MỸ LẦN ĐẦU TIÊN TRỞ THÀNH NƯỚC XUẤT KHẨU RÒNG DẦU SAU HƠN 7 THẬP KỶ Tuần trước Mỹ đã lần đầu trở thành quốc gia xuất khẩu ròng dầu mỏ sau g...
MỸ LẦN ĐẦU TIÊN TRỞ THÀNH NƯỚC XUẤT KHẨU RÒNG DẦU SAU HƠN 7 THẬP KỶ
Tuần trước Mỹ đã lần đầu trở thành quốc gia xuất khẩu ròng dầu mỏ sau gần 75 năm. Đây là một bước tiến đáng kể trong mục tiêu đưa nước Mỹ “độc lập và thống trị năng lượng” do Tổng thống Donald Trump thúc đẩy.
dau-mo-My
Nhà máy lọc dầu tại Corpus Christi, Texas. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)
Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), từ năm 1949 Mỹ luôn là nước nhập khẩu ròng dầu. Tuy nhiên, vào tuần trước, nhập khẩu ròng dầu và xăng hàng tuần của Mỹ đã giảm xuống âm 211.000 thùng/ngày, có nghĩa là Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu ròng dầu. Washington đạt được điều này là do tăng xuất khẩu dầu thô hàng tuần lên mức kỷ lục hơn 3,2 triệu thùng/ngày.
Được biết, nhập khẩu ròng xăng dầu của Mỹ đạt đỉnh vào năm 2005 với hơn 14 triệu thùng/ngày. Sau đó, sản lượng nhập khẩu này đã dần dần giảm xuống và trong vài tháng gần đây nhập khẩu dầu giảm trung bình 2 triệu thùng/ngày. Khuynh hướng này là kết của của nhiều yếu tố, trong đó có việc tăng sản lượng khai thác dầu thô và khí hóa lỏng nội địa.
Theo EIA, sản lượng sản xuất dầu tại Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2012 nhờ vào cách mạng dầu đá phiến. Mỹ đã khai thác được nhiều dầu đá phiến hơn nhờ phát triển công nghệ mới trong khai thác dầu – công nghệ ép thủy lực.
Trong nửa thế kỷ qua, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Ả Rập Saudi đứng đầu quyết định phần lớn thị trường dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, điều này gần đây đã có thay đổi khi Mỹ tăng sản xuất dầu đá phiến.
Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã biến Mỹ trở thành nhà sản xuất xăng dầu lớn nhất thế giới khi trong những tháng gần đây họ đã vượt qua cả Ả Rập Saudi và Nga.
Báo cáo Tầm nhìn Năng lượng Thế giới mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Mỹ sẽ là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường dầu mỏ quốc tế, chiếm gần 75% tăng trưởng sản lượng dầu toàn cầu từ nay tới năm 2040.
Tin tức về việc Mỹ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu mỏ tuần qua bị lu mờ đi khi đúng vào thời điểm OPEC họp mở rộng để quyết định về sản lượng dầu trong ngắn hạn.
Theo Epoch Times, cuộc họp các thành viên OPEC và Nga hai ngày từ ngày 7/12 tại Vienna, Áo, cuối cùng đã đi đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu, bác bỏ lời kêu gọi tăng sản lượng dầu cao hơn và giảm giá dấu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ả Rập Saudi, Nga và các thành viên còn lại của OPEC đã thông báo sẽ cắt giảm sản lượng ở mức 1,2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.
Theo thỏa thuận mà OPEC và Nga vừa đạt được, các thành viên OPEC sẽ giảm sản lượng dầu tổng cộng 800.000 thùng/ngày, trong khi đó các nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC do Nga dẫn dắt sẽ cắt giảm 400.000 thùng/ngày.
Ngay sau khi OPEC thông tin về kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô, giá dầu WTI (West Texas Intermediate) tại Mỹ đã tăng hơn 4% đạt 53,7 USD/thùng và giá dầu Brent quốc tế tăng gần 5%, lên 63 USD/thùng.
Tổng thống Trump thời gian qua liên tục yêu cầu OPEC và Ả Rập Saudi thúc đẩy giảm giá dầu. Một ngày trước cuộc họp OPEC và Nga, ông Trump qua Twitter cũng đã gửi tiếp một thông điệp cho các nhà sản xuất dầu mỏ.
Hôm 5/12, ông Trump viết: “Hy vọng OPEC sẽ giữ dòng dầu như hiện tại, không giới hạn. Thế giới không muốn nhìn thấy và không cần giá dầu cao hơn”.
Tuy nhiên, cuối cùng thông điệp của ông Trump đã không được OPEC thực hiện. Dù vậy, thỏa thuận giảm sản lượng này chỉ trong ngắn hạn 6 tháng và các nước xuất khẩu dầu sẽ đánh giá lại cán cân cung-cầu dầu mỏ thế giới vào tháng 4/2019 để đưa ra các kế hoạch tiếp theo.
Theo Bloomberg, trong cuộc họp của OPEC vừa qua, Iran là nước phản đối việc cắt giảm sản lượng dầu và cuối cùng nước này được các nước khác đồng ý cho miễn trừ cắt giảm. Ngoài ra, Venezuela và Libya cũng nằm trong danh sách miễn trừ.
Epoch Times dẫn đánh giá của Goldman Sachs trong một báo cáo gần đây cho biết việc OPEC và Nga cắt giảm sản xuất dầu sẽ đưa hàng tồn kho trở về mức trung bình 5 năm qua của họ và làm tăng nhẹ giá dầu, nhưng sẽ không tăng quá cao.
“Chúng tôi dự báo giá dầu Brent tăng nhẹ trở lại đạt mức trên 70 USD/thùng vào đầu năm 2019 – một mức giá phù hợp với hàng tồn kho đã được chuẩn hóa, nhưng chưa đủ cao để kích thích quá mức các hoạt động khoan dầu đá phiến”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định
Alice Nguyen (ST)
Không có nhận xét nào