Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HỆ QUẢ CỦA GIÁO DỤC TRỪNG PHẠT

HỆ QUẢ CỦA GIÁO DỤC TRỪNG PHẠT Chúng ta có thể nhìn thấy bức ảnh này là một minh chứng cho thói bạo lực đi quá mọi sự giới hạn của luật lý ...

HỆ QUẢ CỦA GIÁO DỤC TRỪNG PHẠT

Chúng ta có thể nhìn thấy bức ảnh này là một minh chứng cho thói bạo lực đi quá mọi sự giới hạn của luật lý chỉ vì chúng đã dựa trên lối giáo dục trừng phạt thường được chấp nhận và sử dụng như một biện pháp để thiết lập nên sự trật tự và kỷ luật và từ đó kéo theo sự thần phục của người học đối với tập thể cũng như nhà trường nơi thi hành triệt để chúng.

Và nếu theo đúng tuần tự mà các hình phạt đó có thể được tái vận dụng, nó sẽ được luân chuyển đến những cá nhân khác nếu vi phạm, tuỳ vào mức độ mà người vi phạm vào quy chế (thực ra có tính tuỳ tiện theo đánh giá của giáo viên), nhưng nó sẽ không là ngoại lệ với bất cứ cá nhân nào đặt dưới sự quản lý trực tiếp của người dạy. Và lúc này, sẽ xảy ra một tình trạng là không một người học nào để tâm đến bài giảng và chúng chẳng còn muốn phát biểu điều gì trái với cái mong cầu của giáo viên (dù được đoán nhận ra hoặc là được gợi ý trước hay là bởi một sự dặn dò có chủ đích), thậm chí chúng cũng không thể tự nói với nhau về tâm tư của mình vì chúng sợ bị báo cáo tới rồi bị trừng phạt. Mỗi đứa trẻ lại trở thành tai mắt của giáo viên theo một cách khác nhau và cũng đồng thời là một kẻ nịnh bợ đến mức trắng trợn. Lẽ công bằng và điều đúng đắn trong con mắt của chúng không nằm trong các bài học trong nội dung giáo dục mà là phụ thuộc vào nơi mà người dạy đặt ra.

Lớp học, với một tình cảnh khốc liệt như thế, sẽ không còn là lớp học nữa, khi đó nó chỉ có mục đích đơn giản nhất là huấn luyện cho những đứa trẻ trở nên biết vâng lời, tuân thủ thuần thục các thứ kỷ luật của nhà trường mà giáo viên là một thẩm phán. Trong rất nhiều trường hợp thì chính những đứa trẻ lại là người thi hành mệnh lệnh trừng phạt lên các bạn của mình. Đây chỉ là một hệ quả của lối giáo dục dùng các sự trừng phạt để giải quyết các vấn đề của phương pháp giáo dục nhằm làm sao nhanh chóng nhồi nhét cho đủ lượng chương trình được soạn sẵn thành giáo án. Bởi giáo viên lúc này sẽ không cần phải dùng chính những bàn tay của mình để trút lên thân thể những người học, mà chỉ cần ra lệnh cho những đứa trẻ trong lớp để coi đó như là một bài học trực tiếp không chỉ cho người bị trừng phạt mà còn cho cả người đang tuân thủ một cách triệt để các mệnh lệnh đó.

Giáo viên lúc này cũng quan tâm hơn là các sự trật tự có thể có được trong suốt các giờ học hay không, chứ không quá bận tâm về hiệu quả của các bài giảng và nội dung thực sự của giáo dục mà đó vốn là cái trọng tâm của việc truyền đạt tri thức tới những đứa trẻ. Và cũng nghiêm trọng hơn, trừng phạt lúc này lại trở thành một thể dạng giáo dục được nhắc đến đầu tiên trước tất cả những bài học khác sẽ được giảng dạy trong ngôi trường này. Nó sẽ coi việc tuân thủ kỷ luật chính là một nội dung ưu tiên và cần phải đạt được ở người học trong mọi trường hợp cũng như trong mọi hoàn cảnh.

Tất nhiên rằng, điều đó đã để lại những di hoạ vô cùng lớn cho con người và xã hội, đó là nó tạo nên những tâm lý rụt rè, đầy sợ hãi và nỗi bất an, thường trực tâm lý đề phòng và dối trá, chúng lo sợ về hậu quả mà chúng sẽ phải gánh lấy từ ngay chính những đồng bạn của mình, vì những người đó cũng sẽ tuân thủ nhất nhất mệnh lệnh của giáo viên chứ không phải cân nhắc về việc đó là đúng hay sai và người bị trừng phạt có cần được bảo vệ hay không. Cũng vì thế mà các cách giải quyết của chúng được đưa ra làm lựa chọn ưu tiên đó là sự trừng phạt đối với những người mà chúng cho rằng không thể cải tạo được.

Và điều này sẽ dẫn đến một tình trạng chắc chắn sẽ xảy đến trong tương lai khi chúng trưởng thành, đó là chúng luôn tự xác lập vị trí thấp kém của mình trước người khác. Và chúng sẽ luôn chuẩn bị trở thành một con người chấp nhận mọi bất công tồn tại dưới dạng kỷ luật và nguyên tắc của tổ chức nơi mà chúng tham gia vào. Chúng sẽ tuân thủ các loại luật lệ ràng buộc mà hiếm khi có sự phản ánh hoặc nêu lên quan điểm của mình chứ đừng đòi hỏi tới ở chúng một khả năng phản kháng. Việc dối trá trở thành một thói quen không còn phải được cân nhắc trong bất kể tình huống nào. Nhưng có một điều nghịch lý là, những kiểu người nhận sự giáo dục như vậy, mặc dù thực sự là những người tỏ ra rất an phận và biết tuân phục, nhưng với những người có vị trí dưới chúng thì chúng đặc biệt thích thể hiện khả năng quyền uy và theo đó là tự mình ra tay trừng phạt những con người không may mắn đó.

Vậy thì, chúng ta không thể giáo dục những đứa trẻ một sự biết tuân thủ các thứ nguyên tắc và chịu sự trừng phạt để đạt được sự kỷ luật theo mong muốn quản lý của nhà trường hay hệ thống giáo dục, vì đó là sự trật tự có tính nô dịch và không có tính bền vững do sự sản sinh ra những con người không ngần ngại xâm hại người khác để đạt được mục đích trật tự. Ngược lại, một khi chúng ta có thể giáo dục về những giá trị và phạm vi bất khả xâm phạm của sự tự do, chúng ta sẽ tạo ra được những thế hệ mà ngay từ khi nhận được sự giáo dục, chúng đã có thể tự chủ để (cùng những người khác có cùng một trạng thái giáo dục như thế) thiết định nên các sự (nền tảng) trật tự vững chãi (nhưng có xu hướng cải thiện tốt hơn lên theo thời gian) mà chỉ dựa trên sự tôn trọng chứ không phải cần đến các biện pháp kỷ luật nào.

Cái Khả Thể



Không có nhận xét nào