hợp được với những con người xung quanh, trước mắt và hiện tại chính là những bạn bè của chúng, những nhân tố cũng đang bị một mục đích như thế định hướng lên toàn bộ hành trình nhận sự giáo dục của mình. Xac hội hoá nhận thức cá nhân không đồng nghĩa là để xoá bỏ đi cái đặc tính riêng có hay duy biệt của những con người, khiến cho chúng trở nên tương đồng nhau nhiều nhất thì sẽ trở nên hài hoà trong việc chung sống.

Mục đích của tư duy và nhận thức chính là để mỗi cá thể có thể tự nhận ra bản thân mình, có thể làm gì và có thể hành động trong khả năng nào để làm chủ chính mình và hoàn cảnh. Do vậy, việc đồng dạng hoá các mưu cầu và nhận thức nhằm hòng xác lập một sự trật tự dễ kiểm soát nhất đối với giáo dục lại chính là một hành vi phản giáo dục nhất mà người ta hay phạm vào, nhưng không mấy khi người ta thực tâm nhận ra và rồi sửa sai cho điều đó, thậm chí còn tiếp tay một cách mạnh bạo hơn nữa bằng đủ các biện pháp, thủ thuật ngày càng tăng hơn về mức độ cưỡng buộc của nó.

Giáo dục có nhiệm vụ để khơi dậy tất cả những tiềm năng trong con người, mỗi một tiềm năng được khai phá đều có giá trị và phải được ứng dụng vào trong cuộc sống, điều đó khiến cho hệ thống giáo dục không được phân hoá học sinh bằng cách chấm điểm và các cuộc thi thứ bậc. Bởi vậy, mỗi nhân tố phải được dành riêng cho sự tôn trọng đúng mực và phải được nhìn nhận bằng kết quả của các hành động thực tế từ chính họ, mà kết quả thực sự nhiều khi chỉ được tìm thấy sau rất nhiều năm kể từ khi không còn học tập tại các ngôi trường nữa. Và nếu ngược lại, tức rằng giáo dục để phân hạng các loại học sinh theo những cuộc thi trên giấy, thì cần phải thẳng tay xếp thứ đó vào ngăn tủ của những thứ vô bổ hoặc là dành cho những kẻ giáo điều thích thú với việc phô trương danh hão thì có giá trị hơn.

Giáo dục ở thời đại này đang mắc phải vào một sai lầm chết người là, nó không cố để gỡ bỏ con người khỏi những rắc rối và các vấn đề nó phải đối mặt, mà tìm cách không cho các vấn đề đó được nhìn thấy và giải quyết bởi những người học. Nó cũng đồng thời đặt tất cả các học sinh vào trong một trạng thái gần như không còn nhận ra cái tốt của sự khác biệt, mà nó trở thành cái tiêu biểu của những thứ xấu xa và hư hỏng, chỉ bởi các nhân tố nhận sự giáo dục đã được đồng dạng hoá không chỉ về mặt hình dạng bề ngoài mà còn là tâm thức trong các hành xử. Nó không dung chứa cái duy biệt của mỗi cá thể, nó phủ nhận hoàn toàn cái đặc tính này ở từng cá nhân, và do vậy, nó đã khiến cho bất cứ cá nhân nào cũng không còn quan tâm, mà thường là sợ hãi, đến cái bản thể của mình mà để tâm xem cái xung quanh như thế nào để biến mình về gần nhất với cái thù hình của tập thể đang hiện diện.

Những hiện tượng giáo dục đó thực ra rất phổ biến ở những xã hội độc tài, và mỗi nhà giáo lúc này cũng như những học sinh, gần như đã xoá bỏ cái bản thể của bản thân để truyền thụ cái bản thể của quyền uy từ những kẻ có quyền lực cao hơn xuống những tầng dưới thấp hơn. Nhà giáo lúc này chỉ đơn giản là những người trung gian chuyển tin hoặc là các thợ rèn đúc những thành phẩm theo khuôn đã được bày biện sẵn ra mà thôi.

Cái Khả Thể




Không có nhận xét nào