KHÔNG CẦN PHẢI TRANH CÃI VỚI AI Có một điều rất đáng tiếc là các nhà sử học khi tìm hiểu về “cụ Hồ” đã bỏ qua một thứ tư liệu rất chính gố...
KHÔNG CẦN PHẢI TRANH CÃI VỚI AI
Có một điều rất đáng tiếc là các nhà sử học khi tìm hiểu về “cụ Hồ” đã bỏ qua một thứ tư liệu rất chính gốc, rất bộc lộ, rất chân thực do chính đương sự là tác giả.
Đó là ý nghĩa của những biệt hiệu hay những tên giả mà chính “cụ Hồ” đã tự đặt cho mình qua từng giai đoạn mưu tìm con đường hoạt động, lúc thiếu thời, khao khát tìm cách tiến thân, tìm đường hoạt động chính trị. Có những cái tên theo tiếng nước ngoài khá ngộ nghĩnh! Nhưng đáng chú ý là từ khi tự đổi tên là Tất Thành (1911) (với khát vọng khiêm tốn là sẽ là kẻ thành đạt…), rồi cho tới, sau này thì bỏ hẳn họ Nguyễn, để thay đổi, lấy lại họ gốc là họ Hồ, và chọn cái tên cực kỳ kiêu sa, coi mình là bậc Chí Minh! (1945).
Nói chung là với cả trăm tên giả thường là rất tiêu biểu tâm thức như thế đã phản ánh một cách chân thực, những bước chuyển biến trong đầu óc của “ông cụ”. Mỗi lần thay tên, đổi họ là một bước, có ý nghĩa trong hành trình vươn lên, đi tới để trở thành lãnh tụ. Đấy là quá trình diễn biến của sự hình thành một cuồng vọng.
Phải phân tích cặn kẽ từng cái biệt danh ấy như là một dấu hiệu tâm lý chính trị, từ lúc chỉ mong có cơ hội thành đạt, cho tới lúc quyết tâm, bằng mọi giá, mọi cách, để đạt tới tột đỉnh của quyền lực như là một ông vua (Vương), là một người yêu nước chân chính (Ái Quốc), là một lãnh tụ thông minh bậc nhất trong thiên hạ (Chí Minh)!
Thật ra thì trong xã hội phong kiến, những danh hiệu ấy chỉ có thể là do người đời phong tặng cho những nhân vật lịch sử mà được người đời sau công nhận là xuất sắc, là xứng đáng mang những danh hiệu ấy. Nhưng đây lại là do chính đương sự ngay trong hiện tại đầy vấp váp, mà đã tự mình tặng cho chính mình!
Một nhà túc nho, một người trí thức có đầu óc tỉnh táo, có liêm sỉ, một bộ não minh triết thì không bao giờ dám tự ý xưng mình là “Vương”, là “Ái Quốc”, là “Chí Minh”… như thế. Thật khó mà giải thích một kẻ tự coi minh là “ông vua”, là bậc “quân tử” siêu phàm, mà lại có hoài bão làm một nhà cách mạng, một chiến sỹ vô sản, một người cộng sản!
Sự công khai tự tôn vinh mình lên một cách quá trớn như thế cũng không phải là thái độ của một bậc chí nhân, chí thánh…! Đây chỉ là những biểu hiện của một thứ sở cuồng lộ liễu, lỗ mãng, một thứ bệnh tâm thần đam mê đến mất thăng bằng về mặt lí trí, liêm sỉ, đạo lý… Khi tự xưng tụng mình một cách thượng đỉnh, tối cao như thế thì chỉ có thể là vì đã quá khao khát danh vọng. Đấy rõ ràng là một khát khao hành động của một cuồng vọng.
Ngoài ra còn có thể tìm hiểu nội tâm, chí hướng của nhân vật lịch sử này qua một công trình phân tích mang tính PHÂN TÂM HỌC của từng chữ, từng câu mang nặng một khát vọng trong hai tập sách tuyên truyền “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” và “Vừa đi đường vừa kể chuyện” để thấy rõ từng bước chuyển biến tâm lý. Từ lúc chỉ mong được nhận vào học Trường Thuộc Địa của “mẫu quốc Pháp” với hi vọng được ra làm quan, cho tới lúc quyết tâm trở thành một lãnh tụ cách mạng. Nhờ những phát tiết lỗ mãng của cuồng vọng như thế, mà “ông cụ” đã tạo ra một thời chính trị vô cùng phức tạp, điên đảo, một thời mà mọi người đều thấy rằng phải đạp lên lương tri, đạo lý để ”cướp quyền”, để thành công, để chiến thắng! Đấy chỉ là bí quyết hành động, trong một đại bi hài kịch của lịch sử!
Thành ra qua những cái tên mang mặc cảm tự sùng bái mình như thế, chúng ta có thể hiểu “lãnh tụ” là người có đầu óc, có tâm trí, có đạo lý như thế nào! Napoléon, Hitler cũng đều đã là những lãnh tụ có tâm thức tự cao tự đại, nhưng không gian trá đến mức quá tinh quái như thế! Bởi họ còn thua “bác Hồ” ở chỗ họ không biết tự ngồi viết sách để tự đề cao chính mình!
Thật tình, một người hết lòng vì nước vì dân, một chính danh quân tử, một trí thức lương thiện, thì không thể tự khoe mình, tự viết sách để ca tụng mình một cách ngông cuồng lộ liễu như vậy. Không ít người bênh vực nói “nhờ vậy mà “ông cụ” đã làm nên lịch sử”. Xét tới tận cùng lý luận trên những cơ sở như thế, cho phép ta giải thích những điều đã định hướng cho những hành động, những chọn lựa “khó hiểu, khó chấp nhận” của “bác Hồ”!
Lịch sử đã mang dấu ấn của một tham vọng, một mưu trí tột đỉnh tự tôn như thế. Hậu thế, phải đặt trên cơ sở phân tích thực tại đó, để mà có thể hiểu rõ vấn đề công tội, đạo đức của ”ông cụ”.
Không thể dễ dàng đưa ngay ra một lời đáp thoả đáng cho câu hỏi rất quan trọng này. Có lẽ; phải nhiều thế hệ sau, qua những công trình nghiên cứu tập thể nghiêm túc, khách quan thì may ra mới có thể đưa ra một kết luận có giá trị. Nhưng tôi nêu ra vấn đề là muốn mỗi người chúng ta, tự xét xem dân tộc đất nước đã thụ hưởng những gì, đã chịu đựng như thế nào những di sản, những hậu quả mà sự chọn lựa lịch sử của “cụ Hồ” đã mang lại… rồi từ đó mà tự đưa ra lời giải đáp chân thực cho riêng mình.
Khi cân nhắc những chọn lựa, những quyết định có tính lịch sử của “cụ Hồ” thì, về lâu, về dài, sẽ thấy phần lợi, phần hại là như thế nào. Tôi tin chắc rằng mỗi người dân, từng trải nghiệm đầy đủ những hậu quả của những chọn lựa hay quyết định ấy, sẽ có thể rút ra một kết luận công bằng để mà luận công tội cho “ông cụ” mà sẽ không cần phải tranh cãi với ai .
Trần Đức Thảo
Không có nhận xét nào