Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LỪA ĐẾN BAO GIỜ?

LỪA ĐẾN BAO GIỜ? Vài tuần trước, có một học sinh và một vị phụ huynh trường THPT NXO thông tin cho tôi: “Bọn em đầu năm học chỉ đăng ký học ...

LỪA ĐẾN BAO GIỜ?

Vài tuần trước, có một học sinh và một vị phụ huynh trường THPT NXO thông tin cho tôi: “Bọn em đầu năm học chỉ đăng ký học thêm các môn KHTN (Toán, Lý, Hóa, Sinh) nhưng bây giờ thì học đều gần như tất cả các môn thầy ạ! Thời gian học chính và học thêm kín hết cả tuần…”

Khi thiết kế chương trình PT thì Bộ GD cho rằng chương trình đã đảm bảo “tính khoa học, hiện đại, dân tộc, đại chúng, phù hợp, vừa sức…” Nhưng đến khi tổ chức thực hiện (hơn hai chục năm qua) thì các nhà trường lại dạy thêm và học thêm còn nhiều hơn học chính. Tiền học thêm lại gấp mấy chục lần học phí  học chính. Khi người dân chất vấn thì cũng chính cái bộ ấy trả lời trơ trẽn thế này: “Có cung thì có cầu, học thêm là nhu cầu chính đáng”? 

Thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng đậu gần như 100%, mới đây lại ấn nút coi bằng tại chức cũng như bằng chính quy… vậy thì học thêm làm gì cho lắm nữa nếu không phải là vì mục đích vụ lợi? Lừa dân để vét tiền là tôn chỉ đạo lý của kẻ làm thầy sao?

Thầy cô thì lương thấp, “đói thì đầu gối phải bò”, và thầy cô cũng ngây thơ mà nghĩ rằng, tiền dạy thêm là chính đáng, là từ sức lao động họ bỏ ra chứ họ có tham nhũng của ai đâu? 

Từ cái nguyên lý gốc (Bộ GD) đã nhập nhằng sai lầm khi thiết kế chương trình quá nặng so với thời lượng, dân gian thì ảo tưởng tham lam, cứ nghĩ học cho nhiều vào thì sướng, dẫn đến các nhà trường, thầy cô cũng ù ù cạc cạc, cứ thế dạy, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Cuối cùng mọi hậu quả thì dân lãnh hết. Cho nên, đáng lẽ ra, thầy cô và nhà trường phổ thông phải là những kỷ niệm đáng nhớ đẹp đẽ lại trở thành nỗi cay đắng thù hận đáng quên nhất với không ít các thế hệ học sinh. 

Hàng năm, có hơn 200 nghìn Cử nhân, Thạc sỹ thất nghiệp, gần 150 nghìn “lao động phổ thông” đi XKLĐ và con số đi “chui” qua Tàu, Thái, Lào, Căm… nữa thì không biết là bao nhiêu mà kể xiết. Trong số đó, có bao nhiêu học sinh từng đi học thêm học bớt, từng nộp bao nhiêu tiền vào túi thầy cô để rồi như vậy sao? Và có bao nhiêu Cử nhân phải thu cái bằng ĐH  để xin đi làm công nhân lao động giản đơn? Chúng ta xú HS đi học nhiều để làm gi? Chúng ta định lừa dân đến bao giờ?

Học nhiều không có gì sai, nhưng mục đích học nhiều của chúng ta đã hoàn toàn chệch hướng. Học nhiều là để có công việc nhàn hạ, ăn trên ngồi trốc chứ không phải là từ nhu cầu hiểu biết thuần khiết, từ nhu cầu đóng góp vào sự phát triển chung cho cộng đồng xã hội. Cho nên, học sinh Việt Nam học rất nhiều nhưng tệ trạng đất nước không có chiều hướng thuyên giảm mà ngược lại. Tình trạng tội phạm, tham nhũng, bất công, tiêu cực, độc ác cứ như đang có nguy cơ làm suy kiệt héo mòn cả dân tộc này. Ai có thể chứng minh được việc học nhiều, bằng cấp cao của người Việt Nam hiện nay với mối liên hệ tiêu cực bất công trong xã hội? Dụ dân học cho nhiều chẳng qua là lừa bịp dân để hốt bạc mà thôi. Cho nên, một nhóm người giàu cứ tiếp tục thừa mứa về vật chất, thừa đến mức đem tiền sang tậu nhà, tậu ruộng vườn bên Mĩ – Úc, còn đại đa số dân chúng thì cứ sống quẫn bách kiếp này sang kiếp khác. 

Mục đích của mọi sự phát triển (bao gồm giáo dục) là tạo ra sự công bằng bền vững nói chung cho mọi người, “không ai bị bỏ lại phía sau” chứ không phải là đào thêm hố sâu ngăn cách và lòng thù hận giữa các giai tầng xã hội. Một đất nước hạnh phúc không thể cứ mạnh ai nấy đi, mọi người cứ tìm cách để rời bỏ quê hương, ai cũng như vậy thì quê hương này còn lại gì? Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì hậu họa của một quốc gia thất bại là nhãn tiền.

Tôi không có ý trách lỗi các thầy cô khi biên tút này vì cái lỗi đó thuộc về các cấp quản lý giáo dục. Tuy nhiên, các nhà trường cũng cần biết rõ ranh giới trong quy định về việc dạy thêm – học thêm của Bộ GD. Các vị chỉ được tổ chức dạy khi có sự đồng ý tự nguyện của PHHS, đừng vì cái túi tham của mình mà gây thêm gánh nặng tiền bạc, đầy đọa sức lực tinh thần đối với PHHS. 

LVT, Diễn Châu, 22/12/2018



Không có nhận xét nào