Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MACRON

MACRON Sau một tháng Áo Vàng biểu tình, Macron lên TV nói chuyện với dân, xin lỗi đã có những lời nói có thể xúc phạm, hay những quyết định ...

MACRON

Sau một tháng Áo Vàng biểu tình, Macron lên TV nói chuyện với dân, xin lỗi đã có những lời nói có thể xúc phạm, hay những quyết định chính trị khiến một số bất mãn. 
Chỉ sau gần 2 năm cầm quyền, người ta thấy một Macron khác hẳn.  Một thanh niên bảnh trai, đầy tự tin, quá tự tin những ngày đầu đã nhường chỗ cho một Macron già hẳn đi ở tuổi 40, má hóp, hai mắt trũng vì mất ngủ ( ông ta chỉ ngủ 4 giờ một đêm ). Cũng như Sarkozy bạc tóc sau một năm cầm quyền
Người ta vẫn nói Tổng Thống Pháp là vị lãnh đạo được hiến pháp cho nhiều quyền nhất trong các nước dân chủ. 
Trên thực tế, làm tổng thống Pháp là cái nghề khó nhất, điên đầu nhất. Làm bất cứ cái gì, nói bất cứ cái gì cũng bị ít nhất là một nửa nước chống lại, đả kích, hay xuống đường. 

Từ Giscard, tới Sarkozy, Hollande, không ông nào tái đắc cử . Từ cách mạng 1789 , thói quen của dân Pháp là lấy đầu ông vua, theo nghĩa đen với Louis 16, nghĩa bóng với các ông tổng thống do chính họ chọn.
De Gaulle nói làm sao có thể cai trị được một dân tộc có 258 thứ fromages ( phó mát ), mỗi ông một sở thích, mỗi bà một  ý.
Câu hỏi đặt ra, tại sao người ta chọn làm chính trị ở một xứ như nước Pháp, và trong đầu chính trị gia nào cũng mơ cái ghế bộ trưởng, thủ tướng, và số độc đắc là điện Elysées, dinh Tổng Thống ?

Vì danh vọng ? 
Một ông cựu Thủ tướng hay tổng thống, trừ De Gaulle, không được trọng vọng hơn một ông đầu bếp 3 sao hay một danh ca

Vì tiền ? 
Hầu hết các bộ trưởng Pháp đều tốt nghiệp các ‘’ trường lớn ‘’( Grandes Écoles ), nếu ra làm tư, chắc chắn sẽ lãnh lương gấp 3, 4 hay hàng chục lần nếu đứng đầu các đại công ty. Ngay cả làm công chức cấp cao sau khi tốt nghiệp ENA, lương cũng lớn hơn lương bộ trưởng mà không lo ngay ngáy bị mất việc.
Tham nhũng cũng có, nhưng hiếm hoi, và những tay láu cá nhất như Balkany cuối cùng cũng bị lật tẩy, chờ ngày ra tòa. 
Với báo chí, tư pháp độc lập, với các hội đoàn, các phe phái đối lập soi mói, rất khó làm chuyện lem nhem. Jérôme Cahuzac, nếu hành nghề bác sĩ thẩm mỹ, chẳng ai biết ông ta dấu tiền bên Thuỵ Sĩ. Nếu sở thuế phát giác, cũng chỉ bị phạt tiền. Trở thành bộ trưởng nặng ký nhất của Hollande, Cahuzac bị báo chí điều tra, phanh phui, tố cáo, đã bị cách chức, lãnh án 3 năm tù ở.

Vì quyền hành ? 
Một chính trị gia nói : tôi ý thức được là mình hết làm bộ trưởng, khi trèo lên ghế sau xe hơi , không thấy xe chạy.
Sự thực, quyền hành cũng chỉ tương đối. Nước Pháp tôn trong bình đẳng. Một ông bộ trưởng hơi nặng tiếng với cô thư ký, hôm sau sẽ thấy tên mình trên La Canard Enchainé, một tuần báo trào phúng đã làm bay chức nhiều bộ trưởng. Nhân viên trong các bộ đa số là công chức, nghĩa là không có chuyện bị sa thải.
Đúng ra, quyền ở đây hiểu theo nghĩa quyền được quyết định, quyền được thực thi những chính sách mà mình cho là hữu hiệu. Nhưng ngay cả cái quyền này cũng rất giới hạn. Hành pháp bị lập pháp, tư pháp kiểm soát, bị báo chí theo dõi, bị các nghiệp đoàn, các tổ chức dân sự làm áp lực. Và nhất là bị 258 thứ fromages hạch sách, chửi bới, đòi hỏi. 
Ngay cả các dân biểu, nghị sĩ cùng một đảng cũng gây khó dễ, vì không muốn hành pháp làm gì mất lòng dân, để chính họ cũng sẽ bị thất cử, bị dân cho về vườn.
Vì công việc nhàn hạ ? 
Trái lại, ở một xứ tuần lễ 35 giờ, bộ trưởng, dân biểu thường thường không có giờ nghỉ, không có weekend, ít khi thấy mặt vợ con, ít khi ăn cơm gia đình. 
Nếu vậy, tại sao rất nhiều, quá nhiều người làm chính trị ở Pháp ? 
Có lẽ vì ghiền. Như người ta ghiền đá banh, thuốc lá, thuốc phiện. Người ghiền, chỉ có họ hiểu nhau. Không thể giải thích cho người ngoài cuộc.
Nhân dịp, cũng không nên quên các ông bà '' maires '', thị trưởng các tỉnh nhỏ hay các làng xóm. Đó là những người thực sự là '' đầy tớ dân '', đứng ra cáng đáng đủ mọi việc công ích, với một lương bổng khiêm tốn, gần như tượng trưng. Không có họ, không có dân chủ, không có sinh hoạt cộng đồng.
Từ Thức



Không có nhận xét nào