LÝ THUYẾT CỦA MARX CHỈ LÀ CẶN BÃ CỦA VĂN HÓA ÂU CHÂU Lénine có viết: “ Chủ thuyết của Mác là tổng hợp nền triết học Đức, nền kinh tế Anh và...
LÝ THUYẾT CỦA MARX CHỈ LÀ CẶN BÃ CỦA VĂN HÓA ÂU CHÂU
Lénine có viết: “ Chủ thuyết của Mác là tổng hợp nền triết học Đức, nền kinh tế Anh và tư tưởng xã hội của Pháp.”
Bề ngoài thì có vẻ đúng, nhưng đi xâu vào vấn đề, xét từng trường hợp một, thì không phải vậy.
Có một nhà tư tưởng khác sau này có nói: “ Tư tưởng của Mác chỉ là cặn bã của nền văn hóa Âu châu đặc biệt là 3 nước Đức Anh và Pháp.”
Thực vậy, nếu nói tinh hoa văn hóa, triết học của Đức, người ta phải nói tới Goethe về văn chương, Kant của trường phái duy lý ( rationalism), Hégel, trường phái duy ý ( idéalisme) và nhiều triết gia khác, như Nietzsche, trường phái tự do, chứ không phải là trường phái duy vật (matérialisme) của Marx. Nếu ai đến nước Đức, để ý, thì thấy dân Đức không đề cao, tôn thờ hay đề cập nhiều đến Marx. Ngược lại, ở nước Đức, nhất là dân Tây Đức, người ta nói nhiều đến Kant, Hégel hay Nietzsche về triết học, và Goethe về văn học. Tại nước Đức, nhiều thành phố có viện Goethe, chứ không có viện Marx.
Đó là về triết lý, về kinh tế Anh, thì như thế nào? Phải chăng tư tưởng của Marx là tổng hợp truyền thống kinh tế Anh như Lénine nói ?
Cũng không phải như vậy.
Nhưng phải nói tư tưởng kinh tế của Marx đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi một nhà kinh tế Anh là David Ricardo ( 1772- 1823). Người ta có thể nói tư tưởng Thặng dư Giá trị ( la plus-value) của Marx là khởi đầu bởi Ricardo.
Có người cho rằng về phương diện kinh tế, Marx là học trò của Ricardo. Điều này cũng chỉ đúng một phần, và chỉ đúng về vấn đề giá trị hàng hóa, điều mà Marx đã viết và hoàn thành quyển Tư Bản luận đầu tiên; nhưng 2 quyển sau thì Marx không thể hoàn thành, phải đợi đến Engels.
Nhưng Engels chỉ tóm lược và đưa ra những lý luận liều lĩnh mà Marx thận trọng không dám lấy. Như vấn đề duy vật biện chứng, Marx cẩn thận không dám đi sâu vào lý luận, mà chỉ nhấn mạnh đến phần duy vật sử quan.
Cả hai người Ricardo và Marx đều cho rằng hàng hóa có giá trị là vì có những lượng lao động được tích lũy qua nhiều tiến trình đã tiềm ẩn ở trong hàng hóa đó. Tuy nhiên ở điểm này, cả 2 người gặp phải những khó khăn, mà ngày hôm nay chúng ta thấy rất rõ: Người ta đi câu cá, vì con cá nó có giá trị, hay vì người ta bỏ thì giờ đi câu nó, nên nó mới có giá trị.
Lấy trường hợp 2 người cùng đi câu một chỗ, một người vì giỏi câu hay vì hên, nên chỉ một giờ sau câu được con cá lớn. Người khia phải mất cả 10 giờ, mới câu được con cá nhỏ. Vậy 2 con cá, con cá lớn chỉ câu mất 1 giờ, còn con cá nhỏ, phải mất 10 giờ, con cá nào có giá trị.
Vì vậy thuyết cho rằng hàng hóa có giá trị, vì có lao động ngầm chứa trong hàng hóa đó, thuyết này chỉ đúng một phần, vì đụng phải giá trị chênh lệch của lao động.
Ricardo đã giải quyết vấn đề này qua trường phái tự do kinh tế, kinh tế thị trường, vì ông là một lý thuyết kinh tế quan trọng của Trường phái kinh tế thị trường, mà ông tổ là Adam Smith ( 1723-1790), cũng một người Anh. Nhưng Karl Marx không chịu, cố tìm cách giải quyết vấn đề một cách “ Khoa học “.
Đấy là sự khác biệt giữa Marx và Ricardo. Nhưng đây cũng chính là một cái bẫy, Marx tự giăng ra, và tự mắc vào, vì kinh tế là một khoa họ nhân văn, không phải khoa học chính xác như toán học ( 2+2=4).
Nền kinh tế Anh, ngay từ lúc đầu với Adam Smith, ông tổ của kinh tế thế giới, qua Ricardo, có thể nói là một phần của Marx, trong phần nói về giá trị hàng hóa, tới mãi sau này với Keynes ( 1883-1946) là trong trường phái kinh tế tự do, tôn trọng quyền tư hữu, tin tưởng ở tự do kinh tế, ở luật cung cầu của thị trường. Trong khi đó Marx chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, chủ trương kinh tế nhà nước, khác hẳn với kinh tế tư nhân; nên bảo tư tưởng của Marx là tổng hợp kinh tế Anh là sai.
Về tư tưởng xã hội của Pháp thì như thế nào?
Về điểm này, chúng ta không cần dài dòng, chúng ta chỉ nói đến 2 người cùng thời với Marx ( 1818-1883) là Pierre-Joseph Proudhon (1809-1865) và Victor Hugo (1802-1885).
Proudhon là người đã từng bút chiến với Marx, đã được Marx khen là người có những cái nhìn sắc bén về kinh tế.
Proudhon cùng ở trong và là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản cùng với Marx và Engels; nhưng Proudhon đã chống Marx và Engels đến kỳ cùng trong tổ chức này, vì Proudhon chủ trương chính sách vô trị, cũng như Bakounine (1814-1876), người Nga như Lénine, người có uy tín ở Nga hơn cả Lénine, và có ảnh hưởng với Proudhon ở Đệ Nhất quốc tế Công sản. Trong khi đó Marx chủ trương độc tài vô sản.
Proudhon đã từng tiên đoán: “ Nếu lý thuyết của Marx mà đượ áp dụng, thì nó sẽ trở thành con sán lãi ( le téniéa) của xã hội “. Ngày hôm nay, cả trăm năm sau, quả lời tiên đoán này là đúng. Đảng cộng sản là một chính quyền thứ nhì, đứng đằng sau chính quyền chính thức, hút hết máu mủ của dân.
Người thứ nhì có tư tưởng xã hội, nhưng chống cộng sản, đó là văn hào Victor Hugo. Ông viết rất nhiều sách bênh vực người nghèo, chống cường quyền như quyển Những Kẻ Bần cùng ( Les Misérables). Ông từng nói:
“ Bắt con đại bàng làm con chim chích, buộc con thiên nga làm con vịt trời, bỏ mọi người vào cùng một giỏ để xóc, để ai cũng như ai. Đó là cộng sản, và đó cũng là cái mà tôi không thích.”
Chỉ 2 tác giả cùng thời này cũng đủ cho ta thấy tư tưởng của Marx chẳng có ăn nhập gì với tư tưởng xã hội Pháp, như Lénine nói.
Tuy nhiên có một câu hỏi được đặt ra là vào những năm 20, ngày thành lập ra Đảng Cộng sản Tàu, 1921, bởi Trần độc Tú, Lý đại Siêu, Mao trạch Đông v.v…, ở Á châu nói chung và 2 nước Tàu và Việt Nam nói riêng, không có ai nhìn thấy cái sai trái của lý thuyết Marx, cặn bã của văn hóa Âu châu?
Câu trả lời là có.
Ở bên Tàu có Tướng Tưởng giới Thạch. Ở Việt Nam có cụ Phan bội Châu.
Tưởng giới Thạch, vào những năm 20, là đồ đệ của Tôn dật Tiên, người khởi xướng cuộc cách mạng Tân hợi 1911 ở bên Tàu, đã được họ Tôn gửi sang Liên sô để học. Nhưng ông chỉ ở lại có mấy tháng rồi trở về. Có người hỏi, tại sao ông không ở bên đó để học.Ông trả lời: ở bên đó không có cái gì để tôi học.
Ông nói tiếp: Một con người không có xương sống, thì suốt đời chỉ nằm và bò. Cộng sản chủ trương phá hủy, giết giai cấp trí thức và trung lưu, xương sống của một xã hội, nên tôi không có gì để học ở bên đó.
Cũng vào đầu những năm 20, cụ Phan bội Châu đang hoạt động ở bên Tàu, Hồ chí Minh đang sống ở bên Pháp. Cả 2 người đều được người của Đệ Tam quốc tế Cộng sản gặp, chiêu dụ vào tổ chức này. Hồ chí Minh thì chấp nhận và xem như đã tìm được chân lý, như lời ông tự thuật trong quyển Vừa đi đường vừa kể chuyện dưới tên Trần dân Tiên.
Nhưng cụ Phan bội Châu đã tìm cách từ chối khéo: “ Tôi chẳng duy vật và cũng chẳng duy tâm, tôi chỉ duy dân.”
Lý thuyết của Marx chủ trương duy vật, đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử. Theo ông, cách mạng cộng sản sẽ tất yếu xẩy ra, và chỉ xẩy ra ở những nước kỹ nghệ, vì chỉ ở những nước này mới có đội quân cách mạng cộng sản thực sự, tức những người thợ thuyền, những người vô sản, không có phương tiện sản xuất, chỉ biết bán sức lao động để sống.
Marx hy vọng cách mạng cộng sản tất yếu sẽ xẩy ra ở bên Anh, vì đây là quốc gia làm cách mạng kỹ nghệ đầu tiên trên thế giới.
Marx chờ hoài. Cách mạng cộng sản tất yếu không xẩy ra ở Anh. Marx quay sang hy vọng ở Đức. Nhưng cách mạng cộng sản tất yếu cũng không xẩy ra ở Đức. Rồi Marx chết vào năm 1883.
Điều này chứng tỏ lý thuyết cộng sản của Marx không gây được ảnh hưởng tại 3 nước Anh, Đức, Pháp nói riêng và những nước kỹ nghệ Âu châu nói chung. Ba mươi bốn năm sau, Lénine lấy lý thuyết của Marx, làm cuộc đảo chính ở Nga, nước chưa có kỹ nghệ, còn ở trong tình trạng nông nghiệp.
Một câu hỏi nữa được đặt ra : Phải chăng văn hóa Âu châu chỉ có những cái cặn bã như lý thuyết của Marx, mà không có những tinh hoa ?
Câu trả lời là văn hóa Âu châu có rất nhiều tinh hoa, mà những nhà lập quốc Hoa kỳ đã biết thâu tóm tất cả những tinh hoa của Âu châu, đặc biệt là 3 nước Đức, Anh và Pháp, trong bản Tuyên ngôn độc lập và Bản Hiến pháp Hoa kỳ.
Chúng ta hãy cùng nhau xem xét đâu là tinh hoa của 3 nước Đức, Anh, Pháp, mà những nhà lập quốc Hoa kỳ, từ Washington, John Adams, Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, Hamilton, v.v… và nhiều người khác, đặc biệt là 13 người Đại diện 13 tiểu bang lúc đầu, đã nắm vững, thấu hiểu, rồi dùng nó, áp dụng để lập quốc.
Trong những người trên, hai người tiêu biểu, một người đại diện cho văn hóa Đức Anh là nhà bác học Bejamin Franklin (1708-1790). Ông là người tự học, làm nhà in, nhà báo, sau nổi tiếng, rồi trở thành nhà bác học, nhà chính trị. Ông được xem là người soạn thảo chính ra bản hiến pháp Hoa kỳ.
Thomas Jefferson (174¬3-1826) là người tiêu biểu cho văn hóa Pháp, bạn của Diderot, Voltaire, d’Alembert, Condorcet, người soạn thảo ra bản Tuyên ngôn Độc lập, là Tổng thống thứ 3 của Hoa kỳ.
Có thể nói, người ta có thể tìm thấy phảng phất trong bản Tuyên ngôn độc lập, bản Hiến pháp Hoa kỳ những tinh hoa của 3 nước lớn Âu châu là Đức, Anh và Pháp, mặc dầu cách cuộc Cách mạng Cộng sản của Lénine xẩy ra sau 141 năm, nếu lấy năm 1776, ngày tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập và cách ngày thành lập đảng Cộng sản Tàu (1921) là 145 năm.
Chúng ta cũng xét từng quốc gia một trong lãnh vực triết học, văn hóa, văn chương, kinh tế.
Hãy bắt đầu bằng nước Đức. Với truyền thống triết học duy lý ( le rationnalisme) bắt đầu bởi Emmanuel Kant (1724-1804), chứ không phải chủ nghĩa duy vật của Marx, với câu nói nổi tiếng « Trời ở trên đầu tôi với những ngôi sao chiếu sáng và luật đạo đức trong người tôi. » Quan niệm trọng lẽ phải, không nói dối đã ảnh hưởng sâu đậm đến những nhà soạn thảo hiến pháp Hoa kỳ.
Ngoài ra quan niệm thương người, thương vật, yêu thiên nhiên, chống lại chủ thuyết bạo quyền của Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) qua câu « Bạn ơi, tất cả những chủ thuyết đều có màu xám xịt, chỉ có con người, cuộc sống và thiên nhiên mới có màu xanh !«
Ngày hôm nay những người trong Đảng Xanh của Đức cho rằng Goethe là người đi trước cũng không ngạc nhiên.
Ngoài ra Đức còn rất nhiều những triết gia, trong đó có Friedrich Nietzsche ( 1844-1900) của trường phái tự do, không theo trường phái nào. Ông có một câu nói nổi tiếng: « Sự tôn thờ một chủ thuyết quá độ không những là một sự lừa dối chính bản thân mình, sự lừa dối những người khác, và hơn thế nữa là một tội ác. »
Lénine đã tôn thờ chủ thuyết của Marx một cách quá độ, tiếp theo là Staline, Mao, Hồ và Polpot, cùng nhiều lãnh tụ khác của những nước Á Phi, Nam Mỹ theo cộng sản, đã mang lại thảm họa cho nhân loại, với 100 triệu người chết vì cộng sản, được chứng minh qua quyển sách Quyển Sách Đen về chủ nghĩa cộng sản (Le Livre noire du Communisme), của những sử gia Pháp như Stéphane Courtois, Margolin v.v…
Chính vì vậy mà ông Ronald Reagan Tổng thống Hoa kỳ (1980-1988), có thể nói tương đương với thời kỳ của Đặng tiểu Bình trở lại nắm chính quyền từ năm 1978, cho tới khi biến cố Thiên an Môn 1989 xảy ra, đã nói: « Lịch sử nhân loại có nhiều trang sử đau thương và đẫm máu nhưng không có trang sử nào đau thương và đẫm máu bằng những trang sử cộng sản. »
Với nước Anh, nước này có một truyền thống dân chủ, kinh tế và triết học có thể nói là lâu đời, với những người như Shakespeare (1564-1616), Hobbes ( 1588-1679), Lock (1632-1704), Adam Smith ( 1723-1790), Keynes (1883-1946). Và cũng là nước dẫn đầu trong vấn đề dân chủ, làm cách mạng kỹ nghệ đầu tiên, dẫn đầu trong tư tưởng kinh tế.
Lénine nói tư tưởng của Marx là tổng hợp kinh tế Anh là không đúng. Không cần chứng minh dài dòng : truyền thống kinh tế Anh là kinh tế tự do, thị trường, tôn trọng quyền tự do tư hữu và quyền tự do kinh tế, như chủ trương của Adam Smith, trong khi đó Marx chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, kinh tế tập trung, do nhà nước quyết định.
Về triết lý, Lock chủ trương sự khoan dung, độ lượng giữa những thành viên của một xã hội, trong khi đó Marx chủ trương đấu tranh giai cấp. Lock chủ trương xây dựng xã hội dân sự, dựa trên quyền tư hữu ; trong khi đó Marx chủ trương tiêu diệt quyền tư hữu và xã hội dân sự.
Phải kể thêm tính cách phong phú, nhân bản, chống bạo quyền, tiền tài và quyền lực của William Shakespeare (1564-1616). Ông cho rằng tiền tài và quyền lực là hai thứ dễ làm hư con người nếu dùng nó không cẩn thận và cần phải có những lực kềm chế nó. Những vỡ kịch của ông đi từ tình yêu như Roméo và Juliette, đến Hamlet, Antoine và Cléopatre, cùng rất nhiều vở kịch khác, thật là uyên bác và phong phú.
Người ta có thể nói tinh thần của Shakespeare đã ăn sâu vào đầu óc những nhà lập quốc Hoa kỳ.
Đó là đối với Đức và Anh còn với Pháp thì sao?
Như trên đã nói, người thấm nhuần văn hóa Pháp là Thomas Jefferson, bạn của Condorcet, Diderot, Voltaire, với câu nói nổi tiếng: « Tôi biết rằng anh khác ý kiến tôi, nhưng tôi vẫn cố gắng tranh đấu để anh được phát biểu. »
Bản Tuyên bố độc lập mở đầu bằng câu « Mọi người sinh ra đều bình đẳng………Chính quyền được lập ra là để bảo vệ hạnh phúc và an ninh của dân. « Đó là một khế ước xã hội ( Contrat social), nếu chính quyền, tức kẻ cầm quyền không làm tròn khế ước này, thì người dân, tức kẻ bị trị, có quyền truất phế chính quyền. Đó cũng là tinh thần của quyển Le Contrat social của Jean Jacques Rousseau.
Tinh thần tam quyền phân lập rõ ràng, mà người ta thấy trong Hiến pháp Hoa kỳ, đó chính là tinh thần của quyển Về tinh thần luật pháp (De l’Esprit des Lois) của Montesquieu.
Ngoài ra Thomas Jefferson còn là bạn thân của Condorcet, một người quí tộc, nhưng đi theo Cách mạng Pháp 1789 ngay từ lúc đầu. Người ta có thể nói ông là tác giả đầu tiên Bản Tuyên ngôn nhân quyền, và là tác giả của một chương trình giáo dục hiện đại nhất lúc bấy giờ, và cũng là tác giả của luật Cưỡng bách giáo dục, bắt tất cả các chính quyền phải cho bất cứ một con em nào, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giai cấp, được đi học khi còn vị thành niên.
Chính Jefferson đã lấy chương trình của bạn mình áp dụng cho tiểu bang Virginie, nơi ông làm thống đốc, sau đó cho Hoa kỳ, khi ông lên làm tổng thống thứ 3.
Tóm lại, vì là cặn bã của văn hóa Âu châu, đặc biệt là của 3 nước Đức, Anh, Pháp, nên hậu quả của lý thuyết Mác trong suốt thế kỷ 20 vừa qua và vẫn còn cho tới ngày hôm nay đã mang đến biết bao đau thương, thảm họa cho nhân loại.
Những quốc gia nào, cá nhân nào còn tôn thờ lý thuyết này, nên suy ngẫm lại.
Paris ngày 24/12/2018
Chu chi Nam và Vũ văn Lâm
Không có nhận xét nào