NÈN TẢNG CỦA TỰ DO Tự do là gì? Tự do có bị giới hạn không? Tự do của người dân và tự do của chính thể khác nhau như thế nào? Rõ ràng có rất...
NÈN TẢNG CỦA TỰ DO
Tự do là gì? Tự do có bị giới hạn không? Tự do của người dân và tự do của chính thể khác nhau như thế nào?
Rõ ràng có rất nhiều sự lầm lẫn lớn về tự do không giố hạn và tự do trong cái nội tại tự nhiên không bị ngăn trở của nó.
Tự do, nếu không có luật pháp và đạo đức, con người sẽ rơi vào sự hoang dã và man rợ. Và đây là một trạng thái mông muội mà con người đã từ bỏ nó để đi vào đời sống xã hội.
Kant và Voltaire đã khẳng định: tuân theo luật pháp để được tự do. Và điều này một lần nữa John Locke cũng như thánh Augustine đều đã chỉ ra rất chắc nịch về tính chân lý của nó: tự do của người dân chính là tự do mà chính quyền phải đảm bảo bằng luật pháp và chính quyền phải tuân thủ nó trước hết. Nếu không còn luật pháp thì xã hội sẽ không thể có công lý có tổ chức (John S.Mill).
Vì thế, khi đi vào đời sống có tính chất xã hội, con người đã từ bỏ tự do hoang dã và sống với tự do có tổ chức của mình. Tức rằng, mỗi cá nhân trong xã hội đều đã xác lập một khế ước chung với nhau về sự tự do có giới hạn của bản thân mỗi cá thể khi đứng trước tự do của những người khác. Tự do lúc này được hiểu là tự do không bị ngăn cản bởi cái nội tại trong chính nó, nhưng nằm ở phía giới hạn tự do thuộc về cá nhân ở những người còn lại.
Trong bất cứ chính thể nào, Hiến pháp các quốc gia đều sẽ ngăn chặn sự lạm quyền, tức thiết chặt sự kiểm soát đối với quyền lực nhà nước, và từ đó mở rộng tự do cho người dân. Và mỗi nười dân khi hành xử với nhau, một cách tự do nhất, nhưng là trong phạm vi không xâm phạm vào tự do của những người khác, trừ khi nhận được sự đồng thuận từ phái họ.
Nếu chính thể càng trở nên tự do thì người dân trong xã hội sẽ dần mất đi tự do của mình. Dần dần, phạm vi đó sẽ càng bị bó hẹp lại đến mức chính thể thấy rằng, tự do đó đã không thể tạo nên sức mạnh nào để gây ảnh hưởng hay tác động được tới chính thể nắm quyền nữa. Do vậy, bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào, luật pháp phải đặt ra một cơ chế để kiểm soát những gì thuộc về chính quyền để đảm bảo tự do cho những người dân sự trong xã hội.
Tuy nhiên, con người tuân theo luật pháp để được tự do, nhưng một khi luật pháp trở nne bất công hoặc không còn hữu dụng nữa, mỗi người dân sẽ sử dụng luật tự nhiên, nơi mà lẽ công bình và lẽ phải được sử dụng để làm cơ sở cho các hành động của mình có hiệu lực. Và bất cứ ai cũng phải có nghĩa vụ để chống lại những thứ bất công đó, trong đó có luật pháp đang hiện diện và được duy trì.
Nếu hiểu tự do theo cái phẩm chất tự nhiên của nó, thứ mà người ta đã quy ước với nhau và đặt nó vào trong luật pháp để cùng tuân theo, lúc đó chúng ta mới có được tự do thực sự của nó. Bằng không, khi không có luật pháp và đức hạnh dẫn lối, con người chắc chắn sẽ có tự do, nhưng là tự do của sự man rợ va hoang dại của những con vật.
Không có luật pháp hoặc luật pháp bất công, thì chính quyền là một tổ chức cướp bóc, tức là một tổ chức tội phạm có quyền hành. Và tình trạng mất an ninh cao độ như vậy thì Hobbes và Bastiat đã mô tả không thể hay hơn được nữa trong các tác phẩm của mình.
Và để tránh mọi sự tha hoá cũng như sự tập trung quyền lực để trở nên độc tài, mỗi nhánh quyền lực của chính thể sẽ phải trở nên độc lập với các nhánh khác và có thể kiểm soát lẫn nhau bằng những thẩm quyền riêng biệt mà những nhánh khác không thể có được. Để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, tức là khi tự do của người dân được mở rộng tối đa trước chính quyền, buộc phải phân chia các quyền lực nhà nước ra càng độc lập và càng bị giới hạn sẽ càng tốt bấy nhiêu cho sự vận hành của nó.
Tự do của người dân được đặt vào trong hai khung cảnh: tự do trước chính thể (nhà nước), tự do này là tuyệt đối vì người dân là chủ của quyền lực; tự do trước những con người dân sự khác trong xã hội, tự do này bị giới hạn bởi các giá trị tự do của những người khác mà bất cứ một con người tự nhiên nào cũng có được và nhận được các sự bảo hộ như nhau.
Cái Khã Thể
Không có nhận xét nào