ĐỊA CHÍNH TRỊ? Tôi cầm bút vẽ lại ko chỉ Phi châu mà cả VN lẫn châu Âu với bán đảo Scandinavie giống y hệt trước mắt thày, lúc ấy thày mới t...
ĐỊA CHÍNH TRỊ?
Tôi cầm bút vẽ lại ko chỉ Phi châu mà cả VN lẫn châu Âu với bán đảo Scandinavie giống y hệt trước mắt thày, lúc ấy thày mới tin bản đồ trong bài thi của tôi ko hề quay cóp.
Đó là thày Nghi dạy địa lớp 9B tôi. Hơn cả đẹp trai thày còn có lối giảng bài rất tuyệt. Hay đến nỗi 46 năm qua mà những câu chuyện ko có trong sách giáo khoa thày kể về chuột túi Úc châu ngộ nghĩnh, gấu trắng Bắc cực cực tham ăn hay con lười quá lười và dòng sông Amazon kỳ thú Mỹ châu... vẫn còn in đậm mãi trong tôi.
Có lẽ nhờ vậy mà hồi đại học, trong khi các sinh viên khác chẳng mấy ai chú ý đến một môn phụ là "Địa kinh tế" thì tôi lại rất mê. Thậm chí nếu phải làm luận án tiến sỹ hẳn tôi sẽ chọn đề tài thuộc môn này.
ĐỊA KINH TẾ trao cho ta phương pháp nghiên cứu thông qua phân tích, tổng hợp, diễn giải, quy nạp... các dữ liệu địa lý, nhân văn... để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế cho bất kỳ vùng lãnh thổ nào từ xã huyện tỉnh, quốc gia, thậm chí châu lục một cách đúng đắn nhất.
Nó chỉ cho ta cách dựa vào tiềm năng từ khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên thiên nhiên đến phong tục tập quán, trình độ nghề nghiệp của cư dân... để định hướng phát triển vùng lãnh thổ vừa hiệu quả kinh tế lại có tầm cao, chiều sâu văn hóa.
Điều đầu tiên người lãnh đạo cần làm hẳn nhiên phải là tìm hiểu lịch sử, văn hóa... nơi mình lãnh đạo. Nhưng để giúp kinh tế nơi đó phát triển thì phải biết các đặc điểm "địa kinh tế" tương đồng, dị biệt tốt, xấu... trong so sánh với các nơi khác mới ngõ hầu phát huy thế mạnh vùng mình vượt lên cạnh tranh khốc liệt để phát triển kinh tế vùng hiệu quả một cách bền vững nhất.
Giờ đây, lũ a dua a tòng cứ lải nhải "ĐỊA CHÍNH TRỊ" mà hầu như chẳng hiểu địa chính trị là gì? Càng ko hiểu, vì sao địa chính trị ko thể tách rời cái nôi Địa kinh tế của nó?
Về học thuật, Địa chính trị là môn nghiên cứu các điều kiện địa lý sẽ ảnh hưởng đến chính trị của quốc gia nào đó thế nào? Sự cận, viễn của quốc gia này với quốc gia khác có hệ lụy ra sao? Trên cơ sở vị trí địa lý gần, xa ai, giàu nghèo, mạnh yếu, văn minh, hay độc tài... để có quyết sách chính trị, ngoại giao sao cho có lợi cho quốc gia mình nhất...
Nhưng xét cho cùng, chỉ khi có hậu thuẫn kinh tế vững mạnh mới có vị thế địa chính trị trên trường quốc tế.
Nôm na vài ví dụ cho dễ hiểu.
Những năm 1939, 40 nước Nhật có diện tích chỉ 377 ngàn km2 với dân số chừng 50 triệu mà không chỉ thống trị một Trung quốc gần 10 triệu km2 với 500 triệu dân mà, họ còn chiếm đóng hầu hết các nước châu Á mênh mông cả tỷ người. Lúc ấy, xét theo địa chính trị, ko chỉ VN mà ngay cả TQ to vật cũng chả là cái đinh rỉ gì trên bản đồ thế giới.
Đến nay cũng thế.
Một nước Nhật nhỏ vẫn chẳng ngán ngại một TQ to.
Trong khi ấy, ko kể VN, ngay cả Ấn độ hay Nga cực to vẫn luôn phải quan ngại TQ? Ấy là bởi kinh tế của họ èo uột ko đủ sức làm giá đỡ chắc chắn cho chính trị, quân sự, ngoại giao...
Ví dụ nữa.
Suốt thế kỷ 20, nói như đại văn hào Lỗ Tấn, TQ chỉ là một "bệnh phu" bạc nhược, hèn mọn vì nghèo đói. Tận năm 1979, Đặng Tiểu Bình còn phải xua 60 vạn quân sang đánh VN để nịnh Mỹ. Thế mà sang thế kỷ 21, tay nhà giàu mới nổi TQ mới dư dả tý tiền bạc lập tức muốn nhảy lên đầu các nước kể cả Mỹ bằng những chương trình rất kêu như "chuỗi ngọc thái bình dương" hay "một vành đai, một con đường" xuyên khắp thế giới; và họ dùng ngay cái "con đường" tơ lụa ấy để thắt cổ mấy nước nghèo có đám quan quyền ham món phần trăm lại quả của đầu tư TQ.
Địa kinh tế quyết định vị thế Địa chính trị là hẳn nhiên ai cũng cần hiểu.
Vậy, phân tích "địa kinh tế" VN ta thấy gì? Có thế mạnh nào? Cần định hướng ra sao?
1 - So với thế giới
VN có "lợi thế" là rừng vàng... đã phá gần hết. Tài nguyên thiên nhiên lắm... nhưng vụn vặt và đã bị đào xới vô tội vạ! Biển ko những ô nhiễm mà còn bị TQ chèn lấn. Gần đây có thêm "lợi thế nghèo đói" mà ngài bộ trưởng TTTT mới khai quật.
Tôi cố nghĩ, cố tìm kiếm lựa chọn muốn ngất mới ra vài lợi thế "địa kinh tế" cỡ đó?!
Buồn thay!
Mấy chục năm từ "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng..." của đại hội III sang "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý..." của đại hội IV đều nghịch với thiên thời địa lợi nên đã dìm VN chìm trong nghèo đói đến tận cuối thế kỷ 20.
Thế kỷ 21 thì sao?
Nhà máy nấu, cán các loại thép tạp nhạp đầy ô nhiễm mở lung tung trong khi một số ngành luyện kim theo đúng nghĩa luyện kim ko tốn nhiều đất, nước... mà có giá trị cao nhờ vào nguồn đất hiếm, khoáng vật đặc thù VN mà thế giới ít có thì ko ai chú ý?
Chưa có một đề xuất định hướng kinh tế nào dựa trên cho sản phẩm riêng có của nông ngư lâm nghiệp, du lịch, công nghệ. Chẳng ai đủ sức nhìn ra VN nằm ở vị trí huyết mạch thông thương Đông Tây nếu có một thể chế dân chủ phù hợp thì VN mới hòa được vào dòng chảy thế giới, mới có cơ nhờ lợi thế ấy mà dương danh trên trường quốc tế.
Ấy thế mà, họ cứ để các cơ hội ấy chảy khỏi SG hòn ngọc viễn đông rồi tụ về giúp Singapo, Thái lan nghèo nàn thành giàu có.
2- Tầm nội bộ quốc gia.
Dựa vào "địa kinh tế" lên kế hoạch phát triển tối ưu cho từng tỉnh, cụm tỉnh thế nào cũng hầu như chẳng ai lưu tâm ngoài vài câu sáo rỗng "trồng cây gì? Nuôi con gì?" mà dân gian chế diễu biến thành "trồng cây á phiện, nuôi con cave".
Vậy mới có chuyện bỏ qua mọi lời khuyên can. Trung ương quyết chọn Dung quất heo hút xa nguồn nguyên liệu, xa thị trường tiêu thụ để xây nhà máy lọc dầu. Cuối cùng, chưa kể ảnh hưởng của thiếu con người có truyền thống công nghiệp, thiếu kinh nghiệm công nghệ... chỉ riêng phí vận chuyển đi, về đẩy giá sản phẩm vọt lên đã đặt nhà máy trước ngưỡng phá sản mất hàng tỷ đô la vô ích.
Ngoài ra, Boxit Tây nguyên, thủy điện, nhiệt điện, nhà máy nọ kia toàn ngàn tỷ đầu tư tràn lan rồi bỏ ko... đều là kết quả của "địa chính trị" mất gốc "địa kinh tế".
Mới nhất, thủ tướng đến tỉnh nào cũng hô hào nơi đây phải là "hòn ngọc, là kim cương, là đầu tàu, mũi nhọn..." mà ko ai biết, đầu tàu hay mũi nhọn... của tỉnh ấy là nghề nào, nghiệp nào?
... ...
Chợt nhớ tiếu lâm thời 1980. Khối SEV (Cộng đồng kinh tế các nước xhcn) dựa trên phân tích Địa kinh tế khối phân công nhiệm vụ các nước như sau:
Liên xô mạnh về hạt nhân nguyên tử phụ trách mảng sản xuất vũ khí và công nghiệp vũ trụ. Đức có truyền thống thợ cơ khí giỏi được giao phát triển ngành chế tạo máy cơ khí, ô tô... Cuba mạnh về mía thì lo công nghiệp mía đường, Bungari mạnh về hoa hồng cho sản xuất nước hoa...
Riêng VN, nghĩ mãi mà ko ra nó giỏi cái gì?mạnh cái gì?
Cuối cùng, dựa vào "năng khiếu" khối SEP giao VN chuyên sản xuất... Nghị quyết.
Nay khối SEP đã tan nhưng truyền thống vẫn còn.
Trộm nghĩ, VN ta nên xin Liên hợp quốc giao nhiệm vụ chuyên soạn thảo nghị quyết cho cả thế giới là tốt nhất.
Khi ấy, các nước nhờ VN mà ko phải vắt óc soạn thảo, dành sức lực cho tư duy sáng tạo công nghệ, sx nhiều máy bay tàu bò hơn. Còn VN cũng nhờ đó mà bỗng nhiên "Địa chính trị" được nâng tầm thành cường quốc về Nghị quyết.
Kao Phú
Không có nhận xét nào